Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

5441 - Ai cần đổi mới sáng tạo?

Phạm Nhật Bình 


Sau khi thừa nhận sự thất bại của mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, đảng CSVN cuối cùng chọn con đường đi tắt, bắt đầu chạy theo xu hướng thời đại. Đó là khai thác thế giới ảo để làm cuộc cách mạng kỹ thuật số, hy vọng đạt mục tiêu chiến lược 25 năm sau mà đại hội XIII đề ra: Năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao.

Vì ảo khác với thực, lại khó thấy nên các lãnh đạo CSVN tha hồ nói, tha hồ huênh hoang, tha hồ vẽ vời và tha hồ lây nhiễm bệnh nổ. Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Trưởng Bộ 4T là một trong nhiều nhân vật đang đang bị lây nhiễm như thế, và ông ta hô khẩu hiệu rất to, to không kém Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Xuất thân từ một sĩ quan quân đội, Nguyễn Mạnh Hùng chuyển sang lãnh vực kinh tế, được cho giữ chức tổng giám đốc Tập Đoàn Công Nghiệp – Viễn Thông Quân Đội (Viettel).

Sau khi nắm Bộ 4T thay thế nhà tuyên giáo tay nhúng chàm Trương Minh Tuấn, Nguyễn Mạnh Hùng trở thành anh chột giữa đám người mù, được đảng CSVN coi là kiến trúc sư cho chiến lược “cách mạng kỹ thuật số” tại Việt Nam với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Tức là 25 năm nữa, lợi tức trung bình của người dân Việt Nam sẽ có từ 13.000 Mỹ Kim trở lên, đứng ngang hàng với các nước tiến bộ nhất trên thế giới.

Để thực hiện được giấc mơ quá đẹp này, năm 2019 trong một cuộc hội thảo, Nguyễn Mạnh Hùng lớn giọng kêu gọi các công ty Việt Nam phải đổi mới sáng tạo không ngừng. Đổi mới cái gì và sáng tạo ra sao thì Hùng không nói rõ nhưng sự hô hào mang tính kích động thì rất nhiều. Nào là hạ tầng cũ, cách làm cũ, tri thức cũ, sản phẩm cũ, mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp. Phải bỏ cách cũ và làm theo cách mới.

Theo bộ trưởng Bộ 4T, cách mới là làm ngược lại: Nếu trước đây các công ty tìm mọi cách để tránh sai lầm thì nay phải “sai nhanh hơn” với chi phí rẻ hơn, người ta có thể hiểu là bỏ qua phẩm chất. Trước đây là học trước làm sau, nay làm trước học sau, tức bỏ qua kiến thức. Vì cái mới chưa có nên không có gì để học mà chỉ có thể làm thử. Nếu trước đây có việc trước rồi mới tìm người làm sau, thì nay tìm người phù hợp trước rồi mới nghĩ đến phải làm gì. Và vì công việc là mới nên cần những người giống nhau ở chỗ đam mê khám phá. Cứ áp dụng đúng theo lý luận của bộ trưởng Bộ 4T, các chính trị gia cộng sản ở Hà Nội nên học tập theo đường lối đổi mới sáng tạo này, bỏ đảng cộng sản lạc hậu đi, thực hiện đường lối dân chủ đa đảng. Đảng CSVN lúc đó sinh hoạt nghị trường ngang bằng như các đảng phái khác, tất nhiên đất nước ổn định đi lên.

Trở lại phát biểu nêu trên, để thực hiện chỉ tiêu chiến lược năm 2045, ông Hùng hô hào làm “kinh tế số.” Ông Hùng giải thích kinh tế số là các hoạt động kinh tế đặt trên nền tảng sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính. Ngoài ra doanh nghiệp phải sử dụng ICT (Information & Communication Technologies) tức là kết hợp viễn thông và công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động và tối ưu hóa nền kinh tế.

Điều ông Hùng nói ngày nay ai cũng biết, nhưng vấn đề là làm cách nào và làm sao có một cơ chế đủ tiến bộ để giúp đẩy mạnh sự thay đổi trong tư duy con người mới là yếu tố chính.

Bỏ qua những lời tự hào về những thành công vượt trội sau 35 năm thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa trên hình thức sản xuất gia công và làm thuê là chính. Ngay cả những lời kêu gọi vốn đầu tư ngoại quốc (FDI) cũng dựa trên sức lao động của hàng ngũ nhân công giá rẻ để khêu gợi lòng tham lợi nhuận của tư bản nước ngoài.

Các trường học của Việt Nam đào tạo sinh viên ra trường đa số nếu không thất nghiệp, cũng đi làm công nhân với những ngành nghề không phù hợp với đồng lương rẻ mạt. Một số bỏ tiền ra chạy một chân lao động hợp tác cũng dưới hình thức đi làm thuê cho nước ngoài, mà đích nhắm là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Từ một môi trường kinh tế loay hoay với nhân lực thấp kém như vậy, lời kêu gào đổi mới sáng tạo của ông Hùng xem ra chỉ là hô khẩu hiệu bằng lời lẽ hoa mỹ cho có vẻ khoa học cao siêu, mà mục đích không ngoài lập thành tích đăng báo và hù dọa người nghe.

Cho dù đã bước vào “sự nghiệp đổi mới” từ năm 1986, mãi đến năm 2008 Việt Nam mới đạt được thu nhập 1.000 Mỹ Kim tính theo đầu người để thoát khỏi tình trạng nghèo đói, bước vào vị trí những quốc gia có thu nhập thấp. 12 năm sau tức năm 2020, Việt Nam mới nhích lên vị trí nước có thu nhập 3.500 Mỹ Kim đầu người, nhưng vẫn chưa ra được khung thu nhập trung bình thấp.

Từ 2020 đến 2045 còn 25 năm nữa để Việt Nam đạt con số 13.000 Mỹ Kim đầu người, vượt qua ải thu nhập trung bình thấp. Đây quả là con đường gian nan trong tình trạng chính trị một đảng độc quyền độc tôn, nhất quyết lèo lái đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mù mờ. Do đó hơn bao giờ hết, cơ hội để Việt Nam “thay đổi thứ hạng và trở thành nước phát triển vào năm 2045” là phải mạnh mẽ thay đổi.

Nhưng câu hỏi đặt ra không phải cho doanh nghiệp hay người dân phải đổi mới thế này thế kia, mà chính là các lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam thực sự dám có một chính sách đổi mới, sáng tạo thực tế hay không. Nếu chế độ không có sự thay đổi cần thiết và dứt khoát thì những lời lẽ của Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ là lời mê sảng giữa ban ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét