Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

1864 - Còn đảng còn… ngập!




Sau nhiều ngày cứ mưa là ngập, sinh hoạt xã hội bị lộn ngược, một số tờ báo ở TP.HCM vừa loan báo: Ban Cán sự đảng của UBND TP.HCM vừa trình Ban Thường trực Thành ủy TP.HCM đề nghị điều chỉnh Qui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có sự đồng bộ, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước ở TP.HCM. Cụ thể là sẽ mở rộng diện tích được qui hoạch cho thoát nước từ 650 km2 thành 2.095 km2.
Tại sao đến giờ Qui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước cho TP.HCM vẫn nằm trong tay… Ban Cán sự đảng của UBND TP.HCM và nơi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư để vẫn là… Ban Thường trực Thành ủy TP.HCM?..
Những cơn mưa mùa hè trong tuần trước và tuần này ở TP.HCM đã biến “Siêu dự án chống ngập” của TP.HCM thành trò hề đắt giá. Khoảng 10.000 tỉ đồng đã trút vào “Siêu dự án chống ngập” dường như chỉ có tác dụng làm… tắc hệ thống thoát nước.
Các viên chức hữu trách của Thành ủy, UBND TP.HCM từng quảng bá “Siêu dự án chống ngập” là dự án quan trọng nhất cả về qui mô lẫn mục tiêu (kiểm soát ngập khi thủy triều lên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực trung tâm Sài Gòn).
Theo dự tính, “Siêu dự án chống ngập” phải hoàn tất vào tháng 4 năm 2018 nhưng tin mới nhất cho biết, phải đến tháng 10 năm nay, siêu dự án này mới hoàn tất. Nói cách khác, sẽ trễ khoảng ba năm rưỡi so với kế hoạch (4) và không chỉ có thế!
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước phát giác: Trung Nam Group (doanh nghiệp được chọn để bỏ vốn đầu tư, tổ chức thi công và sẽ được hoàn trả bằng đất, trụ sở,…) không đủ năng lực thực hiện dự án! Thay vì chỉ thanh toán khi dự án đã hoàn tất, chính quyền TP.HCM lại… tạm ứng cho Trung Nam Group 1.518 tỉ đồng. Do tính toán, vận dụng sai đủ thứ, chi phí đầu tư tăng thêm 402 tỉ. Chưa kể Trung Nam Group còn được phép đổi thép do các quốc gia thuộc khối G7 sản xuất, thành thép Trung Quốc (5)...
Cho đến giờ, dù đã gần ba năm, tuy là cơ quan lãnh đạo toàn diện, vẫn chưa thấy Thành ủy TP.HCM chỉ đạo kiểm tra và báo cáo xem: Tại sao lại giao “siêu dự án chống ngập” cho một nhà đầu tư không đủ năng lực? Tại sao Trung Nam Group tính sai đủ thứ mà vẫn phê duyệt? Tại sao lại lấy công quỹ tạm ứng cho một doanh nghiệp nhận dự án thực hiện theo hình thức BT (làm công trình đổi đất)? Tại sao lại dễ dàng đồng ý cho Trung Nam Group thay đổi từ thiết kế đủ loại hạng mục đến vật liệu?..
Tháng trước, Trung Nam Group cho biết đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc của “Siêu dự án chống ngập” nhưng thực tế cho thấy, tình trạng ngập lụt ở TP.HCM vẫn càng ngày càng tệ. Khoản tiền 10.000 tỉ đổ vào “Siêu dự án chống ngập” chẳng khác gì “gió vào nhà trống” nên Ban Cán sự đảng của UBND TP.HCM triếp tục… trình Ban Thường trực Thành ủy TP.HCM Qui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước cho TP.HCM - mở rộng mạng lưới thoát nước gấp… bốn lần so với trước!
Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia (nên khảo sát lại, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập quy hoạch mới nhằm bảo đảm việc chống ngập ở TP.HCM căn cơ, hợp lý hơn), dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng, chính quyền ở TP.HCM và chính phủ Việt Nam vẫn lập - duyệt - cho thực hiện hàng loạt công trình chống ngập theo quy hoạch cũ vốn đã được dự báo sẽ chẳng đến đâu. Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ nguồn bên ngoài Việt Nam.
Từ 2004 đến 2014, chính quyền TP.HCM đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi.
Năm 2014, chính phủ tiếp tục cho phép chính quyền TP.HCM “đổi” ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng. Bởi ngập lụt ở TP.HCM càng ngày càng tồi tệ, không mưa cũng ngập khi thủy triều lên, ngoài Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước (TTĐH CTCNN), tham gia thực hiện các dự án chống ngập còn có Sở GTVT, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện.
Năm 2018, TTĐH CTCNN TP.HCM cho biết, có ít nhất hai… Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về… cơ bản sẽ hết ngập nhưng đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (8)…
Sau nhiều lần gom, vứt tất cả những khuyến cáo của các chuyên gia vào sọt rác để trút hàng trăm ngàn tỉ vào các công trình chống ngập ở TP.HCM, Ban Cán sự đảng của UBND TP.HCM mới chịu bỏ Quy hoạch 752 và trình Ban Thường trực Thành ủy TP.HCM một… quy hoạch mới - Qui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ai sẽ chịu trách nhiệm về chuyện mất hàng trăm ngàn tỉ nhưng chỉ khiến tình trạng ngập lụt ở TP.HCM tồi tệ hơn?
Chắc chắn là chẳng có ai cả! Những Thành ủy viên từng chỉ đạo lập Quy hoạch 752, Quy hoạch 1547, những Ủy viên Bộ Chính trị từng phê duyệt các quy hoạch này hồi thập niên 2000, thập niên 2010 đều đã “hoàn thành nhiệm vụ cách mạng”. Các Thành ủy viên và các Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ chỉ đạo lập – phê duyệt những quy hoạch chống ngập mới và cũng sẽ “hoàn thành nhiệm vụ cách mạng” trước năm 2030, 2050. Còn đảng thì phương thức lãnh đạo toàn diện kiểu đó còn giá trị và tất nhiên còn… ngập! Thế thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét