Cây xanh đem bóng mát cbo sân trường. Ảnh sân trường PTTH Lê Hồng Phong.
Sáng 26 tháng 5 năm 2020, một cây phượng vĩ trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, bật gốc đè 18 học sinh lớp 6 khiến một học sinh em tử vong. Sau sự việc thương tâm này, nhiều trường đốn hạ cây xanh, cây phượng trong sân khiến dư luận đặt vấn đề ‘tại sao các trường không tìm hiểu nguyên nhân để có cách giải quyết hợp lý mà lại đốn hạ hàng loạt?’
Giảng viên Chế Quốc Long, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nêu ý kiến về vấn đề này qua ứng dụng facebook messenger:
“Chuyện một học sinh chết vì cây phượng đổ là một tai nạn đau lòng. Tuy nhiên, việc đốn hàng loạt cây phượng ở các trường học là điều không chấp nhận được.
Đã từ lâu, các trường không hề có sự chăm sóc cây xanh. Chỉ cần một năm kiểm tra một lần thì có thể phát hiện ngay cây nào mục ruỗng hoặc còn sử dụng được. Chưa kể việc bê tông hoá toàn bộ sân trường cũng làm ảnh hưởng đến sức sống của cây.
Không có sự chăm sóc, khi sự việc đau lòng xảy ra thì phản ứng hết sức cực đoan là đốn hạ hàng loạt cây phượng. Đúng là kiểu quản lý không được thì cấm như xưa nay. Hành động đốn hàng loạt cây phượng ở các trường học, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: phải chăng quản lý cũng phản ứng theo kiểu bầy đàn hay sao?”
Chuyện chính quyền chặt hạ cây xanh không lạ gì với người dân trong nước từ Bắc tới Nam.
Năm 2014, hàng loạt cây cổ thụ trên đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ để xây dựng ga tàu điện ngầm. Năm 2018, hàng cây cổ thụ trên Tôn Đức Thắng bị di dời và đốn hạ để triển khai các dự án giao thông gồm tuyến tàu điện ngầm, cầu Thủ Thiêm 2, nhà ga Ba Son.khiến người dân Sài Gòn ngẩn ngơ tiếc nuối.
Không có sự chăm sóc, khi sự việc đau lòng xảy ra thì phản ứng hết sức cực đoan là đốn hạ hàng loạt cây phượng. Đúng là kiểu quản lý không được thì cấm như xưa nay. - Giảng viên Chế Quốc Long
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già từng chia sẻ với RFA rằng, sau khi đi tù về, ông ngỡ ngàng với con đường từng được coi là đẹp nhất Sài Gòn này, giờ trơ trụi như “cô gái đẹp trọc đầu”.
Nay với việc các trường chặt cây phượng vĩ, ông cho rằng xã hội hiện nay nói chung và nền tảng giáo dục nói riêng, cái tính vô trách nhiệm nó quá lớn, vì vậy nó làm mất lương tri của những người đang đứng trên bục giảng và kể cả các cán bộ quản lý trong Bộ GDĐT:
“Hành động một số trường chặt cây phượng thì tôi cho rằng đó là hành động vô văn hóa, phản giáo dục. Bởi vì cây phượng là biểu tượng của tuổi hoa niên, nó đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Tất cả những con người hiện nay dù ở bất cứ đâu, nhất là đang là giảng viên, là hiệu trưởng của các trường thì họ đều phải hiểu hình ảnh của cây phượng.
Ngoài ra nó còn có tính phản khoa học, bởi lỗi ở đây không phải tại cây phượng. Nếu nhìn dưới góc độ khoa học giữa cặp phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên, thì cây phượng bị ngã đổ nó phản ánh chuyện tất nhiên trong quá trình quản lý, chăm sóc cây phượng không đúng theo chăm sóc cây xanh. Và ngẫu nhiên cây đã ngã đổ.”
Truyền thông trong nước dẫn phân tích của bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia rằng, vấn đề là các trường đem cây phượng về trồng khi nó đã lớn, đường kính 20-30 cm, để cây nhanh kết tán và có bóng mát. Chính vì thế, rễ cây thường ít phát triển, không bám sâu vào lòng đất và rất dễ bị mục. Hơn nữa, ở thành phố, mức độ bê tông hóa cao, cây không có không gian để phát triển bộ rễ nên rất dễ đổ.
Anh Nguyễn Văn Dũng, một người dân Sài Gòn có con học tiểu học, bày tỏ sự bất bình khi các trường chặt cây xanh do lo sợ cây gãy đổ. Theo anh thì đó không phải là cách giải quyết mà đó là một hình thức trốn tránh trách nhiệm. Anh phân tích:
“Cái bệnh sợ trách nhiệm nó vô trường học. Thay vì họ tìm giải pháp giải quyết cho tốt thì họ chặt luôn để khỏi chịu trách nhiệm cây gãy đổ. Mọi việc khác họ mặc kệ. Câu chuyện nó là vậy thôi.
Ở đất nước này chẳng ai có trách nhiệm. Ông hiệu trưởng nhận trách nhiệm rồi cũng thôi. Bao nhiêu ông cũng chỉ nói miệng cho xong.
Bất cứ trường học nào trên thế giới cũng có cây xanh. Ở Việt Nam đặc biệt có cây phượng mà bao nhiêu năm nay đâu có chuyện gì, bây giờ đổ ngã đem đi chặt hết. Họ làm những việc không có suy nghĩ. Cây phượng nó là thơ, là nhạc, là tâm hồn học trò bao nhiêu thế hệ mà bây giờ họ bất chấp.”
Anh Dũng nói thêm rằng, ngoài việc sợ trách nhiệm thì cái gian dối nó ăn vào máu của rất nhiều người có trách nhiệm. Anh nêu ví dụ câu chuyện ở Hà Nội cách đây vài năm, hàng cây mới trồng bị đổ sau cơn giông lộ ra bầu đất bọc túi nylon nên rễ cây không thể ăn xuống đất.
Người dân Việt Nam không lạ gì những tấm bảng được gắn lên những cây cổ thụ ghi tên các vị lãnh đạo trồng cây lưu niệm, mà khi trồng thì các cây này đã trưởng thành.
Đặc biệt tôi thấy từ hôm cây phượng ngã làm chết học sinh cho đến khi các trường đồng loạt đốn các cây phượng khác trong sân trường, thì ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ giáo dục không hề có tiếng nói nào lên tiếng nhận trách nhiệm trong tư cách một người thầy. - Ông Nguyễn Ngọc Già
Đầu năm 2015, theo đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015, khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố bị đưa vào diện chặt bỏ, thay cây mới. Dự án vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận. Đến ngày 20 tháng 3 năm 2015, Chủ tịch Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định.
Ngoài chuyện cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng, thành phố Hồ Chí Minh bật gốc, hôm 28 tháng 5, một cây phượng vĩ cổ thụ tại sân Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên cũng bật gốc, ngã đổ. Nhiều trường quá lo sợ đã chặt hết cây xanh, cây phượng trong sân trường khiến người dân bất bình với những hình ảnh cây bị chặt tan hoang. Ông Nguyễn Ngọc Già đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ:
“Đặc biệt tôi thấy từ hôm cây phượng ngã làm chết học sinh cho đến khi các trường đồng loạt đốn các cây phượng khác trong sân trường, thì ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ giáo dục không hề có tiếng nói nào lên tiếng nhận trách nhiệm trong tư cách một người thầy. Điều này phản ánh thêm cái ‘quản không được thì cấm’. Cái này đã trở thành chủ trương chung của toàn xã hội, trên mọi lãnh vực, ngành nghề. Không riêng gì ngành giáo dục!”
Theo nhà báo này, những người ra lệnh chặt các cây phượng trong sân trường chắc chắc phải là hiệu trưởng. Họ không thể nào mà không biết việc làm bị lên án ‘phản khoa học, vô văn hóa, phản giáo dục như vậy’.
Cây phượng là một trong những cây có tán rộng, hoa đẹp, gắn với kỷ niệm học trò của các thế hệ tại Việt Nam. Nhiều thành phố có những con đường rợp bóng hoa phượng khi mùa hè đến.
Hải Phòng được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét