Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

1988 - Làm sao định được tốc độ ‘giàu’ và khối lượng tài sản của cán bộ lãnh đạo?


Hình minh họa kê khai tài sản.

Để chuẩn bị cho Đại hội 13 sắp tới, công tác nhân sự đang là vấn đề mà lãnh đạo đảng cộng sản cho là ưu tiên hiện nay.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về vấn đề nhân sự khẳng định quyết tâm không để lọt vào Ban Chấp hành TƯ khóa 13 những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.
Vẫn theo người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo nhưng ông Trọng cho rằng với mức lương nhà nước hiện nay mà “giàu nhanh” là bất thường, cần phải loại ra khỏi quy hoạch nhân sự khóa mới.
Nhận xét về phát biểu vừa nêu của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội bày tỏ:
“Theo tôi từ xưa đến nay họ vẫn nói như vậy chứ chẳng có thước đo thế nào giàu bất thường và loại ra làm sao. Tóm lại ông ấy nói như vậy thì dân không đường nào kiểm soát phát biểu của ông ấy.”
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội lại cho rằng phát biểu của người đưa ra chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng chỉ là cách ông Nguyễn Phú Trọng đang cố lấy lại uy tín cho cán bộ của ông. Do đó, phát biểu này không đưa ra rõ hướng giải quyết mà chỉ nói chung chung:
“Thực sự thế nào là giàu nhanh bất thường, thế nào là giàu chầm chậm, tất cả những cái đấy rất tù mù và thực sự phải có những quy định luật pháp rất rõ ràng và trước khi làm gì đấy thì phải khai báo tài sản một cách công minh. Tôi nghĩ bây giờ những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam ở chức cao thì người nào cũng giàu, rất giàu là khác. Thế nào là giàu nhanh, giàu chậm, chính đáng hay không chính đáng? Có thể bản thân những người đó tham nhũng mà đại bộ phận chắc là như vậy là một chuyện, nhưng biết đâu lại có người nào đó, số rất ít thôi nhưng mà người ta thực sự giỏi, làm ăn gì đó. Vậy tại sao lại lấy tiêu chuẩn tù mù để chặn người tài? Tôi nghĩ là phải rạch ròi tham nhũng là phải xử, chứ tham nhũng không cho vào trung ương thì cấp tỉnh, huyện, xã tham nhũng thì cũng khinh khủng lắm.”
Trao đổi với RFA tối 25/6, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng nếu thực hiện đúng theo chủ trương của người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam loại bỏ những người giàu bất thường thì có lẽ bộ máy nhà nước sẽ trống rỗng do không còn ai ở các vị trí đó nữa.
“Chúng ta thấy tình trạng mà ai cũng biết là các đảng viên, nhất là những người ở vị trí cao thì các mức lương không thể giàu được, nhưng ví dụ như tài sản có nguồn gốc từ gia đình hay gì đó thì khác. Nếu nói theo ông Tổng Bí thư là những người ‘giàu nhanh bất thường’ mà loại ra khỏi vị trí thì đây là điều bất khả thi, không thể xảy ra được.”
Đồng quan điểm vừa nêu của Nhà báo Ngô Nhật Đăng, Luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ:
“Bất kể người dân nào cũng thấy được các quan chức ngày nay đa phần có những nguồn thu nhập bất chính, nhìn các tài sản, nhà cửa, đất cát, xe ô tô… rồi con cái họ đi du học nước ngoài thì ai cũng có thể thấy được rằng đa phần họ có những thu nhập bất hợp pháp. Có thể đây là tình trạng phổ biến trong xã hội, người dân ai cũng nhận biết nhưng với cơ chế, thể chế chính trị hiện nay thì người dân không làm gì được trước những bất công như vậy.”
Để có thể kiểm soát tài sản cán bộ, đảng viên, chính phủ Hà Nội ban hành quyết định những người tham gia nhân sự đại hội đảng phải kê khai tài sản.
Ảnh minh họa: Cán bộ công chức đang làm việc.
Ảnh minh họa: Cán bộ công chức đang làm việc. Courtesy Dan Tri
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra, các cơ quan về tổ chức cán bộ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác kê khai tài sản. Khi xảy ra vấn đề vướng mắc hay có thông tin tố cáo thì các cơ quan vừa nêu sẽ xử lý.
Trên trang web của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, trong khoản 1 Điều 35 quy định tài sản, thu nhập phải kê khai, các cán bộ công chức phải khai báo: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Những nội dung này sẽ có trong mẫu bản kê khai do chính phủ Hà Nội quy định.
Với quan điểm cá nhân, Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:
“Chủ trương cán bộ kê khai tài sản không phải bây giờ mới có mà rất nhiều năm, kể cả hàng chục năm nay mỗi khi sắp sửa kì đại hội hay việc gì đụng chạm đến nhân sự đều có ý kiến cán bộ kê khai tài sản. Ta thấy việc ấy là bất khả thi, không có ai, cơ quan độc lập nào, không có kiểm soát hoặc ít nhất do công luận kiểm soát để việc thực thi kiểm kê tài sản của cán bộ được minh bạch, công khai. Chuyện không có nhà dân sự độc lập, kiểm soát của công luận thì cũng không thể làm được.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng công tác kê khai tài sản vẫn được thực hiện theo chỉ thị, nhưng kết quả kê khai dường như vẫn còn nằm trong diện ‘bảo mật’:
“Có quy định kê khai tài sản nhưng họ chỉ giữ với nhau hoặc có thể trong nội bộ lúc họ đánh nhau có thể lôi ra hoặc không lôi ra tôi không biết. Nhưng nếu thông tin minh bạch đã làm quan chức nhà nước có thể không cần phải công khai ở mức đăng trên báo nhưng phải để cho bất kể một công dân nào có quyền tiếp cận thông tin ấy và nó phải có quy định rõ ràng là sử dụng thông tin ấy thế nào, không được dùng để hạ nhục lẫn nhau. Phải minh bạch, quan trọng là lúc đầu anh có từng này tài sản đến lúc anh làm chức đấy 2 năm thì tài sản anh là bao nhiêu. Phải có sự giám sát.”
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam có Luật tiếp cận thông tin nhưng không một người dân bình thường nào có thể truy cập được những thông tin đó nên không thể kiểm soát được việc kê khai tài sản quan chức, cán bộ đảng viên. Chính phủ Hà Nội bên ngoài có vẻ minh bạch nhưng thực tế lại không như vậy.
Nhiều nhận định cho rằng việc kê khai tài sản được thực hiện nhằm mục đích để so sánh tài sản trước và sau khi bổ nhiệm, trước lúc ứng cử và sau khi ứng cử chênh lệch thế nào, có phản ánh đúng thu nhập bằng lương của cán bộ hay bằng các tài sản đã có của gia đình cán bộ sinh sôi nảy nở, hoặc do dùng quyền lực để tham nhũng.
Vì vậy, nếu chính phủ Hà Nội thực sự muốn chống tham nhũng thì phải minh bạch toàn bộ tài sản cán bộ. Trong trường hợp không minh bạch tài sản cho dân biết như hiện nay thì công tác chống tham nhũng chỉ mang tính hình thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét