Trong bài trước, ba chuyên gia từ Úc, Mỹ và Nga đã nêu quan điểm của họ.
Tiến sĩ Clive Symmons, Visiting Research Fellow, Trường Luật, Trinity College Dublin
Tiến sĩ Clive Symmons, Visiting Research Fellow, Trường Luật, Trinity College Dublin
Do Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, rõ ràng nước này đóng ở đó bất hợp pháp. Vì thế Trung Quốc không có quyền về pháp lý để đòi vùng biển tính từ đảo, mặc dù gần đây họ củng cố đòi hỏi chủ quyền bằng cách công bố đường cơ sở thẳng quanh Hoàng Sa.
Ngay cả nếu Việt Nam có bằng chứng tốt hơn Trung Quốc, trong tương lai gần, điều này cũng không an ủi gì Việt Nam.
Một giải pháp có thể xảy ra, là hai nước đồng ý đóng băng tranh chấp tại đó.
Nếu hai nước không chịu cùng nộp đơn cho bên thứ ba giải quyết, thì hai nước có thể đồng ý về mặt ngoạI giao để có hiệp ước về "khu vực khai thác chung". Trên thế giới đã có nhiều ví dụ.
Trong trường hợp này, hai nước có thể đồng ý thành lập cơ chế đánh bắt, khai thác, chia sẻ lợi nhuận trong khu vực.
Trung Quốc, ở Biển Đông, cũng đã có một số đề nghị về khai thác chung hạn chế, tuy chỉ mang tính đa phương, ví dụ trước đây với Brunei.
Tiến sĩ Subhash Kapila, South Asia Analysis Group, Ấn Độ
Trong các bài thuyết trình của tôi ở Moscow và Việt Nam, trọng điểm tôi nói là Trung Quốc, khi theo đuổi Đại Mộng Trung Hoa, không chấp nhận hòa giải hay giải quyết xung đột liên quan việc chiếm Biển Đông bất hợp pháp.
Lựa chọn duy nhất cho Hoa Kỳ và Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc) là đầu tiên phải khiến cái giá quá cao nếu Trung Quốc lấn chiếm ở Biển Đông. Sau đó là trừng phạt kinh tế để Trung Quốc ngừng lại việc lấn chiếm.
Loại bỏ khả năng chiến tranh, thì chiến tranh kinh tế là điều duy nhất mà Trung Quốc hiểu.
Asean phải có mặt trận thống nhất chống sự xâm lấn của Trung Quốc. Trước tiên, họ cần chứng tỏ quyết tâm bằng việc tổ chức tuần tra hải quân chung ở Biển Đông.
***
Tin liên quan: Việt Nam – Trung Quốc có thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?
Việt Nam có thể hy vọng giải pháp nào để "lấy lại" quần đảo Hoàng Sa hay không?
Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vào năm 1974 đã "dùng vũ lực xâm chiếm" quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Quan điểm chính thức của Việt Nam là Việt Nam có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy vậy, trong lúc Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát thực tế với quần đảo Hoàng Sa, liệu tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể diễn ra thế nào trong tương lai?
Một số chuyên gia lâu năm về tranh chấp Biển Đông đã trả lời BBC News Tiếng Việt.
Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), chương trình thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC.
Thực ra không có hy vọng "giải quyết" vấn đề Hoàng Sa trong tương lai gần.
Nhưng các bên có thể chế ngự vấn đề này.
Bước đầu tiên là Trung Quốc nên chấp nhận rằng Việt Nam có quyền đánh cá lịch sử xung quanh quần đảo Hoàng Sa, được bảo đảm bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Như thế Trung Quốc sẽ hợp tác với Việt Nam để có cơ chế quản lý việc đánh cá.
Việc này có thể làm được nếu nó là một phần của nỗ lực lớn hơn bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia để quản lý sản lượng cá ở toàn Biển Đông, gồm cả Trường Sa.
Nếu các bên có thể hợp tác về đánh cá, thì sau đó họ có thể tìm kiếm cơ chế để chế ngự các vấn đề khác trong hòa bình.
Còn tranh chấp chủ quyền có thể được giải quyết thông qua đàm phán hoặc tòa trọng tài, nhiều thập niên về sau.
Donald R. Rothwell, Giáo sư Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Úc. Ông là đồng tác giả sách The International Law of the Sea (in năm 2010).
Có thể có các giải pháp như sau:
Dàn xếp ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam
Hoặc dàn xếp bằng việc nhờ tới bên thứ ba.
Hai lựa chọn này đều phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Giải pháp ngoại giao có nghĩa là một bên thừa nhận chủ quyền của bên kia đối với các đảo.
Giải pháp dùng bên thứ ba nghĩa là có thể đưa tranh chấp ra cho một bên trung gian, bên hòa giải, tòa trọng tài hoặc tòa xét xử. Tổng thư ký LHQ, về lý thuyết, có thể được mời can thiệp hoặc giúp dàn xếp.
Trên thế giới, cũng có nhiều ví dụ khi hai lựa chọn ở trên đã giúp dàn xếp thành công các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc và Việt Nam có xem xét các lựa chọn này hay không, lại phụ thuộc vào ý chí chính trị. Mà hiện nay có vẻ không nước nào có quan tâm nhiều đến việc này.
Đặc biệt Trung Quốc sẽ miễn cưỡng trước các lựa chọn này, vì có thể bị xem là tạo tiền lệ. Tiền lệ đó sẽ ảnh hưởng đến các tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như với Nhật và Hàn Quốc.
Trong không khí chính trị hiện nay, tôi không thấy có giải pháp nào. Trung Quốc có thể tìm cách mời chào một số lợi ích để Việt Nam nhượng bộ ngoại giao và công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng chắc Việt Nam sẽ không chấp nhận điều đó, ở thời điểm hiện nay và ngắn hạn về sau.
Grigory Lokshin, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông (Viện Hàn Lâm khoa học Nga). Ông trả lời BBC trực tiếp bằng tiếng Việt.
Về căn bản, tôi đồng tình với ý kiến của hai đồng nghiệp ở trên. Pháp luật quốc tế và kinh nghiệm lịch sử có nhiều phương pháp giải quyết các vấn đề tương đối hòa bình, có tính chính trị và chính nghĩa cho hai bên.
Nhưng giống như Giáo sư Donald R. Rothwell, tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa có nguyện vọng chính trị thật sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tranh chấp này cần thiết cho họ để giữ gìn chủ nghĩa dân tộc trong nước, dãn sự chú ý của quần chúng nhân dân khỏi các vấn đề nội bộ.
Họ cần có hình ảnh của kẻ thù đối ngoại để đoàn kết lại xã hội xung quanh Trung ương Đảng và chủ tịch nhà nước.
Theo tôi, điều kiện thứ nhất và nhất định để có thể bắt đầu đàm phán về vấn đề này là Trung Quốc phải chấm dứt tuyên truyền chống Việt Nam và không đưa ra những phản luận hoàn toàn giả dối về chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét