Lễ Giáng Sinh năm thứ Hai của Triệu ở Pháp, nhân dịp biết tin Mới nay đã kết hôn và vừa sanh được một cháu gái, Triệu lấy quyết định lên Paris để gặp lại Mới. Sinh viên ở Pháp thật ra rất ít người muốn lập gia đình sớm vì tất cả đều trông mong mau tốt nghiệp trước khi tính đến chuyện tương lai. Mới đã kết hôn với Huệ, một bạn gái gặp ở Pháp vì lỡ đã có con với nhau. Triệu vẫn biết là Mới là một sinh viên luôn luôn tích cực hoạt động trong giới Việt kiều ở Paris, từ việc in ấn sách báo hô hào ủng hộ công việc kháng chiến trong nước đến tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ nhân những ngày lễ lớn.
Vì bận rộn công việc cho cộng đồng nên Mới đã trễ nải việc học hành khiến Mới đã chưa qua được kỳ thi cuối năm thứ Nhất Y khoa. Gia đình của Mới ở Việt Nam vô cùng lo lắng và đã viết nhiều thơ cho Triệu, mong Triệu có dịp lên Paris gặp Mới để biết tình trạng gia đình Mới ra sao. Lúc Mới còn ở Việt Nam, Triệu đã thường có dịp đến thăm gia đình của Mới. Ba, Má của Mới đã thân mật coi Triệu như con trong gia đình. Cho Mới xuất ngoại du học là một hi sinh lớn đối với Ông bà. Nay bỗng nhiên Mới xin lập gia đình rồi việc học lại bị thất bại nên gia đình vô cùng lo lắng. Gia đình muốn nhờ Triệu tìm biết rõ tình hình và cũng mong Triệu ảnh hưởng được phần nào trong việc thuyết phục Mới phải lo việc tiếp tục học cho thành công. Thân mẫu của Mới còn có ý định xin vợ chồng Mới gởi con về Việt Nam để bà lo cho cháu, mong cho Mới khỏi bận tâm để tiếp tục việc học hành.
Vì bận rộn công việc cho cộng đồng nên Mới đã trễ nải việc học hành khiến Mới đã chưa qua được kỳ thi cuối năm thứ Nhất Y khoa. Gia đình của Mới ở Việt Nam vô cùng lo lắng và đã viết nhiều thơ cho Triệu, mong Triệu có dịp lên Paris gặp Mới để biết tình trạng gia đình Mới ra sao. Lúc Mới còn ở Việt Nam, Triệu đã thường có dịp đến thăm gia đình của Mới. Ba, Má của Mới đã thân mật coi Triệu như con trong gia đình. Cho Mới xuất ngoại du học là một hi sinh lớn đối với Ông bà. Nay bỗng nhiên Mới xin lập gia đình rồi việc học lại bị thất bại nên gia đình vô cùng lo lắng. Gia đình muốn nhờ Triệu tìm biết rõ tình hình và cũng mong Triệu ảnh hưởng được phần nào trong việc thuyết phục Mới phải lo việc tiếp tục học cho thành công. Thân mẫu của Mới còn có ý định xin vợ chồng Mới gởi con về Việt Nam để bà lo cho cháu, mong cho Mới khỏi bận tâm để tiếp tục việc học hành.
Nếu lần đầu tiên gặp Mới, Triệu đã phải theo Mới thay đổi từ Métro qua bus để ra ngoại ô Kremlin Bicêtre thì nay Mới đã mướn được một phòng nhỏ ngay trong trung tâm giới sinh viên Quartier Latin. Mới và Huệ, người bạn đời đồng tuổi đã cùng sống hạnh phúc ở chiếc phòng nhỏ này trong con đường hẹp có tên ngộ nghĩnh Rue de l’Abbé de l’Épée (Linh Mục mang kiếm). Triệu thường đùa với vợ chồng Mới: “Ông linh mục này chắc mang kiếm gỗ?” Con đường này đâm thẳng ra Đại lộ Saint Michel, con đường mà sinh viên nào học ở Paris cũng có dịp lê chân mòn gót giày lui tới. Phòng chỉ vừa đủ để kê một giường ngủ, một bàn nhỏ, một tủ đứng và một bồn rửa mặt. Thật ra với sinh viên mà có được một phòng ở ngay Quartier Latin là một việc vô cùng quý giá.
Nhìn cảnh Huệ và Mới trìu mến chăm lo cho con gái, Triệu thấy khó có thể thuyết phục vợ chồng bạn giao con về cho bà nội ở Việt Nam nuôi dưỡng. Để giải quyết phần nào việc giúp Mới tiếp tục học có lẽ là Huệ phải hi sinh bỏ học để lo cho con. Riêng phần Mới nếu anh bớt một phần về hoạt động cộng đồng thì sẽ có cơ hội thành công trong việc học. Tuy tính toán như thế có vẽ hợp lý nhưng Huệ cũng có trách nhiệm phải chu toàn việc học khi đã được gia đình cho sang Pháp. May nhờ thân phụ của Mới là y sĩ có nhiều phương tiện nên đã đồng ý với Triệu, điều đình xin với bên gia đình Huệ để ông từ nay sẽ phụ trách lo cho phần sinh sống của Huệ ở đất Pháp. Sau khi Triệu liên lạc báo tin cho gia đình Mới, thân phụ của Mới đã đồng ý xuất ngân khoản để mua căn phòng vợ chồng Mới đang ở. Để đánh dấu tin vui, Giáng Sinh năm đó, vợ chồng Mới và Triệu đã dám ra phố hưởng một buổi ăn tối sang trọng Réveillon với hào sống Bordeaux và rượu trắng Sylvaner d’Alsace.
Ngày thường thì Mới đã giúp Triệu có được tíc kê ăn ở các quán ăn sinh viên để đỡ tốn kém trong các ngày lên Paris du ngoạn. Một trưa ở quán Parc Monsouris, Triệu đang làm đuôi chờ vào quán, chợt thấy trong hàng chờ đợi có một sinh viên lớn tuổi, tóc hoa râm, người đen đủi, miệng tươi cười để lộ hàng răng cửa rất to. Vì trời lạnh, anh sinh viên lớn tuổi nhờ một anh bạn đứng sau lưng vỗ mạnh vào vai cho thêm ấm áp. Anh bạn cùng đi với Triệu cho Triệu biết: “Đó là ông Hồ Hữu Tường. Hôm nay chắc ổng cũng có tíc kê ăn lậu như anh”.
Trong thời khoảng 1945, trước khi xảy ra cuộc Kháng chiến Nam bộ, Triệu đã có cơ hội cùng với anh Phan Phục Hỗ, con trai học giả Phan văn Hùm, lui tới thường xuyên nơi tòa sạn báo Tranh Đấu. Đây là thời quân đội Nhật đã lật đổ chánh quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Các nhà cách mạng bị Pháp lưu đày trong thời Đệ nhị Thế chiến nay đã thoát vòng lao lý. Các chánh đảng đã náo nức trở ra hoạt động công khai ở thủ đô Sài Gòn. Trước kia Triệu đã cảm phục tài ông Phan Văn Hùm nay được thêm cơ hội gần gũi báo quán Tranh Đấu nên Triệu đã biết mặt hầu hết các đàn anh trong nhóm Tả Đối lập, nhóm Đệ Tứ miền Nam, từ Tạ Thu Thâu đến Giáo sư Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Lê Văn Vững... Riêng Hồ Hữu Tường thì Triệu không có dịp gặp. Lúc đó nghe đồn là ông Tường đã tìm đường ra Bắc. Sau khi tên stalinít Trần Văn Giàu, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, người đã từng lãnh phụ cấp của Đệ Tam Quốc Tế, ra tay thủ tiêu hầu hết các thủ lãnh Đệ Tứ cũng như các lãnh đạo ái quốc miền Nam thì Triệu đã hầu như không còn gặp được ai trong phong trào trước kia. Cả một thế hệ những người yêu nước miền Nam đã bị Cộng sản Đệ Tam tàn nhẫn thanh toán để độc quyền chiếm lãnh trận địa.
Trong bữa ăn, Triệu đã cầm mâm cơm đến ngồi cạnh Hồ Hữu Tường để bắt chuyện. Triệu đã thuật lại những ngày Triệu đến báo quán Tranh Đấu ở 98 đường Lagrandière. Khung cảnh làm việc rộn rịp với sự trở về của nhiều nhân vật từng được thực dân Pháp lưu đày ở nhiều địa phương. Triệu cũng cho ông Tường biết là lúc đó, Triệu biết ông Trần Văn Thạch và Hồ Hữu Tường cùng bị Pháp an trí ở Cần Thơ nhưng hoạt động ở báo quán chỉ thấy Giáo sư Thạch.
Ông Tường miệng mỉm cười cho Triệu biết là vào lúc đó ông đã “ly khai và giã từ Mạc xít” sau bao năm nghiền ngẫm trong thời gian bị cầm tù ở Côn Đảo. Ông đã tuyên bố với các đồng chí cũ: “Tôi trở về con đường Dân tộc. Tôi cho rằng việc giai cấp vô sản giải phóng nhân loại là một huyền thoại lớn của thế kỷ 19 và tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản ở châu Âu và Bắc Mỹ là một huyền thoại lớn của thế kỷ 20”. Đó là lý do ông ít khi có mặt ở tòa báo Tranh Đấuvào thời khoảng 1945. Vả lại lúc ấy ông đã lên đường ra Bắc, nơi mà ông tiên đoán sẽ có những biến chuyển chánh trị lớn. Triệu cho ông biết thắc mắc của Triệu: không hiểu sao Cộng sản Đệ tam ở Bắc để ông còn sống sót? Trong Nam thì các đồng chí Đệ Tứ cũ của ông cũng như các gương mặt ái quốc danh tiếng ở miền Nam đã bị Trần Văn Giàu và thủ hạ Nguyễn Văn Trấn giết sạch. Triệu thuật cho ông Tường biết việc công nhân võ trang Đệ Tứ tập họp ở suối Xuân Trường, Thủ Đức đã bỏ thăm đồng ý cho bộ đội Trần Văn Giàu giải giới vì không muốn có chuyện đổ máu giữa anh em công nhân. Sau này họ đã bị đưa đi thủ tiêu tập thể ở Sông Lòng Sông, Phan Thiết. Ông Phan Văn Hùm cũng bị sát hại cùng anh em đồng chí. Triệu cho ông Tường biết trong gia đình Triệu đã có một giáo viên dạy ở Biên Hòa, một nhân vật trí thức có uy tín, đã bị Dương Bạch Mai trong nhóm Trần Văn Giàu nhốt chung với nhóm Phan Văn Hùm. Ông đã thoát được vòng lao lý khi quân đội Anh Ấn tấn công bộ đội Việt Minh. Ông đã thuật lại cho gia đình biết về việc buổi chiều, trước khi nhóm Phan Văn Hùm bị Dương Bạch Mai đưa đi thủ tiêu, Mai đã nói với Phan Văn Hùm đang dùng cơm: “Mai anh sẽ được di chuyển ra Trung, an toàn hơn ở đây”. Ông Phan Văn Hùm đã nói với Dương Bạch Mai: “Nếu tụi bây muốn giết tụi tao thì cứ giết ở đây đi. Đưa đi xa làm chi cho tốn công”. Dương Bạch Mai đã chấp tay sau lưng, đi tới đi lui một thời gian rất lâu. Sau cùng, không nhìn vào mắt ông Phan Văn Hùm, Mai nói như trong không trung: “Anh Hùm, tôi nhớ lúc ở Côn Đảo, trong những bữa ăn như chiều hôm nay, anh thường ngồi bìa, đưa lưng hứng chịu roi vọt của cai tù để anh em được ăn yên ổn. Nhưng nay chúng tôi lãnh đạo cách mạng. Chúng tôi không chấp nhận đường lối: Đánh chung, Đi riêng của các anh”. Sau bữa chiều đó, nhóm chiến sĩ Đệ Tứ đã bị đưa đi, không còn hiện diện trong trại giam!
Nghe đến đây, ông Hồ Hữu Tường đã bị xúc động mạnh. Ông đã bật khóc, bỏ bữa ăn và lôi Triệu ra một quán ăn ngoài phố để tiếp tục câu chuyện. Triệu cho ông Tường biết thêm một việc tương tợ như chuyện đã xảy ra ở Thủ Đức: khi ông Lư Sanh Hạnh và anh em Đệ Tứ nhóm họp ở Tân Định, Quốc gia Tự vệ cuộc của Nguyễn Văn Trấn đã đến bao vây. Trong trụ sở lúc ấy, anh em nhà in có vũ khí mạnh hơn toán Tự vệ của Trấn nhưng họ cũng có thái độ quân tử, đồng ý để cho bắt để tránh việc đổ máu giữa anh em công nhân! Hơn hai mươi người trong nhóm đã bị Dương Bạch Mai cầm tù ở Khám Lớn Sài Gòn. Khi quân đội Anh Ấn cùng với Pháp vây bắt Lâm Ủy Hành Chánh của Trần Văn Giàu đêm 23 tháng Chín 1945, Khám Lớn đã được quân đội Anh Ấn chiếm. Nhóm Lư Sanh Hạnh sau đó đã được trả tự do. Họ là nhóm Đệ Tứ may mắn còn sống sót ở miền Nam. Ông Hồ Hữu Tường đã kết thúc buổi gặp gỡ với câu: “Anh có trách nhiệm với lịch sử phải viết lại những gì anh đã có dịp chứng kiến”.
Giao tình giữa Triệu và Hồ Hữu Tường trong nhiều thập niên về sau đã khởi sự từ bữa cơm ở quán ăn sinh viên ở Parc Montsouris, trong ngày nghỉ lễ Giáng Sinh ở Paris.
(Trích từ tự truyện Gió Mùa Đông Bắc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét