Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận 11/6/2020.
Không đánh đổi môi trường cho tăng trưởng kinh tế
Tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, diễn ra sáng ngày 11/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lại khẳng định coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm.
Đây không phải lần đầu người đứng đầu bộ máy chính phủ Việt Nam kêu gọi không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, sau nhiều lần kêu gọi nhưng việc các nhà máy xả thải trực tiếp ra môi trường, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí vẫn không được cải thiện rõ rệt.
Với kinh nghiệm nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra nhận định về việc này như sau:
“Nếu Việt Nam có những giải pháp tốt thì ô nhiễm sẽ giảm đi khi đặt ra những chủ trương ví dụ như không đánh đổi kinh tế bằng môi trường rồi bằng những vấn đề xã hội… về nguyên tắc thì sẽ giảm nhưng trên thực tế vẫn đang tăng. Tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường hay nói cách khác là tình trạng gây ô nhiễm môi trường thậm chí ở phạm vi lớn, nghiêm trọng vẫn có xư hướng tăng lên. Tất nhiên một mặt có lý của nó khi đầu tư công nghiệp, khuyến khích khu vực tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tại người dân thì sẽ dẫn đến ô nhiễm nhiều hơn.
Kể cả vấn đề công nghiệp hóa nhưng không kiểm tra kỹ lưỡng các giải pháp môi trường, chất lượng những báo cáo đánh giá tác động môi trường thì bước tiến còn chậm và chưa làm yên lòng người dân để được sống trong một môi trường trong lành đúng như Hiến pháp vừa rồi đã quy định.”
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn, kêu gọi của Thủ tướng chỉ dừng lại ở mức kêu gọi chứ chưa có những biện pháp cụ thể cho thấy nỗ lực ngăn chặn đánh đổi phá hủy về môi trường để lấy thành tích về kinh tế:
“Vấn đề này khi nói tới gần như khẩu hiệu ví dụ như ông Nguyễn Xuân Phúc nói, công chúng nghe điều này lặp đi lặp lại nhưng dường như không được cải thiện, cho chúng ta cảm giác chỉ là hô sung khẩu hiệu chứ họ thực chất không làm được. Hoặc họ không có khả năng làm sạch môi trường như yêu cầu đất nước đang đặt ra.”
Sửa đổi luật
Tại buổi thảo luận, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng bộ máy nhà nước đông nhưng không ai chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, ông đề nghị sửa luật để có người bị kỷ luật, bị xử lý hành chính cao hơn về trách nhiệm trong vấn đề này.
Về trách nhiệm quản lý của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Hà Nội yêu cầu Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải làm rõ hơn vai trò và chức năng của các bộ ngành. Ông Thủ tướng cho rằng không thể một bộ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Đồng thời ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu vấn đề nên có một nghị định để chế tài nghiêm khắc trong bảo vệ môi trường.
Trao đổi với RFA vào tối 11/6, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định thực tế là bộ máy lớn, từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã đều có, mỗi xã có cán bộ phụ trách về môi trường tức là quan tâm bộ máy rất đáng kể nhưng hoạt động bộ máy thì hiệu quả thực tế còn yếu.
Bên cạnh đó, tình trạng yếu kếm trong quản lý là vấn đề chung trong tất cả các ngành chứ không riêng môi trường. Ông nêu lên thực trạng hiện nay:
“Ở Việt Nam chưa có những quy định cụ thể trong pháp luật việc này không xong thì ai là người chịu trách nhiệm. Chính vì người chịu trách nhiệm không được chỉ ra thì vẫn tiếp tục tồn tại và lặp đi lặp lại cái đó. Cũng không ai cảm thấy vị trí của mình thế này là không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá một cán bộ tốt hay chưa tốt, trung bình, kém hay rất kém không làm được, đồng nghĩa không làm bật lên được trách nhiệm. Hơn nữa các chế tài xử ý hiện nay cũng rất chung và đưa ra các tiêu chí mang tính định tính để xử lý những cán bộ khi vào những vụ việc cụ thể rồi thất thiệt lớn mới được xử lý. Bình thường những ô nhiễm môi trường vẫn không có tiến triển thì trách nhiệm của ai lại không rõ.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định rằng các luật của Việt Nam chưa giải quyết được trách nhiệm của người chịu trách nhiệm trong sai phạm liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Do đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam cũng đồng tình với yêu cầu chỉnh sửa luật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là điều cần thiết trong thời gian tới:
“Đứng trước tình hình này tôi nghĩ cần phải sửa lại Luật Bảo vệ môi trường. Ví dụ như Chính phủ phân công đầu mối quản lý tổ chứ thực hiện phối hợp giữa các cơ quan có liên quan về bảo vệ môi trường nhưng công tác thanh tra để xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp kinh tế và hành chính, ngay cả hình sự cũng còn vấn đề rất hạn chế. Vì vậy bảo vệ môi trường đặc biệt trong cụm công nghiệp cần phải sửa đổi. Phải hoàn thiện những hệ thống pháp luật, trước mắt là hướng dẫn trong Bộ luật Hình sự về việc xử lý đối với tội phạm môi trường và giải quyết bồi thường thiệt hại khi vi phạm pháp luật, gây ra tác động nguy hại đến môi trường.”
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng cần phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, đề cao trách nhiệm đối với những người đứng đầu các cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường.
Dưới góc nhìn cá nhân, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định rằng những vấn đề môi trường vẫn chưa giải quyết triệt để không hoàn toàn do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh mà còn phụ thuộc vào những người phụ trách:
“Thật ra Luật Môi trường có rồi chứ không phải không có nhưng suốt thời gian qua những vi phạm về môi trường quan trọng ở chỗ không được xử lý nghiêm minh. Chính quyền dường như đã buông lỏng lĩnh vực này chứ không hẳn vì lý do buông lỏng luật môi trường. Suy rộng ra thì không chỉ Luật Môi trường mà có rất nhiều những đạo luật liên quan đến nhiều vấn đề gần như có quy định sẵn rồi nhưng người thừa hành không xử lý nghiêm, không tuân thủ đầy đủ những quy định đó chứ không phải do thiếu.”
Biện pháp xử lý
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường, tránh tình trạng “biết rồi nói mãi”.
Trong cùng ngày, truyền thông trong nước loan tin cho biết Chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với hai doanh nghiệp Công ty TNHH HS Vũng Tàu và Công ty TNHH Starflex Việt Nam vì những sai phạm gây ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH HS Vũng Tàu bị phạt số tiền 410 triệu đồng.
Công ty TNHH Starflex Việt Nam được cho biết đã có những vi phạm nghiêm trọng hơn. Công ty này ngoài bị phạt tiền 450 triệu đồng còn bị đình chỉ hoạt động 4,5 tháng vì tiếp tục vi phạm mặc dù đã được yêu cầu chấm dứt.
Bên cạnh những việc xử phạt các công ty, nhà máy, cá nhân gây ra ô nhiễm, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng chính phủ cần nỗ lực hơn để khắc phục những hậu quả ô nhiễm môi trường mà các đơn vị vừa nêu gây ra để người dân không còn bức xúc nữa.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng bày tỏ hy vọng những vấn đề về ô nhiễm môi trường sẽ được quan tâm, chú trọng giải quyết hơn nữa, nhưng trước mắt ông cho rằng có vẻ bước đi còn xa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét