Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

5122 - Thế giới hôm nay: 01/03/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy


Kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự của Myanmar một tháng trước đây, hàng chục nghìn người dân nước này đã xuống đường hàng ngày để phản đối cuộc đảo chính. Cho đến nay quân đội vẫn kiềm chế không đàn áp dã man, như đã làm trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ trước đây vào năm 1988 và 2007, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Song biểu tình vẫn tiếp diễn. 

Và quân đội ngày càng mất kiên nhẫn. Các binh sĩ đang tỏ ra sẵn sàng bắn đạn thật hơn, bên cạnh vòi rồng và đạn cao su. Hôm qua, lực lượng an ninh đã nổ súng vào đám đông ở một số thành phố trên khắp đất nước, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ngày đẫm máu nhất kể từ khi biểu tình nổ ra.

Xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi rời Nhà Trắng cách đây sáu tuần, Donald Trump tuyên bố ông là tương lai của đảng Cộng hòa trong một bài phát biểu trước Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Orlando, Florida. Bài phát biểu làm dấy lên suy đoán rằng ông Trump có kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024.

Cảnh sát Thái Lan bắn hơi cay và vòi rồng vào người biểu tình bên ngoài một căn cứ quân sự ở Bangkok, giữa lúc những người này đang yêu cầu Quốc vương Maha Vajiralongkorn từ bỏ quyền kiểm soát một đơn vị quân đội đóng tại đây. Trung đoàn Bộ binh Số 1 là một trong số những đơn vị mà thủ tướng Prayuth Chan-ocha chuyển giao cho hoàng gia vào năm 2019. Kể từ đó một phong trào chính trị do thanh niên dẫn đầu đã hình thành, với những yêu cầu bao gồm ông Prayuth phải từ chức.

Hồng Kông buộc tội 47 nhà vận động ủng hộ dân chủ có âm mưu lật đổ, chiếu theo luật an ninh quốc gia mới của lãnh thổ. Cho đến nay đây là cuộc đàn áp theo luật mới lớn nhất chống lại phe đối lập. Nhiều người trong số 47 người này bị cáo buộc tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức vào tháng 7 năm ngoái với mục đích chọn ra những ứng viên ủng hộ dân chủ mạnh nhất cho cuộc bầu cử hội đồng lập pháp.

Danone nói họ sẽ chuyển đổi cổ phần gián tiếp của họ trong Công ty Sữa Mengniu Trung Quốc thành cổ phần trực tiếp, bước đầu tiên hướng tới việc bán số cổ phần họ đang nắm. Tập đoàn thực phẩm Pháp đang chịu sức ép lớn từ các nhà đầu tư; họ dự định dùng số tiền thu được từ việc bán số cổ phiếu này, có thể trị giá hơn 1 tỷ đô la, để mua lại cổ phiếu của chính họ.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cấp phép khẩn cấp cho loại vắc-xin covid-19 thứ ba của nước này, do Johnson & Johnson phát triển. Mặc dù vắc-xin J&J không hiệu quả bằng vắc-xin của Pfizer hay Moderna, nó chỉ cần tiêm một liều duy nhất, dễ bảo quản hơn và bổ sung thêm một nguồn cung vắc-xin cần thiết khác.

Một cựu trợ lý thứ hai cáo buộc Andrew Cuomo, thống đốc New York, quấy rối tình dục. Charlotte Bennett nói với New York Times rằng ông Cuomo từng hỏi cô những câu hỏi không phù hợp về tình dục trong văn phòng của ông hồi mùa xuân năm ngoái. Đầu tuần này, một phụ tá khác cũng cáo buộc ông hôn và sờ soạng vào năm 2018. Ông Cuomo bác bỏ mọi hành vi không phù hợp và ra lệnh điều tra độc lập về các cáo buộc.

TIÊU ĐIỂM

Mạnh Vãn Chu ra tòa Canada

Hôm nay Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, và là con gái của người sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi, sẽ ra tòa ở Canada. Tòa sẽ xem xét liệu bà Meng, người bị bắt tại sân bay Vancouver vào năm 2018 và bị quản thúc tại gia kể từ đó, có nên bị dẫn độ về Mỹ để đối mặt cáo buộc lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran hay không.

Vụ việc này bị phức tạp hóa bởi một chiến dịch địa chính trị của Mỹ nhắm vào ngành công nghệ Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng. Các quan chức Mỹ cáo buộc  (cho đến nay không có bằng chứng) hãng gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho bất kỳ nước nào sử dụng sản phẩm của họ. Hồi tháng 6, Trung Quốc đã buộc tội hai công dân Canada về tội gián điệp, một động thái được nhiều người coi là màn trả đũa cho vụ bắt giữ bà Mạnh. Huawei cũng đang kiện HSBC, một ngân hàng Hồng Kông, nhằm tìm cách tiếp cận các tài liệu mà họ hy vọng có thể cải thiện cơ hội thắng ở tòa của bà Mạnh. Một phán quyết về việc dẫn độ bà phải có trong tháng 5; song dù thế nào, căng thẳng xoay quanh Huawei vẫn sẽ tiếp tục.

Cộng hòa Séc hứng chịu làn sóng covid-19 mùa đông

Một số tâm dịch đáng sợ nhất trong giai đoạn đầu đại dịch đến từ những nơi ở Tây Âu, chẳng hạn như miền bắc nước Ý. Giờ đây, tới lượt Đông Âu gánh chịu một đợt tăng ca nhiễm vào mùa đông, và không nơi nào tăng nhiều bằng Cộng hòa Séc. Nước này có tỷ lệ ca nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới, cứ 100.000 người thì có 108 ca mới được xác nhận; chỉ Gibraltar và Slovakia là có tỷ lệ tử vong chính thức cao hơn.

Hôm nay nhà chức trách Séc sẽ ban hành một lệnh phong tỏa khắt khe hơn, nhưng các nhà y tế lo ngại vẫn chưa đủ; chẳng hạn, những nơi làm việc như nhà máy vẫn tiếp tục mở. Chính phủ bị cáo buộc không mạnh tay áp dụng những động thái có thể gây bất bình nhưng cần thiết về mặt dịch tễ học vì là năm bầu cử. Và một số vùng của đất nước hiện đang rất thiếu giường cho bệnh nhân covid-19, một phần vì bộ trưởng y tế của nước này dường như quá kiêu hãnh không muốn yêu cầu láng giềng Đức giúp đỡ, dù nước này có tiềm lưc dự phòng.

Tổng thống Argentina sắp có bài phát biểu trước toàn quốc

Tổng thống Alberto Fernández hôm nay sẽ có bài phát biểu hàng năm “thông điệp quốc gia” trước Quốc hội trong bối cảnh ngày càng nhiều chỉ trích nhắm vào cách ông xử lý vấn đề vắc-xin covid-19. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chính phủ ông bị mất ủng hộ sau một vụ bê bối được báo chí gọi là “VaccineVIP”. Theo đó một nhóm bí mật trong Bộ Y tế bị cáo buộc sử dụng nguồn dự trữ vắc-xin Sputnik V có hạn của Nga để tiêm chủng cho các nhân vật đồng minh của chính phủ trong các công ty truyền thông, doanh nghiệp và công đoàn.

Ông Fernández đã sa thải bộ trưởng y tế nhưng lại bác bỏ các vụ kiện do phe đối lập đưa ra. Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ được tổ chức trong năm nay, và thăm dò cho thấy tham nhũng là một chủ đề quan tâm lớn. Trong bài phát biểu hôm nay, người ta dự đoán ông Fernández sẽ nói rằng nền kinh tế đang trên đường phục hồi và yêu cầu các chủ nợ quốc tế kiên nhẫn khi nước này đàm phán lại các khoản nợ. Ông cũng hi vọng các cử tri sẽ kiên nhẫn .

Rắc rối pháp lý kéo dài của cựu tổng thống Pháp Sarkozy

Kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2012, Nicolas Sarkozy đã vướng vào những lùm xùm pháp lý. Hôm nay, cựu tổng thống Pháp sẽ nghe phán quyết trong vụ án tham nhũng và buôn bán ảnh hưởng được đưa ra xét xử hồi năm ngoái, vụ án đầu tiên chống lại ông được đưa ra trước tòa. Ông Sarkozy bị cáo buộc, trong thời gian là tổng thống, đã đề nghị giúp một công tố viên thăng chức để đổi lấy thông tin về một cuộc điều tra tội phạm.

Ông phủ nhận cáo buộc; và nếu bị kết tội vẫn có thể kháng cáo. Cuối tháng 3, ông sẽ lại phải ra hầu tòa để đối mặt cáo buộc tiêu tiền vượt quá định mức tài chính của đảng, trong một vụ án được gọi là “Bygmalion”. Còn có một vụ điều tra tài chính khác, liên quan đến cáo buộc rằng cựu lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi đã giúp tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy vào năm 2007, cũng đang được tiến hành. Ông Sarkozy phủ nhận cả hai cáo buộc. Một số vụ kiện khác chống lại cựu tổng thống đã thất bại, nhưng ông vẫn chưa thoát khỏi những rắc rối.

GDP Thổ Nhĩ Kỳ tăng vượt trội trong quý 4/2020

Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều vấn đề kinh tế. Song đình trệ kéo dài không phải một trong số đó. Tình trạng tiêu dùng yếu kinh niên đang càn quét qua nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới, nhưng đáng chú ý lại không hiện diện ở thị trường mới nổi có tính chu kỳ cao này. Các nhà hoạch định chính sách không gặp khó khăn khi mở rộng tín dụng, và tín dụng tăng nhanh chóng chuyển thành tăng trưởng mạnh hơn.

Các số liệu công bố hôm nay dự kiến cho thấy GDP ba tháng cuối năm 2020 cao hơn khoảng 6-8% so với một năm trước đó. Con số này thậm chí còn cao hơn nhiều dự báo trước đại dịch cho cùng thời kỳ. Bạn có thể cho rằng bộ trưởng tài chính trong giai đoạn phục hồi này là một anh hùng. Nhưng trên thực tế, Berat Albayrak đã đột ngột từ chức vào tháng 11. Việc theo đuổi tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần dẫn tới lạm phát cao và đồng tiền lao dốc. Ông Albayrak khi ấy cố gắng nâng đỡ đồng lira bằng cách bán ra nguồn dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ. Và chính sách này đã thất bại. Thổ Nhĩ Kỳ có một số thế mạnh kinh tế, nhưng kho dự trữ dồi dào không phải một trong số đó.

http://nghiencuuquocte.org/2021/03/01/the-gioi-hom-nay-01-03-2021/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét