Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Bilibili, một nền tảng phát video trực tuyến, đã huy động được 2,6 tỷ đô la khi lên sàn Hồng Kông. Đây là công ty Trung Quốc thứ ba có niêm yết ở Mỹ tiến hành bán cổ phiếu trên sàn Hồng Kông trong năm nay trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ khiến các công ty tìm đường về nước. Trước đây các nhà lập pháp Mỹ từng đe dọa hủy niêm yết các công ty Trung Quốc, trong khi quan hệ giữa chính quyền Biden với chính phủ Trung Quốc đang có khởi đầu xấu.
Tổng thống Joe Biden kêu gọi luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn ở Mỹ sau hai vụ xả súng hàng loạt gần đây ở Boulder, Colorado và Atlanta, Georgia. Ông Biden kêu gọi Thượng viện tái ban hành lệnh cấm vũ khí tấn công và thông qua hai dự luật nhằm vá lỗ hổng trong kiểm tra lý lịch khi mua súng. Cứ mỗi lần có một cuộc thảm sát đảng Dân chủ lại đề xuất luật, còn đảng Cộng hòa từ chối.
Đức gia hạn các biện pháp phong tỏa covid-19 thêm ba tuần và áp đặt lệnh phong tỏa lên gần như toàn bộ đất nước, bao gồm cả dịch vụ tôn giáo, vào cuối tuần lễ Phục sinh nhằm đối phó với một làn sóng ca nhiễm coronavirus. Trong khi đó, gã khổng lồ dược phẩm Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu ở Mỹ một loại thuốc viên điều trị covid-19 khi có dấu hiệu nhiễm virus ban đầu.
Coal India, công ty khai thác than lớn nhất thế giới, có kế hoạch lấn sân sang sản xuất wafer năng lượng mặt trời, một thành phần của tế bào quang điện. Chủ tịch công ty Pramod Agarwal cho biết liên doanh của họ với NLC Ấn Độ dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1,7 tỷ đô la vào các dự án điện mặt trời. Coal India đã cho đóng cửa 82 mỏ trong vòng 3 năm tính đến tháng 3 năm 2020. và sẽ còn tiếp tục đóng nữa.
Theo tổ chức IFPI, doanh số bán đĩa nhạc toàn cầu đã tăng 7,4% trong năm ngoái lên 21,6 tỷ USD. Phát trực tuyến chiếm tới 62% doanh thu; và có hơn 443 triệu người đăng ký trả phí cho một dịch vụ phát trực tuyến tại thời điểm cuối năm 2020. Doanh số bán sản phẩm trực tiếp giảm 4,7%, và doanh thu từ bản quyền biểu diễn giảm 10,1%, phần lớn do covid-19 buộc các địa điểm phải đóng cửa.
GameStop cho biết giám đốc khách hàng của họ sẽ từ chức vào cuối tháng này. Đây là giám đốc điều hành thứ hai phải rời đi kể từ khi Ryan Cohen, người đồng sáng lập Chewy.com, một cửa hàng thú cưng trực tuyến, tham gia hội đồng quản trị của công ty. Ông Cohen, một trong những cổ đông lớn nhất của GameStop, muốn biến hãng bán lẻ trò chơi điện tử này thành một doanh nghiệp thương mại điện tử. Sau khi thị trường đóng cửa vào thứ Ba, GameStop đã công bố khoản lời đầu tiên kể từ vụ sốt cổ phiếu của họ.
TIÊU ĐIỂM
Aung San Suu Kyi ra hầu tòa, biểu tình tiếp diễn
Bà Aung San Suu Kyi hôm nay sẽ hầu tòa trực tuyến trong một phiên điều trần vốn bị hoãn lại vì thiếu đường truyền internet sau khi quân đội Myanmar chặn các mạng dữ liệu di động. Bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi tháng trước, phải đối mặt với ít nhất 5 tội danh, bao gồm tham nhũng. Chúng có lẽ được thiết kế để loại bà khỏi cuộc bầu cử mà chính quyền quân sự hứa sẽ tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm kết thúc.
Tuy nhiên đường phố mới là tình trạng khẩn cấp thật sự. Nhiều người Miến Điện đã nghe theo lời kêu gọi vũ trang của chính phủ dân sự song song của Myanmar, mới được thành lập bởi các thành viên trong đảng của bà Suu Kyi được bầu vào quốc hội vào tháng 11 năm ngoái. Người biểu tình dựng rào chắn để ngăn quân đội tiến vào khu dân cư của họ, với trang bị súng cao su và bom xăng. Các binh sĩ phản ứng bằng cách kéo người dân tháo dỡ chúng, trong khi tiếp tục lùng sục khắp các thành phố, bắt cóc và bắn cả người biểu tình lẫn dân thường. Hiện hơn 260 người Miến đã thiệt mạng. Cuộc chiến vẫn tiếp tục.
Các nước châu Á chịu áp lực tăng giá đồng tiền
Xuất khẩu của châu Á, đặc biệt là hàng điện tử, là một trong số ít những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch. Số đơn đặt hàng xuất khẩu của Đài Loan tăng 49% so với cùng kỳ năm trước trong hai tháng đầu năm 2021, còn xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng 3 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu công bố trong tuần này. Điều đó báo hiệu tốt cho tăng trưởng của các nước, nhưng lại khiến chính phủ của họ phải đau đầu.
Thặng dư thương mại khổng lồ thường khiến đồng tiền bản tệ tăng giá. Song các ngân hàng trung ương châu Á có xu hướng can thiệp để kiềm chế tăng giá, thể hiện qua đợt tăng kỷ lục dự trữ ngoại hối của họ hồi năm ngoái. Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, và ra cảnh báo tám nước khác ở châu Á, bao gồm Đài Loan, làm tăng khả năng nước này có thể hạn chế mua hàng từ châu Á. Trong bối cảnh xuất khẩu vẫn tăng mạnh, các nước châu Á sẽ ngày càng đứng dưới áp lực tăng giá đồng tiền.
Sắp công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng của Mỹ và châu Âu
Sức khỏe kinh tế của các lĩnh vực, quốc gia và khu vực khác nhau sẽ trở nên rõ ràng hơn vào hôm nay khi IHS Markit, một hãng dữ liệu và nghiên cứu, công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng hàng tháng (PMI). Các chỉ số PMI, được tổng hợp từ các cuộc khảo sát công ty, sẽ phản ánh sự khác biệt trong số ca nhiễm covid-19, các hạn chế liên quan đến đại dịch, và tiến độ tiêm chủng. Có thể đoán châu Âu sẽ đi sau Mỹ, và khu vực dịch vụ chậm hơn ngành sản xuất.
Các nhà kinh tế đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro sau khi Pháp, Đức và Ý thắt chặt hạn chế vì số ca nhiễm covid-19 tăng trong khi tiêm chủng chậm trễ. Mặc dù lĩnh vực sản xuất có phục hồi, tình trạng phong tỏa vẫn tiếp tục làm ngành dịch vụ tê liệt. PMI của toàn khối dự kiến dưới 50, tức suy thoái. Nước Anh có lẽ thể hiện tốt hơn, đặc biệt là khi dịch vụ có thể đã tăng trưởng trở lại. Điều đó sẽ giúp nước này tránh bị suy thoái GDP quý đầu năm. Còn ở Mỹ, mọi thứ đang bắt đầu trở lại bình thường. Tổng PMI của họ được dự báo ở khoảng 60, tốt hơn cả con số của tháng trước vốn đã cao.
Người châu Âu chê vắc-xin AstraZeneca
Vắc xin covid-19 của AstraZeneca – Đại học Oxford đã phải nhận nhiều tin xấu trong những tuần gần đây. Trước tiên là các báo cáo về chứng đông máu ở một số người tiêm thuốc, khiến hơn một chục quốc gia ở châu Âu phải cho dừng tiêm chủng. Và chỉ mới hôm qua, xuất hiện cáo buộc cho thấy các cuộc thử nghiệm ở Mỹ của vắc-xin AstraZeneca, vốn cho thấy mức hiệu quả 79%, có thể đã dựa vào “thông tin không cập nhật”. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu gần đây đã tái khẳng định vắc-xin AstraZeneca an toàn.
Tuy nhiên, các công dân châu Âu có vẻ sợ hãi. Tại Pháp, 61% số người được hỏi trong một cuộc thăm dò gần đây của YouGov cho biết họ nghĩ vắc-xin AstraZeneca tương đối hoặc rất không an toàn, tăng so với 43% của hai tuần trước đó. Hơn một nửa số người Đức (55%) nói nó không an toàn, so với mức 40% của tháng trước. Thái độ hoài nghi ngày càng tăng đối với vắc-xin có thể làm tăng số ca tử vong ở châu Âu. Nguy cơ mắc và tử vong vì covid-19 lớn hơn rủi ro tiêm ngừa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sắp xếp lại nội các
Đầu tiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt một đợt bán tháo đồng lira vào đầu tuần khi sa thải Naci Agbal, thống đốc ngân hàng trung ương, người làm các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng khi áp đặt một loạt các đợt tăng lãi suất. Có thời điểm vào ngày 22 tháng 3, đồng tiền này đã giảm gần 10% so với đồng đô la. Hôm nay, Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ sắp xếp lại nội các tại một hội nghị của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của ông.
Vụ sa thải ông Agbal đã phá hủy niềm tin của các nhà đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc sắp xếp cũng có thể gây thêm thiệt hại. Tin đồn là Berat Albayrak, cựu bộ trưởng tài chính, có thể đang tìm cách trở lại chính trường kể từ khi ông Erdogan bảo vệ các quyết sách của ông trong một bài phát biểu vào tháng trước. Ông Albayrak, người cũng là con rể của ông Erdogan, làm bộ trưởng vào thời điểm đồng lira sụt giá lớn, và đã nỗ lực vô ích để ngăn chặn đà trượt giá của đồng tiền bằng cách bán dự trữ ngoại hối. Sẽ tiếp tục có bán tháo nếu tên của ông được xướng lên trong hôm nay.
http://nghiencuuquocte.org/2021/03/24/the-gioi-hom-nay-24-03-2021/#more-39415
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét