Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 11/1/2017: công nhân Việt Nam tại một nhà máy của Ford ở Hải Dương
Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội ngày 15/6, nữ đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung, cho rằng chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và tác động từ cuộc cách mạng 4.0.
Theo nữ đại biểu này, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào quốc tế với một nền kinh tế có độ mở cao, thế nhưng chuyên gia vẫn đánh giá lao động Việt Nam, lực lượng then chốt của tăng trưởng kinh tế, chỉ vàng về số lượng mà chưa vàng về chất lượng.
Nói một cách khác, sự thiếu hụt kỹ năng lao động, thiếu khả năng chuyên môn là rào cản lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như phục hồi kinh tế trong nước.
Theo xếp hạng của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới năm 2019, Việt Nam tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh, 4 bậc về yếu tố kỹ năng, trong đó điểm chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc. Đây là kết quả đáng khích lệ, bà Nguyễn Thị Thu Dung nói, nhưng xét toàn diện thì thị trường lao động của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập, qui mô lao động hiện đạt khoảng 55 triệu người nhưng thành phần đã qua đào tạo có văn bằng chỉ 24% mà thôi.
Những điểm bất cập vừa nói có thể nhìn thấy trong lãnh vực lao động xuất khẩu, là lời nhà báo Đỗ Thông Minh từ Nhật Bản, nơi đang có trên 300.000 lao động từ trong nước sang:
“Trong vòng 5 năm nay số người qua Nhật tăng vọt lên thành hơn 300.000. Những người làm công việc đơn giản chiếm số đông, có thể nói 90%. Chỉ 10% hoặc chưa tới 10%, mà đa số tốt nghiệp ngành Programmer thảo chương viên ở Việt Nam, qua đây được những công ty lớn thuê thì lương khá cao, còn lao động tay chân, dây chuyền, lắp ráp hoặc công trường xây dựng ngoài trời thì những ngành đó lương rẻ hơn, không cần biết tiếng, không cần chuyên môn”.
Theo dự báo đến hết 2020, thị trường lao động nội địa cần khoảng 60.000 công nhân có trình độ kỹ thuật cao hầu có thể đón đầu các dự án đầu tư mới khi mà Việt Nam trở thành điểm đến an toàn sau khủng hoảng COVID-19.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn, và nếu lao động phổ thông không phải là vấn đề thì lao động kỹ thuật lại khó hơn. Việt Nam kỳ vọng nhiều vào làn sóng đầu tư chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh, tuy nhiên qua khảo sát thì 80% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho rằng tuyển dụng lao động chất lượng trên thị trường nội địa không phải chuyện dễ.
Đối với giáo sư Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường Đại Học Khoa Học Xã Hội -Nhân Văn, chuyên ngành Quan Hệ Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, thị trường lao động Việt Nam thì nhiều và đông nhưng:
“Nhưng thực sự cái nhiều, cái đông ấy vẫn chưa là cái mạnh. Trên nhiều diễn đàn nói tới năng suất lao động Việt Nam thì người ta so sánh, người ta ví dụ trong 1 giờ Việt Nam sản xuất được 1 cái máy thì cũng trong một giờ đó Malaysia có thể làm được 4 cái máy, Singapore làm được đến 6 cái máy. Ý ở đây muốn nói trình độ lao động, kỹ năng lao động, kể cả thái độ lao động của người Việt Nam chưa tốt, chưa cao”.
“Chúng ta bỏ rất nhiều công sức lao động nhưng chúng ta thu về rất ít. Vì vậy có lẽ điều quan trọng nhất ở đây chính là phải đào tạo, phải đầu tư, phải nâng cao trình độ cho lao động Việt Nam”
Nếu không làm vậy Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh, mất lợi thế “lao động vàng” trong tăng trưởng kinh tế, giáo sư Phạm Quang Minh phân tích tiếp:
“Tức đây là thời điểm Việt Nam đang có một số lượng người lao động rất lớn, tới 40, 50, thậm chí tới 60 triệu người trong độ tuổi lao động lao động. Thế nhưng chỉ vài năm nữa thôi thì giai đoạn vàng này sẽ qua đi, đặc biệt cái quan trọng nhất chính là trình độ lao động”.
“Bây giờ các tập đoàn kinh tế nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, đầu tư, buôn bán thì cái khó nhất chính là tìm được những lao động có trình độ, có kiến thức, có kỹ năng. Người Việt Nam phần lớn lao động chân tay, chứ còn lao động có trình độ cao gầu như rất ít, chưa nói tới khả năng làm việc trong những môi trường cạnh tranh hay môi trường đa văn hóa, bởi vì không có ngoại ngữ hay không có khả năng giao tiếp, trao đổi”.
Giáo sư Phạm Quang Minh nói ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng và kiến thức cho tầng lớp lao động trong một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, không ngoài mục đích duy trì đà tăng trưởng kinh tế mà còn bảo đảm an sinh xã hội cũng như công ăn việc làm trong những ngày tới. Đó là những đề xuất như tăng cường định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, nội dung hướng nghiệp được đưa vào học trình phổ thông, tăng cường thu hút học sinh đến các dự án hướng nghiệp theo mô hình gắn kết Nhà Nước-Nhà Trường-Doanh Nghiệp.
Đề xuất nào cũng hợp lý, thực hiện được hay không mới đáng nói, là khẳng định của giáo sư Phạm Quang Minh:
“Thực sự thì Nhà Nước đã có nhưng mà những chương trình gọi là giáo dục nâng cao trình độ lao động cho người Việt Nam thì rất hạn chế. Vì như đã nói Việt Nam có con số lao động 55 triệu, đào tạo 55 triệu là nguồn kinh phí khổng lồ. Phải nói luôn ở Việt Nam các trường dạy nghề rất ít, không đáp ứng nỗi nhu cầu của người học, rồi thì là thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị. Một trường dạy về du lịch chẳng hạn mà không có một cơ sở như khách sạn, nhà bếp, quầy hàng, quầy bar… để mà đào tạo những kỹ năng căn bản của một người làm nghề du lịch”.
Góc nhìn về cung cách đào tạo lao động du lịch, một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế, mà giáo sư Phạm Quang Minh vừa trình bày, cũng được sự đồng tình của doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, công ty lữ hành Lửa Việt, thường được mời giảng dạy tại các khóa huấn luyện, đào tạo nhân lực ngành du lịch:
“Thú thật một điều khi tham gia giảng dạy tôi mới hiểu tại sao các doanh nghiệp ít tham gia bởi vì chế độ trả lương rất thấp. Có trường hợp họ mời tôi giảng dạy mà mức thù lao cho cán bộ giảng dạy thì Nhà Nước trả có khoảng trên dưới 100.000 Đồng/Tiết thôi, tức bằng 4 USD. Dạy đại học mà chỉ khoảng 4USD/Tiết thú thật trong điều kiện kinh tế hiện nay khó mà có người giỏi, khó mà có người tâm huyết”.
“Bài toàn giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay là khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Đào tạo lại là việc lớn, gần như phải đào tạo lại rất nhiều. Khi Nhà Nước đã thấy thì phải có biện pháp, vấn đề là nhanh hay chậm thôi”.
Trở lại tiêu đề lao động Việt Nam chỉ vàng về số lượng và chưa vàng về chất lượng, cần được đào tạo bài bản để nâng cao tay nghề cùng khả năng chuyên môn, giáo sư Phạm Quang Minh đưa cái nhìn đi xa hơn:
“Quan trọng nữa, đứng từ góc độ Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN, cho phép 8 ngành được dịch chuyển tức được đi làm việc trong các nước ASEAN, thì đấy phải là những người thuộc lãnh vực như bác sĩ, kỹ sư, nha sĩ, kế toán, tài chính, du lịch vân vân. Tức là những nhóm ngành đòi hỏi phải có đào tạo”.
“Đứng từ phía Việt Nam thì có thể nói nguy cơ những công việc ngay tại Việt Nam sẽ bị mất vào tay những người đến từ Malaysia, từ Singapore, từ Indonesia hay từ Philippines. Đã có rất nhiều người Philippines đến làm việc ở Việt Nam rồi, như vậy là mình thua ngay tại sân nhà chứ chưa nói là đi ra nước ngoài. Chỉ ví dụ việc đi làm ô xin, người ta muốn người giúp việc nhà phải biết tiếng Anh, thì có người giúp việc nào của Việt Nam bây giờ biết tiếng Anh không? Không có”
Tóm lại một lực lượng lao động chuyên môn, có kỹ năng và có kiến thức, là công việc cấp bách cần phải đầu tư, cũng là công việc có tính chiến lược trong thời buổi gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Tháng 11/2019, hội thảo quốc tế ở Hà Nội do Viện Chiến Lược Thông Tin-Truyền Thông, Bộ Thông- Tin Truyền Thông Việt Nam tổ chức, cũng đã xoáy vào chủ đề phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam trong tương lai.
Số liệu từ buổi hội thảo cho thấy trong 10 năm tới, khoảng 7,5 lao động Việt Nam phải dịch chuyển công việc khi mà tất cả mọi lãnh vực như thông tin, kinh tế, giáo dục, đào tạo, sản xuất … đều được số hóa.
Bên cạnh đó, vì cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi kỹ năng và trình độ chuyên môn cao, con số nhiều triệu lao động Việt Nam mất việc chỉ kém sau đất nước đông dân nhất ASEAN là Indonesia mà thôi.
“Trong bối cảnh đó thì lực lượng lao động gọi là lao động giá rẻ trở thành vô nghĩa đối với Việt Nam. Khi đó những loại lao động thủ công, lao động giản đơn sẽ bị sa thải. Công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có tay nghề, có nghiệp vụ, thế thì phải đào tạo thôi”
Đó là nhận định của tiến sĩ, chuyên gia tài chính Ngô Trí Long. Ông Ngô Trí Long nói một đội ngũ lao đông lành nghề và có tầm vóc là xu hướng tất yếu mà Việt Nam không thể chậm trễ, không thể đảo ngược .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét