Ông Dương Khiết Trì đã có bài phát biểu 16 phút lên án Mỹ tại hội nghị Alaska
Chính quyền Tổng thống Joe Biden không muốn tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc trong khi phía Bắc Kinh đang tự tin vào ưu thế của mình nên phái đoàn hai nước đã có lập trường cứng rắn tại cuộc đối đầu ở Anchorage, Alaska, Mỹ, theo nhận định của các nhà quan sát.
Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nước để trao đổi về những bất đồng và cũng là cơ hội để thăm dò đối phương sau khi nước Mỹ có chính quyền mới của ông Biden để từ đó hai bên có cơ sở đề ra chính sách cho mối quan hệ song phương.
Theo những gì báo chí được chứng kiến, phái đoàn Mỹ, do Ngoại trưởng Anthony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan dẫn đầu, và phái đoàn Trung Quốc, do ông Dương Khiết Trì, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng, và Ngoại trưởng Vương Nghị dẫn đầu, đã có những lời chỉ trích nhau rất gay gắt trong hơn một giờ đồng hồ tại phiên khai mạc cuộc họp hôm 18/3.
Ông Blinken đã đề cập đến các vấn đề mà Trung Quốc coi là vượt quá giới hạn như vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương mà ông Blinken gọi là ‘tội diệt chủng’ – cũng như việc Trung Quốc sử dụng luật an ninh quốc gia mới để trấn áp bất đồng chính kiến ở Hong Kong.
Đáp trả ông Blinken, trong bài phát biểu kéo dài đến 16 phút trong khi thời gian cho phép chỉ là 2 phút, ông DươngKhiết Trì đã cáo buộc ông Blinken và ông Sullivan là ‘trịch thượng, bắt nạt, phân biệt chủng tộc và đạo đức giả’.
Hai phái đoàn đã ra về mà không có bất kỳ tuyên bố chung nào về sự sẵn sàng làm việc cùng nhau, ngay cả trên những vấn đề mà cả hai đều nói rằng có cùng lợi ích, từ biến đổi khí hậu cho tới bãi bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trong thế đối đầu
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khuyến khích chủ nghĩa dân tộc hung hăng, với các nhà ngoại giao của nước này được xem là những ‘chiến binh sói’ hung hãn – đứng lên bảo vệ lợi ích đất nước bằng ngôn từ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa để có cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, một vấn đề hiếm được sự đồng thuận của lưỡng đảng.
Với những lo ngại nhân quyền và kinh tế đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng, rõ ràng là chính sách giao tiếp, vốn lànền tảng trong sách lược ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Richard Nixon tái lập quan hệ ngoại giao vào những năm 1970, không còn được xem là hiệu quả nữa.
Trung Quốc hiện nay đã hùng mạnh về kinh tế và hung hãn về mặt lãnh thổ, từ biên giới với Ấn Độ đến Biển Đông. Mỹ-Trung đang có mâu thuẫn về mọi thứ, từ thuế quan đến an ninh mạng đến cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Cả hai đều quyết tâm không tỏ ra yếu thế, theo nhận định của tờ Guardian.
Củng cố liên minh với các quốc gia dân chủ khác, một sự khác biệt rõ ràng với cách tiếp cận ‘Nước Mỹ trên hết’ củacựu Tổng thống Donald Trump, được cho là nội dung chủ chốt trong chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden.Trên thực tế, cuộc gặp ở Anchorage diễn ra sau khi hai ông Blinken và Sullivan trên đường trở về sau chuyến thăm các đồng minh của Washington ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ điều này thôi cũng đã làm tăng thêm căng thẳng cho cuộc gặp ở Alaska.
Bên cạnh đó, hai nước cũng có những bước đi quyết liệt trước thềm cuộc gặp. Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với 24 quan chức Trung Quốc với lý do phá hoại nền dân chủ Hong Kong. Còn Bắc Kinh cũng đã lên lịch các phiên xử gây tranh cãi nhắm vào hai công dân Canada mà Ottawa cho rằng đang bị giữ làm ‘ngoại giao con tin.’
Trung Quốc tự tin?
Lời lẽ hằn học khác thường của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Alaska đã thể hiện một Trung Quốc mới hung hăngvà không khoan nhượng, một Trung Quốc ngày càng không chịu khuất phục trước áp lực ngoại giao từ phía Mỹ, theo nhận định của New York Times.
Tờ báo này cho rằng nhận thức của Bắc Kinh về Mỹ và về quyền lực của Washington trên thế giới đã thay đổi. Theo Bắc Kinh, người Mỹ không còn ảnh hưởng áp đảo toàn cầu, cũng như không còn khả năng sử dụng sức mạnh để chống lại Trung Quốc nữa.
Điều này đã khiến Trung Quốc tự tin hơn để theo đuổi các mục tiêu của mình một cách công khai và không kiêng dè từ mấy năm nay – từ các vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương đến các tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác ở Biển Đông, và vấn đề căng thẳng nhất là số phận của Đài Loan, vùng lãnh thổ tự trị mà Bắc Kinh cho là không thể tách rời khỏi họ.
Mặc dù Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn ở trong và ngoài nước, nhưng các lãnh đạo của nước này hiện hành động như thể lịch sử đang đứng về phía họ.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tiếp cận Mỹ từ yếu thế kém về kinh tế lẫn quân sự. Điều này đã khiến họ đôi khi phải tuân theo các yêu cầu của Mỹ, dù miễn cưỡng thế nào đi nữa, cho dù là thả tự do cho những người tranh đấu chonhân quyền đang bị cầm tù hay chấp nhận các điều kiện của Washington để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ngày nay, Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn nhiều về khả năng họ có thể thách thức Mỹ và thúc đẩy tầm nhìn của họ về trật tự quốc tế. Đó là sự tự tin mà ông Tập Cận Bình, người từng nói rằng ‘phương Đông đang trỗi dậy, còn phương Tây đang thoái trào’, thể hiện từ năm 2012.
Cách nhìn nhận của Bắc Kinh càng được củng cố trong đại dịch COVID-19 khi mà Trung Quốc đã kiểm soát được dịch tại đất nước họ và những chia rẽ chính trị nội bộ đang gây lộn xộn ở Mỹ. Ông Dương đã chỉ ra cả hai điều này trong bài phát biểu của mình trước phái đoàn Mỹ.
“Những thách thức mà nước Mỹ đối mặt về nhân quyền có gốc rễ sâu xa,” ông Dương nói, đề cập đến phong trào Black Lives Matter lên án nạn bạo hành trong ngành cảnh sát. “Điều quan trọng là chúng ta phải xử lý tốt việc của mình thay vì đổ lỗi cho ai đó.”
Trên tất cả những vấn đề mà ông Blinken nêu ra trước và trong các cuộc hội đàm – từ Hong Kong đến Tân Cương, từ nhân quyền đến công nghệ - phái đoàn Trung Quốc đã từ chối có bất kỳ nhượng bộ nào.
Điều bất ngờ là ông Dương Khiết Trì đã nói rằng cả Mỹ lẫn phương Tây đều không thể chiếm độc quyền dư luận quốc tế.
“Tôi không nghĩ rằng đại đa số các nước trên thế giới sẽ công nhận rằng các giá trị phổ quát mà nước Mỹ cổ súy hay ý kiến của Mỹ có thể đại diện cho dư luận quốc tế,” ông Dương nói. “Và những quốc gia đó sẽ không thừa nhận rằng các quy tắc do một số ít người đưa ra sẽ là cơ sở cho trật tự quốc tế.”
‘Thời gian tới sẽ căng thẳng’
Từ giọng điệu trong cuộc họp, khi mà ‘những người hiện phụ trách về mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới không thể che giấu căng thẳng chỉ trong vài phút’, tờ Guardian dự đoán rằng ‘điều hỗn loạn hơn còn ở phía trước’.
Tuy nhiên, trong cuộc họp kín sau đó, hai bên đã thảo luận ‘thực chất và nghiêm túc’, các quan chức Mỹ nói với CBS, đồng thời nêu lên hy vọng rằng hai bên sẽ làm việc cùng nhau trên các vấn đề quan trọng cùng quan tâm, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến biến đổi khí hậu.
Đội ngũ của ông Biden cho rằng mặc dù chính quyền ông Trump đã xác định chính xác Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng lớn, nhưng các chính sách thất thường và cách đối xử tệ bạc với các đồng minh đã phá hoại nỗ lực của Mỹ chống Trung Quốc.
Ít có quan chức hay chuyên gia nào của cả hai bên hy vọng sẽ có cải thiện đáng kể trong quan hệ song phương. Ông Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh, được New York Times dẫn lời nói: “Nhìn tổng thể, cuộc đàm phán này chỉ là để hai bên đặt tất cả các lá bài lên bàn cân, để hai bên nhận ra khác biệt giữa họ lớn và sâu sắc như thế nào. Nhưng trên thực tế, nó không giúp ích gì cho hòa giải hay giảm nhẹ căng thẳng.”
“Cuộc trao đổi chiến lược này diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và hữu ích,” ông Dương Khiết Trì nói trên truyền hình nhà nước Trung Quốc sau cuộc gặp. “Tất nhiên, giữa hai nước có những tranh chấp lớn. Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển, và không gì có thể ngăn cản được sự phát triển cũng như sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.”
Về phần mình, ông Jake Sullivan, được dẫn lời sau cuộc gặp ở Alaska: “Chúng tôi không muốn kiếm chuyện, nhưng chúng tôi hoan nghênh cạnh tranh cứng rắn và chúng tôi sẽ luôn đứng lên tranh đấu cho các nguyên tắc của mình, vì người dân chúng tôi và bạn bè chúng tôi.”
‘Vừa hợp tác vừa đấu tranh’
Trao đổi với VOA, ông Tạ Văn Tài, cựu giáo sư Đại học Harvard, lưu ý rằng tại cuộc họp Alaska, phía Mỹ ‘đã có lập trường cứng rắn trước rồi Trung Quốc mới phản công.’
Ông nói những gì đã xảy ra ở Trung Quốc trong bốn năm qua, như chính sách đàn áp ở Tân Cương, việc bóp nghẹt quyền tự do ở Hong Kong hay những lời đe dọa nhắm vào Đài Loan đã buộc chính quyền Biden ‘phải có hành động cương quyết hơn’.
Mặt khác, ông Biden ‘muốn chứng tỏ với Trung Quốc rằng chính quyền ông không phải là chính quyền Obama thứ hai để cho Trung Quốc lấn lướt’ cũng như đáp lại những lời chỉ trích của phe Cộng hòa rằng ông ‘yếu đuối trước Trung Quốc’.
“Phía Trung Quốc cũng muốn chứng tỏ là họ không thể thua vì họ đang mạnh về kinh tế, còn nước Mỹ mới trải qua khủng hoảng bốn năm qua về chính trị nội bộ và kinh tế cũng đứng tại chỗ chứ không thấy mạnh lên như Trung Quốc,” ông Tài phân tích về động cơ ‘chơi rắn’ của Trung Quốc.
Ông dẫn chứng việc ông Dương đã bày tỏ sự tự hào về mô hình xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc để phản bác lại nước Mỹ ‘đang bị suy yếu về nội bộ, có sự phân biệt sắc tộc, sự đàn áp của cảnh sát với người da đen, sự nổi loạn trong bầu cử Tổng thống’.
Dự đoán chính sách của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh trong thời gian tới, ông Tài tóm gọn trong hai chữ: ‘cooperation’ (hợp tác) và ‘confrontation’ (đối đầu) và theo ông, tùy vấn đề mà chính quyền Biden sẽ có lập trường phù hợp.
“Mỹ sẽ cứng rắn trên những vấn đề như lạm dụng thương mại, Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, đánh cắp sở hữu trí tuệ,” ông nói.
Theo lời vị giáo sư này thì Tổng thống Biden ‘cũng muốn có quan hệ bình thường với Trung Quốc’ để cùng giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm chứ ‘không phải cứ hết lần này đến lần khác đe dọa như (cựu Tổng thống) Donald Trump’.
Ông nhấn mạnh đến việc chính quyền Biden phối hợp với đồng minh trước Trung Quốc và chỉ ra việc trước khi đến Alaska, phái đoàn của ông Blinken và ông Sullivan ‘đã có sự tham khảo các nước Bộ Tứ là Nhật, Ấn và Úc để có lập trường chung đi gặp Trung Quốc’.
Dự đoán về chính sách Trung Quốc của ông Biden so với chính sách của ông Trump, ông Tài cho rằng ‘ông Biden vẫn giữ lập trường cứng rắn nhưng cách làm sẽ mềm dẻo, khôn khéo hơn ông Trump’.
Ông nói chính sách ngoại giao của chính quyền Trump ‘là cả sự thất bại’ khi ‘bị Châu Âu bỏ rơi, đe dọa Trung Quốc nhưng chẳng làm được gì họ và còn bị Bình Nhưỡng lừa bịp để nâng cao uy tín quốc tế’.
“Trong ngoại giao không nên có thái độ hung hăng, ông Biden sẽ tránh điều này ở ông Trump,” ông Tài nói thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/cu%E1%BB%99c-g%E1%BA%B7p-alaska-t%E1%BA%A1i-sao-m%E1%BB%B9-trung-v%E1%BB%97-m%E1%BA%B7t-nhau-/5826286.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét