Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

1928 - CÁCH THỨC MỸ TẠO NÊN SỨC MẠNH ĐỒNG ĐÔ LA VÀ BIẾN NÓ THÀNH CÔNG CỤ TRỪNG PHẠT

Đỗ Ngà 

Thế giới sản xuất hàng hóa, nước Mỹ sản xuất đô la. Mỹ dùng đô la quẳng ra ngoài biên giới thì câu được hàng hóa vào bên trong nước Mỹ cho dân Mỹ xài phủ phê. Với vị thế này của đồng đô la Mỹ thì liệu đồng tiền nào có thể lật đổ nó được? Hiện tại thì không có. Vậy nên nhà kinh tế học Paul Samuelson mới nói rằng “do nhu cầu đô la ở nước ngoài cao nên điều đó cho phép Hoa Kỳ duy trì thâm hụt thương mại liên tục mà không khiến giá trị của đồng tiền mất giá”.
Thông thường trong chính sách tiền tệ, tùy hoàn cảnh mà ngân hàng Trung Ương có thể bơm tiền ra hay hút tiền vào. Bơm là làm tăng lượng tiền lưu thông, thu vào là làm giảm lượng tiền lưu thông. Nói chung là mục đích là để điều tiết nền kinh tế sao cho đảm bảo tăng trưởng nhưng cũng phải hạn chế lạm phát. Đấy là với các quốc gia khác, nhưng với nước Mỹ, để giảm tiền tệ lưu thông trong nước ngoài việc rút tiền về như bán trái phiếu chính phủ thì nhà nước Mỹ còn có thể mở cổng xả cho đô la chảy ra ngoài nước Mỹ, thế là xong.
Paul Samuelson dùng từ “thâm hụt thương mại” chẳng qua đó là cách nói khác của việc nước Mỹ xả đô la ra ngoài mà thôi. Thâm hụt nghĩa là mua nhiều hơn bán, hay nói cách khác là nhập siêu. Mà nhập siêu thì có phải đồng đô la chảy ra ngoài nước Mỹ không? Vậy nên khi nước Mỹ nhập siêu cao điều đó không có nghĩa là nước Mỹ tiêu quá trớn mà nghèo đi như những nước khác, mà thực tế nó là giải pháp xả tiền để tránh đồng đô la mất giá mà thôi. Chính vì thế, sau những gói bung tiền làm đô la trượt giá thì sau đó, đồng đô la trở về ổn định rất nhanh. Lý do, nước Mỹ xuất đô rất mạnh.
Để thống kê cán cân thương mại nước Mỹ thì trang statista thống kê xuất nhập khẩu của Mỹ trong vòng 15 năm trở lại đây. Dựa vào biểu đồ, chúng ta có thể thấy năm nào nước Mỹ cũng nhập siêu khoảng từ 600 đến 900 tỷ đô la. Và cứ sau mỗi năm, nước Mỹ nhập siêu cao hơn và chắc chắn cột mốc nhập siêu ngàn tỷ đô sẽ đạt được trong một vài năm tới mà thôi. Từ những con số ấy tính ra trong 15 năm gần đây, nước Mỹ xuất ra nước ngoài 11.771,7 tỷ đô qua con đường thương mại. Chỉ trong có 15 năm, nước Mỹ đã xả ra ngoài một lượng tiền như thế. Kinh khủng. Nhưng đó chưa phải là cửa ngỏ xả đô duy nhất, ngoài cổng này, nước Mỹ còn có 2 cổng khác, tuy nhỏ hơn nhưng nó cũng giải quyết được lượng tiền không nhỏ.
Như ta biết, nước Mỹ là một quốc gia nhập cư. Tất cả các nước trên thế giới nhận kiều hối nhiều nhất bao giờ cũng từ Mỹ. Được biết, mỗi năm tổng lượng kiều hối trên thế giới vào khoảng 600 tỷ đô, trong đó lượng kiều hối từ Mỹ luôn dẫn đầu và chiếm khoảng 10% trong tổng số kiều hối ấy.
Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nước Mỹ luôn trích khoảng từ 1% đến 1,2% ngân sách để tài trợ nước ngoài. Tất nhiên là tài trợ bằng đô la Mỹ. Riêng năm 2017, chính phủ Donald Trump đã bỏ ra gần 50 tỷ đô để viện trợ nước ngoài nhằm tạo dựng sức ảnh hưởng Mỹ trên toàn cầu. Việc viện trợ mát tay cho thế giới bằng chính đồng tiền Mỹ in ra là một bước đi chỉ có lợi chứ không có hại. Vậy nên, nếu tổng thống Mỹ nào cắt giảm viện trợ nước ngoài, đấy là một chính sách thiếu sáng suốt.
Với 3 con đường xuất đô la, tính ra mỗi năm lượng đô từ nước Mỹ chảy ra ngoài khoảng ngàn tỷ. Và chính vì thế mà hiện nay đô la Mỹ đã chiếm đến 61% tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu và chiếm 44% giao dịch trên thị trường ngoại hối. Chưa hết, để tạo nền tảng cho việc giao dịch đồng đô la, từ 47 năm trước Mỹ cùng với 14 quốc gia khác đã lập ra Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế - SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication) để điều khiển giao dịch đồng ngoại tệ, mà chủ yếu là giao dịch đồng đô la. Tổ chức này hiện nay chuyên cung cấp dịch vụ chuyển thông tin tài chính tạo điều kiện cho việc chuyển khoản giữa hơn 11.000 ngân hàng thành viên tại hơn 200 nước và lãnh thổ trên khắp thế giới.
Ngoài tổ chức SWIFT ấy, thì năm 2001 Mỹ còn lập ra Hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng quốc tế -CHIPS (Clearing House Interbank Payment System). Hiện nay, tổ chức này giải quyết khoảng 1,5 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi ngày với khoảng 250.000 thanh toán liên ngân hàng trong các giao dịch xuyên biên giới và trong lòng nước Mỹ. Nói chung, hiện nay cả SWIFT và CHIPS như là 2 thành phần cốt lõi của một bộ thần kinh trung ương điều khiển hệ thống mạch máu lưu thông đô la trên toàn cầu. Và mỗi khi chính quyền Mỹ muốn cấm vận kinh tế một quốc gia nào, thì họ chỉ cần tác động lên 2 hệ thống này cắt đường chuyển khoản ngoại tệ của quốc gia đó với thế giới thì xem như ngành ngoại thương quốc gia đó bị tê liệt hoàn toàn, và thế là nền kinh tế đó èo uột lớn không nổi. Iran là một ví dụ.
Với thế mạnh đồng đô la như thế, và với lợi thế nắm trong tay quyền kiểm soát hệ thống thanh toán quốc tế trên toàn cầu như thế, thì câu hỏi đặt ra là, liệu nước Mỹ có dùng công cụ này bóp chết ngành ngoại thương Trung Cộng hay không? Câu trả lời là, hiện nay thì chưa thể. Vì sao? Vì hiện nay ngành ngoại thương của Tàu trong đó có phần của các công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc. Nếu bóp chết ngành ngoại thương Tàu thì các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn với Tàu sẽ chết theo sao? Chính vì vậy mà không thể. Nhưng còn ở tương lai thì sao? Nếu Chính quyền Mỹ cho dọn hết công ty nước họ ra khỏi Trung Quốc thì may ra lúc đó, Mỹ có thể dùng công cụ lợi hại này để gây chiến tranh thương mại với Tàu, còn bây giờ thì không thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét