- Leo Kelion
- Biên tập viên Công nghệ
Một bản báo cáo chính thức được viết cho Tổng thống và Quốc hội Mỹ, đề nghị là Mỹ và các đồng minh nên bác bỏ lời kêu gọi việc cấm toàn cầu với các hệ thống vũ khí tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Báo cáo này nói trí tuệ nhân tạo sẽ "rút ngắn thời gian quyết định'' và đòi hỏi phản ứng quân sự mà con người không thể tự thực hiện đủ nhanh.
Báo cáo cũng cảnh báo là Nga và Trung Quốc sẽ khó có thể tuân theo bất kỳ hiệp ước nào như vậy.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng các đề xuất này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang "vô trách nhiệm".
"Đây là một báo cáo gây sốc và đáng sợ, có thể dẫn đến sự tăng nhanh của việc vũ khí nhân tạo sẽ quyết định giết ai", Giáo sư Noel Sharkey, phát ngôn viên của Chiến dịch Ngăn chặn Robot Giết người nói.
"Các nhà khoa học AI cao cấp nhất trên hành tinh đã cảnh báo họ về hậu quả, nhưng họ vẫn tiếp tục.''
"Điều này sẽ dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế."
Báo cáo phản bác rằng nếu các hệ thống vũ khí tự động được thử nghiệm đầy đủ, và chỉ một người chỉ huy có thẩm quyền xử được phép sử dụng, thì chúng phải phù hợp với Luật Nhân đạo Quốc tế.
Các khuyến nghị được đưa ra bởi Ủy ban An ninh Quốc gia về AI - một cơ quan do cựu Giám đốc Google Eric Schmidt và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Work, người từng phục vụ dưới thời các Tổng thống Obama và Trump, đứng đầu.
Các thành viên khác gồm Andy Jassy, Giám đốc điều hành kế tiếp của Amazon, giám đốc AI của Google và Microsoft, Tiến sĩ Andrew Moore và Tiến sĩ Eric Horvitz, và giám đốc điều hành Oracle Safra Catz.
Ranh giới hạt nhân
Phần lớn báo cáo dài 750 trang tập trung vào việc làm thế nào để chống lại tham vọng trở thành lãnh đạo thế giới về AI vào năm 2030 của Trung Quốc.
Báo cáo nói rằng các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao đã cảnh báo Mỹ có thể "mất ưu thế kỹ thuật quân sự trong những năm tới" nếu Trung Quốc đi trước quốc gia này bằng cách áp dụng các hệ thống hỗ trợ AI nhanh hơn - chẳng hạn bằng cách sử dụng các máy bay không người lái để tấn công Hải quân Hoa Kỳ.
"DoD [Bộ Quốc phòng] từ lâu đã có xu hướng thiên về phần cứng cho tàu, máy bay và xe tăng [và] hiện đang cố gắng tạo bước nhảy vọt thành một kỹ nghệ sử dụng phần mềm chuyên sâu," bản báo cáo viết.
"Nếu lực lượng của chúng ta không được trang bị hệ thống hỗ trợ AI được hướng dẫn bởi các khái niệm mới, vượt trội hơn đối thủ, chúng ta sẽ bị đánh bại và bị tê liệt bởi sự phức tạp của trận chiến."
Báo cáo dự đoán AI sẽ thay đổi "tất cả các khía cạnh của các vấn đề quân sự", và dự đoán sẽ có cuộc chạy đua với đối thủ về các thuật toán trong tương lai.
Và trong khi cảnh báo rằng các hệ thống AI với thiết kế tồi có thể làm tăng nguy cơ chiến tranh, báo cáo cũng nói thêm rằng "phòng thủ chống lại kẻ thù có khả năng sử dụng AI mà không sử dụng AI là một quyết định dẫn đến thảm họa".
Tuy nhiên, báo cáo vạch ra ranh giới về vũ khí hạt nhân, nói rằng những thứ này vẫn cần phải có sự ủy quyền rõ ràng của tổng thống.
Và báo cáo nói rằng Nhà Trắng nên thúc ép Moscow và Bắc Kinh đưa ra các cam kết công khai của họ về vấn đề này.
'Chảy máu chất xám'
Ủy ban bắt đầu xem xét vũ khí AI vào tháng 3 năm 2019 và đây là báo cáo cuối cùng được đưa ra.
Báo cáo nói các cảnh báo trước đây về các mối đe dọa an ninh quốc gia do AI gây ra cho Mỹ đã bị phớt lờ, nhưng vẫn còn ''cơ hội'' để thực hiện các thay đổi được đề xuất nếu Tổng thống Biden và các chính trị gia khác hành động nhanh chóng.
Nhưng không phải tất cả các đề xuất của ủy ban đều tập trung vào quân sự, đề nghị ngân sách chi tiêu phi quốc phòng của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển liên quan đến AI nên được tăng gấp đôi để đạt 32 tỷ đôla vào năm 2026.
Các đề xuất khác gồm:
• tạo ra một cơ quan mới để giúp tổng thống hướng dẫn các chính sách AI rộng rãi hơn của Hoa Kỳ
• nới lỏng luật nhập cư để giúp thu hút nhân tài từ nước ngoài, bao gồm nỗ lực gia tăng tình trạng "chảy máu chất xám" từ Trung Quốc
• tạo ra một trường đại học mới để đào tạo công chức kỹ thuật số tài năng
• thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới của các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ
Trong khi các thành viên của ủy ban phục vụ với tư cách cá nhân, nhiều công ty mà họ làm việc đã đấu thầu cho Lầu Năm Góc và các hợp đồng AI khác của chính phủ.
Những hợp đồng này gồm một hợp đồng trị giá 10 tỷ đôla được trao cho Microsoft, mà Amazon đang thách thức trước tòa.
Giới hạn chip
Báo cáo cũng tập trung vào việc Mỹ cần hạn chế khả năng sản xuất chip máy tính hiện đại của Trung Quốc.
Báo cáo viết: "Nếu một đối thủ tiềm năng vượt mặt Mỹ về chất bán dẫn trong thời gian dài hoặc đột ngột cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận của Mỹ đối các chip tiên tiến, thì nó có thể giành được ưu thế trong mọi lĩnh vực chiến tranh".
Báo cáo khuyên rằng Mỹ phải dẫn trước ít nhất hai thế hệ so với khả năng sản xuất thiết bị điện tử vi mô của Trung Quốc.
Để làm được điều này, báo cáo nhận định rằng chính phủ cần cung cấp các khoản tín dụng thuế lớn cho các công ty xây hãng chế tạo chip mới trên đất Mỹ.
Báo cáo còn nói cần có những biện pháp hạn chế xuất khẩu để ngăn Trung Quốc có thể nhập khẩu các máy quang khắc cần thiết để sản xuất các loại chip tiên tiến nhất với bóng bán dẫn nhỏ nhất.
Báo cáo nói rằng điều này sẽ đòi hỏi sự hợp tác của chính phủ Hà Lan và Nhật Bản, những nước có các công ty chuyên về các công cụ này.
Ngoài ra, báo cáo nói các công ty Mỹ xuất khẩu chip sang Trung Quốc nên bị buộc phải chứng nhận những chip này không được sử dụng để "tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền", và nên gửi báo cáo hàng quý cho Bộ Thương mại, liệt kê tất cả doanh số bán chip cho Trung Quốc.
Điều này xảy ra sau những cáo buộc rằng chip của các công ty Mỹ Intel và Nvidia được sử dụng để theo dõi hàng loạt dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) của Trung Quốc tại khu vực Tân Cương.
Căn thẳng về chip
Tổng thống Biden đã ra lệnh xem xét lại ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ và tuần trước đã cam kết ủng hộ kế hoạch trị giá 37 tỷ đôla của Quốc hội nhằm thúc đẩy đầu ra tại địa phương.
Chip là đề tài đang thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi sự thiếu hụt chip hiện tại đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô.
Nhưng Trung Quốc cũng coi đây là vấn đề quan trọng với tham vọng của chính họ, và trước đó hôm thứ Hai, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của nước đã hứa sẽ "hỗ trợ mạnh mẽ" các nhà sản xuất chip của họ.
Trước đó, Bắc Kinh nói họ muốn sản xuất được 70% chip sử dụng trong nước vào năm 2025.
Theo một bài viết trên Nikkei Asia, các nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đã tìm kiếm thiết bị quang khắc đã qua sử dụng để làm điều này, mua tới 90% lượng hàng có sẵn.
Tuy nhiên, những chiếc máy cũ này không có khả năng sản xuất những con chip tiên tiến nhất, được đánh giá cao để sử dụng trong cả điện thoại thông minh đời mới nhất và các thiết bị tiêu dùng khác, cũng như các ứng dụng quân sự.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-56249406
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét