Reformed Margins -Tác giả: Larry Lin
Dịch giả: Nhã Duy
Tôi dọn đến sống ở Baltimore vào tháng 8/2013. Trước thời điểm đó, tôi khá thờ ơ với trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi châu. Tôi đã đọc Túp Lều của Chú Tom khi còn học ở trường và tôi còn nhớ rằng nó đã tạo ra một ấn tượng mạnh với tôi. Tôi cũng là một con mọt sách về lịch sử nên tôi đã đọc một ít về buôn bán nô lệ, về thời Tái thiết (Người dịch: Reconstruction Age thuộc giai đoạn nội chiến Hoa Kỳ) và Jim Crow (Người dịch: Thuật ngữ chỉ các luật phân biệt chủng tộc, áp chế lên người da đen tại các tiểu bang miền Nam, dựa theo tên một nhân vật hư cấu Jim Crow).
Nhưng tôi không nghĩ tôi đã từng có một cuộc trò chuyện thật sự nào về chủng tộc với một người da đen trước đây.
Vài tháng sau khi dọn đến Baltimore, vốn là một thành phố có đa số người da đen, tôi kết bạn với một anh chàng tên là Mani. Mani là một người Mỹ gốc Phi sinh ra và lớn lên tại Baltimore. Chúng tôi gặp nhau, nói chuyện về đức tin và âm nhạc. Lần đầu tiên tôi đến chỗ anh ta ở, tôi nhớ đã thấy ba thứ.
Thứ nhất là tấm ảnh của Martin Luther King, Jr. Thứ nhì là tấm ảnh của Malcolm X. Và thứ ba là túi kẹo Skittles cùng một lon nước ngọt trên bàn. Mỗi lần tôi ghé đến, tôi luôn thấy ba điều đó. Có lẽ cũng ghé lần thứ ba hay thứ tư gì đó, tôi mới hỏi Mani rằng tại sao luôn có gói kẹo trên bàn. Anh ta lập tức trả lời với giọng đầy xác quyết rằng, “đó là thứ mà Trayvon Martin đang cầm khi bị bắn“.
Khi tôi nghe điều đó, suy nghĩ đầu tiên của tôi là, “Trayvon Martin, cái tên nghe quen quen. Khi tôi về nhà, tôi cần tìm ngay cái tên đó”. Tất nhiên là tôi đã rất xấu hổ nếu nói mình không biết cái tên đó. Tôi không muốn Mani biết rằng tôi không biết. Nhưng ngay lúc đó và ở đó, tôi nhận ra rằng có một sự khác biệt lớn giữa trải nghiệm của tôi trong tư cách một người Mỹ gốc Á và Mani, một người Mỹ gốc Phi.
Nên trong vài năm sau đó, khi tôi càng biết nhiều hơn về Mani, tôi đã quyết định đọc thêm về người Mỹ đen tại Mỹ hôm nay như thế nào. Tôi tìm hiểu về hệ thống tư pháp hình sự, hệ thống nhà tù, bạo lực cảnh sát, sự tử vong nơi trẻ sơ sinh, khả năng vận động xã hội, phân bố của cải, tuyển sinh đại học… và dần nhận thức được những bất lợi mang tính cấu trúc đã liên tục đặt lên người Mỹ gốc Phi trên đất nước Mỹ. Thêm nữa, càng học thì tôi càng sốc khi biết rằng mình chẳng biết gì trước đây.
Đồng thời, tôi cũng theo dõi như cả thế giới đang theo dõi khi mạng sống của Eric Garner, Tamir Rice, Walter Scott, Freddie Gray, Philando Castile, Botham Jean, Atatiana Jefferson và Ahmaud Arbery bị tước đoạt.
Tuần này, một mạng sống khác đã bị lấy đi: George Floyd. Tôi đã xem video về vụ việc hôm thứ Ba, và một lần nữa tôi kinh hoàng khi chứng kiến cái chết khác của một người da đen. Nhưng với đoạn phim này, có một điều khác đã làm tôi xáo động.
Đó là trong khi viên cảnh sát da trắng đang dùng gối đè chặt cổ Floyd, thì một cảnh sát châu Á đã đứng im lặng và thậm chí nhiều lúc còn ngăn cản người phản đối can thiệp. Đối với tôi, đó là sự đại diện hoàn hảo cho sự đồng lõa của người Mỹ gốc Á trong phân biệt chủng tộc.
Tôi thừa nhận rằng có những người Mỹ gốc Á đã đấu tranh cùng những người láng giềng Mỹ gốc Phi, chống lại sự phân biệt chủng tộc trong suốt lịch sử. Tuy nhiên, họ chẳng bao nhiêu so với những người Mỹ gốc Á đã chọn cách thờ ơ tối đa hoặc đồng lõa một cách tồi tệ nhất trong nạn phân biệt chủng tộc.
Có nhiều lý do lịch sử và văn hóa phức tạp cho hiện trạng này của người Mỹ gốc Á mà nói hoài không dứt. Chúng ta có thể nói về thực tế rằng nhiều người châu Á coi trọng sự hòa hoãn và thua thiệt, thậm chí phải trả giá bằng sự chính trực và công bằng. Chúng ta có thể nói về một thực tế là nhiều người di dân châu Á đã đến từ các quốc gia có lãnh đạo độc tài, nơi mà những vận động chính trị có thể dẫn đến chuyện tù đày hoặc cái chết.
Nhưng có một sự thật là, thường thường thì người Mỹ gốc Á đã chọn đứng về phía sự phân biệt chủng tộc của người da trắng đối với nạn nhân da đen. Phần lớn cuộc đàm luận quốc gia về chủng tộc là tập trung vào mối quan hệ giữa người da trắng và người da đen. Kết quả là người châu Á thường được thấy là nằm giữa sự xáo trộn đó. Tuy nhiên, phần lớn người châu Á đều không muốn ở giữa.
Mặc dù chúng ta cũng đã bị trải qua một lịch sử lâu dài bị kỳ thị chủng tộc dưới tay của những người hàng xóm da trắng, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn xem chuyện đồng hóa vào văn hóa da trắng là con đường để thực hiện giấc mơ Mỹ. Và vì vậy chúng ta làm việc, học hành chăm chỉ, chúng ta không dám đụng chạm ai. Chúng ta tiếp tục sống theo tình trạng của khuôn mẫu thiểu số, mà phần lớn có được là nhờ sự trả giá của người Mỹ gốc Phi.
Người Mỹ gốc Á chúng ta có thể không nói ra nhưng nhiều người đã nhập tâm sự kỳ thị. Chúng ta tin rằng cách để thành công là làm việc chăm chỉ và chúng ta hãnh diện vì đã làm được điều đó. Chúng ta đến đất nước này tay trắng, nói tiếng nước mình, làm việc chăm chỉ, dành dụm tiền của rồi đạt được giấc mơ Mỹ. Và vì thế, khi chúng ta nhìn qua tình trạng của người Mỹ gốc Phi thì chúng ta cho rằng họ không siêng năng như chúng ta để kết luận rằng, chỉ có họ mới đáng trách.
Đáng tiếc là, cách nghĩ này đã khiến người Mỹ gốc Á rơi vào tình trạng bất hòa về chính trị xã hội với người Mỹ gốc Phi. Sự phân chia này là rõ ràng nhất trong các cuộc tranh luận về chính sách ưu đãi người thiểu số (affirmation action), điều đã trở thành vấn đề chính trị xác quyết với nhiều người Mỹ gốc Á. Tại nhiều trường đại học, sinh viên gốc Á chiếm quá đông trong khi người Mỹ gốc Phi lại ít, vì vậy chính sách này lại chống lại người Mỹ gốc Á nhưng có lợi với người Mỹ gốc Phi.
Sự chia rẽ chính trị này được thấy rõ qua các sự kiện như vụ bạo động ở Los Angeles, mà phần lớn những kẻ bạo loạn là người Mỹ gốc Phi đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các cửa tiệm của người Mỹ gốc Á, và vụ bắn chết Akai Gurley do một cảnh sát người Mỹ gốc Á đã vô tình nổ súng và giết chết một người Mỹ gốc Phi.
Tuy nhiên, cách nghĩ vậy là một bức tranh rất không đầy đủ. Điều mà nhiều người Mỹ gốc Á không nhận ra là sự thành công của chúng ta chủ yếu được xây dựng trên lưng của chính người Mỹ gốc Phi. Xét cho cùng, nếu chế độ nô lệ của người Mỹ gốc Phi không tồn tại, Hoa Kỳ có thể không phải là một quốc gia được mong muốn để di dân đến. Chính nhờ sự nô lệ của người Mỹ gốc Phi mà người Mỹ đã xây dựng được sự thịnh vượng ngay từ đầu. Thêm vào đó, nếu không phải nhiều thế hệ người Mỹ gốc Phi đã tranh đấu cho quyền lợi của họ trước khi hầu hết chúng ta đến đây, thì có thể người Mỹ gốc Á cũng sẽ không dễ dàng được chấp nhận tại xứ này. Cách nào thì người Mỹ gốc Phi cũng đã lót đường cho các sắc dân thiểu số khác đến Mỹ.
Sự thật là người Mỹ gốc Á của chúng ta đã vô tình gặt hái thành công từ những đau khổ của những người Mỹ gốc Phi. Điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm là sát cánh cùng họ khi họ vẫn còn tiếp tục chịu đựng.
Có lẽ một số người trong chúng ta, giống như con người của tôi trước kia, sẵn sàng thú nhận rằng chúng ta không hiểu biết hoặc không được học về trải nghiệm của người Mỹ gốc Phi, nhưng điều đó không biến chúng ta thành đồng lõa với nạn phân biệt chủng tộc. Chúng ta có thể nói, chúng ta chẳng thật sự sát hại ai. Tuy nhiên, đôi khi chính sự thụ động của những người ngoài cuộc đã kéo dài nạn phân biệt chủng tộc xã hội.
Martin Luther King, Jr. đã từng viết trong Tâm thư từ Ngục tù Birmingham: “Tôi phải thú nhận rằng, tôi đã thất vọng nặng nề với những người da trắng ôn hòa trong vài năm qua. Tôi hầu như đạt đến kết luận đáng tiếc rằng, sự ngăn chận to lớn trong cuộc tranh đấu tự do của người da đen không phải là nghị viên công dân da trắng hay một kẻ Ku Klux Klan, mà là người da trắng ôn hòa, người hết lòng với ‘trật tự’ hơn là công lý, người thích một nền hòa bình tiêu cực không có bóng dáng sự căng thẳng để đạt đến một nền hòa bình tích cực hiện diện trong công lý, người liên tục nói ‘tôi đồng ý với bạn trong mục tiêu nhưng tôi không thể đồng ý với những phương pháp hành động trực tiếp của bạn’, người tin rằng anh ta có thể đặt thời gian biểu cho sự tự do của người khác một cách gia trưởng; người sống trong một khái niệm thời gian huyền hoặc và không ngừng khuyên người da đen chờ đợi đến dịp thuận tiện hơn. Sự hiểu biết nông cạn từ những người có thiện chí sẽ khó chịu hơn là sự hiểu lầm tuyệt đối ở những kẻ có tâm địa xấu. Chấp nhận sự thờ ơ gây bối rối hơn nhiều so với sự chối bỏ thẳng thừng“.
Ở đây, Mục sư King mô tả về người đàn ông da trắng ôn hòa trong thời của mình, những người hiểu biết nông cạn, rất tận tâm với trật tự hơn là công lý và thích sự hòa bình tiêu cực hơn so với sự hiện diện của công lý. Một mô tả thật thích hợp với rất nhiều người Mỹ gốc Á ngày nay.
Một tình cảm tương tự được thể hiện trong Phúc âm Gia-cơ 2: 1-7 rằng, “Hỡi anh chị em yêu dấu là tín hữu của Chúa Cứu Thế Giê-xu vinh hiển, đừng thiên vị người nào. Giả sử có một người mặc áo quần sang trọng, đeo nhẫn vàng bước vào lúc đang thờ phụng, đồng thời cũng có một người nghèo mặc áo quần rách rưới, dơ bẩn cũng bước vào. Anh chị em niềm nở nói với người mặc áo quần sang trọng, ‘Mời ông ngồi chỗ tốt nầy’. Rồi bảo người nghèo: ‘Đứng đàng kia’, hoặc ‘Ngồi dưới đất nơi chân ta’. Vậy nghĩa là sao? Anh chị em đã thiên vị, do ác tưởng trong lòng, trọng người nầy khinh người kia. Anh chị em yêu dấu, hãy nghe đây! Thượng Đế đã chọn những người nghèo trên thế gian để họ giàu có trong đức tin và nhận được Nước Trời mà Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài. Nhưng anh chị em xem thường người nghèo. Chính kẻ giàu là những người muốn cai quản cuộc đời anh chị em, lôi anh chị em ra tòa. Họ cũng là những người báng bổ đến danh Chúa Giê-xu là Đấng chủ tể của anh chị em“.
Chúng ta có thể nói: “Chúng tôi đâu tham gia làm hại người nghèo nào“, nhưng há không phải sự thiên vị của chúng ta với người giàu đã duy trì sự bất bình đẳng giữa người giàu kẻ nghèo? Tôi tin rằng nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng cho vấn đề chủng tộc. Nhiều người Mỹ gốc Á đã thể hiện phần nào đó bằng cách tôn vinh những người da trắng trong khi coi khinh những người da đen. Không phải sự thiên vị của chúng ta dành cho những người da trắng đã duy trì sự bất bình đẳng giữa người da trắng và người da đen hay sao?
Thú thật rằng, tôi, giống viên cảnh sát gốc Á tại hiện trường cái chết của George Floyd, là một phần của vấn đề. Trong phần lớn cuộc đời mình, tôi đã đồng lõa với nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Phi và tôi hoàn toàn không biết gì về sự phân biệt chủng tộc đó. Tôi hướng về trật tự hơn là công lý. Tôi tìm cách tôn vinh quyền lực, không nhận ra rằng làm như vậy là coi khinh của những người yếu thế.
Nhưng đó không phải cách trong kinh thánh. Thánh Gia-cơ viết, “không phải đó là những kẻ giàu có áp bức và lôi anh chị em ra tòa sao?” mà tôi cũng xin thêm rằng, “không phải những kẻ kỳ thị với người Mỹ gốc Phi cũng kỳ thị cả với người Mỹ gốc Á sao?“.
Tôi không muốn u mê nữa. Tôi không muốn im lặng nữa. Tôi không muốn đồng lõa nữa. Các bạn người Mỹ gốc Á, hãy dừng chuyện bảo vệ nạn kỳ thị trong văn hóa của chúng ta. Hãy cùng đứng lên đoàn kết với những người bạn Mỹ gốc Phi.
____
Tác giả là Mục sư Larry Lin. Ông sinh ra và lớn lên tại San Jose, California hiện phụng vụ tại nhà thờ Village Church Hampden tại Baltimore, Maryland. Ông tốt nghiệp đại học Cornell và Southern Baptist Theological Seminary. Ông là chồng của Van-Kim và cha của hai con, một gái một trai. Ông yêu thích viết nhạc, bóng rổ, đàm luận về văn hóa, chính trị và cộng tác với tạp chí Reformed Margins.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét