Trước khi có cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Mỹ - Trung vào ngày 18 tháng Ba vừa qua tại Anchorage, Alaska, tiến sĩ Kurt Campbell đã quyết định gửi thông điệp mạnh mẽ đến phái đoàn Trung Quốc. Campbell tuyên bố trên nhật báo Sydney Morning Herald vào ngày 16 tháng Ba rằng, Mỹ sẽ không bỏ rơi Úc một mình. Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên mà một viên chức hàng đầu của chính quyền Biden dành cho một cơ quan truyền thông Úc.
Bài phỏng vấn này cho biết, Mỹ sẽ không cải thiện qua hệ song phương, hay trong các bối cảnh khác, nếu đồng minh thân cận của Mỹ bị cưỡng ép về kinh tế. Campbell xác định, Mỹ sẽ không cải thiện mối quan hệ cho đến khi nào Trung Quốc chấm dứt hình thức cưỡng bức kinh tế với Úc. Lời phát biểu cứng rắn của Campbell đã gửi tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc rằng, muốn chơi với Mỹ thì phải đổi thái độ hành xử, không chỉ riêng với Mỹ mà còn với các đồng minh khác của Mỹ. Ông cũng muốn xác định với các đồng minh thân cận của Mỹ, nhất là Nhật, Ấn, Úc, Nam Hàn v.v… rằng, Mỹ sẽ không bỏ rơi họ, và sẽ không để Trung Quốc dùng sức mạnh để lấn lướt hay bắt nạt các đồng minh Mỹ.
Trở ngược về thời gian, một tuần trước khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, vào ngày 13 tháng Giêng giờ Mỹ (tức ngày 14 bên Úc), Biden đề chọn tiến sĩ Kurt Campbell để điều hành chính sách của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương trong vai trò điều hợp viên (Indo-Pacific co-ordinator).
Liền sau đó, lãnh đạo chính trị và nghiên cứu chiến lược hàng đầu tại Úc đã hoan nghênh đề cử này. Các cựu Thủ tướng Úc, như Kevin Rudd và Malcolm Turnbull, những người hiểu biết và từng làm việc sát cánh với Campbell, bày tỏ sự hài lòng và đắc chí về điều này. Trên Twitter, Rudd nói rằng việc đề cử Kurt Campbell để điều hợp chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương là một tin vui cho Úc. Turnbull nói rằng, đây là sự lựa chọn tuyệt vời, vì “Kurt là một nhà ngoại giao xuất sắc, hiểu biết sâu sắc khu vực của chúng ta trong nhiều năm, chia sẻ tầm nhìn chiến lược, và là một người bạn đáng tin cậy của nước Úc và người dân Úc.”
Kurt Campbell là ai, và tại sao việc đề cử/bổ nhiệm này vô cùng quan trọng đối với nước Úc? Hơn nữa, tại sao việc bổ nhiệm Campbell chứng tỏ lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, và sẽ làm cho Trung Quốc bất bình?
Campbell từng là một viên chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, phục vụ trong Hải quân Mỹ trong các vai trò quan trọng, như Phụ tá Thứ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng; cũng từng giữ vai trò quan trọng trong Bộ Ngoại giao Mỹ như Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao; là một giáo sư dạy chính sách công cộng và quan hệ quốc tế tại đại học Harvard; từng sáng lập và giữ các vai trò quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu chính sách của Mỹ như The Asia Group, Center for a New American Security (CNAS) v.v... Campbell được xem là một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, là kiến trúc sư của chiến lược “chuyển trục về châu Á” dưới thời Tổng thống Barack Obama. Vì thế, Campbell đã được tặng biệt hiệu “Asia tsar”, Á Hoàng, người có thẩm quyền về châu Á.
Nhìn thấy hiểm họa Trung Quốc đưa đến trong vòng vài thập niên tới nếu không bị kiềm chế và ngăn chặn, khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” đã trở thành chính sách của Mỹ, dưới thời Obama và sau đó Trump. Khái niệm này chắc chắn được xem là rất thù nghịch trong mắt Bắc Kinh. Nó không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông qua đường lưỡi bò/chín đoạn, mà còn cản trở dự án Sáng kiến Vành đai Con đường/BRI, một chiến lược lâu đài và quy mô giúp cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vài thập niên tới.
Để đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy, Campbell biện luận rằng, Mỹ cần củng cố các mối quan hệ với đồng minh hiện hữu và xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với các nước Ấn Độ và Nam Dương. Campbell ủng hộ các biện pháp cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhưng ông cũng phê bình Trump đã thất bại trong tiến trình tiếp cận với toàn vùng và đã coi thường/phá hoại mối quan hệ với Nhật Bản và Nam Hàn. Campbell quan niệm rằng, sức mạnh quân sự là vô cùng cần thiết để ngăn chặn những thách thức đối với Mỹ và để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên quy luật hiện nay, nhất là từ Trung Quốc. Nhưng thay vì Washington chủ yếu tập trung vào các biện pháp quân sự đắt tiền và dễ bị tổn thương như tàu chiến hạm, thì nên ưu tiên ngăn chặn Trung Quốc bằng các khả năng tương đối rẻ tiền và bất cân xứng. Ví dụ như, tên lửa phi hành và đạn đạo, máy bay không người lái, tàu ngầm và vũ khí tấn công tốc độ cao v.v…
Theo Michael J. Green, một cựu viên chức cao cấp thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia/NSA trong chính quyền George W. Bush, thì việc bổ nhiệm Campbell sẽ nâng cao vị thế của chính quyền Biden ở châu Á theo ba cách. Một, Campbell được nhiều người công nhận là kiến trúc sư ban đầu và quan trọng của chiến lược xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác nhằm giữ cho Bắc Kinh trong tầm kiểm soát khi sức mạnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Hai, vị trí mới này là chưa từng có trong việc nâng cao tầm quan trọng chiến lược của châu Á trong bộ máy chính sách của Hoa Kỳ. Lúc ông Green còn nằm trong NSA thì các vị thế giám đốc đặc trách về Âu châu nhiều gấp ba lần Á châu, mà bây giờ thì ngược lại, nhưng tất cả sẽ hiệu quả bởi vì NATO và Liên Hiệp Âu châu cũng đang tập trung nỗ lực làm việc với chính quyền Biden để đối phó với Trung Quốc. Ba, việc lựa chọn Campbell thể hiện một sự đồng thuận quan trọng mang tính lưỡng đảng đối với chiến lược Trung Quốc và châu Á. Green tiết lộ rằng, Thượng nghị sĩ John McCain và các đảng viên Cộng hòa khác trên Điện Capitol thường xuyên quay sang Campbell để xin cố vấn về Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và khu vực rộng lớn hơn. Trong một chuyến công du đến Singapore, Campbell đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ để McCain dừng lại ở Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ vào thời điểm Trung Quốc gia tăng áp lực lên Đài Loan, và tuy vô cùng bận bịu với nghị trình dày đặc, McCain đã đồng ý liền lập tức.
Vì vậy trong mắt Bắc Kinh, Campbell là thuộc phe diều hâu chống Trung Quốc.
Campbell đánh giá cao tầm quan trọng của các đồng minh Mỹ như Nhật, Úc và Ấn. Chính vì thế, Campbell chủ trương phát triển và mở rộng quan hệ giữa Mỹ và Nhật. Campbell nhận định rõ rằng, không có Nhật thì chiến lược không thể thành công được.
Với Úc, Campbell đánh giá cao khi cho rằng Canberra đã định hình việc Washington lấy quyết định khi tham gia tích cực hơn vào các diễn đàn khu vực.
Ngoài nhận xét của Rudd và Malcolm về Campbell nói trên, các chính trị gia, chuyên gia, ký giả hàng đầu của Úc, hầu như đều đồng ý về khả năng và tầm quan trọng của việc Biden bổ nhiệm Campbell điều hợp Ấn Độ - Thái Bình Dương. Giới tinh hoa hàng đầu Úc như Kim Beazley, Michael Fullilove, Greg Sheridan, Julie Bishop, v.v… đều ca ngợi sự kiện này và hiểu rõ ý định chiến lược (strategic intent) của chính quyền Biden trong quyết định này.
Sau bài phỏng vấn của Sydney Morning Herald với Campbell vào thứ Ba tuần trước, nhiều cơ quan truyền thông uy tín khắp thế giới truyền lại tin này và có những bình luận tích cực. Điều đáng nói là một ngày sau, tờ Hoàn cầu Thời báo, cái loa truyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đăng bài của Chen Hong, với luận điệu vừa miệt thị lời nói của Campbell vừa lên án Úc đã làm tay sai cho Mỹ chống lại Trung Quốc. Nói chung là rất đặc tính tuyên giáo của cộng sản.
Nếu Campbell và Úc không là rào cản cho mục tiêu bành trướng của Bắc Kinh thì có lẽ họ cũng không cần đưa một giáo sư như Chen Hong để lên án và kết tội nặng nề đến thế. Dù sao, hành động này cho thấy chính sách mới đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đi đúng đường.
https://www.voatiengviet.com/a/kurt-campbell-va-nuoc-uc/5823758.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét