Diễm Thi RFA
Một bức tượng của bác sĩ và nhà vi khuẩn học người Pháp Alexandre Yersin được trưng bày tại bảo tàng Khoa học y khoa ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 24 tháng 1 năm 2013.
“Cụ tổ” của ngành y tế dự phòng Việt Nam
Bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin, người tìm ra tác nhân gây bệnh dịch hạch, tiền đề cho điều chế huyết thanh kháng dịch. Ông cũng là một trong những người đã khám phá ra Đà Lạt. Tuy nhiên, ông từng bị coi là ‘thực dân’ chỉ vì ông là người mang quốc tịch Pháp. Ông yêu mến Việt Nam và chọn Việt Nam là quê hương thứ hai để sống và để chết. Mộ phần của ông tọa lạc trong khuôn viên trang trại thí nghiệm, sản xuất vaccine của ông lúc sinh thời, nay thuộc quyền quản lý của Viện Pasteur Nha Trang.
Ông đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu vào những năm 1895 - 1896. Ông được coi như “Cụ tổ” của ngành y tế dự phòng Việt Nam.
Là một bác sĩ nhưng Yersin lại không muốn theo nghề của mình để kiếm tiền, bởi ông xem ngành Y như một thiên chức, như mục sư. Ông nghĩ, lấy tiền chữa bệnh khác nào nói với họ: Tiền, hay Mạng sống. Đó là điều được ông chia sẻ qua bức thư gửi cho mẹ ông sau khi ông lấy bằng bác sĩ y khoa tại Pháp.
Nói về tình cảm của người dân Việt Nam đối với Bác sĩ Yersin, Nhà sử học Nguyễn Nhã đánh giá:
“Trong Tập san Sử Địa số về Đà Lạt, tôi có đề cập đến ông Yersin. Ông là một trong những người phát hiện ra Đà Lạt. Ông Yersin là một bác sĩ phải nói là rất tốt bụng đối với Việt Nam. Khi ông về Nha Trang để sống và nghiên cứu thì tôi nghĩ, người Việt Nam, nhất là dân ở Nha Trang rất yêu mến ông. Và ở Sài Gòn trước đây cũng có một con đường mang tên Yersin.”
Bài viết Lịch sử phát triển Đà Lạt (1893-1954) của sử gia Nguyễn Nhã có đoạn viết: “Ông Yersin khám phá ra cao nguyên Langbian vào năm 1893. Ông đã dùng ngựa để thám hiểm Đà Lạt. Theo nhật ký của ông, ông đã đến thác Prenn hồi 1 giờ 25 phút chiều ngày 21/6/1893 và đến 3 giờ 30 ông mới lên tới vùng cao nguyên Đà Lạt.
Tuy khám phá ra Đà Lạt nhưng Nha Trang cảnh đẹp nên thơ đã lôi cuốn ông ngay từ lần ghé bến Nha Trang đầu tiên và ông đã đến Nha Trang ở. Ông coi Nha Trang như quê hương thứ hai, sống ở đây cho tới khi từ trần là năm 1943.”
Nhà bác học Yersin đã chọn Nha Trang để sống và làm việc hơn 50 năm, từ năm 1891 đến cuối đời là năm 1943. Thế nhưng đến năm 1990, Nhà nước Việt Nam mới công nhận và giao cho Bộ Văn Hóa - Thông tin ra Quyết định xếp hạng cụm di tích do Bác sĩ Yersin để lại ở Khánh Hòa.
Cụm này gồm: Thứ nhất là phần mộ của Bác sĩ Yersin ở Suối Dầu cách Nha Trang 20 cây số. Thứ hai là Chùa Linh Sơn trong đó có thờ Bác sĩ Yersin. Đây vốn là nơi làm việc của ông lúc sinh thời. Thứ ba là Thư viện Yersin nằm ngay trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang.
Không được trân trọng đúng mức?
Sau năm 1975, những người có công, có lòng với đất nước và con người Việt Nam dường như không được trân trọng đúng nghĩa nếu họ là người phương Tây, như trường hợp hai giáo sĩ liên quan đến quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ của Việt Nam - Alexandre de Rhodes (1593 - 1660, người Pháp) và Francisco de Pina (1585 - 1625, người Bồ Đào Nha).
Tháng 10 năm 2019, khi Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng công bố lấy ý kiến dự thảo Đề án đặt, đổi tên gần 140 đường và công trình công cộng ở Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Lịch sử Nguyễn Đắc Xuân nhấn mạnh, Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina rất có công với đạo Thiên Chúa ở Việt Nam chứ không có công với đất nước, với dân tộc này.
PGS.TS Lê Cung thì khẳng định Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ Quốc ngữ mà trái lại, đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội nên không thể vinh danh, đặt tên đường được.
Còn với trường hợp Bác sĩ Yersin thì sao? Nhà báo Võ Văn Tạo, từng viết cho báo Tuổi Trẻ, kể lại với RFA:
“Cậu không biết à, Tỉnh Ủy nó bảo Yersin là ‘thằng thực dân’. Đó là nguyên văn lời Giáo sư - Tiến sĩ Đoàn Xuân Mượu, Viện trưởng Viện Vaccine Nha Trang của Bộ Y tế, nói với anh vào năm 1985. Sau đó, với tư cách nhà báo, Hội Ái Mộ Yersin có mời anh họp. Trong cuộc họp anh có nhắc lại câu nói của ông Mượu thì một số người ngạc nhiên và cho là chuyện khó tin. Lúc đó Nhà thơ Giang Nam, Ủy viên BCH của Hội đứng dậy xác nhận điều đó đúng vì ông Giang Nam cũng biết điều đó. Ông Giang Nam sau này là Tỉnh Ủy viên, Phó chủ tịch phụ trách khối văn - xã.
Chính quyền Nha Trang có một sai lầm là sau năm 1975, căn nhà của Bác sĩ Yersin - dân Nha Trang quen gọi là lầu Ông Tư, một căn nhà bốn tầng kiên cố và đẹp ngay bờ biển - bị Nhà nước đập đi rồi xậy lên một tòa nhà khác làm Nhà nghỉ của Bộ Công An, còn gọi là Nhà Nghỉ 378.
Nhưng bên cạnh đó có một cái may mắn là con đường dài nhất, thẳng nhất của Thành phố Nha Trang mang tên Yersin từ trước 1975 đã không bị đổi tên.”
Trong khi đó, ngay tại Thành phố Đà Lạt, nơi có rất nhiều con đường mang tên các danh nhân người Pháp được đặt từ trước năm 1953 đã bị đổi tên sau năm 1975.
Điều đáng nói là con đường mang tên người có công tìm ra thành phố này cũng chung số phận. Đó là con đường chạy ngang Nhà thờ Con Gà có tên Yersin bị đổi thành đường Trần Phú cho đến hôm nay chưa được khôi phục.
Anh Đoàn Triều Dương, một cư dân Đà Lạt nói với RFA rằng, đó là chuyện bình thường vì sau 1975, những gì liên quan đến Mỹ hay Pháp đều bị coi là ‘đế quốc’, là ‘thực dân’. Bản thân học sinh cũng không được học về ông Yersin, không thấy ở đâu vinh danh hay nhắc nhở đến vị bác sĩ này.
Nói về việc chăm sóc mộ phần Bác sĩ Yersin ở Nha Trang, Nhà sử học Nguyễn Nhã nêu nhận xét của ông:
“Theo tôi thì Chính quyền Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 chăm sóc những di tích lịch sử liên quan đến ông Yersin tốt hơn bây giờ. Bây giờ người ta ít quan tâm đến những đóng góp của Bác sĩ Yersin.”
Là một trong những người rất ngưỡng mộ và trân trọng Nhà bác học Yersin, Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, khu mộ của Bác sĩ Yersin không được mở cửa hay quảng bá như một di tích lịch sử để du khách có thể thăm viếng, mà chìa khóa vào ngôi mộ được thành phố giao cho một người bán tạp hóa gần đó. Ai biết thì đến mượn chìa khóa rồi vào viếng. Không có người hướng dẫn. Ông nói thêm:
“Họ chỉ chăm sóc có tính chất hình thức mà thôi. Anh đã nhiều lần đến khu mộ ông Yersin rồi. Tiêu điều lắm. Thậm chí năm kia bị bão cây cối ngổn ngang chẳng ai dọn hết. Vì sao lại như thế?
Trước khi chết, ông Yersin chọn nơi chôn mình là Suối Dầu, là trang trại mà ngay từ đầu, Nhà nước toàn quyền Đông Dương giao cho ông 500 hecta để ông trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm để nghiên cứu điều chế huyết thanh kháng dịch.
Sau 1975, không biết vì lý do gì nó chỉ còn lại 120 hecta nhưng vẫn thuộc Viện Pasteur Nha Trang quản lý. Sau này Viện này lại tách làm hai viện là Viện Pasteur và Viện Vaccine.”
Theo sử sách ghi lại, Bác sĩ Yersin là người cho xây dựng Viện Vi trùng học Nha Trang năm 1895 và khi làm Hiệu trưởng Trường Y Đông Dương ở Hà Nội vào năm 1902, ông nắm quyền lãnh đạo cả Viện Pasteur Sài Gòn do bác sĩ Calmette sáng lập năm 1891.
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng tòa nhà chính của Trường Y Đông Dương (tức lễ thành lập) diễn ra vào ngày 27 tháng Hai năm 1902. Trường khai giảng ngày 1 tháng Ba năm 1902. Trường Y Đông Dương là tiền thân của trường Đại học Y và Đại học Dược Hà Nội sau này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/doctor-yersin-was-called-colonial-dt-03022021103014.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét