Bất kể Bolton viết gì về Trump, bất kể Trump đã và đang làm gì, mọi chuyện cuối cùng quay về với cách mỗi người Việt Nam nghĩ về tương lai đất nước và xác định vai trò của mình trong bức tranh đó. Cách đó không bao giờ nên là trông chờ bất kỳ cường quốc nào giúp mình. Những người Mỹ nhiệt tình nhất với Việt Nam đã bắt tay với Trung Quốc năm 1971 và cuốn gói ra đi năm 1975.
Cuộc ngã giá năm 1971 đó đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh của Việt Nam lẫn Đài Loan. Việt Nam nhuộm đỏ hoàn toàn chỉ bốn năm sau, còn Đài Loan ngay lập tức bị đá ra khỏi Liên Hợp Quốc và dần dần mất gần hết các mối quan hệ ngoại giao.
Nhưng người Việt Nam và Đài Loan đã học bài học cay đắng đó theo hai cách hết sức khác nhau. Nếu như người Đài đến giờ cơ bản vẫn tởn và luôn đề phòng Mỹ (kể cả Mỹ thời Trump), nỗ lực xây dựng hòn đảo nhỏ bé của mình thành một thế lực kinh tế, và hòa mình với trào lưu dân chủ của thế giới; thì người Việt Nam đã luôn ngóng ra bên ngoài như tia hy vọng duy nhất cho giấc mơ thoát Trung của mình.
Địa chính trị quốc tế đúng là rất quan trọng, tương lai Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào bàn cờ thế giới. Nhưng nếu người Việt Nam coi một vị tổng thống Mỹ quan trọng hơn đồng bào của mình và quan trọng hơn nỗ lực tự thân của mình thì có được người Mỹ chìa tay ra cũng không với tới được. Không với tới được vì tay không đủ dài và vì kẻ sau sẽ đánh què chân người trước để tranh suất nắm tay người Mỹ.
Nhiều người nói muốn dân chủ thì phải thoát Trung Cộng đã, nhưng không có nước nào chịu mối đe dọa từ Trung Cộng lớn hơn Đài Loan, xuyên suốt lịch sử. Đài Loan đã dân chủ và thịnh vượng mà không cần Trung Cộng sụp đổ, thậm chí còn khôn khéo tận dụng Trung Quốc để làm giàu cho chính mình. Tất cả mọi thứ đó đã diễn ra trong một đời người, trong hoàn cảnh bị cô lập hoàn toàn trên thế giới, với điều kiện tài nguyên - dân số thua kém Việt Nam gần như mọi mặt.
Những con người Đài Loan làm nên điều thần kỳ kinh tế những năm 1960-80 cũng nhìn thấy được, thậm chí tham gia làm nên điều thần kỳ chính trị: cuộc dân chủ hóa vĩ đại của Mỹ Lệ Đảo (Formosa - tên gọi khác của Đài Loan). Mọi thứ diễn ra trong một đời người.
Có thể tôi nhận định chủ quan, nhưng nếu có điều gì đó ngăn người Việt Nam làm được như người Đài thì nó nằm ở chính chúng ta, không ở cái gì khác.
Dù có Mỹ hay không, có Trung Quốc hay không, cuối cùng thì cuộc sống của chúng ta là sống với nhau, chứ không phải sống với người Mỹ hay sống với người Trung Quốc. Cuộc sống chung với nhau đó đòi hỏi một văn hóa đủ lành mạnh, đủ tôn trọng, đủ khích lệ. Nếu không, thì đến cây cột điện nó cũng ra đi. Ta có thể làm tất cả những việc đó, bắt đầu từ những nhóm nhỏ, mà không cần quan tâm tới Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản sau này sẽ hối hận vì không nắm lấy ngọn cờ canh tân văn hóa và dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét