BBC.
Trải lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 04/6/2020, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ; Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Maine đặt vấn đề về việc liệu Mỹ gửi công hàm phản đối Trung Quốc về Biển Đông lên LHQ có phải là để 'dọn đường' pháp lý, chính trị đưa ra Hội đồng Bảo an.
Trước tiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, trên quan điểm riêng của mình, bình luận về việc ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 3/6/2020 thông báo nước này đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách được cho là "phi pháp và nguy hiểm" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Công hàm của Hoa Kỳ gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc mục đích là ủng hô lập trường của Malaysia gửi cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa ngày 12/12/2019 bác kháng thư của Trung Quốc ngày 12/12/2019, và phản đối các yêu sách của Trung Quốc "không phù hơp vơi Luật về Công Ươc Biển năm 1982."
Công hàm này gửi sau công hàm của Việt Nam gần một tháng, có nôi dung tương tự (trừ việc công hàm của Việt Nam còn viện dẫn thêm công hàm của Trung Quốc ngày 23/3/2020) và cùng yêu cầu Tồng Thư Ký LHQ lưu hành đến "tất cà các thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã đệ trình ngày 01/6/2020 là phản đối hết tất cả các đòi hỏi phi pháp và quá đáng trong công hàm mà Trung Quốc đã gởi đến LHQ ngày 12/12/2019.
Mỹ đã đợi đến 6 tháng sau mới gởi công hàm trên là vì muốn chờ cho các nước trong khu vực (trong đó có Việt Nam, Phillipines, và Indonesia) gởi các công hàm phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc trước đã.
Do đó, ý nghĩa chính yếu và nổi bật nhất là Mỹ ủng hộ các nước trong khu vực bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Phán quyết của Toà Trọng Tài tháng 7 năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Vì sao gay gắt?
BBC: Trung Quốc hầu như đã ngay lập tức có phản ứng với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước này cùng ngày 3/6 đáp lại rằng Mỹ "gây rối và phá vỡ mối quan hệ trong khu vực". Vì sao Trung Quốc có phản ứng như vậy?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Đây không phải là việc gì mới. Trung Quốc đã nói thế từ năm 2008 và đặc biệt gay gắt từ năm 2010 là vì Trung Quốc muốn chĩa mũi dùi vào Mỹ cho rằng sự lên tiếng, hay can thiệp, của Mỹ đã gây rối và làm mất ổn định trong khu vực.
Trung Quốc muốn chứng tỏ Mỹ là một đế quốc ở bên kia thế giới nhưng xía vào tranh chấp trong khu vực Biển Đông để thủ lợi. Lý do là nếu Mỹ chùn chân trong việc giúp bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh trong khu vực thì Trung Quốc sẽ có thể uy hiếp các nước trong khu vực Biển Đông cũng như các nước khác giao thông qua khu vực này.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Gần đây quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng thêm một phần vì Trung Quốc lơi dụng thời cơ nhiều nước phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19 để tìm cách lấn lướt ở Biển Đông.
Một phần vì hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đổ tội lẫn nhau vì vụ Covid-19, môt phần khác vì nhu cầu chính trị nội bô của cả hai nước, ông Trump thì phải lo chuyên tranh cử còn ông Tập phải đánh lạc hướng những chỉ trích vì cách hành xử trong đại nạn dịch Covid-19 và biểu tình ở Hong Kong.
Trong bối cảnh ấy, viêc hai bên trả đũa nhau ngay lập tức là chuyện dễ hiểu.
BBC:Chính quyền Philippines đã tuyên bố tạm dừng hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ, qua việc Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, Jose Manuel Romualdez hôm 3/6 khẳng định nước này quyết định tạm không hủy Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA), sự kiện này có ý nghĩa gì?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Ngay khi Tổng Thống Rodrigo Duterte tuyên bố là sẽ huỷ Thoả thuận Lực lượng Thăm viếng với Mỹ thì các nhà phân tích đã biết là trước sau gì Philippines cũng sẽ tìm cớ để không huỷ thoả thuận đó nữa.
Nay Duterte bị sức ép trong nước trước những hành động đe doạ của Trung Quốc thì thấy phải cần có sự hổ trợ của Mỹ cho nên bảo Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ nói là "tạm không huỷ" thoả thuận đó nữa. Lẽ dĩ nhiên là phải có dàn xếp, hay đàm phán, giữa hai nước trước khi có tuyên bố đó.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Từ lâu đã có khác biệt trong cái nhìn của Tổng thống Duterte một bên với đảng đối lập và quân đội một bên khác về chính sách đối với Trung Quốc và tâm quan trọng của hiêp ước phòng thủ hỗ tương Phi-Mỹ, và nhất là Thỏa thuận lực lượng thăm viếng cho phép quân Mỹ có chân đứng ở Philippines và níu kéo sư hiện diện của Mỹ ở vùng này.
Những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc làm giới lãnh đạo Philippines quan ngại và không muốn cắt đứt hoàn toàn liên lạc quân sự với Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ đã tỏ ra quan tâm hơn với vùng Biển Đông qua những tuyên bố cứng rắn và sự hiện diện dồn dập của các tàu chiến Hoa Kỳ - USS Gabriel Giffors, USS Montgomery, USNS Cesar Chavez, USS America, USS Bunker Hill, USS Barry, USS Mustin- trong tháng Tư và tháng Năm vừa qua.
Nhất là sư hiện diện của tàu sân bay America ủng hộ Malaysia thăm dò dầu ở trong vùng đặc quyên kinh tế của nước này trước sự đe dọa của các tàu hải giám Trung Quốc đi cùng với tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8.
Trong bối cảnh này Philippines đã mạnh dạn trao hai công hàm ngoại giao phản đối viêc tàu Trung Quốc đã chĩa súng radar vào tàu Philippines tại vùng biển Tây Philippines và đã "tuyên bố môt phần lãnh thổ của Philippines là một phần của tỉnh Hải Nam," đồng thời ủng hộ Việt Nam và chỉ trích việc tàu Trung Quốc đâm chìm môt tàu đánh cá Việt Nam hồi đầu tháng Tư.
Trùng hợp hay phối hợp?
BBC: Trước đó không lâu, hôm 26/5, Indonesia cũng đã có công hàm gửi lên LHQ nêu rõ sự ủng hộ của chính phủ nước này đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague xử Philippines thắng kiện Trung Quốc. Sự kiện này và xâu chuỗi các sự kiện trên ở Đông Nam Á và khu vực liên quan tới an ninh Biển Đông, có thể rút ra nhận thức mới và đáng kể gì?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Sự kiện này cho biết là Indonesia, nước lớn nhất trong khu vưc và nước ít bị đe doạ nhất trước các hành động của Trung Quốc, nay cũng đã thấy cần cùng với các nước khác bảo vệ luật pháp quốc tế để có thể bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của mình.
Việc này rất quan trọng vì cho thấy là có sự đồng tình của các nước ven biển, mặc dầu Trung Quốc đã cố tình chia rẽ các nước ASEAN qua mua chuộc và đe doạ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Ngay từ tháng 1/2020, Tổng Thống Widodo đã tuyên bố không nhượng bộ về chủ quyền của Indonesia ở vùng biển Natuna, nhưng tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn đến đánh cá tại nơi mà họ bảo là "ngư trường truyền thống" của họ và bị Indonesia xua đuổi.
Ngoại trưởng Masudi cũng tuyên bố Indonesia "không bao giờ chấp nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc."
Việc gửi công hàm ngày 26/5 là tiếp tuc chính sách ấy và chính thức đặt vấn đề trước LHQ ngay sau hành động của Viêt Nam, Malaysia, Philippines, và trước Hoa Kỳ.
Đây là môt sự trùng hợp đặc biệt khiến người ta tư hỏi phải chăng có sự phối hợp, hay ít nhất là sự đồng thuận chống Trung Quốcc trong vấn đề này?
BBC:Trở lại với động thái của Hoa Kỳ hôm 3/6 phản đối sự "phi pháp và nguy hiểm" của Trung Quốc trên Biển Đông, sự kiện này từ nay có thể mở ra một trang mới hay thậm chí một chương lớn gì hay không về mặt an ninh, bang giao quốc tế và pháp lý trên Biển Đông?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: So với 3 năm qua, đông thái này cho thấy Hoa Kỳ có thể bắt đầu muốn can dự tích cưc hơn về tranh chấp Biển Đông và phối hợp với các nước Đông Nam Á chống sự lấn lướt của Trung Quốc sau khi làm cho họ thất vọng và nghi ngờ khả năng của Hoa Kỳ bắt đầu từ việc rút khỏi TPP và coi thường đồng minh với chính sách "Nước Mỹ Trên Hết."
Vài hôm trước đây, ngày 2/6, Edward Alden đã viết bài trên World Politics Review đề nghị Hoa Kỳ nếu muốn trở lại Á châu thì phải bỏ chính sách "Nước Mỹ Trên Hêt" và thương thuyết để trở lại TPP.
Ngoài trắc nghiệm này, một điều nữa có thể cho người ta biết liệu Hoa Kỳ có thật tâm ủng hộ chủ quyền theo Luật Biển của các nước có tranh chấp với Trung Quốc?
Hoa Kỳ có tiếp tục biểu dương lưc lượng hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á khai thác tài nguyên của họ trong vùng biển mà họ có chủ quyền theo công pháp quốc tế?
Nếu câu trả lời là có, thì đây là mở đầu một trang mới ở Biển Đông, vừa có hy vọng giải quyết tranh chấp hòa bình vừa có nguy cơ của chiến tranh nếu Trung Quốc không tự kiềm chế.
Dù sao, các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cần tỉnh táo nhận định khả năng và cam kết thực sự của Hoa Kỳ khi Tổng thống Donald Trump phải chú trọng đến nhu cầu tranh cử trong khi phải đối phó nạn dịch Covid-19, một nền kinh tế xuống dốc, và các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Như đã đề cập đến phía trên, động thái của Hoa Kỳ gần đây có được là vì các nước ven biển trong khu vực Biển Đông đã xích gần nhau để bảo vệ lợi ích chung.
Hoa Kỳ có cớ để giải thích là nước nầy cùng với các nước trong khu vực bảo vệ an ninh chung cho toàn thế giới, cũng như bảo vệ luật pháp quốc tế.
Hoa Kỳ có thể làm tốt hơn nữa nếu có thể huy động Quốc Hội phê chuẩn UNCLOS mà nước nầy đã ký.
Đáng lý ra thì Quốc Hội Mỹ đã có thể phê chuẩn đạo luật nầy dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan rồi, nhưng ông ấy chống.
Sau đó ông ấy thấy sai nên đã ký sắc lệnh là Hoa Kỳ sẽ luôn luôn tuân thủ UNCLOS. Các động thái của Hoa Kỳ, của một số nước ASEAN và của các nước có liên quan gần đây cho thấy rằng đang có bước ngoặc trong việc cùng nhau bảo vệ an ninh và lợi ích chung trong khu vực Biển Đông nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương nói chung.
Vì đang là chủ tịch ASEAN và thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy nhận thức, cũng như tiến trình, trong việc thiết lập các chính sách và cơ chế hợp thời và hữu hiệu cho các mục đích trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét