Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng CSVN hôm 10/6 vừa tổ chức một hội nghị báo cáo viên cấp trung ương, trong đó đại diện của Hội đồng Lý luận Trung ương đã có báo cáo chuyên đề về những điểm được cho là "mới" trong dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của đảng này dự kiến tổ chức vào sang năm, theo truyền thông VN.
Nhân dịp này, một số nhà quan sát thời sự, chính trị và nhà nghiên cứu Việt Nam bình luận với BBC News Tiếng Việt qua bút đàm, trước hết là về 'tính mới' hay 'điểm mới' như được báo chí Việt Nam loan báo.
TSKH. Nguyễn Quang A (Nguyên viện trưởng Viện Phản biện chính sách độc lập ISDS): Thực ra ĐCSVN đang xây dựng Chủ nghĩa Tư bản ở VN (TQ cũng vậy) nhưng họ phải bám vào cái mà ông Hồ Chí Minh đã theo để củng cố tính chính đáng của nó, để che đậy sự tham quyền cố vị của nó mà thôi.
Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh (Đại học Quốc gia Hà Nội): Hai bài báo in trên Báo Thanh Niên chỉ ra hai điểm mới, thứ nhất " gắn công tác xây dựng hệ thống chính trị với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng" và thứ hai " phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ".
Công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị Việt Nam (với một là đảng CSVN, hai là nhà nước gồm Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ba là Mặt trận Tổ quốc và bốn là các đoàn thể xã hội) là việc làm thường xuyên kể từ khi đảng cầm quyền. Nay coi đây là điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII chứng tỏ mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về vai trò và sức mạnh của đảng CS.
Về "Nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa " và " Nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa " theo tôi không có gì khác nhau.
Tôi nhớ, Đại hội IX của ĐCSVN (2001) đề ra mục tiêu đến năm 2020 biến Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết quả thế nào, chúng ta đã biết. Đại hội 13, Đảng lại đề ra mục tiêu 30 năm nữa đưa Việt Nam trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải chờ đợi và hy vọng khi đó đất nước trở thành con rồng châu Á.
Không có gì mới, chỉ đang khủng hoảng?
TS. Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Theo tường thuật của báo Thanh niên, GS.TS. Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam - có liệt kê ra 4 điểm mới trong Dự thảo Văn kiện đại hội XIII của đảng Cộng sản Việt Nam so với các nhiệm kỳ trước: (i) gắn "xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị" với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; (ii) đặt ra mục tiêu "phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN"; (iii) xác định vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn; và (iv) giữ vừng nền tảng tư tưởng có ý nghĩa sống còn.
Nếu như vậy, tôi thấy chỉ có điểm thứ 3, liên quan đến chủ trương của đảng Cộng sản trong việc ứng phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là thực sự có nội dung mới. Mấy kỳ đại hội của đảng gần đây, vấn đề Biển Đông và tham vọng của Trung cộng chưa bao giờ được đưa ra thảo luận như một nội dung trọng tâm của nghị sự. Những điểm khác không mới.
Thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư, đảng đã xác định mốc 2020 là Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp, tức là đã trở thành một quốc gia phát triển. Cương lĩnh đại hội XIII lại xác định đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam mới trở thành một nước "phát triển theo định hướng XHCN". Như vậy chẳng phải là các nhà lý luận của đảng đang thừa nhận sự thất bại trong mục tiêu được đề ra trong các kỳ đại hội trước? Việc "nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" thì mấy chục năm nay vẫn lặp đi lặp lại, có gì mới đâu?
Ngay cả việc xây dựng, chỉnh đốn đảng cũng đâu có gì mới? Nó luôn gắn liền với lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay. Nhắc lại một chút để cùng nhớ: trong hội nghị thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh đã trình bày, và được hội nghị thông qua, "Chính cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt" của đảng. Chỉ mấy tháng sau đó, tháng 10/1930, ông Trần Phú đã đề xuất một bản luận cương chính trị mới, phản ánh sâu sắc hơn tinh thần của Quốc tế III. Tên đảng cũng được đổi lại, từ "đảng Cộng sản Việt Nam" thành "đảng Cộng sản Đông Dương". Tháng 07/1939, TBT Nguyễn Văn Cừ xuất bản cuốn "Tự chỉ trích", xác định một số nội dung mà đảng cần chỉnh đốn. Năm 1947, ông Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", cũng là một ấn phẩm nhằm mục đích hướng dẫn chỉnh đốn tổ chức hoạt động của đảng và nhà nước. Những năm tiếp theo, liên tục có những cuộc chỉnh đốn đảng, liên quan đến việc thanh lọc cán bộ dựa trên lý lịch và Cải cách ruộng đất (1953-1956), chống chủ nghĩa "xét lại chống đảng" (1967)… Năm 1986 đánh dấu bước chuyển trong nhận thức cũng như công tác xây dựng đảng theo hướng cởi mở hơn. Rồi những năm sau đó lại có những chủ trương nhằm thắt chặt lại và thanh lọc những nhân vật bất đồng chính kiến. Rõ ràng, xây dựng và chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ thường xuyên, sao có thể coi là điểm mới của văn kiện đại hội XIII được?
Nhưng đọc lại toàn bộ 2 bài báo được đăng trên Thanh niên, tôi nhận thấy có một điểm mới: lần đầu tiên một "nhà lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam" công khai bộc lộ là trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam hiện nay đang khủng hoảng sâu sắc về mặt lý luận.
Mù mờ, loay hoay, còn mâu thuẫn?
Nhà báo tự do Song Chi (cựu đạo diễn truyền hình): Tôi không thấy có gì đổi mới cả. Trái lại tôi nhìn thấy ở đây một sự loay hoay, bế tắc trong đường hướng, lý luận, mà thực tế thì bao nhiêu năm nay đảng và nhà nước cộng sản VN đã loay hoay, bế tắc rồi.
Gần 30 năm qua rồi nhà nước VN vẫn loay loay. Về kinh tế thì sử dụng cụm từ phi logic và đầy mâu thuẫn "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", về lý luận thì gọi đây là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng quá độ là bao lâu, như chính ông Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cũng đặt câu hỏi.
"Một điểm mới khác trong chủ đề đại hội mà văn kiện Đại hội XIII đưa ra, ông Phú cho hay, là "phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Ông Phú giải thích, đây là đổi mới về nhận thức vì trước đây ta đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn lần này mục tiêu là nước phát triển. "Một nước công nghiệp hiện đại và phát triển có mối quan hệ với nhau nhưng không phải là một", ông Phú nói." (trích).
Là người dân tôi cảm thấy rất là mù mờ sự khác nhau giữa hai cái này thưa ông. Điều mà tôi hoài nghi là dựa trên thực tế của VN hiện nay, có chắc gì đến giữa thế kỷ XXI VN đã là nước phát triển chưa, lại còn "phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa", thế mặt mũi cái xã hội chủ nghĩa đó nó ra sao, các ông có thể nói rõ cho người dân chúng tôi biết không. Trên thế giới có nước nào là nước xã hội chủ nghĩa theo ý các ông nói không? Liên Xô thì sụp rồi, hay là Cu Ba, Bắc Hàn, những nước mà kinh tế không đủ nuôi dân, người dân đói lên đói xuống? Hay Trung Quốc là nước mà các ông đang nhất nhất học theo, có phải là nước xã hội không, nếu không thì là gì?
Thực tế, trên thế giới hiện nay tất cả các nước phát triển, giàu mạnh, đều đi theo mô hình kinh tế thị trường, đều là những nước tư bản. Ngay cả Trung Quốc cũng thế, nhưng cái khác là họ là một nước độc tài độc đảng. Thế thì tại sao chúng ta phải đi theo một cái mô hình xã hội chủ nghĩa gì đó mà cho tới giờ này chúng ta vẫn chưa định nghĩa được và không tìm thấy cái mẫu để học theo?
Một điểm quan trọng trong báo cáo của ông Phú "Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác - Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số một việc vững vàng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh",
Tóm lại là dù biết chủ nghĩa Mác- Lênin đã bị vứt vào sọt rác lịch sử ngay tại Liên Xô, đã lạc hậu, lỗi thời nhưng các ông vẫn bám víu vào, dù biết con đường đang đi không biết chừng nào tới, không biết bao giờ thì hết thời kỳ quá độ, chủ nghĩa xã hội tròn méo ra sao nhưng các ông vẫn cứ giữ để làm cái bình phong che đậy mục tiêu duy nhất: giữ vững quyền lực của đảng Cộng sản, giữ vững mô hình độc tài độc đảng, không có gì thay đổi cả, thế thôi.
Câu hỏi, vấn đề then chốt gì?
BBC:Theo quý vị, có những vấn đề hay câu hỏi gì then chốt, cốt yếu đang được đặt ra hiện nay đối với sự lãnh đạo, cầm quyền của ĐCSVN và nhà nước do ĐCSVN lãnh đạo? Các câu hỏi đó liệu có lời giải hay không ở Đại hội 13 tới đây và vì sao?
TSKH. Nguyễn Quang A: Có ba vấn đề lớn, thứ nhất là bảo vệ Tổ quốc, thứ hai là phát triển kinh tế bền vững (tức là phải đi đôi với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội) và thứ ba là đổi mới chính trị từng bước theo hướng dân chủ. Theo tôi không sợ điều mà ông Phùng Hữu Phú (mà chắc là đồng ý với Giáo sư người Nga Vladimir Kolotov, khách mời hội luận thứ Năm vừa qua của BBC) nói về loạn 12 sứ quân, đó là con ngoáo ộp mà họ vẽ ra để doạ nhau, bởi vì làm khéo thì mở cửa chính trị chỉ làm cho nhà nước mạnh hơn và có sức hơn để làm hai việc chính là thứ nhất và thứ hai kể trên.
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh: Sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, quan hệ sản xuất tại Việt Nam đã thay đổi tới mức không thể không đổi mới chính trị. Quan sát các động thái chuẩn bị nhân sự và dự thảo báo cáo chính trị, tôi chưa thấy có tia sáng nào, rằng Đại hội ĐCSVN XIII sẽ đặt ra và giải quyết vấn đề này (đổi mới chính trị). Ai đọc thuyết hình thái xã hội của Marx cũng biết luận điểm về sự tương thích giữa quan hệ sản xuất và thượng tầng kiến trúc xã hội. Đã coi là cái tất yếu thì không ai có thể chống lại được.
TS. Mai Thanh Sơn: Có ba câu hỏi then chốt mà thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi các nhà lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam cần trả lời: (i) Có hay không một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, và nếu có, thì bản chất của nó là gì, nội hàm của khái niệm đó được hiểu như thế nào? (ii) Để quản lý và thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Việt Nam cần một mô hình nhà nước như thế nào cho phù hợp? và (iii) Vị thế chính trị của các thành phần kinh tế trong cấu trúc chính trị - xã hội dựa trên mô hình nhà nước đó được xác định ra sao, làm thế nào để họ thực sự có tiếng nói độc lập?
Với những nội dung như ông Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu, tôi nghĩ đại hội XIII khó có thể tìm ra được câu trả lời thoả đáng. Còn vì sao ư? Đơn giản thôi, vì đến nay chưa có kinh tế - chính trị gia Việt Nam nào giải nghĩa được nội hàm khái niệm "kinh tế thị trường XHCN"; bản chất của "nhà nước pháp quyền XHCN" vẫn là "đảng của giai cấp công nhân" lãnh đạo tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; các khuôn mẫu chính trị được khẳng định là vẫn sẽ không có gì thay đổi; chưa có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy, các thành phần kinh tế - xã hội ngoài nhà nước chính thống sẽ được phép thành lập các tổ chức chính trị đại diện và có cơ quan ngôn luận của mình; và con đường của các tổ chức xã hội dân sự vẫn rất mờ mịt.
Nhà báo, cựu đạo diễn Song Chi: Đối nội, những câu hỏi then chốt cần phải đặt ra đó là trong một chế độ độc đảng, làm thế nào giải quyết được những căn bệnh trầm kha của nó như nạn độc tài, nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tránh được bất công, oan sai, làm thế nào để người dân có được những quyền căn bản, tối thiểu của mình như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được biểu tình, quyền được thành lập các hội đoàn…
Đối ngoại, đường hướng sắp tới của Việt Nam có gì thay đổi, đặc biệt đối với Trung Cộng, và các nước dân chủ như Mỹ và phương Tây hay vẫn tiếp tục giữ quan điểm nhu nhược trước Trung Cộng còn với thế giới thì giữ nguyên chính sách "ba không" chuyển thành "bốn không" theo ông Thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh nói tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 rằng "Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế."
Hãy thử hỏi chính sách đó thực tế trong những năm qua cho thấy có lợi hay hại đối với một nước yếu nằm kề bên một nước láng giềng to mạnh, hung hăng như Trung Cộng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét