Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

1776 - Đôi điều trao đổi với ông Phùng Hữu Phú

Giật mình với những luận điểm của ông Phùng Hữu Phú ở trình độ Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTƯ). Bởi vì ông Phùng Hữu Phú, trong báo cáo sáng ngày 10/6/2020 tại Ban Tuyên giáo Trung ương, khi trình bày “về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng,” đã đưa ra một số luận điểm gây hoài nghi trong công chúng. Có rất nhiều điều cần bàn, nhưng trong khuôn khổ bài viết trên FB chỉ xin đề cập đến hai luận điểm cụ thể.
1. Đảng lãnh đạo thì Đảng biết đi con đường nào. Đảng dẫn dắt nhân dân tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) thì Đảng phải biết CNXH ở đâu và như thế nào. Thế mà ông Phùng Hữu Phú – trong tư cách Phó chủ tịch HĐLLTƯ – lại nói:
“Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ”; “thời kỳ quá độ là thế nào – là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được, và cần tiếp tục nghiên cứu”.
Thế hóa ra, từ trước đến nay Đảng dẫn lối cho nhân dân đi con đường mà chưa biết đi đến đâu, không biết có mấy chặng, vừa đi vừa nghiên cứu? Vậy thì ai dám theo Đảng mà đi?
2. Ông Phùng Hữu Phú lý luận:
“Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Thật là sai lầm. Chủ nghĩa Mác – Lênin và Đảng là 2 đối tượng khác nhau. Ông Phùng Hữu Phú lại đồng nhất Chủ nghĩa Mác – Lênin với Đảng theo hệ quả “một – một”. “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin” vẫn thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng được chứ sao lại không?
Miễn là nhân dân tín nhiệm Đảng thì nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, chứ nhân dân không cần quan tâm đến chủ nghĩa nào cả. Năm 1945 nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng là đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Nhật. Cụ Hồ thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) không dựa vào chủ nghĩa nào cả. Quốc hội nước VNDCCH bầu ra Chính phủ VNDCCH cũng không dựa vào một chủ nghĩa nào cả.
Ở mặt khác, ông Phùng Hữu Phú đã không coi trọng Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông Phùng Hữu Phú khẳng định “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng” – vậy thì Tư tưởng Hồ Chí Minh ở đâu? “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lê nin” mà thừa nhận tư tưởng Hồ Chí Minh thì sao? Không có Chủ nghĩa Mác – Lê nin mà có Tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng không lãnh đạo được ư?
Tiếp nữa, ông Phùng Hữu Phú lý luận: “Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Ở đây ông Phùng Hữu Phú hiểu sai Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng, và đánh giá không đúng khả năng lãnh đạo của Đảng. Vậy năm 1945 nhiều đảng phái có loạn không? Nhiều đảng phái mà Đảng vẫn lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954 cho đến năm 1988 vẫn có 3 đảng thì có loạn không? Có 3 đảng mà Đảng vẫn nắm quyền lãnh đạo, đất nước không loạn, lại lãnh đạo nhân dân dành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống bọn Polpot và chống Trung Quốc xâm lược.
Hay là ông Phùng Hữu Phú cho rằng lãnh đạo Đảng hiện nay không tài giỏi bằng lãnh đạo Đảng thời trước, nên có thể để xẩy ra “thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn”?
Rõ ràng, ở góc độ này, ông Phùng Hữu Phú đã đánh giá thấp tài năng lãnh đạo của Đảng.
3. Xin mời các thầy giáo dạy và nghiên cứu về Đảng, Chủ nghĩa Mác – Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh đánh giá các luận điểm nêu trên của ông Phùng Hữu Phú. Có phải các luận điểm trên của ông Phùng Hữu Phú là đại diện cho HĐLLTƯ không?
4. Ông Phùng Hữu Phú là Phó chủ tịch HĐLLTƯ. Ông Phú đã không giúp gì được cho Đảng về lý luận, lại hiểu không đúng Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, lại còn gây nghi ngờ về con đường Đảng đang dẫn dắt. Cho nên, xuất hiện câu hỏi hiển nhiên là:
Nhà nước có nên tiếp tục cấp tiền cho các thành viên HĐLLTƯ nữa hay không?
BỐN ĐIỀU NHẮN GỬI
1. Khi Marx và Engel nói về CNXH là ở thì tương lai. Còn đến thời Lenin, thì Lenin đã bắt tay vào công cuộc xây dựng CHXH ở Liên Xô từ năm 1917. Nhưng sau 74 năm (1991) CNXH sụp đổ chính tại ở Liên Xô – nơi Lenin đã khởi công xây dựng. Không chỉ ở Liên Xô mà CNXH đã sụp đổ hoàn toàn ở các nước Đông Âu. Hiện nay không còn phe XHCN nữa.
Như vậy, CNXH đã được kiểm nghiệm trên thực tế. Không phải ở thì tương lai mà phải dự báo.
2. Marx – Lenin cho rằng CNXH là hình thái ngay sau Chủ nghĩa Tư bản (CNTB). Lenin muốn từ bỏ CNTB tiến lên CNXH theo một con đường tắt ngắn hơn mà ông gọi là “con đường quá độ”.
Nhưng nước Nga và các nước Đông Âu thấy “con đường quá độ” mịt mù không tới đích, nên đã bỏ “con đường quá độ” để bắt đầu lại từ CNTB.
3. Việt Nam hiện nay, như ông Phùng Hữu Phú thừa nhận, “chưa rõ” về “con đường quá độ” mà còn đang “nghiên cứu”.
Bà con miền núi, khi gùi trên lưng téc chứa nước ngàn lít, đi con đường núi quanh co gập gềnh nhiều chặng, nhưng vẫn biết rõ về đến đích là nhà. Họ ngàn lần sáng suốt hơn các nhà lý luận ở HĐLLTƯ đi theo “con đường quá độ” mà không biết còn bao nhiêu chặng phía trước.
Vậy nên, đã không rõ thì tốt nhất là không đi “con đường quá độ” nữa, mà đi qua con đường CNTB để tiến lên CNXH. Xây dựng xong CNTB sẽ tức thì tiếp cận được CNXH.
4. Đừng nghĩ rằng xây dựng CNTB thì Đảng không lãnh đạo được, hay Đảng mất quyền lãnh đạo. Đó là đánh giá không đúng tài năng của Đảng. Về luận điểm điểm này, xin mời các thầy giáo dạy và nghiên cứu về Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh cho ý kiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét