Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc Hội, ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng : Trung Quốc không sẵn sàng nhượng bộ một ai và trên bất kỳ một hồ sơ nào. Với bề ngoài và phong cách nhã nhặn, điềm đạm, ông Vương Nghị đưa ra hình ảnh một quốc gia ưa chuộng hòa bình, có thiện chí hành động vì lợi ích của nhân loại, điển hình là chính sách viện trợ vac-xin chống Covid-19. Trong cương vị lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc từ năm 2013, dưới nhãn quan của công luận trong nước, nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm này đã góp phần cải thiện hình ảnh của Trung Quốc với thế giới.
Nhưng đó chỉ là vỏ bọc bề ngoài, như ghi nhận của thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Lemaitre. Cuộc họp báo của ngoại trưởng Vương Nghị đã để lộ rõ những « khác biệt, thậm chí là những hố sâu » ngăn cách Bắc Kinh với các phương Tây.
Trên tất cả những điểm nóng mà Trung Quốc đang bị thế giới công kích, từ tham vọng thống nhất Đài Loan đến nhân quyền ở Tân Cương, từ các quyền tự do của người dân Hồng Kông đang bị bóp nghẹt đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông và Biển Hoa Đông, hay tranh chấp lãnh thổ trên bộ ở đường biên giới với Ấn Độ, Bắc Kinh « không sẵn sàng lui bước », bởi một cách gián tiếp ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh báo rằng, cột mốc 100 năm tuổi của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là « khúc dạo dầu cho một thiên niên kỷ vĩ đại » sắp mở ra.
Nhắc khéo các đối tác châu Á
Một cách bài bản, ông Vương Nghị đã lần lượt đề cập đến tất cả những hồ sơ nhạy cảm. Về tham vọng chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông, Le Monde mỉa mai cho rằng Việt Nam và Philippines chắc hẳn hài lòng khi thấy ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh không có vấn đề với các nước láng giềng, đồng thời tố cáo « chính Hoa Kỳ và một vài nước phương Tây muốn phá hoại hòa bình trong vùng Biển Đông và gây bất ổn trong khu vực ».
Liên quan đến tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Tokyo, ông Vương Nghị tuyên bố một cánh nhã nhặn, nhưng cũng không kém phần cứng rắn, rằng ông mong muốn « Nhật Bản có một tầm nhìn khách quan và đúng đắn về Trung Quốc ». Về xung đột với Ấn Độ ở đường biên giới trên bộ, Bắc Kinh cũng không nể nang New Delhi gì hơn khi cho rằng « những hành vi đơn phương khiêu khích không cho phép giải quyết tranh chấp". Cuối cùng, ngoại trưởng Vương Nghị đã gián tiếp nhắc nhở công luận quốc tế là hiện tại có trên dưới 100 quốc gia đang trông cậy vào vac-xin của Trung Quốc để đối phó với Covid-19, trong số này có nhiều nước Đông Nam Á, mà đứng đầu là Philippines và Indonesia.
Đòn « Ăn miếng trả miếng » với phương Tây
Tuy nhiên, điểm then chốt trong cuộc họp báo thường niên của ngoại trưởng Trung Quốc lần này là những thông điệp mạnh Bắc Kinh gửi đến phương Tây. Từ Úc đến châu Âu hay Hoa Kỳ đều trong tầm ngắm của ông Vương Nghị.
Liên quan đến Đài Loan, trả lời một phóng viên Hồng Kông, ngoại trưởng Trung Quốc đã thẳng thắn tuyên bố đây là « một vấn đề rất nhạy cảm », nguyên tắc một nước Trung Hoa là « lằn ranh đỏ không thể vượt qua ».
Vào lúc các nước Âu Mỹ tố cáo Trung Quốc phạm tội diệt chủng ở Tân Cương, đàn áp dân chủ Hồng Kông, rồi Washington ban hành lệnh trừng phạt Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông, ngoại trưởng Vương Nghị đã điềm nhiên lên án phương Tây đạo đức giả, muốn áp dụng một mô hình « đa phương » một cách có chọn lọc, làm công luận « hồi tưởng lại thời kỳ mà thế giới còn bị bức màn sắt ngăn đôi hai khối Đông Tây ».
Vẫn theo phóng viên Frédéric Lemaitre của Le Monde, Bắc Kinh đã không vòng vo tố cáo « nhân quyền, dân chủ chỉ là những cái cớ để Hoa Kỳ gây rối trên thế giới », mà điển hình là ở Tân Cương, theo như lời lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc. Khi được phóng viên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một chi nhánh của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hỏi về cáo buộc Bắc Kinh tiến hành một cuộc diệt chủng tại Tân Cương nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, ông Vương Nghị đã nhắc lại đó là những lời « vu khống ». Câu hỏi cò mồi này cũng là cơ hội để ngoại trưởng Trung Quốc phản công. Ông nhẹ nhàng giải thích có lẽ cụm từ « diệt chủng » nên dành để chỉ những đợt thanh lọc hồi thế kỷ thứ 16 nhắm vào những thổ dân ở châu Mỹ, thổ dân tại Úc Châu, hay người Châu Phi ở thế kỷ 18, người Do Thái trong thế kỷ vừa qua.
Thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh hài hước nêu lên một chi tiết : Trước khi khép lại hồ sơ Tân Cương, ông Vương Nghị còn tuyên bố Trung Quốc sẽ rất « hân hạnh được đón tiếp nhiều nhân vật nổi tiếng tại Tân Cương », mà quên giải thích vì sao phóng viên quốc tế thì lại bị cấm tác nghiệp ở vùng tự trị này. Frédéric Lemaitre cũng không thấy một nhà báo nước ngoài nào dám đặt câu hỏi với ngoại trưởng Trung Quốc về khả năng Bắc Kinh cho mở điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona.
Kết luận về cuộc họp báo của ông Vương Nghị, giới phân tích đưa ra hai nhận định : Trung Quốc giờ đây đủ tự tin vào sức mạnh của chính mình để đòi chiếm một vị trí ngang hàng với bất kỳ cường quốc nào khác. Điều này đã được phản ánh qua tất cả những phát biểu trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Nhưng bên cạnh đó là câu hỏi : để duy trì vị thế của Đảng trong « một ngàn năm nữa » như tư tưởng của ông Tập Cận Bình đã cho thấy, liệu giới lãnh đạo ở có sự chọn lựa nào khác ngoài việc thể hiện thái độ cứng rắn đó ?
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210308-ngo%E1%BA%A1i-giao-trung-qu%E1%BB%91c-b%C3%A0n-tay-s%E1%BA%AFt-trong-v%E1%BB%8F-b%E1%BB%8Dc-nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét