Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

1948 - Đại hội 13: Vấn đề Biển Đông – ‘điểm mới’ trong Báo cáo chính trị có tạo nên tư duy chiến lược?

TS Phạm Quý Thọ

Truyền thông nhà nước gần đây cho biết một trong ‘điểm mới’ của Dự thảo Báo cáo chính trị -  văn kiện quan trọng trình Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021 là ‘vấn đề biển đông’.
Thiếu chiến lược toàn diện về biển khiến đất nước đã không thể ‘mạnh về biển’. Trong lịch sử là tư duy ‘ứng phó’ về chống xâm lược từ biển và trong thời bình là ‘tư duy kinh tế’ bị níu kéo bởi ý thức hệ XHCN là nguyên nhân quan trọng. Nay trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, tham vọng địa chính trị, hung hăng tại Biển Đông và một ‘trật tự thế giới mới’ đang hình thành, Việt Nam cần thay đổi tư duy để xây dựng chiến lược biển xứng tầm.
Liệu tư duy chiến lược về Biển Đông có là quyết sách tại Đại hội 13?

‘Tư duy ứng phó’

Việt nam là quốc gia có chiều dài bờ biển hơn 3000 km, có thể gọi quốc gia biển, thế nhưng thay vì ‘một tư duy chiến lược chủ động’, thì thực tế lịch sử phản ánh ‘tư duy ứng phó’ với những đặc trưng trong thời chiến là ‘phòng thủ’ và trong thời bình là ‘kinh tế’.
Bối cảnh thể chế có sự tương đồng với Trung Quốc trong suốt lịch sử hơn nghìn năm là phong kiến tập quyền và hiện nay là chế độ cộng sản toàn trị, ngoại trừ hơn 20 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975). Đây là đặc điểm có ảnh hưởng lớn đến tư duy về biển.
Mới đây, cuối năm 2019 bãi cọc gỗ, được tìm thấy ở huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng, có liên quan đến trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng. Khảo cổ ‘các di tích bãi cọc’ phản ánh các trận địa bãi cọc, từng được bày bố tại các nhánh của sông Bạch Đằng để phục vụ mục đích quân chống xâm lược từ biển. Trong đó có trận chiến chống quân Nam Hán năm 938 trên sông Đá Bạch (Bạch Đằng) do Ngô Quyền lãnh đạo, chiến tranh Tống–Việt năm 981 dưới thời nhà Tiền Lê và trận Bạch Đằng chống quân nhà Nguyên Mông năm 1288 dưới thời nhà Trần.
Trong thời chiến tranh chống đế quốc các biến cố như ‘‘Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958’, ‘Hải chiến Hoàng Sa’ và ‘Đá Gạc Ma’ thuộc quần đảo Trường Sa đã phản ánh âm mưu và dã tâm của chính quyền Trung Quốc lợi dụng niềm tin ‘ngây thơ’ về ý thức hệ và tình hình phức tạp để chiếm đoạt Biển Đông. Các biến cố này là sự trả giá đắt, làm tổn thương truyền thống bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Hình minh hoạ. Biểu tình ở Hà Nội phản đối Trung Quốc hôm 19/1/2017
Hình minh hoạ. Biểu tình ở Hà Nội phản đối Trung Quốc hôm 19/1/2017 Reuters
Trong thời bình, những năm gần đây Việt Nam đã đề cập về chủ trương xây dựng một quốc gia ‘mạnh về biển’ nhưng thường gắn với phát triển kinh tế biển, mang nặng kiểu ‘tư duy kinh tế’. Năm 1997 Đảng CS ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, mười năm sau, năm 2007, mới có Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Tuy nhiên những dự đoán sai về tình hình ‘thế kỷ 21’ với cách tiếp cận thiếu toàn diện về biển đã không thể có một chiến lược kinh tế biển phù hợp. Sai lầm của chính sách tăng trưởng ‘nóng vội’ cộng với quản lý kinh tế yếu kém đã để lại hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và bất ổn vĩ mô. Các tập đoàn hàng hải như Vinashin, Vinalines... bị phá sản, việc xây dựng tràn lan các bến cảng to nhỏ dọc bờ biển gây nên sự lãng phí lớn vốn đầu tư công…
Để ‘sửa chữa’ sai lầm trên một ‘nỗ lực chính sách’ về biển được thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016-2021). ‘Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045’ được ban hành theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Trên cơ sở đó, tháng 3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm để cụ thể hoá ‘chiến lược kinh tế biển’ nêu trên. Tính khả thi của chiến lược này đang gặp thách thức trước bối cảnh thế giới thay đổi và Trung Quốc tham vọng địa chính trị tại Biển Đông.

‘Tư duy chiến lược biển’

Một trong những nguyên nhân không thể trở thành quốc gia ‘mạnh về biển’, phát triển kinh tế biển như nêu trong các nghị quyết của Đảng là tư duy chiến lược biển đã không theo kịp thời đại, và ngoài ra, có phần bị níu kéo bởi ý thức hệ.
Trước hết, Mỹ và các nước Phương Tây đã nhận ra sự sai lầm và hậu quả của ‘chính sách can dự’ của Trung Quốc, theo đó trong bối cảnh toàn cầu hoá - Mỹ, ‘bỏ qua’ sự khác biệt ý thức hệ, đã mở rộng quan hệ kinh tế với sự tham gia của Trung Quốc với quan niệm rằng tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy dân chủ. Từ thời Tổng thống Barack Obama Mỹ đang thực thi chính sách ‘xoay trục’ sang Châu Á và Tổng thống Donald Trump phát động thương chiến Mỹ - Trung. Cuộc chiến này ngày càng leo thang căng thẳng sang mọi lĩnh vực và hiện hữu nguy cơ biến thành cuộc chiến tranh lạnh 2.0.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái sâu nhất so với các cuộc khủng khoảng kinh tế trong một thế kỷ qua. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt, gãy khiến các nước nhận ra sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc không chỉ hàng hoá thông thường mà cả thiết yếu như y tế và thuốc chữa bệnh. Quan hệ thương mại có thể thay đổi, các nước đang thay đổi chính sách hướng đến tự chủ. Cuộc gặp thượng đỉnh EU và Trung Quốc trong tháng 6/2020 không có tuyên bố chung, khi lãnh đạo EU công bố sách trắng về bảo vệ thị trường và nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn là đối tác số 1 và Trung Quốc chỉ là bạn hàng cần thiết. Các nhà nghiên cứu đang phân tích sự thoái trào của toàn cầu hoá và dự báo ‘một trật tự thế giới mới’.
Hình minh hoạ. Giàn khoan dầu của Rosneft Vietnam ngoài khơi Vũng Tàu ở mỏ Lan Tây hôm 29/4/2018
Hình minh hoạ. Giàn khoan dầu của Rosneft Vietnam ngoài khơi Vũng Tàu ở mỏ Lan Tây hôm 29/4/2018 Reuters
Hơn thế, chính quyền Trung Quốc, lợi dụng đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán lan rộng toàn cầu, số ca lây nhiễm và số tử vong tăng nhanh và các quốc gia đang bị động đối phó vì chưa có vaccine, đã thể hiện chính sách ngoại giao ‘lang sói’, như kiểu đe doạ và trừng phạt kinh tế với nước Úc, khi thủ tướng nước này đề xuất ‘một cuộc điều tra độc lập về sự khởi phát đại dịch’. Bản chất hung hăng của chế độ độc tài hiện hữu trong quan hệ chính trị và thương mại quốc tế.
Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị ‘phong toả bán phần’ với thế giới văn minh từ Biển Đông bởi tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Quốc gia này đã trỗi dậy mạnh mẽ trong hơn một phần ba thế kỷ để trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Đây là động lực chủ yếu thúc đẩy Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực tối cao để thực hiện ‘giấc mộng Trung Hoa’.
Từ năm 2013 đến nay chính quyền Bắc Kinh đã có nhiều động thái hung hăng trên Biển Đông, sử dụng đường  ‘tự vẽ’ là ‘đường chín đoạn’, vi phạm Công ước về Luật Biển 1982, quân sự hoá và hành chính hoá các đảo chìm nổi, xâm phạm chủ quyền biển đảo và đe doạ dùng vũ lực đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, theo các nhà quan sát, vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) được đề xuất bao trùm cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, là ‘âm mưu có chủ đích’ của chính quyền Bắc Kinh chỉ đang chờ thời điểm thích hợp để công bố.
Tuy có thái độ ‘cứng rắn’ hơn trước những hành động của chính quyền Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải, uy hiếp các giàn khoan dầu khí, đâm chìm tàu thuyền đánh cá của ngư dân…  Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa ý thức hệ, sự lệ thuộc kinh tế và đe doạ chủ quyền, giữa liên kết với Mỹ, các nước Phương Tây vì ‘đảm bảo tự do hàng hải’, phát triển thương mại, thu hút đầu tư và các giá trị dân chủ, nhân quyền.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần có tư duy chiến lược biển với một tầm nhìn toàn diện và các chính sách đột phá. Một số điểm chủ yếu, theo tôi, tư duy chiến lược biển cần hướng đến:
Một là, chiến lược phát triển đất nước đến 2045 dự kiến được quyết định trong đại hội 13 cần coi chiến lược biển phải là bộ phận thiết yếu dựa trên sự thay đổi tư duy về biển trong tình hình mới. Củng cố và cụ thể hoá quan điểm phát triển kinh tế với quyết tâm bảo vệ chủ quyền căn cứ trên luật biển quốc tế;
Hai là, Việt Nam, mặc dù tương đồng về ý thức hệ, nhưng không lệ thuộc vào nó để trở thành ‘đồng minh’ của Trung Quốc, mà khẳng định sự độc lập và quyết tâm gìn giữ chủ quyền. Ngoài ra, cần nhận thức rõ hơn ý thức hệ giáo điều bảo thủ thường gây nên hiệu ứng ngược đối với các nhà đầu tư, cản trở quá trình cải cách hệ thống chính trị theo hướng phù hợp với thị trường trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế;
Ba là, xây dựng các phương án chính sách để dần hạn chế sự phụ thuộc kinh tế, đồng thời đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc. Các chính sách như vậy cần dựa vào cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia rộng rãi của người dân để có sự đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội;
Bốn là, nhận thức rõ hơn sự thay đổi địa chính trị trên thế giới, cân nhắc ảnh hưởng từ chính sách ‘xoay trục’ của Mỹ sang châu Á để có đối sách phù hợp về an ninh, ngoại giao để hạn chế ‘sự phong toả’ từ ‘chiến lược biển’ của Trung Quốc;
Năm là, thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng dân chủ nhằm tăng hiệu quả của ‘chính sách Việt Nam can dự’, coi trọng việc thực hiện thực chất các cam kết cải cách trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đầu tư (IPA) với các nước phát triển. Tuy nhiên, trong các hiệp định ký kết với Liên minh Châu Âu thì các điều khoản về quyền lao động, lập hội đoàn và bảo vệ môi trường trong EVFTA và IPA được đề cao…
Tư duy chiến lược biển có tầm quan trọng để Việt Nam tái định vị trên bản đồ thế giới trong thế kỷ 21. Liệu ‘vấn đề Biển Đông’ trong Báo cáo chính trị, được coi là ‘điểm mới’ có đề cập đến một tư duy xứng tầm làm cơ sở để xây dựng một chiến lược biển?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét