Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

1581 - Nỗi buồn mùa dịch


Một nhà hàng vắng khách sau khi mở cửa lại ở West Hollywood, California hôm 29 Tháng Năm, với thông báo chỉ phục vụ khách có đeo khẩu trang. (Hình: VALERIE MACON/AFP via Getty Images)

Nhân gian đã có câu: “Chim có đàn cùng hót tiếng hót mới hay, ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh.” Con người sống đơn lẻ, mất hết niềm vui. Ở tù với số đông vẫn ít khổ hơn làm người tù biệt giam cấm cố. Ở tù trong đất liền vẫn hơn là bị đày ra hoang đảo.
Nếu một ngày nào đó, con người không có hợp quần, không bạn bè, không ai tri kỷ, thì chắc cuộc đời chúng ta sẽ, tẻ nhạt, vô vị. Đại dịch COVID-19 trong ba tháng vừa qua đã cho ta thấy một thế giới lạnh vắng, buồn bã khi tất cả mọi người đều “tu tại gia” và “cách ly ba bước” với tất cả mọi người.
Một cuộc thi tài thể thao không có khán giả sẽ ra sao khi không có tiếng reo hò, cổ vũ, hoan hô khi một trái bóng lọt lưới hay tiếng la thất vọng khi trái bóng đụng phải xà ngang. Phấn khởi và cố gắng của cầu thủ được truyền đi từ những cổ động viên của phe nhà, trong một không khí đầy màu sắc và âm thanh sôi động của cầu trường. Liệu có một trận cầu nào chỉ có hai đội giao tranh mà khán đài không có khán giả?
Vào mùa dịch mà dân chúng không thể tụ họp ở những nơi đông người, một đội banh Nam Hàn ở Seoul mới đây đã có sáng kiến dùng những búp bê tình dục để lấp đầy khán đài trống vắng trong một trận đấu. Sáng kiến này thay vì được hoan nghênh thì lại bị ban tổ chức K-League phạt 100 triệu Won, vì cho rằng việc dùng búp bê tình dục thay cho khán giả là hành vi sỉ nhục và hạ thấp nhân phẩm cổ động viên phụ nữ. Liệu bạn có đồng ý với biện pháp quá khắt khe này không?
Những đôi bạn sắp cử hành hôn lễ, có tưởng tượng ra rằng ngày vui của mình chỉ có đôi bên cha mẹ, mà không có bà con, bạn bè tham dự không? Lạnh lẽo và buồn bã biết bao nhiêu, vì giờ đây nước Mỹ đang chịu một mùa dịch tai ương.

Tại thành phố Dowagiac, Michigan, đôi bạn Dan Stuglik và Amy Simonson trước đây có kế hoạch sẽ mời khoảng 160 quan khách tham dự đám cưới, nay đã thay vào đó những quan khách làm bằng bìa cứng cho ấm cúng quang cảnh nhà thờ trong ngày vui trọng đại của mình.

Chúng ta có cảm thấy buồn khi ngồi ăn buổi tối một mình không, hay đến dùng buổi tối trong một nhà hàng vắng ngắt? Nhiều nhà hàng đã giúp cho thực khách đỡ trống lạnh bằng cách dựng những con gấu trúc nhồi bông, để cho người ta có cảm giác, dù là tạm bợ, trong một nhà hàng đông vui. Một vài nơi, chủ nhân còn sáng kiến dùng hình nộm hay “mannequins,” cho có chút hơi hám con người.
Những giờ học online mùa dịch vô hồn làm sao sinh động, hấp dẫn, gần gũi như một buổi học ở trong giảng đường, có thầy, cô giáo, bạn bè chung quanh.
Chúng ta có muốn vào nhà hát để ngồi xem từ đầu tới cuối một mình, dù cuốn phim hay tới đâu? Trên chuyến tàu điện, hay toa xe lửa ế khách, trong khoang máy bay vắng người, dù được ngồi rộng rãi, không ai làm phiền đến mình, nhưng chúng ta cũng không tránh khỏi cảm giác trống trải, cô đơn.
Liệu có ai nghĩ rẳng một người nổi tiếng và được mọi người xưng tụng, thương yêu như ca sĩ Thái Thanh, mà khi ra đi, vì trong mùa dịch, tang lễ lại được cử hành đơn giản chỉ có những người trong gia đình tham dự hay không. Là một người bình thường như chúng ta, lúc sống hay lúc chết, cũng mong được gần gũi trong tình thân ấm áp của thân quyến, bạn bè.
Ca sĩ không thể nào trình diễn trong một hội trường không có khán giả. Linh mục, thượng tọa, ít khi thuyết pháp, giảng đạo cho chỉ một nhóm tín đồ vài ba người. Quần chúng là điều cần thiết trong mọi sinh hoạt xã hội của con người. Thiếu nó, rõ ràng là xã hội chúng ta đang bị đảo lộn.
Gần ba tháng nay các buổi họp đồng hương, hội đoàn, đơn vị, nhóm… không còn nữa. Cũng không ai tổ chức giới thiệu sách, trình diễn ca nhạc, văn nghệ. Xe đò ngưng hoạt động, phi trường vắng khách, cruise nằm ụ trên bến tàu,… và lòng người thì trống vắng lạnh lùng.
Bây giờ chúng ta có còn hiếu khách, hoan hỷ đón một người bạn ở tiểu bang xa về chơi nữa không, hay có can đảm thông báo cho người thân là mùa hè này chúng ta sẽ bay sang thăm gia đình họ. Không ở lại nhà bạn bè, chúng ta cũng không dám vào phòng ngủ, không dám lên máy bay, đi taxi hay Uber, thì thôi ở nhà là tốt nhất.
Có thời nào mà lúc lâm chung, vợ chồng, cha con…không được gần gũi, vuốt mắt cho nhau?
Chúng ta e dè không dám gần nhau, dè dặt không dám nói nhiều với nhau, có khác chi ngày xưa, nghi ngại nhìn nhau dưới thời Cộng Sản.
Bây giờ thành phố, quận lỵ đã mở cửa lại hay mở cửa nửa chừng, nhưng lòng người thì còn ngập ngừng chưa mở. Trước kia một tuần không họp bạn ở quán cà phê đã thấy vắng, bây giờ ba tháng trời, không ngồi quán cũng chẳng sao!
Hàng quán đã mở, nhưng dân tình thì e ngại. Không lẽ chúng ta đi vào hàng cà phê hay hàng ăn một mình. Người xưa buồn vì phải chịu cảnh độc ẩm, ngày nay quả thật không vui khi phải ngồi ăn một mình!
Điều buồn là lòng chúng ta đã thay đổi.
Ở nhà cũng đã quen, nhu cầu bạn bè cũng không còn khẩn thiết. Không đồng hương, ái hữu, không hội họp cũng chẳng sao! Không đi nghe xem văn nghệ, xem show ca nhạc cũng chẳng thấy buồn. Cả thói quen “shopping,” mua sắm đồ “sale” không còn là một thú vui hay nhu cầu nữa. Chuyện đó sẽ tiếp diễn sau mùa khi mùa dịch chấm dứt.
Ba tháng nay hình như chúng ta tiêu ít tiền hơn, không tốn tiền xăng đi lại, không cà phê, cà pháo; không cháo chợ, cơm hàng; không giao tiếp, đãi đằng, và có khi nhờ những món tiền bất ngờ thời dịch, nghe rủng rỉnh hơn!
Khác với động đất, sóng thần, kể cả chiến tranh, bệnh dịch không thấy hình ảnh, màu sắc, đến và đi không một tiếng động mà nó phá nát thói quen và đời sống của chúng ta, làm đảo lộn xã hội, nhân quần. COVID-19 đã tàn phá sức khỏe và tâm lý con người.
Bệnh dịch không có sức mạnh vũ bão như bom đạn nhưng sao nó lại vô hiệu hóa được cả một hàng không mẫu hạm, đánh gục cả một kỹ nghệ hàng không, xe hơi, phá đổ kinh tế cả với những cường quốc.

Và liệu con người thương yêu gần gũi với nhau hơn, hay càng ngày càng hận thù, căm ghét nhau, như nhiều hiện tượng đang xẩy ra trên thế giới hôm nay? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét