Nếu lạc quan là luôn luôn… hồ hởi, phấn khởi, bất chấp thực tế tồi tệ thế nào và dũng cảm là dám… nói những điều mà bất kỳ người bình thường nào cũng phải tự chế để không bị xem là bất thường thì ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chính là một trong những điển hình về… “lạc quan” và “dũng cảm”!
Mới đây, với tư cách là một trong những người đại diện cho dân chúng TP.HCM tại Quốc hội, ông Nhân bác bỏ thắc mắc của một cử tri: Tại sao đã chống mà tham nhũng vẫn càng ngày càng nhiều, phải chăng do luật pháp không nghiêm? Theo ông Nhân: Việc xử lý tham nhũng đã và sẽ còn hết sức quyết liệt nên sẽ cảnh tỉnh tham quan, ô lại.
Đáng ngạc nhiên là ông Nhân lại chọn - dẫn trường hợp lạm quyền, cố ý làm trái đủ thứ trong việc thu hồi đất – giao đất, giao công trình để thực hiện Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm như một… bằng chứng, chứng minh sự… quyết liệt trong công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam sẽ… cảnh tỉnh những kẻ có trách nhiệm, quyền hạn!
Không cần kể thì ai cũng biết, cũng thấy, Dự án xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm gây ra những thiệt hại lớn đến mức nào cho công thổ, công sản. Sự càn rỡ của những viên chức hữu trách ra sao. Đặc biệt là những thiệt hại không thể đo, đếm đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam về nhân tâm, dân ý.
Tuy nhiên sau một thời gian dài “nâng lên, đặt xuống”, mãi đến tháng ba vừa qua, Bộ Chính trị của đảng CSVN mới quyết định tước bỏ chức vụ Bí thư Thành ủy mà ông Lê Thanh Hải – nhân vật đươc xem là đạo diễn thảm cảnh Thủ Thiêm – từng… mang trong giai đoạn từ 2010 đến 2015!
Nhìn một cách tổng quát, dù đã bị… xử lý, ông Hải vẫn còn là “nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM”, bởi từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM từ năm 2006. Chỉ tước đoạn giữa, chừa lại đoạn đầu và đoạn cuối thì ông Hải vẫn còn đầy đủ những đãi ngộ dành cho một… cựu Ủy viên Bộ Chính trị!
Khó có thể dùng từ nào khác… lịch sự hơn hai chữ… “lạc quan” để nhận định về việc ông Nhân đem cách xử lý vấn nạn Thủ Thiêm minh họa cho sự… quyết liệt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng là không có… vùng cấm, không có… ngoại lệ.
Khi ông Nhân đã từng đối thoại với những nạn nhân của phi pháp ở Thủ Thiêm, từng thị sát nơi ăn, chốn ở của họ, từng bày tỏ rằng ông “thấy bức xúc quá, không vui, không thấy hạnh phúc, không thấy yên tâm” mà vẫn bảo rằng xử lý tham nhũng như thế có tác dụng cảnh tỉnh, khó có thể dùng tính từ nào khác hơn “dũng cảm” nếu muốn… khen ông!
Chẳng phải đến bây giờ ông Nguyễn Thiện Nhân mới tỏ ra “lạc quan” và “dũng cảm”, ông vốn đã có hai “đức tính” ấy từ lâu. Năm 2006, sau khi trở thành Bộ trưởng Giáo dục, ông tuyên bố “hai không” với “tiêu cực trong thi cử và chạy theo thành tích”. Năm sau (2007), ông nâng “hai không” thành “năm không” (ngành giáo dục tiếp tục “nói không” với ba yếu tố mới: Không vi phạm đạo đức nhà giáo, không ngồi nhầm lớp và đào tạo không theo nhu cầu xã hội).
Chưa hết, song song với “nói không” ông Nhân còn làm giáo viên phấn chấn khi khẳng định: Đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình và cam kết với công chúng sẽ “đẩy mạnh công cuộc xã hội hóa giáo dục” nhằm “huy động tổng thể sức mạnh của toàn xã hội phát triển giáo dục và đào tạo”.
Cứ nhìn vào thực tế là có ngay câu trả lời cho viễn kiến, năng lực của ông Nhân: Đã tròn mười năm sau 2010, giáo viên đã có thể sống được bằng đồng lương hay chưa và chi phí cho học sinh, sinh viên các cấp nhẹ hơn hay nặng thêm sau khi công cuộc xã hội hóa giáo dục được… đẩy mạnh?
Ông Nhân rời vị trí Bộ trưởng Giáo dục, bước lên bậc cao hơn: Phó Thủ tướng! Ông ngưng phát biểu về giáo dục và dư cả “lạc quan” lẫn “dũng cảm” để quên những tuyên bố, cam kết liên quan đến giáo dục. Rồi ông bước qua làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một trong những phát biểu hiếm hoi của ông về giáo dục là “lặng người, xấu hổ”, không phải do sự khốn cùng của đội ngũ giáo viên vì không đủ sống hay chi phí cho học hành càng lúc càng nặng, nhiều triệu gia đình khó kham.
Ông “lặng người, xấu hổ” chỉ vì có phụ huynh của một vài học sinh nào đó phải học thêm quá nhiều và ông kêu gọi đội ngũ giáo viên trên toàn quốc mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm phải… dấn thân, để nói về ngành giáo dục là nói đến sáng tạo, là không bế tắc, là phát triển không ngừng chính từ nội lực!
Tất nhiên, một người mà sự “lạc quan” và tinh thần “dũng cảm” ở mức độ thông thường không bao giờ có thể hành xử như thế. Quay lại TP.HCM, ở vị trí Bí thư Thành ủy, sự “lạc quan” và tinh thần “dũng cảm” nơi ông Nhân không những không giảm mà còn cao hơn. Đầu năm 2018, khi bàn về tình trạng xử lý tham nhũng ở thành phố này, ông cho biết ông “giật mình” vì “chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo” và phê phán phòng chống tham nhũng “thiếu hiệu quả” .
Trong thời gian Thành ủy TP.HCM được đặt dưới sự chỉ đạo của ông Nhân, tuy Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN đã bỏ phiếu, tước tư cách Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN của ông Tất Thành Cang, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của đảng CSVN đã quyết định cách chức Phó Bí thư Thường trực và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhưng Thành ủy TP.HCM vẫn kiên quyết giữ ông Cang làm Thành ủy viên cho đến bây giờ, tiếp tục làm đại biểu cho dân chúng TP.HCM trong Hội đồng nhân dân.
Nói cách khác, điều làm ông Nhân “giật mình” không giống với những yếu tố làm thiên hạ “giật mình”. Do vậy, cách ông Nhân định danh, định tính, định lượng về… “quyết liệt”, “cảnh tỉnh” cũng rất khác. Thường nhân ắt sẽ không đủ cả “lạc quan” lẫn “dũng cảm” để chọn hướng ngược lại với nhận thức, cảm xúc của đa số.
Muốn bảo đảm công bằng phải thêm một điều, tuy là điển hình của… “lạc quan” và “dũng cảm” nhưng tại Việt Nam, số người dư… “lạc quan” và thừa… “dũng cảm” như ông Nhân rất đông. Cứ so các tuyên bố, nhận định với thực tế, nhân tâm, dân ý, ắt sẽ thấy, dẫn đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc chứ không phải ông Nhân. Đó chính là hệ quả có tính tất nhiên từ xây dựng… “tinh thần lạc quan cách mạng” và “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét