Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

1866 - Đôi lời với ông Nguyễn Trần Bạt

Nguyễn Đình Cống
Gần đây ông Bạt trả lời phỏng vấn, đề cập đến quan hệ với Trung Quốc, có một vài ý mà tôi thấy cần trao đổi. Ông Bạt nói: “Chúng ta cần phân biệt quan hệ với Trung Quốc và quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc là hai loại quan hệ khác nhau”.

Rồi ông có nhận xét rằng: “Trung Quốc là nơi vỗ béo phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, chỉ có chúng ta là không được bao nhiêu do sự cản trở của chủ nghĩa dân tộc về văn hóa và chính trị, trong khi chúng ta chưa có chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế chính là bám chặt lấy thị trường Trung Quốc, khôn ngoan tận dụng nó để có thể phát triển được nền kinh tế của mình Trung Quốc là một thị trường, là nơi chúng ta kiếm tiền”.
Ông lại nhắc nhở: “Chúng ta ở cạnh một quốc gia cực kỳ thông minh, và do đó phải thông minh theo để đối phó”. Kết thúc bài phỏng vấn ông đưa ra lời khuyên: “Báo chí cần phải làm thế nào để người dân mình khôn ngoan trước dư luận và các luồng thông tin quốc tế!
Về quan hệ, đúng là cần phân biệt. Quan hệ hữu nghị hay thù địch, thuộc nhận thức của nhân dân, quan hệ ngoại giao do nhà nước. Quan hệ kinh tế thị trường chủ yếu thuộc các tập đoàn. Tuy vậy các quan hệ này không hoàn toàn độc lập. Ông Bạt đưa ra nhận xét rồi bỏ lững. Phải chăng ông muốn nhắc khéo rằng, mặc cho dân tộc Việt đang cố sức thoát khỏi những âm mưu, những thủ đoạn thôn tính của TQ thì các tập đoàn, các lãnh đạo cao cấp về kinh tế cứ lợi dụng để đục nước béo cò.
Về việc “vỗ béo”, đúng là có chuyện hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới, làm cho khá đông dân nghèo ở nhiều nước được dùng hàng giá rẻ. Nhưng nói “Trung Quốc là nơi vỗ béo phần lớn các nền kinh tế thế giới” thì phải chăng đã nhìn gà hóa cuốc, đã ca ngợi lòng tốt của TQ, trong khi bản chất nham hiểm của họ càng ngày càng lộ rõ.
Ông Bạt than thở: “Chúng ta không được bao nhiêu”. Đúng là người dân thường không được bao nhiêu, có khi còn bị thiệt hại do thương lái TQ lừa đảo. Thế nhưng các quan chức, nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ nhận hối lộ của các tập đoàn TQ. Vụ việc đường sắt trên cao Hà Đông-Cát linh là một dẫn chứng. Và còn không biết bao nhiêu dự án lớn nhỏ như Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình v.v…
Ông Bạt cho rằng: “Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế chính là bám chặt lấy thị trường Trung Quốc, khôn ngoan tận dụng nó để có thể phát triển được nền kinh tế của mình”. Đây là một nhận định có lẽ quá thiển cận. Phải chăng các nhà kinh tế của VN nên có đánh giá về nhận định trên. Tôi e rằng nếu lời của ông Bạt lọt được vào tai các lãnh đạo nhà nước thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Ông Bạt nhắc về sự thông minh. Phải biết rằng người Tàu tuy có phần thông minh, nhưng cơ bản là nham hiểm, đểu cáng, là bậc thầy trong mưu mô xảo trá, trong việc ăn cắp bí mật và hối lộ quan chức. Để đối phó với những âm mưu, những thủ đoạn trên dân tộc Việt đã có những bậc hiền tài như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi, Giang Văn Minh v.v…
Ngày nay, phần lớn lãnh đạo nhà nước Việt Nam kém trí tuệ, một mực tin cậy vào ĐCSTQ nên bị chúng nó lừa cho nhiều cú ngoạn mục. Nhiều vị đã tự đưa cổ vào tròng, đặt chân vào bẫy để cho CSTQ xiết lại, thế mà cứ tự sướng, tự khoe là thông minh. Vài trong các việc đó là Công hàm Phạm Văn Đồng, là cam kết “Ba Không”, là Bô xit Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh, là Đường sắt trên cao v.v…
Ông Bạt nhắc: “Do đó ta phải thông minh theo để đối phó”. Câu này mới nghe qua tưởng là hay, nhưng phô bày một tâm thế của kẻ yếu hèn, thể hiện ở các từ “theo” và đối phó”.
Ông còn khuyên “làm thế nào để người dân mình khôn ngoan”. Vâng, nếu cứ theo cách ca ngợi TQ như ông đã làm, thì dân không khôn ngoan thêm mà càng bị ngu muội đi mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét