Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

2028 - Bản tin ngày 29-6-2020

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Facebooker Phạm Thắng Nam dẫn tin từ Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, hôm 27/6, thông báo: Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tập trận này mang tên “Cảnh sát không phận 0059”, diễn ra từ ngày 1/7 đến hết ngày 5/7.

Địa điểm khu vực tập trận được giới hạn bởi 6 điểm ở tọa độ A,B,D,E,F. Nguồn: Phạm Thắng Nam

Ông Nam nhận định: “Có thể đây là cuộc tập trận đổ bộ chiếm một đảo nào đó trong quần đảo Hoàng Sa, và là một cuộc thực tập chuẩn bị cho việc tấn công chiếm quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan quản lý”.
Ông Đặng Sơn Duân bình luận: “Một điều không thể không nhắc đến là cuộc tập trận diễn ra giữa lúc có nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc có thể sẽ thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, mà một trong số các phương án là ADIZ chỉ bao phủ khu vực quần đảo Hoàng Sa. Liệu đây có phải là một cuộc tập trận nhằm chuẩn bị và kiểm tra khả năng thiết lập và thực thi ADIZ ở Hoàng Sa hay không? Chúng ta cần phải chờ thêm nhiều chi tiết về cuộc tập trận này mới có thể phán đoán“.
Trang VnExpress có bài: Hai tàu sân bay Mỹ diễn tập ở cửa ngõ Biển Đông. Tin từ Hải quân Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan diễn tập hiệp đồng ở Biển Philippines từ ngày 28/6, nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực.
Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, nói: “Các chiến dịch hiệp đồng của hai nhóm tàu sân bay thể hiện cam kết phản ứng nhanh chóng, linh hoạt và lâu dài của Mỹ trong thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như khả năng triển khai sức mạnh chiến đấu đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đối đầu những nước thách thức quy tắc quốc tế”.
Về tàu Hải Dương 4, hôm qua, ông Phạm Nam Thắng cho biết: Tàu Hải Dương 4 đã quay đầu, không đi vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, mà trở lại vùng biển gần Đá Châu Viên, tiếp tục khảo sát khu vực phía nam. Còn tàu Hải Dương 8 vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam, di chuyển xung quanh vĩ tuyến 18. Trong khi đó tàu Hải Dương 10 đã trở về đảo Hải Nam, sau khi khảo sát vùng biển gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Tàu Hải Dương 10 của TQ, được trang bị các thiết bị khảo sát hiện đại, có các Ăng ten để liên lạc qua vệ tinh. Nguồn: FB Pham Nam Thang

Báo Pháp luật TP.HCM dẫn tin từ South China Morning Post ngày 28/6 nói rằng, Biển Đông: Có mạch nước ngọt dưới Đá Chữ Thập. Tin dẫn nguồn từ một nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Trung Quốc về Biển Đông cho biết, Trung Quốc phát hiện mạch nước ngọt ở Đá Chữ Thập mà họ đã bồi đắp trái phép, thuộc quần đảo Trường Sa và có thể lợi dụng thông tin này củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp.

Đá Chữ Thập được bồi đắp trái phép trên biển Đông, nơi TQ vừa tuyên bố có mạch nước ngọt. Nguồn: Nhân Dân Nhật báo

Bài viết có đoạn: “Bắc Kinh sẽ muốn tuyên bố việc phát hiện ra mạch nước ngọt là bằng chứng cho thấy Đá Chữ Thập có khả năng duy trì sự sống và có thể đưa người ra cư trú lâu dài để đòi công nhận bãi đá này có vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và thềm lục địa bao xung quanh”.
Zing có bài: TQ mưu đồ kiểm soát thông tin với hệ thống cảm biến ở Biển Đông. Tin cho hay, Trung Quốc đã triển khai mạng lưới cảm biến và khả năng liên lạc giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, ngoài mặt để giám sát thông tin môi trường, nhưng thực chất là để kiểm soát Biển Đông.
Báo Người Lao động có bài: Mỹ hoan nghênh lập trường của ASEAN về biển Đông. Hôm 27/6, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố: “Mỹ hoan nghênh lập trường của các nhà lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không được phép xem biển Đông là đế chế hàng hải của mình”.
Trước đó, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội hôm 26/6, các nhà lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố quan ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, cũng như tầm quan trọng của việc thực thi luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tại vùng biển tranh chấp này.
RFA có bài của TS Hoàng Đình Thắng: Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 chuyển thái độ? Tác giả nhận định: “Nếu trước đây, có lần ASEAN đã không ra được Tuyên bố chung về Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực/PCA năm 2016, thì ở Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 vừa qua tại Hà Nội, Chủ tịch ASEAN đã đưa ra được một Tuyên bố khá cứng rắn đối với việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông trên cơ sở lịch sửCó thể coi đây là một bước tiến mới cho thấy ASEAN bắt đầu thống nhất lập trường, chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc?”
Vụ bắt bớ các nhà hoạt động đưa tin về Đồng Tâm
Sáng nay, 29/6, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ông đã đến Cơ quan An ninh Điều tra TP.Hà Nội để làm thủ tục bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương, theo đơn yêu cầu luật sư của ông Phương được lập với văn phòng luật sư Đặng Đình Mạnh hồi tháng 3/2020, sau sự kiện Đồng Tâm xảy ra.
Tuy nhiên, luật sư Mạnh cũng không mấy hy vọng sẽ được cho phép tham gia vào vụ án này ở giai đoạn điều tra như các vụ án khác vì “lý do an ninh”. Luật sư Mạnh nhận định: “Theo thông lệ, sau khi tiếp nhận thủ tục đăng ký bào chữa của luật sư, thì Cơ quan Điều tra sẽ xin ý kiến của Viện Kiểm sát cùng cấp để ra văn bản giới hạn sự tham gia của luật sư trong vụ án ở giai đoạn điều tra”.
Hôm Chủ nhật, tại Nhà thờ Thái Hà, thuộc Dòng Chúa cứu thế Hà Nội đã tổ chức Thánh lễ Công lý và Hòa Bình cầu nguyện bình an cho gia đình bà Cấn Thị Thêu.
Facebooker Phạm Thanh Nghiên viết: “Vợ Trịnh Bá Phương kể, trước hôm bị bắt, Phương bảo ‘giờ mới nhớ ra từ lúc sinh con chưa chụp chung với nó tấm hình nào’. Vợ Phương trả lời, ‘thôi mai chụp cũng được’. Và mai Phương bị bắt. Không biết bao giờ Phương mới thực hiện được dự định chụp hình chung với đứa con thứ hai. Bây giờ bé con mới chào đời, đến khi được chụp hình với bố, chắc cũng lớn rồi“.
Cũng trong hôm nay, cả bốn trang facebook của bà Cấn Thị Thêu và hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và bà Nguyễn Thị Tâm đã hoàn toàn biến mất. Nhiều khả năng là Facebook đã xóa bỏ trang cá nhân của họ theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, qua đó đã xóa bỏ tất cả các thông tin liên quan đến vụ thảm sát Đồng Tâm được lưu trữ trên facebook của họ.
Tin liên quan về vụ Đồng Tâm, theo luật sư Lê Văn Hòa cho biết, hôm nay nhóm các luật sư bào chữa cho 29 bị can trong vụ Đồng Tâm đã đến Trại tạm giam của Công an TP. Hà Nội để gặp gỡ các thân chủ của họ, nhưng phía trại giam đã không chấp thuận cho cuộc gặp gỡ này. Cán bộ Trại nói: “sẽ báo cáo lên cấp trên để sớm giải quyết”.

Nhóm các luật sư vụ án Đồng Tâm (từ trái qua phải): LS Ngô Ngọc Trai, Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Lê Văn Hòa. Nguồn: FB Lê Văn Hòa

Thêm tin Nhân quyền
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, cho biết, Toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng dự kiến tổ chức phiên toà sơ thẩm vào ngày 7/7, để xét xử ông Nguyễn Quốc Đức Vượng, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của BLHS, với khung hình phạt từ 7-12 năm tù giam.
Ông Ngữ cho biết, luật sư Nguyễn Văn Miếng đã gặp ông Vượng trong trại giam để chuẩn bị bào chữa. Ông Vượng chưa được gặp gia đình kể từ khi bị bắt hồi tháng 9 năm 2019. Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cho rằng ông Vượng vô tội, yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xoá bỏ cáo buộc và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông.
Tháng 9/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng kêu gọi chính quyền VN trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Vượng. Tổ chức này này nhận định: “Ông Nguyễn Quốc Đức Vượng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ dân chủ ở Việt Nam và phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam tham nhũng và độc quyền”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét