Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

1818 - Singapore: cuộc canh tân phục vụ sự kiểm soát xã hội

Rodolphe De Koninck (1) - Minh Toàn dịch
Tóm tắt
Từ khi có được độc lập một phần vào năm 1959 và nhất là từ năm 1965 khi có được độc lập toàn phần, quốc đảo Singapore đã là đối tượng của những sự chuyển đổi sâu rộng. Chúng liên quan cả đến hình dạng và kích thước của lãnh thổ lẫn đến sự phân bố dân cư và các cơ sở hạ tầng công nghiệp, nhất là liên quan đến các trường học và các nơi thờ tự tôn giáo và mộ phần. Bằng những việc làm này, trong khoảng 25 năm, Singapore đã từ tình trạng một thành phố của thế giới thứ ba trở thành thành viên thực thụ của các quốc gia đứng đầu thế giới. 


Người Singapore đã đạt được điều này bằng việc nhân lên những sáng kiến đổi mới ở nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm lĩnh vực nhà ở, giáo dục, việc làm và kinh doanh, tất cả những việc này đồng thời cho phép và đòi hỏi một sự kiểm soát xã hội chặt chẽ.
~*~
Trong khoảng năm mươi năm trở lại đây, ít quốc gia nào trên thế giới đã trải qua biết bao biến đổi vật lý, xã hội và kinh tế như nước cộng hòa Singapore nhỏ bé. Những biến đổi này nếu không là điều kiện thì cũng là hệ quả của sự ổn định chính trị về nhiều mặt có một không hai trên thế giới.
Điều gần như là sự lột xác đã bắt đầu, hay chính xác hơn, đã tăng tốc vào năm 1965, khi "thành quốc" (cité-État) này, độc nhất trong thể loại của nó, được độc lập hoàn toàn. Từ năm đó, ít có yếu tố địa lý nào của hòn đảo này vẫn được giữ nguyên không đổi. Dù yếu tố đó có là kích thước và hình dạng của đảo, là địa hình, là mạng lưới thủy văn, là bờ biển, là động thực vật của đảo; là hình dạng của thành phố, của ngoại ô, gồm cả vùng ngoại ô đầm lầy; là mọi thể loại cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những khu công nghiệp và mạng lưới giao thông; là sự phân bố dân cư và các khu nhà ở (hình 1), cũng như là nơi làm việc, học tập, kinh doanh hay giải trí, nơi thờ phượng tôn giáo, hay là những khu dành cho mai táng, không có gì được chừa ra cả. Nhất là sự xáo trộn này ở mọi nơi trong lãnh thổ đã và đang tiếp tục gần như không ngừng, đến nỗi ở Singapore sự "upgrading", tức sự nâng cấp, trở thành nét chủ đạo của quy hoạch đất đai bằng cách kiên trì nghiên cứu đổi mới. Nói đúng hơn, sự canh tân liên quan đến toàn bộ dự định của Singapore, chứ không chỉ riêng đến sự biến đổi đất đai mà thôi.
Tôi đã dành nhiều bài viết, bốn trong số đó được đề cập ở mục lục bên dưới, để phân tích và diễn giải điều mà tôi gọi là cuộc cách mạng đất đai, tức cuộc cách mạng đến bây giờ một cách nào đó đã thay thế cho cuộc cách mạng xã hội. Nhưng nói cho đúng ý định của tôi ở đây là gom lại một vài suy nghĩ về mối liên hệ gắn sự canh tân với việc kiểm soát xã hội trong nước này, một trong những quốc gia phồn vinh nhất trên thế giới, nơi mà phần lớn dân cư, nhất là công dân và thường trú dân, chia sẻ sự thịnh vượng này.

Sự biến đổi canh tân to lớn

Cuối thời kỳ xáo trộn chính trị sau khi người Anh về nước năm 1945, Singapore đạt được một quy chế nhà nước tự trị (self-governing state) vào năm 1959. Từ đó thành quốc này được cai trị bởi Đảng Hành Động Nhân Dân (People's Action Party - PAP) với thủ tướng là Lý Quang Diệu, ông ở vị trí này cho đến năm 1990. Còn về đảng PAP, nó vẫn đang nắm quyền, Ngô Tác Đống đã giữ vị trí thủ tướng đến 2004, là năm Lý Hiển Long con trai Lý Quang Diệu tiếp nhận chức này.
Năm 1963 Singapore tự nguyện gia nhập vào dự kiến thành lập Liên bang Malaysia rộng lớn, nó tập hợp quanh Malaisie, tức bán đảo Mã Lai hay Malaya, cả những địa phận lúc đó vẫn thuộc Anh của vùng Sarawak và Sabah, cả hai vùng này nằm trên sườn phía bắc của đảo lớn Bornéo và đến khi đó chúng cũng đang là thuộc địa của Anh. Nhưng chỉ hai năm sau, Singapore đã bị loại ra khỏi liên bang, lãnh đạo của liên bang này, Abdul Rahman, và Lý Quang Diệu không nhất trí được với nhau về vấn đề phân chia quyền lực, đặc biệt giữa người Hoa và người Mã Lai, cũng như về chọn lựa xã hội, đặc biệt là việc chọn theo nhà nước thế tục (laïque) mà thủ tướng Singapore kiên quyết đòi hỏi. Là một vố đau khi tách ra, việc Singapore bị gạt ra khỏi một quần thể lớn có vẻ đầy nguy hiểm cho một quốc đảo cộng hòa nhỏ bé, trong một vùng và ở một thời kỳ mà những căng thẳng chính trị là đáng lo ngại và nguy cơ xung đột lại rất thật. Nhưng nó hóa ra lại là lợi thế không ngờ cho một giới chính trị gia thiếu đổi mới táo bạo và cho một cộng đồng dân cư kém thịnh vượng. Kể từ đó, những nhà lãnh đạo và thành viên chính phủ đảng PAP đã không ngừng gợi lại những thời điểm khó khăn này [Lee 2000; Chua 2017] để biện hộ cho sự cần thiết tuyệt đối của việc xáo trộn đất đai và xã hội, thường rất sáng kiến, mà họ thực hiện.
Cùng với việc gợi lại rằng sự sáng tạo của Singapore là đa chức năng và nằm ở trọng tâm của dự định quốc gia, ta có thể chỉ ra ba lĩnh vực mang bản chất xã hội trong đó những sự canh tân quyết định nhất đã được thực hiện, đó là: nhà ở, giáo dục và tạo việc làm. Nhưng, để làm điều này và bằng cách thực hiện nó, trước tiên người Singapore đã cơ cấu lại hòn đảo. Giữa năm 2018, dân số của nước này, gồm công dân và thường trú dân, đã lên tới 3,9 triệu người.

Cơ cấu lại đảo (2)

Một khi có được độc lập, quả thật họ đã chọn cơ cấu lại hầu như toàn bộ hòn đảo, thậm chí là toàn bộ quần đảo nhỏ này trong đó cùng với đảo chính của Singapore, chúng làm nên phần đất đai của nước cộng hòa nhỏ bé. Năm 1957, hai năm trước khi Singapore có được quy chế nhà nước tự trị, diện tích của nó là 581 km2. Trong những năm sau đó, có ít sự thay đổi cho đến khi đạt được độc lập hoàn toàn vào năm 1965. Nhưng kể từ năm này việc mở rộng đã tăng tốc không ngừng. Nửa thế kỷ sau, năm 2015, lãnh thổ đất đai của Singapore bằng cách lấn biển đã tăng thêm khoảng 25%, tức 135 km2, và khi đó đạt đến 719 km2. Từ đầu đến cuối những năm 1960, vật liệu được dùng cho việc bồi lấp để làm tăng diện tích quốc gia, tức đại loại là việc san lấp và kéo dài lãnh thổ, đến từ những quả đồi nằm bên trong đảo, chúng cao khoảng 160 mét. Việc san bằng những quả đồi này đã đặc biệt để lại dấu ấn ở phần tây nam của đảo, khi xưa phần lớn là đầm lầy, và vùng này ngay từ đầu những năm 1960 đã đón nhận việc triển khai khu công nghiệp Jurong rộng lớn. Nhưng từ đó vật liệu cần thiết lại được lấy từ sự nạo vét sông rạch trong lãnh thổ quốc gia hoặc từ việc mua bùn và cát từ các quốc gia lân cận, trước tiên là từ Malaysie và Indonésie, nhưng cũng ngày càng nhiều từ những nước xa hơn như Miến Điện, Campuchia, Việt Nam và Philippines.
Sự mở rộng lãnh thổ cũng đã cho phép nhà nước, chủ nhân duy nhất của đất đai, lên kế hoạch tốt cho việc phân bổ và cho công năng của đất đai (3). Ta sẽ không bao giờ nói đủ được về sự làm chủ đất của nhà nước, tuy trong một nền kinh tế có bản chất thị trường rõ ràng, đã tạo biết bao thuận lợi cho điều mà tôi gọi là siêu quy hoạch. Thế nên, sau khi đất đai đã được sắp đặt, theo nghĩa đen, trong phần tây nam của đảo để dành nơi này cho việc tập trung những cơ sở hạ tầng công nghiệp, những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất được tập trung trong những đảo nhỏ kề nhau và thường chính những đảo này cũng tụ lại thành nhóm (hình 1), thì chính ở phía bên kia, trong phần đông nam, những biến đổi to lớn đã được kích hoạt. Từ đó, lấn biển được hơn 30 km2 để tiếp nhận sân bay Changi, ngay từ năm 1981, thay thế cho sân bay Paya Lebar mà từ nay được dành cho các chức năng quân sự. Ngoài ra những chức năng này được chia sẻ với ba sân bay khác, mà một trong số đó được đặt gần sân bay dân sự to lớn Changi. Bản thân sân bay Changi cũng liên tục được mở rộng. Ngoài ra, phần phía đông nam của đảo phần nào có hình dạng một pháo đài. Không những bộ phận quan trọng nhất của hai cơ sở hải quân của thành quốc được đặt tại đây, mà cả đảo Tekong (Pulau Tekong) cũng nằm ở đây nữa. Bản thân đảo này được mở rộng đáng kể bằng việc lấp biển, từ nay được dùng riêng cho mục đích quân sự, đặc biệt cho việc huấn luyện quân đội trong môi trường rừng rậm [De Koninck, 2017, hình 24 và 48]

Lo chỗ ở cho mọi người

Cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, cuộc khủng hoảng nhà ở xảy ra rất dữ dội và đe dọa đến sự ổn định xã hội và chính trị của thành quốc. Thất nghiệp và sự bấp bênh của công việc chạm đến hơn một phần tư dân số, và ít nhất một phần dân số tương đương với con số này sống trong nghèo đói [Kaye, 1960]. Việc tạo nhà ở đang trên đà đi xuống, ít nhất một phần ba dân số sống trong các khu ổ chuột, không có phương tiện vệ sinh nào. Nhất là gần ba phần tư số dân cư này, khoảng 1,4 triệu người vào năm 1957, tập trung ở phần miền nam của đảo chính, trong một bán kính tám kilômét xung quanh cửa một con sông nhỏ Singapore (hình 1). Do đó phải tìm ra giải pháp cho những vấn đề xã hội rất nhức nhối, bắt đầu bằng vấn đề nhà ở, và cùng lúc là các vấn đề giáo dục và việc làm.
Công việc này bao gồm việc giải quyết vấn đề nhà ở đã được giao cho một ban quản lý của nhà nước, thành lập ngay từ năm 1960, là Housing and Development Board (Ban nhà ở và phát triển), ở Singapore nó được biết đến phổ biến dưới tên viết tắt các chữ cái đầu là HDP. Là một trong nhiều ban khác - như Economic Development Board (Ban phát triển kinh tế), Public Utilities Board (Ban tiện ích công cộng), Tourism Promotion Board (Ban xúc tiến du lịch), v.v -, ban này nhanh chóng có nguồn lực và quyền hạn đáng kể. Chúng bao gồm quyền trưng dụng, luôn đi kèm với sự đền bù hào phóng, lúc nào cũng lớn hơn chi phí thực tế của việc dọn đến nơi ở mới và việc tái định cư cho các gia đình bị di dời chỗ ở và thậm chí, khi cần thiết, tạo thuận lợi cho họ tìm việc. Như thế HDB lao vào việc quy hoạch khu nhà ở ngoại ô, được gọi là các cư xá mới, đầu tiên là ở ngoại vi thành phố trung tâm, rồi ngày càng đến ngoại vi của chính hòn đảo, nhất là trên những vùng đất trước kia được dành riêng cho nông nghiệp. Kiểu quy hoạch đất đai này không chừa ra bất cứ điều gì lẫn bất kỳ một ai, nhưng nó không bao giờ tạo ra xung đột, thậm chí ngay cả sau một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng cần phải sơ tán nhanh chóng cư dân của khu ổ chuột ở lưu vực sông Kallang năm 1961 [Gamer, 1972].
Trong thời kỳ xáo trộn đất đai dữ dội nhất, giữa 1965 và 1988, có khoảng 270000 gia đình, tức một phần ba dân số đã được tái định cư. Ngoài ra, những việc tái định cư này còn liên quan đến các cơ sở trường học, nơi thờ tự tôn giáo, và đặc biệt là những nghĩa trang. Kết quả đó là sự quy hoạch mọi thứ cấu thành nơi sinh sống (écoumène), theo một nhịp điệu gần như thường kỳ và cần sự tán thành hoặc chấp nhận đặc biệt của xã hội. Làm sao giải thích được rằng mọi sự xáo trộn này xảy ra lại không có va chạm? Đó là bởi một tổng thể những nhân tố mà quan trọng nhất là các điều sau: 1) những nỗ lực không ngừng của các cơ quan nhà nước nhằm giải thích và làm cho dân hiểu sự cần thiết của việc xáo trộn; 2) một sự cải tiến hầu như phổ biến các điều kiện và mức sống cho mọi người bị di dời; gồm cả những người do dự nhất, thường là những nông dân, phần lớn trong số họ đã phải chuyển sang làm nghề khác [De Koninck, 1975].

Hình 1. Sự phân bố dân số. 1957-2010.
Được không ngừng tiếp tục từ đầu những năm 1960, các chương trình tái định cư và triển khai các khu cư xá mới, ngày nay lên tới con số 26, đã cho phép cân bằng tốt hơn sự phân bố dân cư trên toàn lãnh thổ (hình 1). So sánh việc phân bố dân cư vào các năm được thăm dò 1957, 1980, 2000 và 2010 (gần nhất) đã cung cấp một minh họa có sức thuyết phục (4). Đó là chưa kể sự giải tỏa một phần dân cư này của khu trung tâm thành phố đã tạo thuận lợi cho việc làm mới những khu phố lụp xụp, làm cho chúng sang trọng và quy hoạch những công viên mới và các khu vui chơi cũng như những cơ sở hạ tầng đô thị cho hành chính, thương mại và tài chính.
Những ảnh hưởng của việc quy hoạch to lớn là rất đáng kể. Trong khi vào năm 1969 chỉ có 9% dân số toàn quốc sống ở nhà công, thì 20 năm sau, tỷ lệ này đã đạt tới 87% dân số là công dân và thường trú dân, năm đó đã lên tới gần 2,8 triệu người. Kể từ đó tỷ lệ này đã sụt giảm chút ít, các khu nhà ở tư nhân về phần chúng đã gia tăng cùng với sự giàu lên ngày càng rõ nét của dân cư.
Kể từ những năm 1960, khi bắt đầu triệt để di dời dân vào các cư xá, đặc tính cơ bản của HDB là không ngừng cải tiến và làm tinh tế hơn các chính sách và những hành động thực tiễn của mình trong một ban quản lý đã trở thành một đế chế thực sự. Thế nên, cơ sở hạ tầng, bao gồm chính các căn hộ, và những dịch vụ không ngừng được cải tiến - ở đây hầu như lúc nào cũng có sự nâng cấp - trong lúc việc dàn xếp hợp đồng với cư dân tiến triển. Nhất là từ năm 1964, dân ở khu cư xá có khả năng trở thành chủ sở hữu căn hộ của họ. Điều này được tạo thuận lợi bởi một chính sách mạnh mẽ của nhà nước khuyến khích việc gởi tiết kiệm. Chính khoản tiết kiệm này sẽ có lợi khi được sử dụng vào việc mua các căn hộ. Năm 1988, gần một nửa cư dân đã được hưởng lợi từ chính sách này. Năm 2006, trong số khoảng 880000 căn hộ trong các khu cư xá, thì 94% thuộc sở hữu tư nhân, trong đó có một số rất nhỏ được cho thuê lại (5). Nhưng quyền sở hữu tư nhân - hơn nữa chỉ dành riêng cho công dân và thường trú dân - phụ thuộc nhiều vào đặc quyền của ban quản lý. Ban này vẫn sở hữu toàn quyền tự chủ quản lý cũng như quyền xem xét toàn bộ các giao dịch mua bán bất động sản bên trong các khu cư xá. Trong những khu này người Singapore vẫn còn bị giám sát ra trò, dĩ nhiên là bị nhiều hơn những nơi khác trong đảo quốc cộng hòa nhỏ bé này. Dầu vậy, tình hình không ngừng cải thiện: việc xây dựng các chung cư tư nhân có sự tăng trưởng nhanh hơn những chung cư do ban quản lý xây dựng, mà đến gần đây chúng chỉ có một thiểu số cao hơn 20 tầng. Trong một số khu cư xá mới, như khu Punggol chẳng hạn, ở phía đông bắc đảo, từ nay người ta định dựng lên các khu căn hộ công và tư kề nhau.
Ngày nay, trong số dân Singapore không sống trong chung cư của ban quản lý thì 20% là chủ sở hữu căn hộ họ đang ở. Khoảng hai phần ba trong số này là những căn hộ nằm trong các khu cư trú tư nhân, hầu như luôn là những tòa nhà chung cư, thường tiện nghi và xa hoa hơn; còn một phần ba còn lại là những căn nhà tư nhân, thường rất tiện nghi và nằm trên những mảnh đất do nhà nước sở hữu - hãy nhớ rằng nhà nước là chủ nhân duy nhất của đất đai - và được cho thuê với hợp đồng dài hạn thường là 50 năm. Tổng cộng, ngày nay hơn 90% dân Singapore là chủ sở hữu căn hộ họ ở, dĩ nhiên đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Những dẫn chứng này về sự tiến triển và cải tạo là rất tiêu biểu cho sự vận hành của thành quốc, tuy rằng ở đây sự kế hoạch hóa được lên ngôi, nhưng nó vẫn phải chịu những sự điều chỉnh và cải tiến, thường là theo đòi hỏi của công dân, là những người vẫn có thể tin tưởng và gởi các nguyện vọng hoặc yêu cầu của mình đến các dân biểu của họ. Dưới mắt họ điều này góp phần vào việc duy trì tính chính danh của nhà nước PAP.

Giáo dục tốt hơn

Trong khi năm 1959 tỷ lệ xóa mù chữ của người lớn (từ 15 tuổi trở lên) đạt khoảng 52%, thì từ năm 2015 tỷ lệ này vượt qua 97%. Đối với việc xóa mù chữ và rộng hơn, đối với toàn bộ sự giáo dục, chính phủ Singapore đã tìm cách cải tiến trình độ bằng việc đồng thời tăng số lượng và phân bố tốt hơn các ngôi trường, nhưng nhất là cũng bằng việc tổ chức lại tận gốc toàn bộ hệ thống trường học. Công việc quả là gay go vì ban đầu do đặc tính đa văn hóa và đa ngôn ngữ của dân số (6), nhiều loại hình trường học tồn tại và mức độ chất lượng khác nhau đáng kể. Năm 1965, các trường học vẫn còn được xác định theo ngôn ngữ chủng tộc và theo tôn giáo. Do kiên quyết theo triết lý thế tục, chính phủ đã nhanh chóng quyết định làm tình hình thay đổi dần, qua nhiều bước, bằng việc thế tục hóa toàn bộ việc giảng dạy và bằng cách tăng cường phần tiếng Anh trong hệ thống học đường. Đây là công việc không mấy dễ dàng trong một nước đã chọn bốn ngôn ngữ làm ngôn ngữ chính thức - là tiếng Trung Quốc phổ thông, tiếng Mã Lai, tiếng Tamoul và tiếng Anh - quả là nhiều với một nước thật nhỏ bé!
Tuy rằng chỉ một trong số này, tiếng Mã Lai, đã có được địa vị ngôn ngữ quốc gia - điều này cho thấy một cử chỉ rộng mở từ phía chính phủ đối với các láng giềng Malaisie và Indonésie -, nhưng chính tiếng mới Anh được ưu tiên như ngôn ngữ thống trị trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Trong khi đến giữa những năm 1960 trong bốn ngôn ngữ chính thức, tiếng Mã Lai hoặc tiếng Anh đã được ưu tiên trong trường tiểu học và trung học cấp hai, và là phương tiện giao tiếp trong các cấp học còn lại, thì cuối những năm 1980 sự phân biệt cả về “sắc tộc” lẫn tôn giáo đã bị bãi bỏ giữa các trường học. Trong toàn bộ mạng lưới giáo dục, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ được dùng để giảng dạy cho tất cả các môn học. Nhưng từ khi đó, cũng ở mọi cấp độ trong mạng lưới, các học sinh sinh viên có thể đào sâu sự hiểu biết về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình bằng cách theo học những môn đặc thù, được gọi bằng thuật ngữ khó dịch là higher mother tongue. Phần lớn trong số họ đã học môn này, đặc biệt là người Hoa đã lợi dụng để học tốt hơn, nhất là kể từ những năm 1980, tiếng Trung Quốc phổ thông. Cho đến lúc đó họ phần lớn chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ tương ứng của mình (tức các tiếng Phúc Kiến, tiếng Triều Châu [tiếng Tiều], tiếng Quảng Châu, tiếng Khách Gia [tiếng Hẹ], tiếng Hải Nam, v. v...) - bị coi lầm là những phương ngữ. Các tiếng này chủ yếu đến từ những tỉnh miền nam Trung Quốc.
Song song với tiến triển này là sự nhân lên một cách gần như vô chính phủ các trường kỹ thuật, trường dạy nghề, trường hướng nghiệp, v. v..., phần lớn chúng là trường tư. Nhanh chóng, những ràng buộc và các quy định được đặt ra, dẫn đến việc giải thể hoặc sáp nhập phần lớn các trường này với nhau. Nhưng có ý nghĩa nhất là việc mở ra từ đầu thế kỷ một số lớn các thiết chế giáo dục bậc cao. Năm 2018, ở Singapore ta đếm được sáu trường đại học, trong đó có hai trường lớn là National University of Singapore (NUS - Đại học Quốc gia Singapore) và Nanyang Technological University (NTU - Đại học Công nghệ Nanyang) và bốn trường bách khoa. Gần một chục đại học nước ngoài cũng đưa những chương trình giảng dạy vào đây, trong đó có Paris II (Panthéon-Assas) và École supérieure des sciences économiques et sociales (ESSEC - Đại học khoa học kinh tế và xã hội), trong khi hai chục trường ngoại quốc khác, phần lớn thuộc Anh và Úc, đã tiến hành làm đối tác với các trường ở đây, những điều này là chưa kể đến các cơ sở nghiên cứu và các phòng thí nghiệm trình độ cao có chi nhánh trên thế giới.
Thế là, trên nhiều lĩnh vực, thành quốc đã trở thành một think tank hoàn bị thực thụ cho phép nó nuôi dưỡng nhiều mối quan hệ đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt với các láng giềng thành viên của ASEAN (thành lập năm 1967) và các khổng lồ như Ấn Độ và Trung Quốc. Hơn nữa, đối với việc giáo dục sinh viên ở mọi cấp độ đại học, thành quốc đóng vai trò làm trung tâm chính đón tiếp các sự trao đổi giáo dục trong khối ASEAN. Sự trao đổi này cũng được tăng cường với Trung Quốc, kể từ khoảng bốn chục năm nay, tiếng phổ thông, như ta thấy, đã có được sự phổ biến đáng kể trong cộng đồng người Singapore gốc Hoa. Cuối cùng liên quan đến sự thế tục hóa trong việc dạy học, chính phủ tiếp tục tỏ ra mềm dẻo ở những trường Coran, trường madrasa (các trường Hồi giáo). Họ châm chước nhưng giám sát sát sao sự hiện diện của các trường này trên lãnh thổ quốc gia. Chúng gồm sáu trường, đón tiếp các học sinh phần lớn là người Mã Lai, những trường này dạy các nội dung trước hết là tôn giáo, nhưng cũng ngày càng dạy các môn học khác, đặc biệt là toán và khoa học. Như thế nó đáp ứng sức ép của bộ giáo dục. Bộ này đồng thời bằng cách cung cấp tài chính cần thiết, đã lệnh cho các trường này đào tạo các công dân sẵn sàng tham dự vào knowledge-based economy, tức xã hội thành lập dựa trên sự hiểu biết, mà những tinh hoa Singapore đã tìm cách rất chính thức để xây dựng!

Công việc cho mọi người

Năm 1959, tân chính phủ Singapore thừa hưởng tình cảnh đã khốn lại càng khó vì nạn thất nghiệp, đã nghiêm trọng, lại hứa hẹn trầm trọng hơn bởi các cơ sở quân sự rộng lớn mà người Anh duy trì trên đảo sắp tới sẽ đóng cửa. Những cơ sở này khi đó thuê trực tiếp hoặc gián tiếp tới gần khoảng 1/5 nhân công. Để cứu vãn sự thể này, phải đầu tư hàng loạt vào phát triển công nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực cần nhiều nhân công. Ngay từ năm 1959, và càng tăng hơn nữa sau khi thành lập nước cộng hòa độc lập năm 1965, chính phủ của đảng PAP đã lao vào việc tìm kiếm tư bản nước ngoài, đặc biệt là nơi những công ty đa quốc gia. Những điều kiện vừa thuận lợi vừa bó buộc được trao cho các công ty này. Trong những điều kiện thuận lợi, ta kể đến việc thành lập các khu vực miễn thuế, một lực lượng lao động dồi dào và ngày càng được đào tạo tốt hơn bởi một hệ thống giáo dục chạy hết công suất và, cuối cùng, một bộ máy hành chính khát khao hiệu quả, nơi đây lương trả cho nhân viên ở mọi cấp bậc có thể sánh với lương được trả trong lĩnh vực tư nhân, dĩ nhiên là tất cả hình thức tham nhũng đều bị trừng trị rất nghiêm khắc [Chua, 2017, tr. 17, 19-21 và 52]. Có vẻ như là một sự bó buộc, nhưng đặc điểm cuối vừa nói trên lại đóng một vai trò to lớn cho sự thu hút của Singapore ở trong vùng. Được bao quanh bởi các nước (Malaisie, Indonésie, Thái Lan và Philippines) là những nơi tiền trà nước và bổng lộc đã thành lệ, đảo quốc cộng hòa nhỏ bé đã nhanh chóng được biết đến như một nhà nước pháp quyền nơi người ta không thể lách luật. Điều này đã đóng góp vào việc thu hút những công ty lớn tìm kiếm sự hợp pháp và năng suất, như Westinghouse của Mỹ và Rollei của Đức. Kể từ đó, công việc trong các nhà máy, sản lượng và phần đóng góp của chúng vào PIB đã gia tăng nhanh chóng. Ngay năm 1965, ta đếm được 151 nhà máy trong khu công nghiệp Jurong mà khi đó phần diện tích khai thác chiếm 400 hecta. Khu công nghiệp này được nhanh chóng mở rộng khi được trang bị thêm những cơ sở hạ tầng đường sá hàng đầu, với lối vào trực tiếp đến các thiết bị ở cảng, và sau cùng là việc bố trí một trạm đặc biệt dành riêng cho việc cung ứng và sản xuất của khu công nghiệp.
Trong số những điều kiện “ràng buộc” mà các công ty nước ngoài phải tuân thủ, phải kể đến sự bắt buộc về mặt hợp đồng phải đào tạo nhân lực địa phương, không phải đào tạo nhiều lao động thủ công mà còn là đào tạo nhiều kỹ sư và viên chức, những người đến từ nước ngoài bị đòi hỏi phải được nhanh chóng thay thế bởi những kỹ sư và viên chức địa phương mới được đào tạo. Dần dần, Singapore đã có thể không cần đến các khu vực miễn thuế nữa, và một cách tự chủ hơn, tiến lên bước nữa trong kế hoạch công nghiệp. Nếu trong những năm 1960, các nhà máy dệt may đã phần lớn đại diện ngành công nghiệp, thì bước ngoặt đã nhanh chóng rẽ sang công nghiệp nặng - đầu tiên là các nhà máy lọc dầu được thành lập trên các đảo ngoài khơi Jurong, rồi đến hóa dầu - và nhất là đến những ngành điện tử, hóa sinh, y sinh với mặt quan trọng của sự nghiên cứu. Trong khoảng từ năm 1961 đến 1989, khi PIB quốc gia được nhân lên 26 lần, thì đóng góp của công nghiệp cho việc tạo công ăn việc làm đã tăng từ 14% lên 29% và cho PIB từ 12% lên 30%. Song song với tiến triển này, là sự tiếp tục mở rộng đất đai cho các khu công nghiệp, sau khi thành lập Jurong Town Corporation (JTC) vào năm 1968, đây là một dạng ban quản lý để chủ trì việc mở ra nhiều khu công nghiệp trên đảo, gồm các khu Kranji, Sungei Kadut và Woodlands, được quy hoạch ở phần được “kéo dài ra” bằng việc bồi lấp ở bờ phía bắc. Cuối những năm 1980, các khu công nghiệp chiếm 76 km2 và tập hợp khoảng 4000 nhà máy, trong đó gần một nửa nằm trong khu công nghiệp Jurong, kể từ nay riêng nó chiếm gần 40 km2! Đồng thời song song đó, JTC cũng như những nhà đầu tư công và tư khác tiến hành dời một phần sản xuất công nghiệp sang lãnh thổ Indonésie và Malaisie, đặc biệt trong những lĩnh vực đòi hỏi nhiều nhân công [De Koninck, 2017, tr. 116 đến 119].
Tuy sự đi xuống của khối việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, nó đạt đến đỉnh là 32% vào năm 2009, nhưng ngành này vẫn còn thiết yếu ở Singapore, duy trì trong khoảng 16% từ vài năm nay. Ngày nay, khi ngành điện tử vẫn là một lĩnh vực mạnh và ổn định, đảm bảo khoảng 40% sản lượng đĩa cứng trên thế giới, chính những trung tâm nghiên cứu như Biopolis và Fusionopolis đã hỗ trợ cho tăng trưởng và cải tiến công nghiệp. Cả hai trung tâm này nằm ở phần tây nam của đảo, gần khu học xá của NUS và các trường đại học khác, đồng thời cũng không xa khu công nghiệp Jurong. Đối lại, ở phần phía đông và đông nam của đảo, là những trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ, bản thân chúng nằm gần các sân bay Seletar (dân sự) và Changi (dân sự và quân sự). Như thế sự đi lên về mức độ của nền kinh tế Singapore liên đới với việc chuyển đổi và với sự quy hoạch không ngừng của hầu như toàn bộ lãnh thổ. Cuối cùng, không kể đến rằng tất cả những sự xáo trộn và những sáng kiến này đã đi kèm với sự giảm xuống nhanh chóng của nạn thất nghiệp, kể từ những năm 1980 thành quốc ở trong tình trạng có đầy đủ công việc, kể từ đó tỷ lệ thất nghiệp dao động trong khoảng từ 2% đến 3%. Trong khoảng từ 1986 đến 2019, tỷ lệ thất nghiệp trung bình nằm ở khoảng 2,43%

Sự cải tiến về mọi mặt

Những cải tiến đã cho phép sự nổi lên và tạo sự vững chãi của thành quốc vượt ra ngoài những chính sách về nhà ở, giáo dục và tạo việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Nó chạm đến toàn bộ các lĩnh vực, nhất là sự quản lý và cải thiện việc cấp nước, sự triệt để làm xanh lãnh thổ và việc trồng cây phủ xanh các công trình xây cất, việc kiểm soát chặt chẽ giao thông xe cộ, sự phát triển hàng loạt phương tiện đi lại tập thể, bao gồm giao thông đường sắt, quy hoạch các cảng biển và cảng hàng không. Những khả năng cải tiến như thế đã khiến cho bản thân chúng thành đối tượng được đưa vào thị trường ở tầm quốc tế, do đó trở thành, như chúng ta sẽ thấy, một nguồn tài chính quan trọng cho nhà nước và… cho sự cải tiến!

Cấp vốn cho cải tiến

Đến phần này rồi: làm sao một nước cộng hòa nhỏ bé trong một thời gian thật ngắn lại có được vốn cho phát triển và cho sự giàu lên của chính nó, trải qua khoảng 25 năm từ tình trạng một thành phố của thế giới thứ ba trở thành thành viên thực thụ của nhóm các quốc gia đứng đầu thế giới, như thủ tướng Lý Quang Diệu đã kiêu hãnh về điều này [Lee, 2000]?

Các nguyên tắc cơ bản

Từ những ngày đầu của cuộc phiêu lưu mà thành quốc độc lập trải qua, một số nguyên tắc cơ bản đã được tuân thủ, trong đó năm nguyên tắc sau đây tỏ ra đặc biệt quyết định. Nguyên tắc thứ nhất, một sự ám ảnh thực sự của các nhà lãnh đạo đảng PAP, là việc khoan dung bằng không đối với nạn tham nhũng. Nguyên tắc thứ hai được thể hiện bởi sự cực kỳ tò mò nơi những sáng kiến phát triển hoặc quy hoạch được thực hiện ở những nơi khác trên thế giới, tóm lại là việc học hỏi những thành công và những sai lầm của các nước khác trên thế giới trong những lĩnh vực cũng rất khác nhau như về quốc phòng, quản lý các khu vực miễn thuế, các tài nguyên nước và khu bảo tồn, hay việc bảo vệ các loài chim! Nguyên tắc thứ ba bao gồm việc lên kế hoạch một cách triệt để và luôn luôn đặt mọi hình thức sáng kiến quy hoạch trong tổng thể và báo trước những điều đó cho dân cư, kể cả dưới cách thức khá kiên quyết! Nguyên tắc thứ tư, song song và có vẻ trái ngược, là vẫn tồn tại việc biểu tình và sự thực thi cởi mở. Thật vậy, mọi quyết định quy hoạch đều có thể, sau những kinh nghiệm và phân tích kỹ lưỡng, được hoàn thiện, sửa đổi hoặc thay đổi tận gốc: đó là trường hợp những chính sách về nhà ở và toàn bộ các chương trình của ban quản lý, tức ban HDB đầy quyền lực.
Nguyên tắc thứ năm hay đúng hơn là chính sách thứ năm bao gồm việc dần dần trao nhiều quyền hành và quyền tự chủ hơn cho những ban quản lý và các công ty khác nhau liên kết với chính phủ. Như vậy, ban HDB, cùng lúc với việc được hưởng quyền lực mở rộng, đã phải tự đảm bảo tài chính riêng cho mình, tóm lại là trở thành một công ty. Dĩ nhiên nó có bổn phận phải giải trình với nghị viện, nhưng cũng có trách nhiệm tự cân bằng thu chi của mình, thậm chí là nộp cổ tức cho nhà nước. Nếu thực tế điều này ít được áp dụng đối với ban quản lý nhà ở, thì những ban quản lý kiểm soát toàn bộ những chính sách kinh tế, đặc biệt là những đầu tư ra nước ngoài cũng như vào những cấu trúc địa phương đón khách du lịch, đã nhanh chóng phải báo cáo sổ sách và nộp lợi nhuận cho kho bạc nhà nước. “Các tập đoàn” (corporations) cũng phải nộp như vậy. Chẳng hạn như Jurong Town Corporation, thông qua chi nhánh Jurong International, ngày càng tích cực xuất hiện trong việc xuất cảng mô hình của nó, với giá rất lời, đến những nước có nhu cầu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này cũng được áp dụng đối với cơ quan quản lý cảng Singapore, tức Port of Singapore Authority (PSA), cơ quan này không chỉ quản lý một chuỗi các trạm (terminaux) địa phương thường xuyên được mở rộng tại nơi ngày nay là một trong ba cảng hoạt động nhất trên thế giới, mà còn quản lý không dưới 34 trạm ở ngoại quốc thông qua chi nhánh khủng PSA International của nó. Các trạm này được phân bố rải rác trên 24 cảng nằm trong 15 nước, bao gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bỉ, Ý và Argentine. Nhiều công ty Singapore liên đới với PSA, và tìm thấy lợi ích to lớn của chúng ở đó.

Đối tác giữa công và tư

Một trong những yếu tố then chốt của sự thành công của Singapore chính là việc nhờ vào một hay đúng hơn là nhiều hình thức đối tác giữa công và tư. Bản thân là một doanh nghiệp, đặc biệt thông qua các ban quản lý của mình, nhà nước Singapore tạo thuận lợi cho hình thức hợp tác này theo cách hoàn toàn đặc biệt. Về chủ đề này, thực ra rất phức tạp chính vì các hình thức hợp tác đó rất đa dạng, nổi bật có hai nhận xét chủ yếu sau (7).
Đầu tiên liên quan đến việc tích lũy tư bản được thực hiện ngay từ ban đầu và ngày càng tăng bởi chính chính phủ, nhằm đầu tư vào kinh tế đất nước. Do đó, một trong những đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản Singapore là vai trò trung tâm của nhà nước. Ngày nay, nước này có hai quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ là Temasek Holdings và Government Investment Corporation (GIC), quỹ đầu tiên đầu tư cả ở Singapore lẫn ở ngoại quốc, quỹ thứ hai chỉ đầu tư ở nước ngoài [Chua, 2017, tr 111 sq.] (8). Năm 2018, giá trị gộp chung của chúng lên tới hơn 500 tỷ đô la Mỹ. Tính theo đầu người, các quỹ này lớn tương đương phân nửa quỹ đầu tư quốc gia của Thụy Điển, quỹ này có tới hơn $1000 tỷ. Nhưng trái với quỹ của Thụy Điển, phần lớn đến từ tô thuế của việc khai thác tài nguyên dầu mỏ - một nước có dân số là 5,2 tỷ cư dân thường trú, lớn hơn dân số của thành quốc -, các quỹ đầu tư của Singapore chỉ tương ứng với lợi nhuận thu được vừa từ việc đầu tư do chính chính phủ thực hiện, thông qua các ban quản lý của nhà nước và các chi nhánh quốc tế khủng của chúng, vừa bởi sự đối tác với các government-linked companies (GLC), tức “những công ty liên kết với chính phủ”. Liên quan đến các ban quản lý của nhà nước, ta đã đề cập, chúng được hưởng một sự tự chủ rộng lớn, luật đặt ra cho chúng là phải hoàn thành nhiệm vụ trong thành quốc, ngắn gọn là phải cung cấp hàng hóa, đồng thời thu về những lợi nhuận đáng kể từ những nơi khác trên thế giới, điều này đúng là như thế, đặc biệt là đối với công ty Singapore Telecommunications. Chúng hoạt động như những nhà đầu tư, những doanh nghiệp, các công ty tư vấn hay cố vấn; Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước Trung Đông là những khách hàng chính của chúng.
Nhận xét thứ hai chính là liên quan đến các GLC này. Tất cả những công ty tư nhân muốn lao vào thị trường thế giới có thể được tạo thuận lợi làm một đối tác của chính phủ, thông thường chính phủ cấp tới phân nửa vốn ban đầu. Đó đặc biệt là trường hợp của Keppel Corporation (Keppel là tên của một trong những trạm của cảng Singapore). Nó có mặt, với danh nghĩa là GLC, ở phần lớn các trạm do PSA International quản lý. Đó cũng là trường hợp của nhiều doanh nghiệp chế biến, mà kể từ những năm 1980, đã tăng tốc di dời những hoạt động sản xuất của chúng đến những khu vực miễn thuế ở Malaisie và Indonésie. Danh sách những GLC rất phát đạt này còn dài, trong đó có công ty hàng không hùng mạnh Singapore International Airlines (SIA). Chúng là những mũi nhọn của sự toàn cầu hóa của kinh tế Singapore [De Koninck, 2017, tr. 103-121].
Như thế, hệ quả chủ yếu của sự giàu lên của nhà nước do hình thức chủ nghĩa tư bản này, vừa theo phong cách Đông Á và vừa đặc trưng Singapore, là một nước cộng hòa nhỏ bé sở hữu những phương tiện nhằm cung cấp cho dân cư của nó những dịch vụ có chất lượng mà trên thế giới hiếm khi sánh kịp, đặc biệt trong những lĩnh vực nhà ở, giáo dục và việc làm, như ta đã thấy, nhưng cũng trong những lĩnh vực sức khỏe, phương tiện giao thông đại chúng và những cơ sở hạ tầng giải trí.

Sức mạnh của ngành tài chính

Chính lĩnh vực tài chính tư cũng đóng góp vào thành công của Singapore. Thành quốc đã trở thành một nơi danh giá cho ngành tài chính quốc tế và cho hoạt động offshore của ngân hàng. Nó chào đón những công ty nước ngoài, gồm cả các trụ sở pháp nhân (sièges sociaux) của nhiều công ty đa quốc gia, nhất là nhờ vào những ưu đãi hào phóng về thuế. Tỷ lệ thuế tối đa, đối với cư dân Singapore cũng như đối với các công ty trong nước hay ngoại quốc, dao động trong khoảng 18% đến 20%. Điều này có làm cho Singapore thành một thiên đường thuế không? Vấn đề này có thể bàn cãi (9). Dù thế nào đi nữa, liên quan đến những ưu đãi về thuế dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, nước này được xếp hạng thứ năm trên thế giới, thua xa các nước Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, quần đảo Caïmans và Hồng Kông (10). Dầu vậy, ở đảo quốc cộng hòa nhỏ bé này, mọi hình thức rửa tiền hay hoạt động tài chính bất hợp pháp đều bị trừng trị nghiêm khắc. Tuy thế, hiển nhiên là sự đa dạng của các sản phẩm tài chính và những cơ hội đầu tư trên thị trường này đảm bảo những hiệu ứng kinh tế rất thuận lợi cho thành quốc.

Kiểm soát xã hội

Đi kèm với những sáng kiến canh tân và táo bạo này là việc nhà nước luôn có mặt ở khắp mọi nơi. Điều này dưới nhiều hình thức, trước tiên có thể kể đến nhiều quy định được phổ biến công khai, gồm cả thông qua mạng lưới giáo dục, liên quan đến trật tự công cộng và một số quy tắc cơ bản về hành xử trong xã hội. Giữ sạch sẽ, vệ sinh và lịch sự là một phần của các quy định này. Những vi phạm đều bị phạt, thường rất nặng. Vì chúng được áp dụng nghiêm ngặt và mọi người đều biết, nên chúng rất hiếm khi không được tuân thủ, một hoặc vài trường hợp đủ để thuyết phục những kẻ táo tợn hay những người nổi loạn rằng nhà nước không đùa với những quy định của mình. Không hiện diện nhiều ở nơi công cộng, kín tiếng và rất hiếm khi được vũ trang, cảnh sát ít khi cần thiết cho việc tôn trọng luật lệ. Vì trong xã hội siêu kết nối, công nghệ cao này, những camera kiểm soát cũng vậy chúng rất nhiều, siêu kết nối và được ứng dụng công nghệ cao. Không tính Trung Quốc, nơi việc kiểm soát bằng camera đạt đến đỉnh cao vô địch, Singapore được kể là một trong ba thành phố bị kiểm soát nhất trên thế giới, sau Atlanta và Luân đôn (11). Chúng đặc biệt phổ biến và hiệu quả trong việc quản lý và kiểm soát các phương tiện giao thông.
Nhưng đó không phải là những công cụ kiểm soát xã hội quan trọng nhất. Nhà nước thực hiện kiểm soát chủ yếu thông qua ít nhất sáu chính sách cốt yếu. Chính sách thứ nhất được biết rõ và bị lên án mạnh mẽ. Đó là việc kiểm soát báo chí, không nhất thiết do việc tham dự trực tiếp của nhà nước vào hoạt động của báo chí mà bởi những hình thức kiểm duyệt ít nhiều tế nhị. Dẫn đến kết quả là những người làm báo Singapore tự kiểm duyệt và cực kỳ cẩn trọng trong việc chỉ trích chính phủ. Tuy chính phủ này không phải là không dân chủ, trong chừng mực nó trúng cử và tái trúng cử trong sự tôn trọng các thể lệ. Ngày nay, tuy vẫn còn hữu ích cho nhà nước, sự kiểm soát truyền thông và tự kiểm duyệt một mặt dường như đang trên đà thoái trào, mặt khác hệ tư tưởng về chế độ nhân tài (méritocratie) tiếp tục là đối tượng thường xuyên được đề cao [Chua, 2017, tr. 134-36].
Chính sách thứ hai nâng địa vị của nhà nước lên làm chủ sở hữu duy nhất của ruộng đất và lãnh thổ, và theo lập luận này, nhà nước là người quyết định duy nhất về mục đích sử dụng đất. Tình trạng đã rồi này có vẻ rất bức bối, đến nỗi khiến dân chúng có cảm giác phải nhịn nhục. Nếu tất nhiên có thể đồng ý rằng trong việc thực hiện quy hoạch, không thể phủ nhận là nhà nước Singapore đã đạt được một sự lão luyện, nhưng không thể vì thế mà, tuy có những nỗ lực đả thông tư tưởng to lớn và khả năng thay đổi cách tiến hành của nó, nó áp đặt quyết định của mình. Phải chăng trong dự án thiết lập một xã hội thường xuyên giàu lên về vật chất của mình, nhà nước Singapore đã làm lan rộng trong dân chúng điều mà tôi thường gọi là, tương đồng với khái niệm tha hóa công việc, sự tha hóa lãnh thổ? Phải chăng quyền của thành phố mà Henry Lefebvre (1974) rất ủng hộ không còn thực hiện được ở Singapore? Vậy phải chăng nhà nước sẽ đạt được việc bất chấp nhu cầu tình cảm cá nhân gắn bó với nơi chốn (topophilie) như Yi-Fu Tuan [1974] định nghĩa, hay chính xác hơn, là đạt được việc kiểm soát toàn bộ “quyền lãnh thổ định cư, nghĩa là mối liên hệ tự nguyện và có trách nhiệm với môi trường”? [Raffestin và Bresso, 1979, tr. 159] (12).
Chính sách thứ ba mà việc thực hiện chủ yếu bao gồm khuyến khích và thuyết phục công dân và thường trú dân liên kết với nhà nước để thành công, làm giàu và phát đạt. Trong hầu hết mọi ngành nghề, sự tư vấn, giúp đỡ hoặc đối tác với nhà nước đều có sẵn và thường là có lợi và đem lại lợi nhuận. Không gì có thể miêu tả tốt hơn chính sách này bằng thành công của chương trình xây dựng các khu cư xá mới, ban đầu để tăng hàng loạt việc cung cấp nhà ở xã hội, sau đó để tạo chỗ ở cho mọi người hoặc gần như vậy và hơn nữa rất đúng đắn. Dù rằng, để thực hiện chương trình này, ban quản lý nhà ở HDB đã dùng đến những nhân viên trực tiếp của nó, nó cũng kêu gọi rộng rãi nhiều công ty tư nhân, và đặc biệt là những kỹ sư và kiến trúc sư, là những người khá giả nhất ở nước này!
Chính sách thứ tư liên quan đến các công đoàn. Để tồn tại, những công đoàn này phải được sự đồng ý của nhà nước và công khai cộng tác với nó thông qua các thương lượng thường trực. Chính sách thứ năm bao gồm ưu tiên sự vật chất hóa xã hội cực điểm, chính xác là bằng việc khuyến khích cá nhân làm giàu, và điều này đến từ việc siêu tiêu thụ, trong một thành phố tràn ngập đủ loại sản phẩm. Chính sách thứ sáu bao gồm việc cho phép và khuyến khích sự lưu động của công dân và để cho họ ra nước ngoài, điều này không phải là đặc điểm của các chính phủ chuyên chế. Người Singapore du lịch nhiều, để học tập, làm việc và để giải trí và rất hiếm khi họ không quay về cái nôi ban đầu.

Kết luận: mô hình này có bền vững không?

Nhưng mô hình này, nếu chúng ta có thể gọi như thế, vẫn dễ bị tổn thương. Bởi việc nhờ vào sự đóng góp to lớn của lao động nước ngoài, tức những cư dân tạm trú, đã trở nên quyết định cho việc duy trì ổn định xã hội và phồn vinh của đất nước. Theo điều tra dân số vào năm 1970, những người này chiếm khoảng 3% nhân công. Ngày nay, tỉ lệ này đã lên đến gần 40%, nhiều nhất là những người lao động trong ngành xây dựng, chủ yếu là đàn ông, và trong ngành giúp việc nhà, chủ yếu là đàn bà [De Koninck, 2017, tr. 44-46; 2019, tr. 22-26]. Giữa năm 2018, họ gồm 1,6 triệu người, trong đó gần một nửa thuộc về giới mà hầu như ta có thể gọi là vô sản khố rách áo ôm (lumpenprolétariat). Tuy các điều kiện tiếp nhận những người lao động này, vừa trong lĩnh vực xây dựng, phần lớn đến từ Bangladesh, lẫn trong ngành giúp việc nhà, hầu hết đến từ Philippines, dường như thường xuyên được cải thiện. Những điều này gồm việc lo nhà ở cho họ, tuy thực sự là có sự biệt lập đối với nơi ở của phần lớn những người lao động trong ngành xây dựng này [De Koninck, 2020]. Sự sống sót của thành quốc phụ thuộc vào lao động nhập cư đến mức độ đó đã làm một phần dân cư “địa phương” nổi giận, trong đó nhiều người lo lắng về sự phụ thuộc này. Cuối cùng, trong số khoảng 3,9 triệu công dân và thường trú dân, một phần nhỏ là người nghèo [Teo, 2018]. Mọi thứ đều tương đối, vì có nhiều sự trợ giúp dành cho người không khá giả, điều này không phải là không gợi lên sự bất bình đẳng xã hội trong dân cư đã tăng nhanh biết chừng nào.
Tóm lại, ta có quyền tự hỏi rằng kinh nghiệm Singapore có thể được ứng dụng lại đến mức độ nào? Một số sáng kiến của họ chắc chắn được tái sử dụng, ít nhất là một phần, đặc biệt bao gồm sự quản lý về nhà ở, về phương tiện giao thông đại chúng, về việc cấp và sử dụng nước. Một số khác thì không và nhất là đáng tranh cãi, như cường độ kiểm soát xã hội. Nhưng dưới con mắt của những người trực tiếp liên quan, tức những công dân Singapore, thành quốc của họ đã đưa ra một mô hình dựa trên nhu cầu canh tân thường trực chạm đến nhiều lĩnh vực thiết yếu của cuộc sống trong xã hội. Việc đặt lại vấn đề về mô hình này, bao gồm cả những cải cách thường trực về đất đai mà nó dựa vào, có vẻ là khó khăn.
Dầu vậy, một điều có vẻ chắc chắn (13). Dự án Singapore không tóm gọn ở chủ nghĩa chuyên quyền của những người lãnh đạo của nó, dĩ nhiên cũng không chỉ tóm gọn về vấn đề lãnh thổ, vì nhiều thành phần khác của dự án này đáng được phân tích đào sâu. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng cả sự kiểm soát lãnh thổ lẫn chủ nghĩa chuyên chế dường như rõ ràng đang thuyên giảm. Dường như chứng tỏ cho điều này là một mặt sự giảm tốc những xáo trộn lãnh thổ, và mặt khác là quá trình bầu cử cởi mở hơn và có đối lập hơn, tất cả những điều này đều diễn ra không bạo lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét