Sau vụ đụng độ khiến hàng chục binh lính thiệt mạng ở khu vực biên giới Ấn-Trung trên dãy Himalaya, Trung Quốc và Ấn Độ hôm qua, 17/06/2020, đã dùng lá bài ngoại giao để cố làm dịu căng thẳng tại khu vực này. Nhưng vụ đụng độ đẩm máu nhất giữa hai nước láng giềng khổng lồ kể từ 45 năm qua sẽ càng đẩy Ấn Độ xích gần lại các đối thủ của Trung Quốc, như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong cuộc điện đàm hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ đã thỏa thuận với nhau là sẽ « làm dịu căng thẳng và duy trì hòa bình tại các vùng biên giới », theo thông cáo của phía Bắc Kinh. Về phần mình, chính phủ Ấn Độ cũng xác nhận là lãnh đạo ngoại giao hai nước đã đồng ý « sẽ không có hành động nào có thể khiến tình hình leo thang » ở vùng Ladakh, nơi xảy ra vụ đụng độ vào đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba vừa qua.
Thế nhưng, căng thẳng biên giới Ấn - Trung không thể một sớm một chiều mà dịu đi được. Trong thông cáo nói trên, New Delhi vẫn lên án một « hành động đã được hoạch định trước » của phía Trung Quốc. Dưới áp lực của công luận Ấn Độ, phẫn nộ vì thấy binh lính nước mình bị giết như thế, thủ tướng Narendra Modi, một lãnh đạo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hôm qua tuyên bố : « Sự hy sinh của các binh sĩ của chúng ta không phải là vô ích. Ấn Độ mong muốn hòa bình, nhưng hoàn toàn có khả năng đáp trả thích đáng khi bị gây hấn ». Đồng thời New Delhi hôm qua đã gởi hàng trăm quân tăng viện đến khu vực xảy ra đụng độ với Trung Quốc.
Phía Bắc Kinh cũng tỏ ra kiên quyết không kém, yêu cầu Ấn Độ « tiến hành một cuộc điều tra toàn diện » và trừng trị những kẻ phạm tội, đồng thời cảnh cáo New Delhi là « không nên xem thường quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ».
Cho tới nay, theo truyền thống, Ấn Độ vẫn không muốn có quan hệ quá mật thiết với Hoa Kỳ và vẫn cố duy trì sự cân đối trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ - Trung. Nhưng theo nhận định của đài CNN hôm nay, vụ đụng độ biên giới sẽ thúc đẩy thêm chiến lược « xoay trục » của Ấn Độ, đưa New Delhi rời xa Bắc Kinh hơn, để ngã về phía các đối thủ của Trung Quốc như Hoa Kỳ và Nhật Bản, cũng như về phía một cường quốc khu vực là Úc.
Trong bài xã luận hôm qua, Hindustan Times, nhật báo rất có ảnh hưởng ở Ấn Độ, đã viết : « Bắc Kinh muốn kềm chế sức mạnh và tham vọng của New Delhi, họ muốn Ấn Độ phải chấp nhận ưu thế của Trung Quốc ở châu Á và ngoài khu vực này ». Cho nên tờ báo này kêu gọi New Delhi tăng cường quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, đồng thời tham gia vào bất cứ nhóm nào đang tìm cách ngăn chận thế lực của Trung Quốc.
Hindustan Times còn kêu gọi biến Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) thành một cơ chế mang tính thường trực hơn. QUAD là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa 4 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Trong khuôn khổ cơ chế này, bốn quốc gia thường xuyên họp thượng đỉnh, trao đổi thông tin và tổ chức thao dượt quân sự. Tuy chưa phải là một liên minh quân sự chính thức giống như NATO, nhưng QUAD được một số người xem là một đối trọng tiềm tàng với ảnh hưởng ngày càng lớn và sự lấn lướt của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng theo CNN, khối các quốc gia chống Trung Quốc có thể sẽ không chỉ bó hẹp trong QUAD. Trong một cuộc điện đàm vào đầu tháng này giữa tổng thống Donald Trump và thủ tướng Narendra Modi, nguyên thủ quốc gia Mỹ đã mời Ấn Độ tham dự thượng đỉnh nhóm G7 kỳ tới. Trước đây, tổng thống Trump đã từng công khai tỏ ý muốn mở rộng nhóm G7 ( hiện bao gồm chủ yếu là các nước châu Âu và Bắc Mỹ ) ra các nước đồng minh thân thiết của Mỹ là Úc và Hàn Quốc.
Theo nhà phân tích Amita Jash, được CNN trích dẫn, việc New Delhi tham gia nhiều hơn vào QUAD và các liên minh quân sự khác với Hoa Kỳ cũng sẽ có lợi cho Washington, bởi vì vị thế vững chắc của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tạo thành một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét