Moshe Dayan
Sang Nam Việt Nam với tư cách nhà báo để hành quân cùng quân Mỹ, cựu tham mưu trưởng Quân lực Israel, Moshe Dayan phê phán chiến lược của Hoa Kỳ và ấp chiến lược của VNCH.
Đến thăm một khu trù mật xây dựng theo mô hình trước đó gọi là 'ấp chiến lược' (strategic hamlet), ông mô tả người dân có cái nhìn thù nghịch, trẻ em nhìn thật khốn khổ (children looked wretched) và kể rằng khi ông muốn phỏng vấn, những người phụ nữ đã "lùi lại, cố thủ".
Ông gọi các làng quê trong ấp chiến lược "trông thảm hại như trại tỵ nạn".
Nhận định về cuộc chiến giành nhân tâm tại Nam VN, Moshe Dayan viết rằng khi phía đối phương đề ra mục tiêu là ý thức hệ cộng sản, người Mỹ "cần đáp trả bằng một mô hình tạm gọi là chủ nghĩa xã hội cải tiến (advanced socialism) chứ không phải là trại tỵ nạn".
Ông kể lại chính Tướng Nguyễn Cao Kỳ “ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của miền Bắc, và tin rằng hỏa lực mạnh của Hoa Kỳ không 'nhổ rễ' được tính chính danh của phía cộng sản.
Bài học Israel ngày nay rút ra từ chuyến thăm của ông Dayan là “Israel cần tự lực để bảo vệ mình trước các thách thức”, theo một trang web của Israel hồi 2017.
Moshe Dayan sang Việt Nam làm gì?
Cuốn 'Vietnam Diary' (Nhật ký Việt Nam) xuất bản năm 1977 kể lại nhiều về thời gian tác giả sang Nam Việt Nam hơn 10 năm trước đó và nay vẫn là cuốn sách nổi tiếng.
Nhưng nhiều quan sát quan trọng của Moshe Dayan sau chuyến đi vào tháng 7-8/1966 đã được đăng trên các báo quốc tế ngay trong năm.
Vào thời điểm sang Việt Nam, Moshe Dayan, 51 tuổi, đã từng là chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Israel và nắm các chức vụ bộ trưởng, nhưng tạm thời bị 'thất sủng'.
Sinh năm 1915, và bắt đầu cầm súng năm 14 tuổi, Moshe Dayan tham gia Thế Chiến 2 ở phe Đồng minh và là tư lệnh Jerusalem trong cuộc chiến giành độc lập cho Israel.
Năm 1953, khi mới 38 tuổi, ông lên làm tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, hàm trung tướng, và thiết kế ra chiến dịch Sinai (1956), thực hiện nó hoàn hảo, được lưu danh là 'người hùng trận Sinai'.
Tuy vậy, năm 1965, ông là chính trị gia của đảng đối lập và rất cần một chiến tích, một sự kiện gì đó để “tái xuất giang hồ” trên chính trường Israel.
Được tờ báo Maariv 'thuê' làm phóng viên chiến trường sang Nam Việt Nam, Moshe Dayan nhận lời ngay, bất chấp chỉ trích trong nước.
Đảng Cộng sản Maki ở Israel chất vấn chính phủ trong Quốc hội về chuyến đi vì cho rằng một nhân vật nổi tiếng như vậy bước chân vào cuộc chiến gây tranh cãi chỉ làm tổn hại tính trung lập của Israel.
Dù vậy, Moshe Dayan vẫn sang Việt Nam, và đáp xuống Sài Gòn ngày 25/07/1966.
Chuyến đi đã vượt quá yêu cầu của một 'phóng viên' dù về bài vở cho tờ báo, ông có phỏng vấn nhiều quan chức, tướng tá quân đội Mỹ và VNCH.
Moshe Dayan coi “cuộc chiến Việt Nam là phòng thí nghiệm chiến tranh tuyệt vời nhất” vào thời điểm đó trên toàn cầu và đã ra trận thực sự.
Nhật ký của ông nghi lại chi tiết chuyện lên hàng không mẫu hạm Constellation, bay trực thăng vận đến Plây Mê, nằm rừng nghe tiếng pháo sát vùng giới tuyến với Bắc Việt.
Ngoài ra, ông đã cùng hai đơn vị lính Mỹ (Thủy quân lục chiến và Mũ nồi xanh) đi tuần tra “tìm và diệt” các cán binh Việt Cộng trong rừng rậm.
Moshe Dayan còn chứng kiến cảnh quân đội Mỹ hỏi cung một chiến binh cộng sản, và bị người này “nhổ vào mặt”.
Ông ghi nhận với một kẻ thù không sợ chết và khinh bỉ người Mỹ như vậy, cuộc chiến không có tương lai.
Trải nghiệm và dự báo của Moshe Dayan về chiến tranh ở VN
Nhưng trước khi sang Việt Nam, Moshe Dayan đã chuẩn bị rất kỹ về nguồn gốc của cuộc chiến ở Việt Nam.
Ông sang Paris nói chuyện với các tướng Pháp từng đánh Việt Minh ở Đông Dương, sang London gặp cả cựu tổng tư lệnh quân đội Anh trong Thế chiến II, thống chế Bernard Montgomery, người Dayan đã quen từ trước.
Người hùng của trận El Alamein nói với Dayan, người hùng của trận sa mạc Sinai rằng “Hoa Kỳ thực hiện một chiến lược sai lầm”.
Vị nguyên soái 78 tuổi của Anh Quốc nói “hỏa lực quá mức, ném bom hung bạo” của Mỹ ở Nam Việt Nam là chính sách “điên rồ”.
Tới Washington để tìm hiểu chiến lược này từ chính miệng những người Mỹ, Moshe Dayan được “ba đại tá rất hung hăng (gung-ho)nói cho biết rằng người Mỹ sẽ chiến thắng” ở Việt Nam.
Ông cũng được gặp ba nhân vật có ảnh hưởng nhất của chính phủ Mỹ thời Kennedy và Johnson: cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow; cựu đại sứ tại VNCH tướng Maxwell Taylor và bộ trưởng quốc phòng Robert S. McNamara.
“Cả ba nhân vật diều hâu của cuộc chiến đều nói với Dayan rằng chiến thuật 'Tìm và Diệt' sẽ đem lại thắng lợi, và họ cũng khen nức nở đồng minh Nam VN”, theo Marc Leepson viết về câu chuyện này trên trang HistoryNet.
Tại Sài Gòn, ông Moshe Dayan được các vị tướng cao cấp nhất của VNCH là Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đón tiếp nồng hậu.
Ông ngạc nhiên khi nghe tướng Kỳ, ở vị trí Thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng Hành pháp̣) bày tỏ sự ngưỡng mộ với đại tướng của trận Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng của Bắc Việt Nam.
Dayan gặp Tư lệnh lực lượng Mỹ, tướng William Westmoreland; ăn tối với tướng Harold K. Johnson, tổng tham mưu trưởng Quân lực Hoa Kỳ cũng đang có mặt tại Sài Gòn.
Dayan còn họp với trung tướng Stanley R. “Swede” Larsen, tư lệnh I Field Force.
Sau đó là gần năm tuần ra chiến trường và không ít lần ông “sống sót dưới làn đạn”.
Trong một chuyến ra chiến trường cùng Đại đội Không kỵ 1st Cavalry, Moshe Dayan chứng kiến sự thiệt hại của quân đội Mỹ.
“Bị phục kích, đơn vị vừa đáp xuống ở một chỗ cách đó 300 thước, bị cắt thành tp̀ng mảnh, và hứng chịu 70% thương vong: 25 chết tại chỗ, 70 bị thương. Trong số tử sĩ có một trung đội trưởng chết vô tình vì đạn lạc trúng vào quả lựu đạn anh ta đeo bên hông”, Dayan viết trong nhật ký.
Số trực thăng Hoa Kỳ dùng ở Nam VN là 1700 chiếc, nhiều hơn toàn bộ con số ở châu Âu, Dayan ghi nhận.
Hai ngày tại trại biệt kích ở Plây Mê cho Moshe Dayan thấy sức mạnh của hỏa lực Mỹ. Ông chứng kiến một đơn vị 130 lính Đại Hàn chống trả cuộc tấn công của 1000 Việt Cộng, và họ gọi phi pháo tới yểm trợ.
“Người Mỹ nã vào đón hơn 21 ngàn quả pháo, nhiều hơn toàn bộ số đạn pháo binh Israel dùng trong chiến dịch Sinai và chiến tranh giành độc lập cộng lại.”
Nhưng chuyến đi thực tế của Moshe Dayan chỉ khiến ông thêm tin tưởng rằng người Mỹ “tiến hành một kiểu chiến tranh sai ở Việt Nam mà giỏi nhất thì họ hòa”.
Còn phía cộng sản 'sẽ không thắng được người Mỹ nhưng cũng sẽ không để bị đẩy ra ngoài Nam VN”, ông kết luận.
Hỏa lực áp đảo của Hoa Kỳ không đem lại hiệu quả vì “họ không đánh Việt Cộng, không đánh Hồ Chí Minh, không đánh Bắc Việt Nam, mà đang đánh cả thế giới”.
Theo Moshe Dayan, người Mỹ kiêu ngạo tin rằng qua cuộc chiến ở Nam Việt Nam họ muốn tỏ ra cho cả thế giới, gồm cả Anh, Pháp, Liên Xô rằng nước Mỹ đầy sức mạnh ra sao.
“Họ muốn chứng tỏ rằng quyết định của người Mỹ là trên hết, và khi họ bước chân vào bất cứ cuộc chiến nào thì không gì có thể ngăn nổi.”
Ông kết luận 'người Mỹ thắng ở mọi chỗ, chỉ không thắng cuộc chiến' (The Americans are winning everything 'except the war”.
Còn người Việt Nam không phải là yếu tố Hoa Kỳ tính đến trong chiến tranh.
Đến thăm một khu trù mật xây dựng theo mô hình trước đó gọi là 'ấp chiến lược' (strategic hamlet), ông mô tả người dân có cái nhìn thù nghịch, trẻ em nhìn thật khốn khổ (children looked wretched) và kể rằng khi ông muốn phỏng vấn, những người phụ nữ đã “lùi lại, cố thủ”.
Chiến thắng và thăng tiến nhờ chuyến đi Việt Nam?
Không lâu sau khi từ VNCH trở về, Moshe Dayan được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Quốc phòng (06/1967) trong chính phủ của thủ tướng David Ben Gurion.
Chưa đầy một tuần sau đó, (05-10 tháng 6), Dayan cùng tướng Yitzhak Rabin dẫn dắt quân Israel đánh thắng liên quân Ả Rập trong Cuộc chiến Sáu ngày (Six-Day War).
Một số báo Israel tin rằng bài học rút ra từ chuyến đi Việt Nam đã giúp ông có cái nhìn chiến lược và chiến thuật quan trọng cho quân đội Israel.
Chừng 260 nghìn quân Israel đã đập tan 340 nghìn quân Ai Cập – Syria- Jordan.
Phía Israel có số xe tăng ít hơn: 800 chiếc, nhưng đã thắng đối phương có số tăng gấp đôi, 1800.
Điều quan trọng hơn cả cho chính trị khu vực là Israel hoàn toàn đập nát tham vọng xây dựng mô hình 'chủ nghĩa xã hội trên sa mạc' của nhà lãnh đạo Ai Cập Nasser.
Sau chiến thắng vang dội đó, Moshe Dayan tiếp tục giữ chức dưới thời thủ tướng Levi Eshkol và Golda Meir cho tới 1974.
Tuy vậy, ông bị cho là phải chịu một phần trách nhiệm cho thất bại của Israel trong cuộc chiến Yom Kipur (1973).
Từ 1977 đến 1979, ông làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của thủ tướng Menachem Begin, người đồng ý đón những thuyền nhân Nam Việt Nam đầu tiên tới Israel năm 1977 và cấp ngay cho họ quốc tịch.
Ông qua đời năm 1981 ở Tel Aviv.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét