Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

1819 - Nước Mỹ và vấn nạn nô lệ thời lập quốc



          Biểu tình tại Los Angeles liên quan đến cái chết của ông George Floyd.

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.” – Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, công bố ngày 4 tháng Bảy năm 1776.
Một trong năm tác giả chính của tuyên ngôn này là Thomas Jefferson, như chúng ta đã biết [1]. Vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, vì thế, đã trở thành biểu tượng của tự do, bình đẳng, và nhân quyền trên toàn cầu.
Mọi người là gồm những ai?
Vấn đề là, Jefferson vào lúc đó có xem người da đen, người nô lệ, là con người không?
Không riêng gì Jefferson, những nhà lập quốc Hoa Kỳ khác, như George Washington, James Madison (một trong các tác giả chính của Hiến pháp Hoa Kỳ), Benjamin Franklin, James Monroe v.v… nghĩ sao về người da đen, về vấn đề nô lệ?
Một mặt, không ai biết rõ trong đầu các nhà lập quốc Hoa Kỳ nghĩ gì vào lúc đó, cho dầu phần lớn các suy nghĩ của họ về bao vấn đề khác nhau được lưu trữ cho đến nay. Mặt khác, lời mở đầu của hiến pháp nói như sau [2]:
Chúng tôi, nhân dân Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, với mục đích xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo bình yên trong nước, cung ứng phòng thủ chung, cổ võ sự thịnh vượng chung, bảo an nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, chỉ định và xây dựng Hiến pháp này cho Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.
Hai năm sau đó, 10 tu chánh án được thông qua với mục tiêu bảo đảm các quyền căn bản của mọi người dân Hoa Kỳ.
Nhưng rõ ràng người da đen, người nô lệ, không được xem là con người vào lúc đó.
Nói đúng hơn, thì họ không được xem là công dân của Hoa Kỳ, theo hiến pháp này.
Không những thế, bản hiến pháp ngay từ đầu đã chính thức công nhận thực trạng của nô lệ, và xem người nô lệ lúc đó chỉ trị giá ba phần năm (3/5) của một người tự do, mà chủ yếu vì lý do bầu cử (vào Hạ viện), thuế má và thoả thuận chính trị vào lúc đó [3]. Nó cũng cho những người sở hữu nô lệ quyền bắt giữ những ai trốn khỏi tiểu bang của mình, và cấm việc hủy bỏ buôn bán nô lệ trước năm 1808.
Điều này cho thấy một sự khác biệt căn bản giữa Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1789 và 1791 về vấn đề ai mới thực sự được sở hữu các quyền này, chứ không phải là mọi người sống trên đất nước này.
Jefferson, một mặt, lên án sự vô luân của nạn buôn bán nô lệ vì nó ngược lại các quyền tự nhiên của họ, nhưng mặt khác, miễn trừ cho người Hoa Kỳ về bất kỳ trách nhiệm nào trong việc sở hữu nô lệ. Jefferson, và chắc nhiều người khác, biện luận rằng vấn nạn nô lệ đã hiện hữu trên nước Mỹ từ đầu thế kỷ 17, tức trước thời họ gần 200 năm.
Dù biện luận thế nào đi nữa, chính sự mâu thuẫn này trong đạo đức, không phải trong pháp luật, đã đưa đến cuộc nội chiến Hoa Kỳ vào đầu nhiệm kỳ của tổng thống Abraham Lincoln. Số người chết trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ không phải 618.222 người, mà theo nghiên cứu mới nhất được ghi nhận, lên đến 750.000 người [5].
Jefferson và vấn đề sở hữu nô lệ
Jefferson, và bao nhiêu nhà lập quốc khác, kể cả tổng thống đầu tiên, George Washington, cũng như ba tổng thống Hoa Kỳ sau Jefferson là James Madison, James Monroe và Andrew Jackson, đều sở hữu nô lệ vào lúc đó [5]. Jefferson không chỉ sở hữu, mà còn có quan hệ tình dục với một người phụ nữ da đen, một người nô lệ của mình, tên Sally Hemings, dựa theo các bằng chứng về Jefferson và các hậu duệ đến nay, kể cả các thử nghiệm DNA [6]. Một số nguồn nghiên cứu cho rằng hai người có sáu người con với nhau.
Sally Hemings, thật ra, không phải là một nô lệ bình thường. Bà Hemings là chị em cùng cha khác mẹ với bà Martha Skelton Jefferson, vợ của Jefferson, trước khi lấy chồng có tên họ là Wayles. Cha của Martha là John Wayles, là một luật sư và một người buôn nô lệ, có quan hệ tình dục với Betty Hemings, đẻ ra sáu người con, con út là Sally Hemings. Martha mất vào năm 1782, nên trong chuyến công vụ đến Pháp vào năm 1787, kéo dài hai năm, Jefferson đã góa vợ. Hemings lúc đó mới 14 tuổi, đã tháp tùng Jefferson với người con gái Mary Jefferson Eppes, lúc đó chỉ 9 tuổi. Nhiều học giả tin rằng Jefferson đã có quan hệ tình dục với Hemings từ chuyến đi Pháp này, hay lúc về lại Virginia, khi Hemings 16 tuổi.
Trong số 700 người nô lệ mà Jefferson sở hữu trong suốt cuộc đời mình, chỉ có Sally Hemings và sáu người con của bà (với Jefferson) đã được cho rời khỏi cuộc đời nô lệ tại Monticello do sự chỉ định của Jefferson [7].
Cũng vì các điều này mà biểu tượng và thanh danh Jefferson về tự do, bình đẳng v.v… đã phần nào bị ảnh hưởng tiêu cực.
Khác với Thomas Jefferson, George Washington và Benjamin Franklin, hai nhà lập quốc khác của Hoa Kỳ, không ủng hộ chế độ nô lệ. Trong di chúc trước khi mất năm 1799, Washington có ước nguyện muốn trả tự do cho tất cả nô lệ của mình khi ông/vợ ông chết, mặc dầu sự trao trả tự do cho họ không hề đơn giản [8]. Franklin cũng sở hữu nô lệ lúc trẻ, nhưng ông đã nhiệt thành vận động xóa bỏ nô lệ lúc về già, đặc biệt qua Thỉnh Nguyện thư gửi đến quốc hội Hoa Kỳ, Hạ viện vào ngày 12 tháng Hai và Thượng viện vào ngày 15 tháng Hai năm 1790, nhưng không thành [9]. Franklin đã chết hai tháng sau, ngày 17 tháng Tư năm 1790, thọ 84 tuổi.
Di sản nô lệ
Theo giáo sư sử học và luật học tại đại học Harvard, Annette Gordon-Reed, khác với sự phục vụ mang tính hợp đồng của những người nhập cư châu Âu đến Bắc Mỹ, chế độ nô lệ tại Mỹ là một điều kiện được thừa hưởng [10]. Vì thế cho nên chế độ nô lệ này bị ràng buộc chặt chẽ với sự thống trị của người da trắng. Do đó mà ngay cả những người nô lệ được trả tự do, bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn, đều được xem là hạ cấp trong mắt người da trắng; ngược lại, màu trắng liên quan đến sự cao cấp, thượng đẳng và tự do. Cho nên vật lộn với di sản của chế độ nô lệ, vì thế, đòi hỏi phải vật lộn với thượng đẳng da trắng mà đã hiện hữu trước khi thành lập Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chấm dứt chế độ nô lệ hợp pháp.
Theo nghiên cứu của Gs Gordon-Reed, một vài tuần trước khi nội chiến Hoa Kỳ xảy ra năm 1861, Alexander Stephens, Phó Tổng thống của Confederacy (phía tách rời liên bang Hoa Kỳ), cho là người da đen (negro) không thể nào bình đẳng với người da trắng, và rằng nô lệ - phục tùng cho chủng tộc siêu hạng - là điều kiện tự nhiên và bình thường của hắn ta (Slavery - subordination to the superior race - is his natural and normal condition). Cho nên Gs Gordon-Reed biện luận rằng “Để đối đầu với di sản của chế độ nô lệ mà không công khai thách thức thái độ chủng tộc đã tạo ra và định hình thể chế là bỏ một bên biến số quan trọng nhất ra khỏi phương trình”.
Nhìn như thế, lá cờ của Confederacy, hay các biểu tượng đại diện cho Confederacy, như của tướng Robert E. Lee chẳng hạn, không đơn thuần là một vấn đề lịch sử cần phải quên đi; nó còn là một biểu tượng của di sản nô lệ trong đó thành phần thượng đẳng da trắng vẫn muốn tiếp tục duy trì. Cách đối xử thô bạo của cảnh sát với người da đen, như vụ George Floyd vừa qua, cho thấy óc phân biệt vẫn còn hiện hữu trong một số thành phần xã hội tại Mỹ.
Gs Gordon-Reed kết luận để hiểu những vấn đề nhức nhối hiện nay thì “không chỉ nhìn vào chế độ nô lệ mà còn nhìn vào di sản lâu dài nhất của nó: việc duy trì thượng đẳng da trắng”.
Nhiều người Mỹ da trắng, điển hình nhất là bà Eleanor Roosevelt, một trong những tác giả chính của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, hiểu được những bất công oan ức mà người Mỹ gốc Phi đã chịu đựng trong suốt mấy trăm năm qua. Lúc còn sống, bà Roosevelt đã tranh đấu không ngừng nghỉ cho quyền sống của họ, và tìm cách cứu những mạng sống rẻ mạt của người da đen mặc dầu chế độ nô lệ đã không còn hiện hữu sau Tu Chính Án 13 năm 1865. Nên nhớ, vào thập niên 1930, người Mỹ da trắng có thể bắn giết người da đen mà không hề hấn gì, dù không có đủ bằng chứng họ có tội tình gì. Có những lần bà Roosevelt đã tìm cách thuyết phục tổng thống Franklin Delena Roosevelt (FDR) can thiệp để cứu những mạng sống này. Bà cũng đã vận động để ông FDR gặp gỡ lắng nghe tiếng nói của lãnh đạo người da đen, và vận động để người da đen được tham gia tích cực vào các vai trò khác nhau trong Thế Chiến II. Phong trào đấu tranh quyền dân sự (Civil Rights Movement) đã đạt được những thành quả tích cực về công bằng xã hội vào thập niên 1960, đưa đến những cải tổ sâu rộng về luật pháp liên quan đến kỳ thị chủng tộc [11]. Nhiều người Mỹ da trắng cấp tiến đã đứng về phía công lý, nhưng không phải tất cả.
Rất tiếc, vấn nạn kỳ thị vẫn còn tiếp diễn, cho đến nay.
Những công dân Hoa Kỳ, kể những người Việt đến trước hay sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 mà giờ đây là công dân Mỹ, đều có quyền hãnh diện về quốc gia này. Đây là cái nôi của cuộc cách mạng chuyển hóa quyền lực từ quân chủ sang dân chủ, của nhân quyền, của quyền lực cứng và mềm, có sức hút mãnh liệt nhân tài khắp nơi, và đã là trọng lực đáng kể nhất từ sau Thế Chiến II để bao nhiêu quốc gia khác noi gương chuyển hóa dân chủ. Nhưng với một di sản nô lệ kéo dài 400 năm như thế, mà tư duy thượng đẳng da trắng vẫn còn hiện hữu mạnh trong lòng người Mỹ, thì sự hòa giải và bình đẳng vẫn còn lắm thử thách trên quốc gia này. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc cách mạng để đời cho thế giới học hỏi, nhưng di sản nô lệ vẫn mãi là vết nhơ của lịch sử. Viết ra ở đây không phải là để trách bất cứ ai cả nhưng cốt để nói lên thực tế rằng, tất cả đều là con người, dù vĩ đại, nhưng vẫn có những giới hạn của mình, và bị tác động mạnh mẽ bởi quá khứ và bối cảnh chung quanh.
Nguồn gốc tội lỗi và sai lầm, cái niềm tin mình đương nhiên thượng đẳng hơn người khác, vẫn còn thì làm sao có thể xóa bỏ kỳ thị, phân biệt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét