Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

1817 - Ngày nhà báo: Chỉ chúc mừng “Báo chí cách mạng”



Hình minh hoạ. Một người đàn ông đang đọc báo ở Hà Nội hôm 3/10/2008

Từ lâu rồi, ngày 21/6 hàng năm không còn được những người làm báo chân chính Việt Nam xem trọng và vui mừng.

Chỉ chúc mừng “Báo chí cách mạng”

Chẳng hiểu từ lúc nào, tấm băng-rôn trên các lẵng hoa - có những chậu hoa lan có giá đến hàng chục triệu đồng - mà “các cơ quan ban ngành”, đặc biệt là các doanh nghiệp ùn ùn khiêng đến các tờ báo Nhà nước - đã đổi từ “Chúc mừng ngày Nhà báo Việt Nam” thành “Chúc mừng ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam”.
Chỉ Nhà báo Cách mạng Việt Nam ư? Vậy lịch sử dài lâu và dũng cảm của những con người như học giả Trương Vĩnh Ký, Diệp Văn Cương, Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương, Nguyễn Tường Tam, Đào Trinh Nhất, Hoàng Đạo, Hoàng Tích Chu, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Tịnh Của, Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung… và vô số những trí thức thực sự-không phải trí thức mua bằng bưng bô ngọng từ cái lưỡi đến chữ viết như cả thúng “trí thức” bây giờ, mà kẻ hậu sinh dốt nát này không thể biết và kể hết… lịch sử ấy ở đâu? Ở đâu, những “Gia định báo”, “Nam kỳ nhựt trình”, “Nông cổ mín đàm”, “Lục tỉnh tân văn”, “Nữ giới chung”…? Ở đâu, những trang viết hào hùng và bất khuất của những tác giả thường bị “Kiểm duyệt bỏ”, những chủ báo mang cả nhà cửa gia sản và sự an nguy của bản thân để hễ bị đóng cửa này lại lập ra tờ báo khác, để nói tiếp, chiến đấu tiếp? Ở đâu, sự kiện Ký giả ăn mày của hàng trăm nhà báo Sài Gòn đại diện cho giới báo chí trước 1975?
Báo chí là lịch sử của xã hội, là tấm gương phản ánh xã hội và là nơi để những tiếng nói của tất cả các giai cấp được cất lên, giãi bày, phơi lộ những bất toàn, cổ vũ sự tiến bộ và đấu tranh cho phát triển của xã hội.


Hơn trăm năm qua, xã hội Việt Nam không “tắt máy” “shut down” ngày nào, thì hà cớ gì một lĩnh vực lớn lao như vậy lại bị ngắt cụt sự khởi đầu và những trang vàng rực rỡ nhất của nó?

Hình minh họa. Một sạp báo ở Hà Nội hôm 26/9/2015
Hình minh họa. Một sạp báo ở Hà Nội hôm 26/9/2015 Reuters
Từ chối nhìn nhận lịch sử báo chí Việt Nam trong sự thống nhất toàn vẹn của nó, ở cả hai miền, trải qua nhiều chế độ chính trị, để chặt khúc nó hoang mang trong sự mất kết nối “báo chí Cách mạng Việt Nam”, ấy là cái chuyện vô duyên như cái đuôi con thằn lằn bị đứt khỏi cơ thể. Vẫn ngoe nguẩy đấy nhưng không thể nói đó là một sinh thể. Đó, với những người làm báo của đất nước này – là một sự xúc phạm.
Vì vậy, chúng tôi từ chối nhận ngày 21/6 là một ngày kỷ niệm nghề nghiệp, một ngày “giỗ” của nghề, khoảnh khắc ít ỏi mà những người làm báo cho phép mình được nghĩ về mình, được nghỉ ngơi một chốc, và - được nhận cả những yêu thương nữa.

Bức thư xoa đầu của Thủ tướng

Hôm 10/6, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi một lá thư khen ngợi và cảm ơn những người làm báo Việt Nam, được đăng nguyên văn trên trang web Chính phủ và nhiều báo trích đăng lại.
Theo thông lệ, những lá thư vào ngày “giỗ”, đến hẹn lại lên như thế này sẽ chỉ có khen ngợi thôi, mà có lẽ nó do chính Hội nhà báo Việt Nam chấp bút.


Nhưng, đọc thư khen mà tôi thấy ngượng.

Trong những năm qua, báo chí đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè năm châu, bốn biển.
Các nhà báo của chúng ta luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, là diễn đàn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến cũng như thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương.”


Những ý quan trọng nhất, được đặt đầu hàng nội dung khen ngợi, đó là “bám sát chủ trương, đường lối của Đảng” “bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ”.

Nói cách khác, đấy là thứ lời khen dành cho thứ báo chí công cụ. Thứ báo chí mà nhà nước Việt Nam luôn luôn dẫn lời ông Lenin ra như một thứ kinh thánh để bám vào, như sau “ Báo chí là trận địa ban đầu, từ đó Đảng sẽ tiến hành cuộc đấu tranh với đối thủ của mình bằng vũ khí tương xứng”.
Rồi “Đại hội lần thứ VI của Đảng chỉ rõ: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, đồng thời cũng phản ánh tiếng nói của quần chúng nhân dân,... có nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng…” “Là vũ khí sắc bén của giai cấp, chế độ chính trị”.
Cũng lạ! Nước Việt Nam đã mấy chục năm hòa bình, lúc nào cũng ra rả phải hòa nhập thế giới. Báo chí viết tiếng Việt, để cho trăm triệu dân nội địa đọc (với một ít khúc ruột xa nhà). Toàn con cháu Rồng Tiên với nhau cả, nghĩa là người trong nhà. Thế mà lúc nào Đảng cũng vẫn có kẻ thù, đối thủ, để lúc nào cũng phải đấu tranh. Mà không phải đấu tranh ôn hòa; phải đấu tranh bằng vũ khí sắc bén cơ. Nghe đã thấy sởn da gà.
Bọn dân mạng nó hay đùa nhau khi một đứa gặp chuyện không vui, rằng là “Ăn ở thế nào mới như thế đó”. Áp dụng vào câu chuyện kẻ thù vĩnh viễn, đối thủ thiên thu, tôi nghĩ cũng khá hợp. Chả hiểu Đảng ăn ở ra sao mà lúc nào cũng có kẻ thù? Hay có lẽ-tội nghiệp cho cái lũ nhà báo chúng tôi thì hơn. Ăn ở ra sao mà lúc nào cũng bị xem là công cụ?
Còn “giám sát hoạt động của chính quyền các cấp” ư? Giám sát cách nào khi Đảng thì chỉ đạo mọi hoạt động của chính quyền, và báo chí thì luôn phải ủng hộ chủ trương của Đảng?

Hàng tuần, Tuyên giáo Trung ương đều họp với báo chí và nêu ra các định hướng báo chí phải theo. Đến lượt mình, Tuyên giáo các tỉnh thành một lần nữa yêu cầu báo chí tuân thủ lệnh chung đó (không ai gọi thẳng ra là lệnh nhưng ai cũng hiểu), cộng với định hướng riêng của địa phương. Vì thế cũng không khó hiểu khi tỉnh thành nào cũng có báo chí riêng và hầu hết chúng đều sống ngắc ngoải, thua xa làng báo chí tư nhân (vẫn đội lốt báo chí chính thống chứ đã ai cho). Thì toàn minh họa chủ trương, mà chủ trương lắm khi sai, nhiều khi bậy, đóng cửa bịt tai cách thực tế đời sống của người dân hàng vạn dặm thì ai rảnh mà đọc? Báo chí ấy để biếu các ông bà cán bộ hưu trí (đã trừ vào tiền đảng phí) và dúi cho các cơ quan ban ngành buộc phải mua theo chỉ tiêu là chủ yếu.

Một tiếng nói hình thức và giả hiệu

Báo chí là tiếng dân, là sự biểu đạt, là tiếng nói của tất cả các nhóm người và các con người trong một xã hội. Xuất phát từ những góc nhìn, nhận thức và mục đích, các tiếng nói ấy luôn luôn khác nhau. Nhưng trong một xã hội thực sự có tự do ngôn luận, muôn vàn tiếng nói cất lên sẽ liên tục tranh luận và phản biện, để cung cấp các thông tin và góc nhìn từ mọi hướng. Để - qua thông tin, phản biện, cãi cọ, đấu tranh, xã hội sẽ đạt được một mức độ kiến thức và nhận thức chung đầy đủ và đa dạng hơn bất cứ tiếng nói riêng lẻ nào. Và sự tranh luận phản biện đó lặp đi lặp lại hàng giờ hàng phút, nâng mức kiến thức và nhận thức đó lên hàng giờ hàng phút, qua đó thúc đẩy xã hội phát triển.
Còn trong một xã hội tuy có sức sống mạnh mẽ từ người dân nhưng lại trao quyền lãnh đạo vào tay một nhóm người luôn tìm cách kìm hãm những con người còn lại vào những bộ đồng phục đồng màu đồng chất (cho dù ngày càng hình thức và giả hiệu), tiếng nói ấy cũng là tiếng nói hình thức và giả hiệu.
Kết thúc bài viết này ở đây là vừa. Nhưng phục vụ quý vị, tôi trích thêm đoạn cuối lá thư của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho nó đầy đủ đầu đuôi. Mặc dù- đoạn cuối thư lại một lần nữa cắt cứa vào lòng đám nhà báo (cuốc, xẻng, dao, búa, bồ cào…) bằng thứ “vũ khí sắc bén” nữa.
Thư viết: “Trong thời gian tới, tôi kêu gọi báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.”
Có ai cứu tôi không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét