Hình minh hoạ. Anh ninh ngăn chặn người biểu tình phản đối Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh hôm 18/5/2014. Ảnh Reuters
Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh một xu thế tàn độc và nguy hiểm đối với dàn lãnh đạo Ba Đình: Tách Việt Nam khỏi thế giới văn minh, sau đó trùm Việt Nam trong chăn để bóp cổ! Lối cai trị kiểu này không mới nhưng gần đây Trung Quốc tiến hành một cách quyết liệt hơn, phối kết hợp trên các chiến trường và bao trùm hầu hết mọi địa bàn. Xu thế này được thể hiện theo hai hướng: i) Thúc đẩy bắt bớ các lực lượng dân chủ trong nước và ii) Ra đòn áp chế các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Cả hai hướng trong xu thế này đang dấy thành cao trào được cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh “tay nắm tay” triển khai mạnh mẽ nhằm phục vụ cho các “sới vật” trước cuộc tổng duyệt đầu năm sau (Đại hội 13 ĐCSVN).
Bắt bớ tràn lan trong nước
Sẽ chưa phải là đợt cuối cùng, nhưng tính cho đến hiện nay, đây lần đầu tiên trong nhiều năm, đợt này công an Việt Nam (CAVN) bắt 6 nhà đấu tranh dân chủ trong cùng một ngày. Hẳn nhiên, dưới con mắt của chính quyền, họ là những tội phạm. Để lu loa với thế giới, xứ này không có tù nhân lương tâm, chính quyền sẽ áp dụng loại án “bỏ túi” đối với các nhà đấu tranh này. Tóm nhanh và xử gọn cho xong (có khi cũng chẳng cần đến luật sư, hoặc dùng luật sư “toà trồng được”) rồi cùm họ tại các “chuồng cọp” hoặc nhốt chung với các phạm nhân bị trọng án như cướp của, giết người, hay trùm buôn lậu ma tuý…
CAVN chiều lòng Trung Quốc trong việc dập tắt các làn sóng đấu tranh của xã hội dân sự, từ dân oan bị cướp đất để tập trung cho các dự án trọng điểm của các nhà đầu tư Trung Quốc cho đến các nhân sỹ trí thức dấn thân trên mặt trận tư tưởng. Tuy nhiên, việc tuân lệnh thiên triều này lại cũng phù hợp với cái dã tâm bệnh hoạn của an ninh nội bộ “Bắt! bắt hết! Bàn tay không ngơi nghỉ”. Lúc Stalin qua đời, năm 1953 Tố Hữu từng thay mặt toàn ĐCSVN hạ quyết tâm: “Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ… cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng” (với Trung Nam Hải).
Phải thừa nhận mưu thầy Tàu khá cao. Nhưng bàn tay sắt bọc nhung ấy cũng để lộ một vài yếu điểm chết người. Ba Đình không phải không ý thức được cái nguy cơ “sóng thần” ấy, nhưng “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước…”. Đứng yên nhìn phong trào dân oan trỗi đậy suốt từ Bắc chí Nam hay thẳng tay đàn áp? Đành tặc lưỡi làm theo cái gậy chỉ huy. “Một cái đảng đã quen rừng rú/ Nên hở ra là xài luật loài thú rừng/ Dùng bắp thịt chọi dân vì đã quen lối sống ở bưng/ Té hầm sụp giếng nên khùng khùng dại dại!” Đoạn thơ này của Nguyên Thạch thật khớp với mấy dòng FB về “Buổi sáng kinh hoàng” mà cô Thu Đỗ, vợ của anh Trịnh Bá Phương đã tường trình lại.
Anh Phương đã để lại lời nhắn cho những người theo dõi, tinh thần thép của anh cho thấy anh sẽ không bao giờ nao núng trước hàng trăm nhân viên an ninh chìm nổi đang bao quanh nhà. Không thể nào đắng cay hơn khi nói rằng anh Phương có lẽ đã được tôi rèn cách đối phó với chính quyền lẫn công an chìm nổi kể từ khi bố mẹ anh bị bắt và trở thành dân oan từ mười mấy năm trước. Nghe những lời anh Phương nhắn gởi lại cho mạng xã hội, cũng như cho chính nhà cầm quyền, không ai nghĩ rằng đó là một nông dân, mà là một người đấu tranh chuyên nghiệp, nắm rõ luật lệ, lời lẽ luôn đanh thép, sắc bén.
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà cầm quyền lại ra sức bắt bớ ngay trong thời gian này, nhất là sau khi hiệp định thương mại EVFTA vừa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và đang mong đợi thời điểm có hiệu lực để tạo một cú hích cho nền kinh đang bị đình trệ do dịch bệnh? Có lẽ cái câu “vào trước bắt sau” của ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập chưa bao giờ lại phản ánh đúng thực trạng của Việt nam đến như thế. Hiệp định thương mại đã có trong tay, Hà nội cho rằng họ muốn bắt bớ ai, vi phạm nhân quyền ra sao cũng được.
Tuy nhiên, trước đó ngày 25/6, Nghị sĩ Santiago đã gửi thư ngỏ cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các quốc gia trong khối gồm 10 thành viên hãy “đặt nhân quyền làm trọng tâm” trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Bức thư viết: “Việc nhóm họp của các nhà lãnh đạo khu vực dưới sự chủ trì của ông trong tuần này mang đến cơ hội chứng minh rằng ASEAN có thể học hỏi và phát triển vươn lên từ thời điểm khó khăn này, bằng cách đảm bảo rằng từ thời điểm này, các chính sách của khu vực chúng ta bao gồm nhiều mặt nhưng phải đảm bảo thúc đẩy một xã hội công bằng, bền vững và bình đẳng hơn”.
Buộc phải rút lui và đền bù
Trong khi đó, dư luận khu vực và thế giới đang tìm hiểu xem phía sau hàng trăm triệu đôla Việt Nam vừa rồi phải đền bù cho công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol là gì? Ngoài việc phải chi những khoản khổng lồ, chính phủ Việt Nam đang đứng trước thách thức đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Repsol đã chính thức nhượng lại cho PetrolVietnam cổ phần ba lô dầu, trong đó có dự án Cá Rồng Đỏ, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vốn đã bị đình trệ ba năm nay, do sức ép từ Bắc Kinh.
Trên thực tế, Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới. Năm 2017, dưới sức ép của Bắc Kinh, Repsol buộc phải rút khỏi mỏ Cá Kiếm Nâu, lô 136.03, năm 2018 rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, lô 07.03. Bình luận về các động thái “lui quân” này, TS. Bill Hayton, nhà nghiên cứu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đồng thời là phóng viên BBC News từ Anh quốc, cho hay: “Việc này chứng tỏ Trung Quốc đã thành công trong việc đe dọa Việt Nam để gây áp lực buộc ngừng khoan dầu. Việt Nam duy trì các quyền của mình về lý thuyết nhưng không thể thực hiện các quyền ấy trên thực tế. Điều này không có nghĩa rằng Việt Nam đã từ bỏ các quyền của mình, nhưng có vẻ như Việt Nam không thể tiếp tục công việc khoan dầu một mình”.
TS. Bill Hayton nhìn nhận rằng sự việc xảy ra với Repsol khiến các công ty dầu khí khác cẩn trọng hơn khi đầu tư vào các khu vực dính dáng tới Trung Quốc. Theo chuyên gia Hayton, các công ty dầu khí quốc tế có vẻ thận trọng hơn rất nhiều, đặc biệt là ở các khu vực gần với, hoặc cắt qua, đường chín đoạn của Trung Quốc. Từ nay, khó có chuyện một công ty quốc tế khác sẽ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam căn cứ vào các cuộc rút lui xảy ra với Repsol. Đương nhiên, một vài nhà đầu tư mạo hiểm có vẻ sẽ tiếp tục. Nhưng Exxon (Mỹ) dường như đã rút khỏi dự án Cá Voi Xanh ở Việt Nam, nhưng việc này chủ yếu là do các nguyên nhân thương mại. Nếu các vấn đề thương mại có thể được giải quyết, một công ty quốc tế khác có thể tham gia tiếp vào dự án này hay không vẫn còn là vấn đề ngỏ.
Trong khi đó, trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, có ý kiến trái chiều với các chuyên gia quốc tế. Ông Minh nói với BBC: “Đối với các đối tác hay công ty dầu khí quốc tế khác thì không có ảnh hưởng gì, các hoạt động đầu tư, thăm dò và khai thác ở các lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ trên thềm lục địa Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, theo đúng các thông lệ quốc tế, Luật Dầu khí và các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC)”. Theo giới thạo tin, cách nói của ông Nguyễn Lê Minh chẳng qua là “phép thắng lợi tinh thần” của quan chức Việt Nam.
Tại cuộc trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, GS. Carl Thayer có vẻ nghiêng về phương án Việt Nam sẽ hợp tác với một đối tác dầu khí từ Nga đang hoạt động ở khu vực lân cận ở bể Nam Côn Sơn, Rosneft hoặc Gazprom. Bởi lẽ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có đủ nguồn lực để tự vận hành các dự án phát triển tại các lô này, mà phải tìm kiếm đối tác nước ngoài. Nhưng Bắc Kinh biết rất rõ, Hà Nội đang cần yên ổn để chuẩn bị cho Đại hội 13. Do đó, việc hợp tác với bất cứ đối tác nào cũng sẽ khó khăn vào thời điểm sự hiếu chiến của Trung Quốc gia tăng và căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang. Tình hình cho thấy, Trung Quốc đang cô lập và đe doạ Việt Nam khá thành công.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Minh có vẻ lạc quan hơn khi đề cập đến việc Việt Nam đã xác lập được mối quan hệ chiến lược và đối tác toàn diện với nhiều nước, trong đó có những nước lớn có quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp trên Biển Đông; đồng thời lại là chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tuy nhiên, cả hai cương vị này đã không giúp Việt Nam bảo vệ được các vùng EEZ của mình. Việc đưa các tranh chấp ở Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế được các quan chức trong nước cho là “vẫn chưa cần thiết". Tất cả đã bị Trung Quốc vô hiệu hoá, Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa kết thúc ở Hà Nội cũng không đề cập gì đến các hoạt động bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét