Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

5450 - Vì sao Hoa Kỳ “khai chiến” với Trung Quốc ở Alaska

Lý Thái Hùng


Cuộc gặp mặt giữa phái đoàn Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Anchorage, tiểu bang Alaska hôm 19 và 20 tháng Ba đã biến thành cuộc khẩu chiến dữ dội ngay trong giờ khai mạc, nhưng nó không là điều bất ngờ nếu theo dõi các hành động của Hoa Kỳ trước đó một tuần.

Trước khi gặp phái đoàn cấp cao của Trung Quốc gồm Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách đối ngoại và Ngoại Trưởng Vương Nghị, những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã có hai buổi trao đổi với các đồng minh quan trọng tại Á Châu: 1) Tổng thống Biden đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh với các nguyên thủ trong Bộ Tứ gồm thủ tướng Nhật, thủ tướng Australia và thủ tướng Ấn Độ qua mạng Internet vào ngày 13 tháng Ba; 2) Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cùng với Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đã bay sang Nhật và Nam Hàn để họp với hai người đồng cấp của hai quốc gia này vào ngày 16 và 17 tháng Ba.

Thông điệp chung của các hội nghị này là Hoa Kỳ cùng với các quốc gia đồng minh sẽ chung tay vì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở rộng và lành mạnh, dựa trên quy tắc dân chủ chứ không dùng “sự cưỡng ép và đe dọa,” đặc biệt là đối với tình hình tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tuy thông điệp này đã được công bố qua bản Tuyên Bố Chung sau khi Hội nghị thượng đỉnh của Bộ Tứ kết thúc, nhưng chính cuộc gặp gỡ Mỹ – Trung tại Anchorage, là diễn đàn tốt nhất để cho Hoa Kỳ biểu hiện thái độ “nắn gân” Trung Quốc, nhằm tạo sự an lòng của các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Khối ASEAN về chính sách “nước Mỹ trở lại.” Nói cách khác, trước khi Hội nghị diễn ra, Hoa Kỳ đã có chủ tâm “khiêu chiến” với cả Bắc Kinh lẫn Mạc Tư Khoa, qua việc trừng phạt 14 phó chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc liên quan đến việc thay đổi hệ thống bầu cử tại Hong Kong, và qua việc ông Biden gọi Putin là kẻ sát nhân, để tác động lên các đồng minh tại Á Châu rằng Hoa Kỳ không còn tương nhượng mà chọn thế đối đầu với cả hai cường quốc độc tài Trung Cộng và Nga.

Chính vì thế mà ngay khi bước vào Hội nghị, Ngoại Trưởng Antony Blinken và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan đã đặt thẳng vấn đề rằng Trung Quốc đang là mối đe dọa cho sự ổn định toàn cầu và quan ngại về các hành động của Trung Quốc, bao gồm những vấn đề như đàn áp tại Tân Cương, Hong Kong, uy hiếp Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ và ép buộc kinh tế đối với các nước đồng minh.

Phía Trung Quốc cũng đã phản pháo khá mạnh với bài phát biểu gần 15 phút bằng tiếng Trung của Dương Khiết Trì, rằng Hoa Kỳ không nên can thiệp vào nội bộ Trung Quốc, và không nên tiếp cận vấn đề một cách trịch thượng vì Hoa Kỳ không có quyền lên lớp Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và dân chủ.

Nhưng nội dung phát biểu sau đó của Vương Nghị mới hiện rõ sự cay cú của phái đoàn Trung Quốc khi cho rằng những chỉ trích của phía Hoa Kỳ ngay lúc khai mạc là “không phải cách tiếp khách bình thường.” Vương Nghị còn lên giọng điệu: “Nếu Hoa Kỳ định sử dụng điều này để nâng cao ưu thế của mình trước Trung Quốc, tôi cho rằng quý vị đã tính toán sai. Nó chỉ có thể chứng tỏ sự yếu đuổi và bất lực, không ảnh hưởng gì đến lập trường của Trung Quốc, hoặc không thể làm lung lay quyết tâm của Trung Quốc.”

Với không khí căng thẳng ngay từ đầu như vậy rõ ràng là hai buổi họp kín tiếp theo cũng không mang lại kết quả nào, nên Hội nghị bế mạc mà không có một bản tuyên bố chung như mọi khi.

Có lẽ hiểu thâm ý của Hoa Kỳ đã sử dụng Hội nghị để củng cố tinh thần “bài Trung” của các nước Á Châu, nên ngay khi phái đoàn Dương Khiết Trì và Vương Nghị rời phi trường Anchorage quay trở lại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tung ra hai hành động “nắn gân” trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Thứ nhất là sáng ngày 21 tháng Ba, chính quyền Philippines lên tiếng tố cáo Bắc Kinh đã đưa 220 tàu đánh cá – mà trên thực tế là những tàu dân quân – xâm nhập khu vực Bãi Ba Đầu (Whitson Reef) của Phi. Đây là rạn san hô lớn nhất trong số các đảo, bãi san hô trong cụm Sinh Tồn mà Việt Nam cũng đang kiểm soát 4 đảo (gồm Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Cô Lin và Len Đào).

Thứ hai là chiều ngày 20 tháng Ba, Bộ Quốc Phòng Nhật Bản loan báo một biên đội gồm 3 tàu khu trục của Trung Quốc: Tàu Type 055 Nam Xương, tàu Type 052D Thành Đô và tàu hộ vệ Type 051A Đại Khánh tiến vào vùng biển phía Nam của Nhật Bản. Tàu khu trục Type 055 Nam Xương là một trong số ít tàu chiến có trọng tấn hơn 13 ngàn tấn, tuy không phải là hàng không mẫu hạm nhưng được xem là tàu khu trục lớn có khả năng tấn công và đổ bộ, được trang bị những loại vũ khí phòng không, chống tên lửa rất mạnh trên biển.

Trong khi đó tại Hoa Lục, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã cho loan truyền bài phát biểu dài 15 phút liên tục của Dương Khiết Trì để kích lên làn sóng chống Mỹ với luận điệu rằng “người Mỹ không có tư cách đứng từ trên cao nói chuyện với Trung Quốc.” Thậm chí tờ Nhân Dân Nhật Báo đã đăng bài xã luận cho rằng, phát biểu của Dương Khiết Trì đã chấm dứt 120 năm đen tối của Trung Quốc khi mà năm 1901 (năm Tân Sửu) Bắc Kinh đã ký một hiệp ước bất bình đẳng với 11 nước trong bối cảnh suy tàn của Nhà Thanh. Nhưng nay Trung Quốc không còn là Trung Quốc trước kia.

Cuộc gặp mặt tại Alaska đã cho thấy là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang cố định vị sức mạnh của mình với phần còn lại của thế giới. Hai bên đều hiểu rằng, việc họ phải cứng với đối phương đều có những mục tiêu riêng.

Với Hoa Kỳ, sự cứng rắn đối với Trung Quốc là để truyền đi một thông điệp. Trước hết là cho dư luận Hoa Kỳ thấy rằng chính quyền Biden sẵn sàng đối đầu với mộng bá chủ của Trung Quốc, khẳng định vị trí hàng đầu của Hoa Kỳ trong thế liên minh với các quốc gia trên thế giới để chống lại những quốc gia độc tài mà tiêu biểu là Nga và Trung Cộng. Kế đến là ủng hộ và đứng về phía các đồng minh Á Châu để chống lại những cưỡng chế, dọa nạt của Trung Quốc.

Với Trung Quốc, sự cứng rắn đối với Hoa Kỳ trong phát biểu dài 15 phút của Dương Khiết Trì được chuẩn bị trước, nhắm vào khối quần chúng Hoa Lục để truyền đi thông điệp rằng Trung Quốc đã lớn mạnh và không còn sợ Hoa Kỳ, nhưng cũng là một đòn “nắn gân” đối với các quốc gia trong vòng kềm tỏa của Bắc Kinh.

Ngày 22 tháng Tư tới đây, Tổng Thống Biden và Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình sẽ gặp nhau trong Hội nghị về Ngày Trái Đất do Liên Hiệp Quốc tổ chức trực tuyến (online). Có lẽ hai bên sẽ kiềm chế, nhất là phía Trung Quốc đang muốn có cuộc gặp mặt thật sớm giữa họ Tập và Biden trong năm nay để tháo gỡ ba vấn đề đang gây rất nhiều khó khăn cho phía Trung Quốc: Thương mại, công nghệ và kinh tế.

Tóm lại, cuộc gặp mặt vừa qua ở Alaska đã cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận đối đầu ở mức cao độ. Hoa Kỳ không thể chỉ dùng các biện pháp quân sự hay lời lẽ cứng rắn để đáp trả, mà quan trọng hơn là cần xiển dương hai giá trị cốt lõi của nước Mỹ về “dân chủ và nhân quyền” để truyền sinh lực cho khối quần chúng gần 3 tỷ người trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thì mới mở ra một kỷ nguyên tự do, mở rộng và lành mạnh trong khu vực.


https://viettan.org/vi-sao-hoa-ky-khai-chien-voi-trung-quoc-o-alaska/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét