Cao Nguyên
“Phấn đấu số người ngoài đảng trúng cử vào Quốc hội khoá mới từ 25 đến 50, tức là chiếm từ 5 đến 10%” là điều mà bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ vào sáng 4/2.
Tuy vậy, Ban Tổ chức Trung ương Đảng vừa ra công văn về “Công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp”, yêu cầu Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ phải quán triệt thực hiện chỉ thị và kết luận của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong đó, điều 5 của công văn này ghi rõ “Đối với người ngoài Đảng ứng cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.”
Người “trong Đảng” đánh giá ứng viên “ngoài Đảng” là không công bằng
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, trong những năm quan trọng của MTTQ Việt Nam, cứ 5 năm một lần, họ thay mặt Đảng Cộng sản đứng ra tổ chức các Hội nghị hiệp thương của cuộc bầu cử Quốc hội, cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp.
Ủy ban MTTQ Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên 90% là đảng viên Cộng sản. Đó không phải là một cơ quan độc lập trong việc đánh giá những ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Cho nên, khi để cho những người ở trong MTTQ đánh giá những ứng viên ngoài đảng về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị thì hoàn toàn là không khách quan và không công bằng:
“Theo Hiến pháp Việt Nam thì tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự ứng cử cũng như tham gia bầu cử của Quốc hội, mà ở đây đã gọi là công bằng thì không phân biệt giàu nghèo, thành phần giai cấp hay là phân biệt quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị, không phân biệt về tôn giáo.
Vậy, khi cơ quan của Đảng Cộng sản mà đánh giá những quan điểm độc lập hay quan điểm đối lập với Đảng Cộng sản để nhằm mục đích loại những ứng cử viên đó ra. Tức là họ chỉ chọn những ứng cử viên mặc dù không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản nhưng lại có những quan điểm và lập trường ủng hộ cho sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Ông Nguyễn Đình Hà, là người đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 nói rằng quy định này của Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhằm để loại các ứng viên độc lập có quan điểm khác với Đảng, chỉ để lại những người ngoài Đảng nhưng phải “phò Đảng” mới được lọt vào danh sách ứng viên ĐBQH cuối cùng:
“Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam có ba vòng hiệp thương. Vòng đầu tiên là vòng hồ sơ. Vòng thứ hai là hiệp thương tại nơi làm việc và nơi cư trú và vòng thứ ba là lựa chọn danh sách ứng cử viên cuối cùng.
Theo như tiêu chí của quy định mà bên Ban Tổ chức Trung ương đảng đưa ra như thế thì người ta sẽ loại bỏ ngay hồ sơ của những người ngoài Đảng mà họ cho là không đạt tiêu chuẩn ngay từ vòng nộp hồ sơ. Việc này sẽ làm tăng sự khó khăn cho các ứng cử viên độc lập ngoài Đảng.
Trong cái thông báo đó còn có chữ “tiêu chuẩn chính trị”, thì thế nào là đáp ứng đủ tiêu chuẩn chính trị?
Ở đây không phải là việc người ta có đáp ứng về chuyên môn hay những yêu cầu của một đại biểu Quốc hội hay không, mà đây là người ta có thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản hay không. Đó là một điều rất mơ hồ. Có nghĩa rằng đảng đang lọc ra những người có xu hướng thân với đảng và phò Đảng.”
Ứng viên độc lập không chịu sự kiểm soát của Đảng
Ông Trần Quốc Khánh, một công dân ở Hà Nội đã nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc Hội khoá 2021-2026, cho biết ông không quan tâm đến việc Đảng Cộng sản chỉ đạo như thế nào, bởi ông là ứng cử viên độc lập, chỉ làm việc dựa trên Hiến pháp và pháp luật chứ không phải theo chỉ thị của Đảng:
“Tôi trên phương châm là một công dân. Tôi không phụ thuộc vào bất cứ ai, chỉ phụ thuộc vào Hiến pháp quy định. Tức là công dân Việt Nam trên 21 tuổi cảm thấy có tâm và có tầm, có trách nhiệm thì đăng ký tham gia chứ tôi không quan tâm về các loại áp lực khác từ phía nhà cầm quyền, đến đâu thì chúng tôi sẽ lên tiếng giải quyết đến đấy.”
Ông Khánh cho rằng khả năng mình sẽ lọt vào danh sách cuối cùng để được bầu là không có. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định nộp hồ sơ ứng cử với hy vọng sẽ là “viên gạch lót đường” để thúc đẩy ngày càng nhiều người đòi hỏi quyền lợi chính đáng hơn:
“Với một tổ chức bầu cử theo nếp cũ như thế này thì khả năng chúng tôi sẽ bị loại thôi. Bởi vì người ta nói mà người bầu không quan trọng mà quan trọng là người kiểm phiếu.
Tranh cử được đến đâu thì được, tìm mọi cách vận động tranh cử thể hiện tinh thần dân chủ hoặc là một viên gạch lót đường để cho người dân Việt Nam những khóa tiếp theo phấn đấu để có quyền bình đẳng của mỗi công dân. Cho nhà cầm quyền họ cũng phải có sự thay đổi để có một cuộc bầu cử nghiêm túc, mang lại công bằng cho toàn dân, những người ứng cử cũng như những lá phiếu bầu cử phải chính đáng và có giá trị.”
Bầu cử Quốc hội không thể hiện ý chí nhân dân
Ngày 1/3, Báo Thanh Niên phỏng vấn ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là cơ quan chủ trì hiệp thương, lựa chọn người ứng cử Quốc hội. Ông Hầu A Lềnh khẳng định tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân.
Trái ngược lời ông Lềnh, ông Đình Hà cho biết, khi tự ứng cử hồi năm 2016, ông luôn bị các cơ quan chức năng gây khó dễ nhằm loại hồ sơ ngay từ vòng đầu:
“Khi tôi tham gia ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016 thì hồ sơ của tôi đã bắt đầu bị gây khó khăn bằng việc Chính quyền cấp phường là nơi xác nhận vào bảng sơ yếu lý lịch của ứng viên Đại biểu Quốc hội đã phê vào đó những lời không tốt về tôi, và những lời đó hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và trái với quy định của Ủy ban bầu cử hướng dẫn.
Pháp luật quy định rõ ràng rằng khi mà xác nhận vào sơ yếu lý lịch thì chỉ xác nhận là người đó có cư trú ở đó hay không mà thôi chứ không được quyền nhận xét về cá nhân, phẩm chất của người ta như thế nào.”
Cả hai ông Nguyễn Đình Hà và luật sư Nguyễn Văn Đài đều có cùng nhận định về kỳ bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là không hề có dân chủ, bởi tất cả các “ghế” trong Quốc hội đều đã được Đảng Cộng sản sắp xếp từ trước. Lá phiếu của người dân là vô nghĩa. Ông Đình Hà nói:
“Thật sự thì cái tỷ lệ 5 đến 10% người ngoài đảng cũng không nói lên việc là Quốc hội Việt Nam có dân chủ hơn hay không. Bởi vì cơ chế hoạt động của nó thì cũng vẫn theo sự chỉ đạo đường lối của Đảng Cộng sản mà thôi.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài phân tích rằng ở các kỳ Hội nghị Trung ương 13, 14, 15 của nhiệm kỳ 12 vừa qua, cũng như là Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vừa qua, các cơ quan của Đảng đã tiến hành sàng lọc và lựa chọn những người thuộc diện Trung ương để tham gia vào Quốc hội. Còn các cơ quan đảng ở địa phương sẽ lựa chọn những người ở cấp địa phương để tham gia vào Quốc hội.
Cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là một hình thức nguỵ dân chủ mà thôi. Nó không phản ánh một cách khách quan trung thực rằng là lá phiếu của người dân sẽ đóng vai trò quyết định việc ai sẽ thành trúng cử vào đại biểu Quốc hội. - Luật sư Nguyễn Văn Đài
Vậy cho nên tất cả 500 người sẽ trúng cử thành Đại biểu Quốc hội vào ngày 23/5 tới đây hoàn toàn không phụ thuộc vào lá phiếu của khoảng 60 triệu cử tri Việt Nam:
“Cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam chỉ là một hình thức nguỵ dân chủ mà thôi. Nó không phản ánh một cách khách quan trung thực rằng là lá phiếu của người dân sẽ đóng vai trò quyết định việc ai sẽ thành trúng cử vào đại biểu Quốc hội.
Tức là 60 triệu cử tri Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu nhưng những người trúng cử đã được quyết định từ trước rồi. Cái tỷ lệ 80% hay 90% hay 99% tỷ lệ phiếu bầu cũng đã được quyết định từ trước rồi và nó không phụ thuộc vào số phiếu của cử tri.
Cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 23/5 tới đây chỉ là hình thức nguỵ dân chủ, lừa dối người dân và tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của người dân vào một cuộc bầu cử hết sức là phi nghĩa. Người dân đi bỏ phiếu tức là người dân đã bị lừa và chúng ta không để bị lừa thì chúng ta nên tẩy chay cuộc bầu cử đó.”
Theo nội dung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, trong tổng số 500 đại biểu toàn quốc, số đại biểu các cơ quan Trung ương 207 người, và địa phương 293 người. Đến ngày 25/2, có 20 tỉnh đề nghị xem xét tăng số lượng đại biểu địa phương và giảm số lượng Trung ương gửi về.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/national-assembly-election-candidates-must-be-vested-by-the-party-03012021132132.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét