Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

5209 - Việt Nam: Vạt núi đốn cây xây nơi thờ Phật 'vì tâm linh'?

  • Bùi Uyên
  • Sống tại Paris, Pháp
Getty Images
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tượng Phật khổng lồ được dựng ở Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Ảnh chụp 5/2019 (hình minh họa)

Ra Tết là dịp nhiều người lũ lượt trẩy hội, lễ chùa, du lịch tâm linh, không chỉ tại các địa danh làng quê lâu đời, mà trên khắp nẻo đường xa xôi của đất nước. Hiện tượng đó đặt ra một số câu hỏi, vấn đề và cả vấn nạn sau đây, từ nhiều năm qua, xét về nhiều mặt: từ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ môi trường và các di tích lịch sử, đến kiến trúc, quy hoạch và xây dựng, mà bài viết nhỏ này chỉ có thể tập trung vào được vài khía cạnh. Du lịch tâm linh: xây chùa để... giải trí?

Những năm gần đây, liên tục nhiều chùa chiền, tượng Phật, thiền viện được xây dựng trên những đỉnh núi phía Bắc. Bao chùa lớn nhỏ hoành tráng khắp nơi. Cái nào cũng tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, san rừng bạt núi, với chọn bố cục và phong thủy như một tòa cung điện. Như xây Bảo An Thiền Tự với tượng phật khổng lồ tại Sapa rồi Trúc Lâm Bản Giốc, tiếp đến đến Lũng Cú, cùng bao tượng Phật rải dọc chiều dài đất nước.

Tỉnh Cao Bằng có hai dân tộc đông dân nhất là dân tộc Tày và Nùng, người Việt chỉ chiếm 5,8%. Hà Giang thì đông nhất là người H'Mong, rồi đến người Tày, riêng hai dân tộc này chiếm hơn 50% dân số.

Người ta nói xây thiền viện cho nhu cầu tâm linh, nhằm mục đích học hiểu Phật pháp cho người tu hành và cho Phật tử. Nhưng các thiền viện thường nằm trong nơi có lịch sử liên quan đến Phật giáo, chứ có phải bạ đâu cũng xây Trúc Lâm Thiền Viện?

Còn có lập luận rằng các vùng biên cương cần phải khẳng định văn hóa Việt, nhớ ơn Phật giáo. Thế thì văn hóa các dân tộc khác ở đâu?

Người dân tộc địa phương có đi lễ chùa không? Hay nhắm vào khách du lịch trong nước?

Getty Images
GETTY IMAGES

Cách xây dựng hiện nay, thực chất giống như một sản phẩm kinh doanh. Đa số trên những quần thể mới tinh, thành một xu thế các tỉnh dựng tượng Phật, xây chùa chiền, kết hợp vui chơi giải trí!

Nhìn bản thống kê du lịch Lào Cai, 65% khách tham quan đến thăm các địa điểm du lịch tâm linh, nên đây được đánh giá là mũi nhọn thu hút du khách. Nhu cầu thờ cúng hay du lịch tâm linh phát triển trở thành nơi hốt bạc.

Trong khi đó, các di tích chùa chiền được xếp hạng lâu năm bị xuống cấp thì khó khăn tìm kinh phí tu bổ. Tự hỏi, dưới cái bề nổi nhao nhao xây chùa mới này, lại lộ rõ sự "mạt pháp"? Nhất là khi những bê bối như chùa Địa Ngục, Tam Đảo hay Ba Vàng, Quảng Ninh hé lộ làm người theo đạo hay không đều thấy phẫn nộ.

Hy sinh tài nguyên làm giàu cho dân cho nước?

Tỉnh nào cũng muốn làm du lịch để thu lợi nhuận nhanh, doanh nghiệp nào cũng muốn lãi lớn.

Quan chức một mặt than nghèo để chờ xin từ thiện nuôi dân nghèo, xây trường lớp. Mặt khác quyết "văn hóa phải đi trước một bước" với những dự án quảng trường, tượng đài, chùa chiền, thường đắp vào "bộ mặt" mà ai cũng hiểu phần rất nhiều đi vào túi riêng.

Và nhất là 5-10 năm sau, những án tham nhũng, những thất thoát lộ ra. Còn mấy ai, ngoài các nạn nhân trực tiếp, còn nhớ đến những lời hứa hẹn, những "hy sinh vì lợi ích kinh tế chung" mà giới quan chức, các công ty du lịch, đầu tư rao giảng cho dân địa phương?

Còn ai nhớ để "giải oan" cho những cánh rừng bị bức tử, những nguồn nước ô nhiễm? Hay rộng hơn, ai chịu trách nhiệm những biến đổi ngày một rõ của khí hậu, thiên tai lũ lụt cuối nguồn?

Getty Images
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, cư dân gồm nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số, có văn hóa, tín ngưỡng riêng

Còn người dân địa phương, họ hưởng lợi đến đâu? Sự "thay da đổi thịt" mà người ta hay mô tả, có dành cho tất cả ? Nếu có, thì trường học được xây mới, bệnh viện được sửa sang, mạng lưới nước sạch lan rộng, đường xá khai thông, cầu cống kiên cố... không chỉ quanh những dự án, mà phải đến những bản làng xa xôi thiếu thốn nhất. Nếu có, thì các địa phương sao vẫn phải lấy xuất khẩu lao động là mục tiêu hàng đầu?

Người đi lễ - có vô can khi bạ đâu cũng lễ?

Chùa đằng nào cũng xây rồi, thì cứ vào lễ thôi? "Ngày xưa chùa chả trên núi đấy thôi, có gì mà làm ầm lên?". Chúng ta dễ nghe thấy những câu tự phản biện như thế.

Sự khác biệt ở đây là nhận thức và quy mô.

Xưa đất rộng dân cư ít, chùa xây ở nơi hẻo lánh hay thanh tịnh để xa rời nhân gian, tập trung tu tập. Nay chùa cũng xây trên đỉnh núi, nhưng kèm theo ùn ùn hàng triệu người kéo về, và đi cùng với nó hàng loạt cỗ máy dịch vụ, du lịch, quy mô tác động tăng lên gấp bội.

Nước ta một mặt "đi tắt đón đầu", phát triển dựa trên những thành tựu kỹ thuật, xã hội mà nhân loại đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh, sai lầm để chắt lọc. Mặt khác lại cho phép mình cũng tàn phá môi trường, so sánh việc mình làm ở thế kỷ 21 với những vết xe đổ hay sự hạn chế nhận thức, công nghệ của thế kỷ 18-19 trên thế giới? Có phải là "tiêu chuẩn kép" không?

Chúng ta hẳn chưa quên vài năm trước trong đợt nghỉ lễ cuối tháng Tư, khi người dân Sapa phải cắt giảm nước tưới tiêu, sinh hoạt, với lý do thiếu nước cho khối khách sạn, dịch vụ. Như vậy, điều kiện sống cơ bản, và nghề nông địa phương - vốn làm nên bản sắc của khu du lịch - cũng bị xếp hàng thứ yếu để dồn lực cho thu hút du lịch.

Đó là tác động nhìn thấy, thử hỏi còn bao thứ hậu quả mà chúng ta không biết đến, thậm chí dài hạn?

Không có những tiến bộ về điều kiện sống cho người dân, thì chúng ta không thể ngây thơ cho rằng việc bỏ tiền cho những địa danh du lịch đó, là đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

Getty Images
GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ra Tết là thời điểm nhiều người đi trẩy hội, lễ chùa

Khắt khe hơn, dù không phải chịu trách nhiệm, nhưng thậm chí chúng ta đang góp phần vào cỗ máy khai thác kiệt quệ những tài nguyên, thu lợi cho thiểu số, khắc sâu khoảng cách giàu nghèo với những người dân chịu thiệt hại, bị bỏ lại đằng sau.

Du lịch số đông là mục tiêu dài hạn?

Ngành du lịch ngày nay vẫn tập trung khai thác với mục tiêu vào số đông, với "du lịch tâm linh" kết hợp "du lịch cáp treo" chăng tơ nhện phủ kín núi rừng Việt Nam. Chủ yếu là xây mới, với hạ tầng đồ sộ, tác động mạnh vào địa điểm, thiên nhiên. Loại hình du lịch này thu hút chủ yếu khách du lịch nội địa.

Một hướng khác, dựa vào khám phá vẻ đẹp tự nhiên, trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng bản địa, du lịch cộng đồng, lấy đó là trung tâm của nội dung thăm quan, ít tác động nhất đến nơi chốn để vừa khai thác du lịch vừa phải, vừa gìn giữ cho đời sau.

Hướng này dù mới mẻ, vốn tập trung nhiều du khách quốc tế, nhưng ngày càng được lựa chọn bởi giới trẻ có nhận thức hơn về môi trường và nhu cầu trải nghiệm, tôn trọng văn hoá bản địa.

Nhìn tổng quan, trong đánh giá thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh của du lịch Việt Nam vài năm nay được tăng hạng đáng kể (hạng 63 năm 2019, tăng 12 bậc so với 2015), tuy vậy điểm cộng vẫn tập trung vào cạnh tranh về giá, về nguồn nhân công rẻ, về sức hấp dẫn của tài nguyên tự nhiên, văn hóa. Ít ai nhắc đến điểm "trừ" báo động vẫn luôn nằm trong các hạng mục "chất lượng" về sức khỏe, vệ sinh, về dịch vụ và hạ tầng du lịch, đặc biệt mức độ bền vững môi trường đứng hạng thấp nhất: 121/ 136 (xếp hạng năm 2019).

Có một thực tế là, lượng khách trong nước của nước ta chiếm tới hơn 80%, gấp gần 5 lần so lượng khách quốc tế, nhưng tổng thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm gần 45% (14,5 tỷ USD, so với 18,3 tỷ USD từ khách quốc tế), theo số liệu của Tổng cục Du lịch năm 2019. Như vậy, những loại hình du lịch tiêu tốn tài nguyên, du lịch khai thác tâm linh, dành cho số lượng khách nội địa lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp hơn nhiều so với du lịch quốc tế.

Nói một cách khác, chúng ta đang chọn hướng không bền vững, khai thác tài nguyên thiên nhiên, biến dạng văn hóa, để nhắm vào loại hình du lịch thu lợi nhuận chưa cao.

Kết luận

Sapa, Bản Giốc hôm qua, Lũng Cú Hà Giang hôm nay, vạt núi đốn cây để xây điểm du lịch tâm linh. Liệu ngày mai thêm bao cơn lũ ống, lũ quét bản làng? Và chúng ta, dễ dãi lễ bái bất kể ở những ngôi chùa, tượng Phật, chẳng thể mọc lên với lý do nào khác ngoài là một loại hình giải trí, kinh doanh, giữa vùng đất bao đời người dân tộc thiểu số sinh sống?

Hơn nữa, với việc xây dựng một công trình của tôn giáo này lên vùng đất vốn tập trung nhiều người tôn giáo khác mà không do nhu cầu của người dân, thì liệu có quá lời không khi gọi đây là một hình thức "xâm lăng văn hóa"? Và điều này còn tiếp diễn đến bao giờ nữa đây?

Năm 2020 là một năm kiệt quệ với ngành du lịch, cú hãm phanh đột ngột khi đang đà phát triển mạnh mẽ có là cơ hội để người làm du lịch tĩnh tâm nhìn lại hướng đi của mình?

Và mỗi chúng ta, một năm của giãn cách, có đặt lại những câu hỏi cho bản thân về lối sống tiêu dùng và lựa chọn cách "xê dịch"?

Bài thể hiện quan điểm riêng của bà Bùi Uyên, kiến trúc sư hiện sống tại Paris, Pháp.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-56061077

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét