Đầu tháng Sáu, 2020 vừa qua, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp báo, hội thảo để đưa ra việc đề xuất thành lập, chia lại các tỉnh thành vào 7 vùng kinh tế xã hội. Đây là một việc sẽ làm ảnh hưởng lớn tới các định hướng đầu tư, qui hoạch và phân bổ ngân sách cũng như có những điều chỉnh liên quan tới các vùng miền trong cả nước.
Đây là một đề xuất qui hoạch vĩ mô rất quan trọng nhưng dường như báo chí “lề đảng” cũng bị hạn chế và đưa tin với những bình luận và phản biện dè dặt và mang tính chung chung. Có lẽ đây là một quyết định quan trọng trong thời gian tới của đảng CSVN, và Ban Tuyên Giáo Trung Ương không muốn báo chí bàn tán nhiều về vấn đề này. Phía mạng xã hội thì cũng không mấy ý kiến quan tâm về đề xuất của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cũng như của ông Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng.
Hai phương án mà Bộ KHĐT đưa ra bao gồm:
Phương án 2, được xây dựng theo đề xuất của ông Trịnh Đình Dũng – phó thủ tướng CSVN, giữ nguyên ba vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, và Tây Nguyên. Vùng duyên hải từ Thanh Hóa trở vào tới Bình Thuận tách làm hai vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, với phân giới là đỉnh đèo Hải Vân. Vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng sang bốn tỉnh vốn thuộc vùng miền núi phía Bắc, gồm Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Có nhiều ý kiến đưa Long An và Tiền Giang về vùng Đông Nam Bộ.
Qui hoạch chia vùng kinh tế xã hội để làm gì?
Trong lịch sử về việc chia tách và phân vùng kinh tế xã hội thì nhà cầm quyền Việt Nam đã làm từ lâu với mục đích tăng cường tính chỉ đạo, điều phối của trung ương tới địa phương. Hiện nay, qui hoạch kinh tế xã hội theo 6 vùng cũ có từ thời ông Võ Văn Kiệt. Khi đó, việc phân định và qui hoạch vùng kinh tế thời ông Võ Văn Kiệt khởi xướng và chỉ đạo thể hiện sự chỉ đạo khá thống nhất trong việc phát triển kinh tế cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Sau thời ông Võ Văn Kiệt, công tác qui hoạch và định hướng theo vùng gần như bị xóa bỏ, không có khả năng gắn kết, không có tính thực thi. Các địa phương và bộ ngành phát triển theo kiểu mạnh ai lấy làm, miễn sao có lợi ích cho nhóm của mình. Việc qui hoạch vùng kinh tế xã hội nhưng không có thiết chế, không có bộ máy, không có quyền lực hành chánh và ngân sách điều phối dẫn đến một thực trạng là qui hoạch vẽ ra chỉ để cho đẹp. Trên thực tế, tỉnh nào cũng là mũi nhọn, cũng là trung tâm, cũng là trọng điểm cả. Mô hình phát triển từ thời ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho tới ông Nguyễn Xuân Phúc là mô hình phát triển kiểu “quả mít.”
Không có một sự điều phối cấp vùng khiến cho tỉnh nào cũng có sân bay quốc tế, tỉnh nào cũng xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tỉnh nào cũng xi măng lò đứng, sân golf quốc tế… Có những tỉnh thành xin xây dựng nhà máy xi măng, mía đường cho tỉnh mình nhưng khi xây xong nhà máy thì đắp chiếu vì… không có vùng nguyên liệu, những khu công nghiệp mở ra những không có doanh nghiệp vào thuê, chỉ làm bãi chăn thả bò.
Cứ khi nào có chính sách ưu tiên gì của trung ương là các địa phương thi nhau lập dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên để xin ngân sách. Còn dự án có hiệu quả hay không thì không cần biết. Đa phần những dự án này chỉ để chia chác nhau và để lại cho nhiệm kỳ sau những bãi rác và núi nợ do người dân gánh chịu.
Mặc dù nhìn thấy sự bất cập đó, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam không sao có thể điều phối được sự phát triển có tính qui hoạch và trọng điểm để tận dụng lợi thế của từng địa phương. Kể cả khi hình thành các cơ quan điều phối mang tính cấp vùng để bảo đảm ảnh hưởng của trung ương, như việc thành lập ba ban chỉ đạo như Ban Chỉ Đạo Tây Bắc, Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên và Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ trong suốt gần hai thập kỷ qua.
Chia để “chén”
Về mặt tổ chức thì các ban chỉ đạo này trực thuộc Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và người đứng đầu các ban đều là ủy viên trung ương, thuộc Ban Bí Thư nắm giữ. Đây là các “cánh tay nối dài” của trung ương đảng CSVN xuống địa phương mà như chức năng nhiệm vụ của nó được qui định là “chỉ đạo, kiểm tra, đốc thúc toàn diện mọi lĩnh vực” của các tỉnh thành thuộc vùng quản lý. Mỗi một ban có quyền lực ngang với một cơ quan ngang bộ hoặc tổng cục. Tuy vậy, trên thực tế, việc “chỉ đạo, kiểm tra, đốc thúc” này cũng hoàn toàn vô hiệu. Thậm chí nói chính xác thì đây là việc phân chia vùng lợi ích và ảnh hưởng của các phe phái trong đảng.
Ví dụ như Ban Chỉ Đạo Tây Bắc quản lý các tỉnh thành phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc là nơi có nhiều cửa khẩu quan trọng và nguồn tài nguyên khoáng sản giá trị của quốc gia thì do ông Trương Tấn Sang nắm giữ giai đoạn trước 2006. Đây cũng là thời kỳ việc khai thác và buôn lậu tài nguyên quốc gia tới mức độ kinh hoàng nhất.
Tình trạng này kéo dài cho tới thời kỳ ông Trương Trọng Vĩnh làm trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc. Tới thời kỳ ông Nguyễn Văn Bình kế thừa thì chẳng còn gì để mà chia chác và khi đó trung ương chỉ đạo xiết chặt lại các hoạt động khai thác lậu than, khoáng sản và xuất khẩu bằng tiểu ngạch sang Trung Quốc đã diễn ra hàng thập kỷ. Số liệu UNCOMTRADE cho thấy chênh lệnh giữa lượng khoáng sản nhập từ Việt Nam mà hải quan Trung Quốc ghi nhận so sánh với phía hải quan Việt Nam là hàng trăm triệu Mỹ kim mỗi năm. Với qui mô buôn lậu lớn như thế thì chỉ có nhà nước mới buôn lậu được mà thôi.
Còn Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên thì do các ông Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh và Trần Đại Quang lần lượt nắm giữ chức trưởng ban. Không rõ là chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội được đến đâu nhưng chỉ sau 15 năm, Tây Nguyên đã hầu như không còn rừng tự nhiên, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng và đại dự án Bauxit Tân Rai-Nhân Cơ của Trung Quốc đã được tọa lạc trên “mái nhà Đông Dương” – nơi trọng yếu nhất về quốc phòng và môi sinh của miền Nam Việt Nam.
Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ thì dính quá nhiều về chuyện mua quan bán tước mà dẫn đến việc Bộ Chính Trị CSVN phải thanh kiểm tra toàn diện và “kiểm điểm nghiêm khắc.” Những sai phạm của Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ thậm chí đã được VOV đưa tin và đây cũng là ban chỉ đạo bị đóng cửa sớm nhất vào năm 2017, sau 15 năm “ăn không từ thứ gì” và chẳng làm được việc gì.
Hiệu quả thực sự của ba ban chỉ đạo này tệ hại tới mức mà Bộ Chính Trị CSVN phải quyết định xóa bỏ, cũng là để tước bỏ quyền lực quá mức của các ủy viên trung ương đảng nắm giữ vị trí trưởng các ban chỉ đạo này. Tuy vậy, thì hậu quả của việc thành lập 3 ban chỉ đạo này trong thời gian gần 20 năm là khó lòng định lượng được hết.
Trước chia ba, nay chia bảy, rồi làm gì nữa?
Tới nay thì nhà cầm quyền CSVN lại tiếp tục câu chuyện qui hoạch các vùng kinh tế xã hội và việc chia Việt Nam thành 7 vùng kinh tế xã hội sau đây liệu sẽ dẫn đến hậu quả gì lâu dài cho quốc gia?
Trước hết, về mặt tổ chức thì theo ý kiến của ông Giáo Sư, Tiến Sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái: “Cơ chế, thể chế điều hành vùng tới đây như thế nào? Hay quy hoạch vùng cho đẹp, mỗi năm họp một đôi lần, hứa hẹn với nhau cho vui?”
Về mặt điều phối qui hoạch vùng thì Giáo Sư Đặng Hùng Võ có ý kiến “Làm quy hoạch vùng là để quy hoạch kinh tế – xã hội tỉnh. Là tỉnh này phải giảm công nghiệp, và nhường việc đó cho tỉnh kia. Chứ mạnh ông nào ông ấy làm, mất tính đồng bộ, thì vỡ trận hết.”
Như vậy, những tiền đề cơ bản để cho một tổ chức qui hoạch và điều phối phát triển kinh tế xã hội theo cấp vùng mà những viên chức của bộ máy chính quyền Việt Nam cũng đã đều đặt ra. Nhưng câu chuyện thực sự có thể nằm phía sau những đề án qui hoạch vùng kinh tế xã hội được vẽ ra đủ các lợi ích “vĩ mô.” Câu hỏi mà báo Thanh Niên đặt ra “Phân vùng rồi làm gì nữa?” cần được dư luận quan tâm nhiều hơn vì những điều chỉnh và qui hoạch này có thể có những tác động rất lớn tới xã hội Việt Nam trong một tương lai không xa.
Nó có thể không chỉ đơn thuần lặp lại vết xe cũ của các ban chỉ đạo của đảng, lúc trước thì chia ba, tới nay thì chia bảy, chia rồi để “chén.” Nó có thể có những toan tính khác nữa mà đảng sẽ không hé lộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét