Các quan chức Bắc Kinh tin rằng phương pháp lãnh đạo chuyên quyền của ông vượt trội hơn so với thể chế dân chủ kiểu phương Tây. Ảnh minh họa (The Wall Street Journal, 23/02/2021)
Tập Cận Bình đã định hình Trung Quốc ra sao và điều đó có ý nghĩa gì với Phương Tây ? Tập Cận Bình đã mang lại nhiều thay đổi cho Trung Quốc hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Các quan chức Bắc Kinh tin rằng phương pháp lãnh đạo chuyên quyền của ông vượt trội hơn so với thể chế dân chủ kiểu phương Tây.
Năm ngoái, The Wall Street Journal đã tìm hiểu mô hình chính trị của Tập Cận Bình đang định hình lại Trung Quốc ra sao và tại sao điều đó lại tạo nên sự va chạm với phương Tây. Sau đây là một số phát hiện chính.
1. Phương Tây đã đánh giá sai về Tập Cận Bình
Trước khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc, các quan chức Hoa Kỳ nghĩ rằng ông sẽ ủng hộ việc hội nhập chặt chẽ hơn với trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tuy nhiên, gốc gác của ông cho thấy một thế giới quan dân tộc cực đoan hơn, có tham vọng lớn hơn trong việc khôi phục Trung Quốc và chấp nhận rủi ro nhiều hơn.
Những xu hướng đó đã dẫn đến việc huy động quân sự nhiều hơn, giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tây Bắc Trung Quốc và quyết định hủy bỏ các nhiệm kỳ chủ tịch nước cho thấy ý định nắm quyền vô thời hạn của ông.
2. Một số người ủng hộ lo lắng tầm nhìn dân tộc chủ nghĩa của ông Tập thiếu các biện pháp bảo vệ
Tư tưởng chỉ đạo của ông Tập, bao gồm những quan điểm của ông về các khía cạnh quản trị khác nhau có chung nhãn hiệu "Tư tưởng Tập Cận Bình", là sự kết hợp của các tư tưởng chống tự do được thiết kế chủ yếu để hợp pháp hóa việc tiếp tục cai trị và nhiệm vụ đổi mới đất nước của ông.
Nó giữ lại phần lớn mô hình tư bản nhà nước đã thúc đẩy sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, nhưng làm sống lại các phương pháp vận động quần chúng của chủ nghĩa Mao, sử dụng giám sát kỹ thuật số để tái tạo các biện pháp kiểm soát xã hội toàn trị của Stalin và chẳng chiếu cố hơn cho người thiểu số hoặc cư dân Đài Loan và Hồng Kông.
"Mục tiêu của ông ấy là làm cho cả thế giới xem Trung Quốc là một cường quốc và ông ấy là nhân vật chủ chốt làm cho Trung Quốc vĩ đại". Xiao Gongqin, một học giả ủng hộ cái gọi là chế độ chuyên quyền khai sáng ở Trung Quốc, nói. "Thực tâm, ông ấy là một người theo dân tộc chủ nghĩa"
Mặc dù là người ủng hộ ông Tập như nhiều người trong giới chóp bu của Trung Quốc, ông Xiao nói rằng ông lo lắng ông Tập "thiếu tinh thần thỏa hiệp" và "không có cơ chế nào để sửa sai" ông ta.
3. Cá nhân ông Tập đã can thiệp để chặn đợt phát hành IPO lớn nhất chưa từng có
Trọng tâm trong tầm nhìn của ông Tập là vai trò lớn hơn của nhà nước trong việc hướng dẫn nền kinh tế, như việc khẳng định quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Vào tháng 11, Wall Street Journal đã đưa tin độc quyền rằng ông Tập đã tự cho dừng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 34,4 tỷ USD của Tập đoàn Ant, một tập đoàn công nghệ tài chính khổng lồ. Cổ đông lớn nhất của Ant, Jack Ma, đã khiến ông Tập và các nhà lãnh đạo khác tức giận với bài phát biểu chỉ trích các cơ quan quản lý đã kìm hãm sự đổi mới tài chính và công nghệ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều sự bất an đối với cấu trúc quyền sở hữu phức tạp của Ant — và những người hưởng lợi nhiều nhất từ đó.
Tăng quyền kiểm soát đối với nền kinh tế cũng mang lại cho Bắc Kinh nhiều quyền lực hơn để đạt được các mục tiêu như xóa nghèo, một dự án mà ông Tập coi là quan trọng trong việc cai trị của mình.
4. Chính phủ của ông Tập đang khơi dậy chủ nghĩa siêu quốc gia và dập tắt sự chỉ trích
Chính phủ của ông Tập đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc thông qua một chiến dịch giáo dục lòng yêu nước bao gồm những thay đổi trong sách giáo khoa và các video bóng bẩy ủng hộ Trung Quốc nhắm vào giới trẻ thông qua mạng xã hội.
Trên mạng, đám đông thường quấy rối và bịt miệng bất kỳ ai bị coi là chỉ trích đất nước hoặc sự lãnh đạo của Trung quốc mà một số người coi là dư âm của Cách mạng Văn hóa 1966-76.
Và Bắc Kinh đã tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến, cả những phụ nữ dự định biểu tình chống quấy rối tình dục và các luật sư nhân quyền.
"Mục tiêu của họ là làm cho bạn cảm thấy bất lực, tuyệt vọng, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào và khiến bạn suy sụp, vì vậy bạn bắt đầu coi hoạt động xã hội là việc làm ngu xuẩn không mang lại lợi ích cho ai và gây đau khổ cho mọi người xung quanh", Yaxue Cao – một nhà hoạt động ở Washington điều hành China Change, một trang web tin tức và bình luận, nói. "Trong rất nhiều trường hợp, họ đã thành công".
5. Trung Quốc đang cố tác động các nhóm quốc tế để tránh cho Bắc Kinh khỏi sự giám sát, nhưng họ vấp phải sự phản ứng dữ dội
Báo cáo của Wall Street Journal cho thấy Trung Quốc đã vận động hành lang để được bầu vào các vai trò quan trọng tại Liên Hợp Quốc, trong một trường hợp sử dụng ống kính tele để quan sát một cuộc bỏ phiếu và quay phim một cuộc bỏ phiếu đáng lẽ phải bí mật. Mùa hè năm ngoái, sau khi Trung Quốc hạn chế các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông, một tuyên bố quan ngại do Vương quốc Anh soạn thảo đã được 27 quốc gia ủng hộ, nhưng một tuyên bố khác khen ngợi Bắc Kinh của Cuba đã có 53 người ủng hộ.
Các quốc gia ở những nơi như Châu Âu, trước đây e ngại đối đầu với Bắc Kinh, giờ đây đang chịu áp lực nội bộ về một đường lối cứng rắn hơn, với một số quốc gia đã cấm đầu tư từ Trung Quốc và thông qua các lệnh trừng phạt.
Nguyên tác : How Xi Jinping Is Reshaping China and What It Means for the West, The Wall Street Journal, 23/02/2021
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/20738-t-p-c-n-binh-da-d-nh-hinh-l-i-trung-qu-c-ra-sao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét