Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

5472 - Bản tin ngày 25-3-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Trong buổi họp báo thường kỳ chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng về 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đá Ba Đầu, Zing đưa tin. Khi được hỏi về vụ Philippines phát hiện 220 tàu “dân quân biển” của TQ tụ tập ở khu vực Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa mà cả VN và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền, bà Lê Thị Thu Hằng trả lời:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông DOC.

Bà Hằng phát biểu như băng ghi âm sẵn, lặp đi lặp lại chỉ một ý đó mỗi khi được hỏi về diễn biến leo thang mới của TQ ở Biển Đông.

Hình ảnh tàu dân quân biển TQ neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: AP/Zing

VietNamNet có bài: Hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu ở đá Ba Đầu xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Khi được hỏi rằng tàu cảnh sát biển VN có xuất hiện tại khu vực đảo Ba Đầu hay không, bà Hằng trả lời: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.

Hãng tin Trung Đông Al Jazeera có clip về tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông: Philippines yêu cầu tàu TQ rời khỏi khu vực Đá Ba Đầu.

Nhật và Úc cũng chú ý tới bước leo thang căng thẳng mới của TQ ở Biển Đông: Australia và Nhật Bản quan ngại vụ tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu, theo báo Thế Giới và VN. Úc  và Nhật cho rằng, “những hành động gây bất ổn” có thể làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển tranh chấp.

Ông Steven Robinson, đại sứ Úc tại Philippines, nói: “Chúng tôi vẫn quan ngại về những hành động gây bất ổn có thể làm kích động leo thang căng thẳng… Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn, rộng mở và bao trùm”.

Còn đại sứ Nhật tại Philippines, ông Koshikawa Kazuhiko bình luận: “Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi ủng hộ việc thực thi pháp trị ở vùng biển này và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình này”.

Về tình hình ở khu vực Đá Ba Đầu, theo thông tin do South China Morning Post cập nhật lúc 6h tối nay, các tàu “dân quân biển” của TQ vẫn tụ tập ở vùng biển này, bất chấp sự phản đối từ Philippines, Mỹ và các nước khác quan tâm tới tranh chấp Biển Đông. Chính quyền Philippines đã triển khai tàu hải quân đến tuần tra khu vực, nhằm tránh kịch bản bãi cạn Scarborough lặp lại ở Đá Ba Đầu. 

Ảnh vệ tinh của Công ty công nghệ Maxar chụp khu vực Đá Ba Đầu, cho thấy nhiều tàu dân quân biển TQ tụ tập tại đây. Ảnh: AFP/ABS-CBN

Cùng với hành động triển khai thêm tàu tuần tra, các nghị sĩ Philippines ra nghị quyết về điều tra 220 tàu TQ, theo báo Pháp Luật TP HCM. Khối liên minh Makabayan tại Hạ viện Philippines, đệ trình nghị quyết kêu gọi mở cuộc điều tra về sự hiện diện của các tàu TQ tại khu vực Đá Ba Đầu. Nghị quyết có đoạn:

“Sự thất bại của chính quyền ông Duterte trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đã dẫn đến việc nhiều ngư dân Philippines mất kế sinh nhai. Trước sự quấy rối liên tục của lực lượng hải cảnh Trung Quốc và việc Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân biển, người dân Philippines đã bị tước đi nguồn tài nguyên thiên nhiên trong lãnh thổ của mình”.

***

Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị Indonesia thả tàu cá, VnExpress đưa tin. Bộ Ngoại giao VN đề nghị Indonesia trả tự do cho 43 ngư dân và 2 tàu cá bị nước này bắt giữ ở khu vực giáp ranh giữa 2 nước:

“Chúng tôi đã nhận thông tin về tàu cá BV 4419 TS với khoảng 20 ngư dân và BL 93333 TS với 12 ngư dân bị lực lượng Indonesia bắt giữ hôm 18/3 trong khi đánh cá ở khu vực phân định thềm lục địa Việt Nam và Indonesia. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã tuyên truyền, đề nghị phía Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá”.

Hai tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt vào ngày 18/3/2021. Ảnh: Kompas/VNE

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Hải quân Trung Quốc thu thập dữ liệu gì về Biển Đông? Tin cho biết, các nhà khoa học dân sự và quân nhân TQ đóng trú trái phép trên các thực thể mà TQ bồi đắp, cải tạo phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa, đang thu thập nhiều loại thông tin về thủy triều, thủy văn, khí tượng, thậm chí khảo sát độ sâu của Biển Đông, thu thập các mẫu sinh vật và trầm tích cũng như vẽ bản đồ đáy biển.

GS Ryan Martinson của trường cao đẳng Hải chiến Mỹ lưu ý, những dữ liệu như vậy có giá trị vì nó giúp hải quân TQ nắm rõ các yếu tố cấu thành “môi trường không gian chiến trường đại dương”.

Tin chính trường

Kỳ họp thứ 11 QH khóa 14 bước sang ngày làm việc thứ 2, sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo nhiệm kỳ của cơ quan tư pháp, VOV đưa tin. Đúng như lịch làm việc cho biết từ trước, từ bây giờ đến thứ hai tuần sau, QH sẽ chỉ bàn chuyện vô thưởng vô phạt. Buổi sáng, các đại biểu nghe các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kiến nghị của cử tri.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo kết quả triển khai bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhưng ông Phúc không giải thích: Tại sao các ĐBQH sẽ được bầu vào ngày 23/5/2021, nhưng ngày 31/3/2021 Chủ tịch QH mới sẽ được chọn, tức là sớm gần 2 tháng. Theo nguyên tắc, các đại biểu Quốc hội phải được bầu trước, sau đó Quốc hội mới này bầu Chủ tịch.

VnExpress dẫn lại lời nói dối không biết ngượng của Chánh án Nguyễn Hoà Bình: 5 năm không xảy ra kết án oan. Người dân khắp nơi trên cả nước liên tục kêu oan, mới đây, ở Sài Gòn, TAND quận Bình Thạnh, đã xin lỗi công khai bí thư Đoàn Bùi Minh Lý, bị ngồi tù oan hơn 2 năm, bị kết án oan ông Lý phạm tội cướp giật ngày 19/1/2014, nhưng người đứng đầu cơ quan tư pháp không thấy án oan nào!

Nhà báo Nguyễn Thiện bình luận: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo với Quốc Hội là ‘nhiệm kỳ qua không có người nào bị kết án oan’. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm, sau đó mới kết luận là ông ấy bị oan. 10 năm tức là 2 nhiệm kỳ. Nghiêm trọng hơn, án giết người mà ‘pháp luật’ dành cho ông Huỳnh Văn Nén được kết luận là oan sau khi ông ấy ở tù 17 năm. Mười bảy năm là hơn 3 nhiệm kỳ. Thế nên, phải chờ 15 – 20 năm nữa mới biết nhiệm kỳ vừa qua có án oan hay không, Chánh án Tòa Tối cao à!

VTC dẫn lời phát biểu của Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Các đạo luật thiếu tính dự báo, chỉ vài năm lại phải thay. Ông Hiểu bình luận: “Chúng ta tìm được đạo luật nào tồn tại được 10-15 năm thì hầu hết đó là các đạo luật ít tác động đến đời sống, như là luật thanh niên, đơn giản vì nó không vào được đời sống. Còn những luật vào đời sống thì vài ba năm là phải thay, rõ ràng chúng ta bỏ yếu tố về tính dự báo”. Đó là cách nói khéo để chỉ tình trạng các nhà làm luật không ở dưới đất, mà ở trên mây khi làm luật. 

ĐBQH Hoàng Đức Thắng bày tỏ sự băn khoăn khi thay đổi toàn bộ lãnh đạo Quốc hội, theo Zing. Ông Thắng lưu ý, theo lộ trình nhân sự dự kiến, Chủ tịch và tất cả Phó Chủ tịch QH khóa 14 đều nghỉ, chỉ có 5 trong tổng số 18 ủy viên Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục công tác trong khóa mới: “Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khóa XIV cho khóa XV là rất ít”.Báo Pháp Luật VN có bài: Cử tri và Nhân dân cho rằng còn công chức, viên chức quan liêu. Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN Trần Thanh Mẫn thừa nhận, cử tri và người dân lưu ý, quá trình thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là vấn đề lao động, việc làm, còn hạn chế trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, một số công chức, viên chức còn quan liêu, hiệu quả làm việc thấp. 

“Đất vàng” và “lỗi đánh máy”

Diễn biến bất ngờ trong phiên xử vụ hoán đổi “đất vàng” ở thành Hồ: Xuất hiện tình tiết mới, tòa tạm dừng phiên xử đại gia Dương Thị Bạch Diệp, VietNamNet đưa tin. Phần tranh luận tiếp tục xoay quanh “bằng chứng mới” của vụ án do LS Phan Trung Hoài cung cấp chiều qua. Đó là văn bản thỏa thuận được lập vào ngày 18/9/2014, trong đó xác định bên nhận tài sản thế chấp là Agribank, bên thế chấp là Công ty Diệp Bạch Dương của bà Diệp và bên thuê tài sản là Công ty Phan Thành.

Đại diện Agribank nói về bằng chứng do LS Hoài cung cấp: “Trên cơ sở đó, xác nhận tài sản 185 Hai Bà Trưng hơi khiên cưỡng. Nhưng vì khiên cưỡng nên ngân hàng chỉ nhận 50% tiền thuê khi hợp khối cho thuê”. Chủ tọa phiên tòa nhận định, vấn đề tranh luận xoay quanh hợp đồng 3 bên vẫn chưa được những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm rõ, nên HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa tới chiều mai 26/3.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, cựu GĐ Công ty BĐS Diệp Bạch Dương, tại phiên tòa. Ảnh: VNN

Trước đó, văn bản thỏa thuận 3 bên do LS Hoài cung cấp, cho thấy: Có nhiều sự chênh lệch về các mốc thời gian trong vụ án, bao gồm thông tin ngày tháng trên tờ trình cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà 57 Cao Thắng, thời điểm làm hồ sơ thế chấp tài sản cho Agribank. Các điểm mâu thuẫn cho thấy, sự nghi ngờ của bà Diệp và LS Hoài về các “bằng chứng” của phía cơ quan công tố là có cơ sở, dù VKS luôn bác bỏ các lập luận phản biện của bà Diệp. 

VnExpress có bài: Dừng xét xử bà Diệp Bạch Dương vì ‘chứng cứ bất thường’. Dù tài liệu của LS Hoài cho thấy “bằng chứng” do Sở TN&MT thành Hồ cung cấp “có vấn đề”, nhưng ông Phạm Ngọc Liên và bà Cao Linh, đại diện Sở TN&MT, là 2 cán bộ thụ lý hồ sơ của bà Diệp, vẫn cho rằng họ cung cấp hồ sơ thật. Họ thừa nhận có sự nhầm lẫn về ngày tháng nhưng cho rằng đó là “lỗi đánh máy”, còn tài liệu “hoàn toàn là thật”. Mục bình luận trong bài báo, có nhiều lời bình ẩn ý về nghề “đánh máy”, nghề nguy hiểm nhất VN. 

Trước khi HĐXX quyết định dừng phiên tòa, hai bên càng tranh luận càng lộ thêm tình tiết không ăn khớp: Bà Bạch Diệp khai đi sinh nhật, phòng công chứng nói bị cáo có đến ký, theo Zing. Ông Nguyễn Chí Hoàng, đại diện Phòng Công chứng số 1 khẳng định, ngày 31/12/2008, bà Diệp có đến phòng công chứng để ký hồ sơ, hôm đó phòng công chứng phải làm việc đến 19h. 

Bà Diệp phản biện, ngày 31/12/2008, bà không thể có mặt ở TP HCM vì lúc đó bà đã về TP Quy Nhơn dự sinh nhật cùng chồng. LS Phan Trung Hoài lưu ý, không hề có dữ liệu camera ghi lại sự kiện đó, chỉ có lời nói của ông Hoàng, nên không xác thực. Hơn nữa, thời điểm đó ông Hoàng chưa về làm việc tại Phòng Công chứng số 1. Đến đây, ông Hoàng sửa lời khai, nói là có người khác chứng kiến rồi kể lại cho ông. 

Tin nhân quyền

RFA có bài: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng mang não trạng ‘thế lực thù địch kích động’. Vụ Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, người dân biểu tình phản đối Formosa, phản đối dự luật đặc khu hoặc chống cướp đất ở Đồng Tâm đều do “thế lực thù địch” kích động, Linh mục Nguyễn Đình Thục bình luận: “Đối với lãnh đạo Việt Nam thì họ coi những người dân có quan điểm trái với họ đều là thù địch”.

Một nhà hoạt động xã hội ẩn danh ở Hà Nội nhận định: “Ở góc độ của ông ấy thì báo cáo phải viết như thế thôi. Chứ còn góc độ người dân thì những vụ như Formosa hoặc là Luật Đặc khu nó ảnh hưởng tới môi trường sống, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng và chủ quyền của Việt Nam thì người ta xuống đường thôi. Tất cả những cuộc xuống đường hay là bày tỏ chính kiến về tất cả vấn đề trên mạng xã hội ở Việt Nam đều là do nhận thức, hiểu biết và sự quan tâm của người dân”.

Báo Người Việt có bài: Vĩnh Phúc thưởng hàng chục ngàn đô cho công an cưỡng chế đất đai. Theo đó, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nghị quyết về việc “trợ giúp thêm kinh phí (ngoài quy định hiện hành) không quá 1 tỉ đồng ($43,198)/ dự án cho lực lượng công an tham gia công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ”.

Hầu hết các vụ “giải phóng mặt bằng” tại VN đều có sự tham gia của công an. Ảnh: Cổng Tin Tức TP Hải Phòng/NV

Kinh phí để “bồi dưỡng” cho các hoạt động cướp đất của dân được lấy từ chính tiền thuế của dân: “Kinh phí hỗ trợ cho lực lượng công an và lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động từ nguồn chi thường xuyên ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 là 300 tỷ đồng ($12.9 triệu)”.

https://baotiengdan.com/2021/03/25/ban-tin-ngay-25-3-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét