Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

5484 - Tự chủ về công nghệ, nỗi ám ảnh của Trung Quốc

Thanh Hà
Trung Quốc có kế hoạch hỗ trợ các tỉnh phát triển công nghệ kỹ thuật số. Ảnh minh họa. 
NOEL CELIS AFP

Chỉ một ngày sau khi Hoa Kỳ thông qua kế hoạch kích cầu 1.900 tỷ đô la vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19, Quốc Hội Trung Quốc « nhất trí » về kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu rõ ràng nhất trong kế hoạch 5 năm sắp tới là « sự tự chủ về công nghệ cao », thoát khỏi vòng kềm tỏa của Mỹ.

Bị chiến tranh công nghệ Mỹ -Trung ám ảnh, ngân sách dành riêng cho khâu nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc dự trù đạt ngưỡng 500 tỷ đô la tức là hơn hẳn so với khả năng của Mỹ trong tài khóa 2018 và con số này sẽ cao gấp 10 lần so với khả năng của Pháp trong ngân sách 2017.

Kế hoạch phát triển kinh tế cho giai đoạn 5 năm sắp tới của Trung Quốc có gì mới ? Đâu là những tính toán của Bắc Kinh? Trung Quốc sẽ phải vượt qua những thách thức nào để giành lấy phần thắng trong cuộc tranh hùng với Mỹ về công nghệ cao ? RFI mời giáo sư kinh tế Jean – François Huchet, trường Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO trả lời các câu hỏi trên.

Ngày 11/03/2021 Quốc Hội Trung Quốc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021-2025) trong « một môi trường quốc tế càng lúc càng bất thuận lợi » như ghi nhận của Mark Williams, cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại Luân Đôn, sau khi chính quyền Biden đã xác định đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc là « thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XIX ».  

Bốn cột trụ cho một kế hoạch 5 năm

Vào lúc Bắc Kinh chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình duy trì mục tiêu « nhân lên gấp đôi thu nhập đầu người vào ngưỡng 2035 so với thời điểm 2011 ». Ngân hàng Pháp Société Générale không ngạc nhiên khi thấy những từ khóa như « chuỗi cung ứng, tự chủ công nghệ, kinh tế xanh và tiêu thụ nội địa » chiếm nhiều chỗ trong kế hoạch 5 năm vừa được các đại biểu Trung Quốc thông qua nhân lễ bế mạc kỳ họp thứ 4, khóa 13 của Quốc Hội.

Để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ, văn bản này ghi rõ « dành ưu tiên tuyệt đối » cho lĩnh vực « nghiên cứu và phát triển R&D. Ngân sách dự trụ « tăng thêm hơn 7 % mỗi năm từ nay đến 2025 ». Như vậy trong 5 năm sắp tới, lĩnh vực R&D của Trung Quốc sẽ có trong tay gần 500 tỷ đô la để hoạt động, theo thẩm định của hãng thông tấn Mỹ Bloomberg. Từ y khoa đến thám hiểm không gian hay nghiên cứu đại dương, từ công nghệ bán dẫn đến công nghệ sinh học, đều sẽ phải có « những bước đột phá » như tham vọng đã được thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra hôm 11/03/2021.

Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Jean François Huchet, trường Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO - Paris trước hết đánh giá về kế hoạch 5 năm lần thứ 14 như sau : « Đây là một kế hoạch nhắm tới những mục tiêu kinh tế lâu dài với cột mốc quan trọng là năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trung Quốc muốn ngang hàng với những nền kinh tế phát triển, cho dù mới chỉ ở cấp thấp nhất trong số những nước giàu. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đề ra những chỉ tiêu trong ngắn hạn và trong số này, sự tự chủ về công nghệ mới là một ưu tiên. Từ nhiều năm qua Trung Quốc đã khởi động nhiều dự án theo hướng này. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, rồi thêm vào đó là kinh tế khó khăn toàn cầu, Bắc Kinh lại càng phải tăng tốc các các chương trình phát triển công nghệ cao. Trung Quốc đã rút ra được hai bài học từ những khó khăn của tập đoàn viễn thông Hoa Vi và trông thấy rõ mức độ lệ thuộc của mình vào công nghệ bán dẫn, vào linh kiện điện tử cao cấp của Mỹ. Vả lại, chúng ta thấy rõ xung đột thương mại Mỹ-Trung đã chuyển sang thành xung đột về công nghệ giữa hai ông khổng lồ của thế giới này. Trung Quốc sẽ tăng tốc các kế hoạch để thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Khuynh hướng này sẽ càng được đẩy mạnh trong dài hạn ».

Phát triển « xanh » và « sạch » ?

Bắc Kinh cũng đã đặc biệt quảng bá nhiều cho các mục tiêu phát triển « sạch » với những mục tiêu như « giảm thiểu cường độ sử dụng năng lượng, giảm cường độ các-bon, giới hạn việc sử dụng năng lượng hóa thạch » … Nhưng trong tháng 2/2020 chính Bắc Kinh đã công bố một chỉ thị kêu gọi « tăng cường tỷ lệ của các nhà máy nhiệt điện » trên bàn cờ năng lượng quốc gia như ghi nhận của Trung Tâm Nghiên Cứu về Năng Lượng và Không Khí Sạch CREA trụ sở tại Helsinki-Phần Lan.

Bên cạnh đó, một giải pháp khác nhằm giảm bớt mức độ thải khí gây ô nhiễm đã được Bắc Kinh tính đến đó là chiến lược phát triển các dịch vụ để thay thế phần nào các hoạt động sản xuất công nghiệp. Về điểm này giáo sư Huchet, thận trọng đồng thời ông lấy làm tiếc là tương tự như khẩu hiệu « Phát triển xanh và sạch », mục đích lấy sức tiêu thụ nội địa làm lực đẩy khó có thể hoàn thành chừng nào ở Trung Quốc còn thiếu vắng một chính sách mang tính xã hội quy mô như ở những nền dân chủ.

Giáo sư Jean-François Huchet phân tích : « Đúng là Trung Quốc chú trọng vào việc phát triển các dịch vụ và điều này đã được ghi thành văn kiện kết thúc khóa họp Quốc Hội. Tuy nhiên kế hoạch phát triển cho 5 năm sắp tới nhấn mạnh đến mục tiêu duy trì các cơ sở công nghiệp trên lãnh thổ quốc gia nhằm tránh lập lại sai lầm của Âu Mỹ. Phương Tây đã để cho các nhà máy di dời cơ sở sản xuất đến những nước nghèo có nhân công rẻ. Bắc Kinh chủ trương hiện đại hóa cỗ máy công nghiệp - chủ yếu là để giảm thiểu các tác động dây chuyền gây ô nhiễm cho môi trường … Ngoài ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025 cũng có một khác biệt quan trọng so với trước đây đó là chính quyền trung ương không còn nêu ra một mục tiêu tăng trưởng cố định bắt buộc phải đạt được bằng mọi giá. Đương nhiên Bắc Kinh vẫn hướng tới một tỷ lệ tăng trưởng 6 % nhưng nếu như GDP trong năm nay tăng chậm hơn một chút thì cũng không phải là điều gì ghê gớm lắm. Điều đó có nghĩa là chính quyền Trung Quốc bắt đầu chú trọng nhiều hơn về chất lượng thay vì số lượng.

Sau cùng văn bản chính thức đã nhắc lại ưu tiên phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Dù vậy theo chỗ tôi biết, Bắc Kinh tuyệt nhiên không đả động đến các biện pháp hỗ trợ xã hội với quy mô như những gì các nền dân chủ phương Tây hay Nhật Bản đã làm sau Thế Chiến Thứ Hai. Tôi không thấy Trung Quốc đề xướng một chính sách xã hội đầy tham vọng, có lẽ do chính quyền không muốn khu vực sản xuất phải chia sẻ gánh nặng đó ».

Bóng dáng Hoa Kỳ trong kế hoạch của Bắc Kinh

Vẫn theo giáo sư Jean-François Huchet, thực chất của vấn đề là trong tất cả những mục tiêu kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2021-2025 đều tiềm ẩn cuộc đọ sức với Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới khi mà đầu tư của phương Tây vào Hoa Lục cạn dần, cho dù là trước mắt Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ các kế hoạch kích cầu liên tiếp của Mỹ để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 : « Đây là một câu hỏi thú vị do kế hoạch kích cầu của Mỹ chắc chắn là sẽ có lợi cho một số ngành nghề ở Trung Quốc đặc biệt là cho những nhà sản xuất đồ tiêu dùng. Trong lĩnh vực này thì Trung Quốc hoạt động rất tốt. Có nguy cơ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ gia tăng, qua đó nhập siêu của Hoa Kỳ với đối tác châu Á này cũng tăng mạnh. Dù vậy từ hơn một năm nay, Mỹ và trong một chừng mực nào đó là châu Âu cũng đã ý thức là không thể tiếp tục để bị lệ thuộc vào một đối tác quan trọng như là Trung Quốc.

Công luận kỳ vọng nhiều là chính quyền Biden sẽ tiếp tục chiến lược đưa các cơ sở của Mỹ về nguyên quán. Điều đó không có nghĩa là tất cả tập đoàn đa quốc gia phương Tây đang hoạt động tại Hoa Lục sẽ đóng cửa để đi tìm một bãi đáp khác. Tôi chỉ muốn nói là Trung Quốc không còn là nơi duy nhất tập trung thu hút đầu tư của ngoại quốc như hiện tại. Một trong những bài học chính từ khủng hoảng y tế lần này là mức độ lệ thuộc quá lớn của Hoa Kỳ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, vào các cơ sở sản xuất Trung Quốc. Sự lệ thuộc về công nghệ đó dẫn đến một sự lệ thuộc luôn cả về mặt địa chính trị. Nhưng cũng cần lưu ý là trong ngắn hạn, Trung Quốc không bị ảnh hưởng gì nhiều. Về lâu dài, đây lại là một chuyện khác và có thể là đầu tư của Âu - Mỹ sẽ loãng ra hơn và được phân tán ra khu vực nhiều hơn ».  

Tuy nhiên, giáo sư Huchet viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương đã nêu lên hai yếu tố trong cuộc đọ sức với siêu cường kinh tế số 1: thứ nhất là lợi thế của Bắc Kinh và thứ hai là nguy cơ bắt đảng Cộng Sản Trung Quốc phải xét lại những ưu tiên trong chiến lược phát triển lâu dài.

Trước hết Jean-François Huchet nói về những phương tiện tài chính « khổng lồ » tưởng chừng vô hạn của một ông khổng lồ châu Á : « Trung Quốc có những phương tiện tài chính khổng lồ nhờ tỷ lệ tiết kiệm rất cao trong nước. Dòng tư bản đó đổ về các ngân hàng mà hệ thống ngân hàng tài chính thì được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Nhờ vậy trung ương có thể hoạch định các chính sách đầu tư tùy theo những ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Thêm vào đó Trung Quốc cũng là trong những nền kinh tế hiếm hoi không bị bội chi ngân sách nhờ vậy mà Bắc Kinh có thể dễ dàng huy động vốn vào bất kỳ lĩnh vực nào, đương nhiên là kể cả trong lĩnh vực quân sự, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, trí thông minh nhân tạo, điện tử hay viễn thông … Họ đầu tư rất nhiều - mức độ hiệu quả lại là một chuyện khác. Nhưng phải nhìn nhận rằng đây là những lợi thế rất quan trọng của Bắc Kinh mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được. Bắc Kinh biết khai thác những lợi thế đó, kể cả về mặt địa chính trị để thương lượng với phần còn lại của thế giới trong thế thượng phong để đạt được những gì họ mong muốn ».  

Thế còn nhược điểm của Trung Quốc thì sao ? Giáo sư ean – François Huchet nhận định : « Gót chân Achille  của kinh tế Trung Quốc chính là hệ thống tài chính. Hiện tại chủ đề này ít được đề cập đến nhưng đây là mối lo chính của các nhà kinh tế tại Bắc Kinh. Vấn đề nằm ở chỗ từ lâu nay Trung Quốc coi trọng ổn định về mặt xã hội hơn là sự ổn định về tài chính. Để có được sự ổn định xã hội đó, Trung Quốc sẵn sàng chi rất nhiều vốn và cũng đã có thể dễ dàng giải ngân mà không mấy bận tâm về tính hiệu quả nhờ Bắc Kinh nắm giữ hệ thống ngân hàng trong tay. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc đã có được những thành tích tăng trưởng trong nhiều năm trung bình là từ 8 đến 10 % một năm. Khi mà cỗ máy kinh đang vận hành tốt thì không hề hấn gì. Nhưng khi GDP chỉ còn tăng 6 % một năm, việc quản lý các khoản nợ nần chồng chất đã khó khăn hơn một chút, và đến khi tăng trưởng tuột dốc thêm nữa thì cả mô hình đó bị đe dọa.

Cần nhắc lại là Trung Quốc đã nhiều lần suýt bị khủng hoảng tài chính : năm 1994-1995 tình thế đã được cứu vãn nhờ có tỷ lệ tăng trưởng cao. Kịch bản này lại suýt xảy ra trong giai đoạn 2009-2013 nhưng rồi ông khổng lồ châu Á này cũng cưỡng lại được. Nhưng chưa thể nói là Trung Quốc được thanh thản và chúng ta cần theo dõi nhược điểm này !»

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20210323-trung-quoc-tu-chu-cong-nghe-23032021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét