Người biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại Washington DC trước phán quyết hôm thứ Năm-EPA
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết bác bỏ lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc hủy bỏ Chương trình bảo vệ trẻ nhập cư lậu (Daca). Các thẩm phán giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới, cho rằng hành động của ông Trump nhằm hủy bỏ chương trình này là "bất hợp pháp".
Chương trình Daca ra đời nhằm bảo vệ "Những kẻ mộng mơ" - cụm từ thường được dùng để chỉ đối tượng hưởng chính sách này - tương đương khoảng 650.000 người trẻ tuổi nhập cư vào Mỹ mà không có hồ sơ hợp lệ.
Đây là một chính sách thời Obama mà chính quyền Trump đã tìm cách chấm dứt từ năm 2017.
Tòa án Tối cao thụ lý vụ việc sau khi các tòa án cấp dưới phán quyết rằng chính quyền Trump đã không giải thích thỏa đáng lý do tại sao lại kết thúc chương trình này, đồng thời phê phán những lời giải thích "thất thường" của Nhà Trắng.
Hôm thứ Năm, các thẩm phán đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 qua đó giữ nguyên các kết luận của tòa án cấp thấp rằng lệnh của chính quyền Trump đã vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính, trong đó có quy định rằng chính phủ không thể đưa ra chính sách "tùy tiện, thất thường, lạm quyền hoặc không tuân thủ luật pháp" hoặc "không có đủ bằng chứng hỗ trợ".
Gặp những 'kẻ mộng mơ'
Các phản ứng sau phán quyết của tòa?
Ông Trump đã lên án phán quyết bằng một loạt nội dung đăng trên Twitter.
"Các quyết định khủng khiếp và mang động cơ chính trị được đưa ra từ Tòa án Tối cao là những phát súng bắn vào mặt những ai tự hào nhận mình là đảng viên Cộng hòa hoặc Bảo thủ", ông viết.
Ông kêu gọi cử tri bầu lại ông vào tháng 11 để ông có thể đưa các thẩm phán bảo thủ hơn vào tòa án, nếu còn chỗ trống.
Tổng thống Trump cũng gợi ý rằng ông sẽ tái thực hiện các nỗ lực này nhằm kết liễu chính sách trên và "bắt đầu lại quy trình".
"Bạn có cảm thấy rằng Tòa án Tối cao không ưa tôi không?" ông viết trên Twitter.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã ca ngợi phán quyết của tòa và kêu gọi cử tri bầu một Quốc hội và một tổng thống thuộc đảng Dân chủ vào tháng 11 để đảm bảo "một hệ thống thực sự tương xứng với quốc gia nhập cư này một lần và mãi mãi".
Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020, cho biết ông sẽ tìm cách biến chương trình này thành có giá trị vĩnh viễn một khi ông đánh bại ông Trump.
Tòa án Tối cao đã làm gì với ông Trump?
Chánh án John Roberts, người thường được mô tả là bảo thủ, đã đứng về phía bốn thẩm phán cấp tiến tại tòa để ra phán quyết hôm thứ Năm.
Sự kiện này đánh dấu lần thứ hai trong tuần Chánh án Roberts đã ra phán quyết chống lại ông Trump.
Hôm thứ Hai, tòa án phán quyết rằng người lao động đồng tính và chuyển giới được bảo vệ theo luật việc làm liên bang, một chiến thắng lớn cho các nhà vận động LGBT.
Phán quyết trên được viết bởi Thẩm phán Neil Gorsuch, một người do ông Trump bổ nhiệm.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump còn bổ nhiệm một thẩm phán khác nữa, đó là Brett Kavanaugh. Hội đồng thẩm phán của Tòa án Tối cao hiện được coi là bảo thủ nhất trong lịch sử hiện đại.
Dù vậy hồi năm ngoái, Chánh án Roberts lại đứng về phía các đồng nghiệp cấp tiến trong việc ngăn chính quyền Trump bổ sung một câu hỏi về quyền công dân vào cuộc điều tra dân số năm 2020, một bước đi mà các đối thủ cho rằng nhằm ngăn chặn các phản ứng từ dân nhập cư và cộng đồng thiểu số.
Tuy nhiên, tòa án cũng đã đứng về phía chính quyền Trump trong hai vụ lớn khác.
Một lần tòa bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh của Nhà Trắng vốn ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia Hồi giáo, và lần còn lại tòa cho phép thực thi lệnh cấm người chuyển giới trong quân đội của ông Trump.
Thêm một lần nữa, một hành động gây tranh cãi của chính quyền Trump đã bị tòa tối cao phán quyết là bất hợp pháp. Và một lần nữa, trở ngại lớn nhất đối với Nhà Trắng không phải là các quan chức của họ thiếu quyền lực, mà là họ đã thực hiện sai quyền của mình.
Nỗ lực của Bộ Tư pháp nhằm hủy bỏ Daca là "tùy tiện và thất thường" và theo cách mà luật liên bang cấm, tòa án kết luận. Điều này phản chiếu một kết luận hồi năm ngoái khi tòa ngăn chặn những nỗ lực của chính quyền Trump trong việc đưa thêm một câu hỏi về quyền công dân vào cuộc điều tra dân số lâu đời của Hoa Kỳ.
Cả hai ý kiến trong phán quyết đều được chấp bút bởi Chánh án John Roberts, người mà sự tận tâm một cách chi tiết với luật liên bang của ông đang tạo ra trở ngại lớn đối với các mục tiêu chính sách của chính quyền.
Trong khi đội ngũ của Trump từng tiến hành một cuộc chiến pháp lý dai dẳng để yêu cầu loại bỏ chương trình Daca được ủng hộ, phán quyết của tòa có thể tạo ra một vài tiếng thở phào nhẹ nhõm từ chiến dịch của tổng thống. Một chiến thắng của Trump [liên quan đến chương trình Daca] có thể đẩy hàng trăm ngàn người được Daca bảo hộ vào khó khăn kinh tế hoặc bị trục xuất chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tháng 11. Các mục tiêu trong chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền lẽ ra phải mang một khuôn mặt cảm thông hơn.
Thay vào đó, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết có tính chất như là một sự hoãn chế tài đối với người thụ hưởng chương trình Daca, khiến số phận cuối cùng của họ vẫn còn lâu mới chắc chắn.
Daca là gì?
Hầu hết người trẻ tuổi được bảo vệ bởi chương trình Daca đến từ Mexico và các nước Mỹ Latin khác.
Một sắc lệnh hành pháp năm 2012, do cựu Tổng thống Obama ban hành, bảo vệ những người được gọi là "Những kẻ mộng mơ" khỏi bị trục xuất, đồng thời cấp giấy phép làm việc và học tập cho họ.
Ông Obama đã ký sắc lệnh sau các cuộc đàm phán thất bại về cải cách nhập cư tại Quốc hội Mỹ.
Để đủ điều kiện thụ hưởng chương trình Daca, người nộp đơn dưới 30 tuổi phải gửi thông tin cá nhân cho Bộ An ninh Nội địa (DHS), bao gồm địa chỉ và số điện thoại.
Họ phải trải qua kiểm tra lý lịch của FBI và có lý lịch hình sự trong sạch, và đang ở trường, mới tốt nghiệp hoặc đã xuất ngũ.
Đổi lại, chính phủ Hoa Kỳ đồng ý "hoãn" mọi quyết định đối với tình trạng nhập cư của họ trong thời gian hai năm.
Chương trình này chỉ áp dụng đối với các cá nhân cư trú tại Hoa Kỳ từ năm 2007.
Những người thụ hưởng Daca chia sẻ với BBC rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm và ngạc nhiên trước phán quyết hôm thứ Năm, và nhiều người nói rằng họ sẽ tiếp tục ủng hộ cải cách nhập cư.
Juana Guzman, 28 tuổi, ở Texas, nói: "Đó là một chiến thắng rất cần thiết và điều này mang lại cho chúng tôi năng lượng cần thiết để tiếp tục tiến lên và đấu tranh cho các thành viên còn lại của gia đình và cho cộng đồng chưa được thụ hưởng Daca".
Metzli Sanchez, 23 tuổi, chia sẻ: "Sau thắng lợi lớn nhường này, chúng tôi sẽ phải tiếp tục chiến đấu cho những người khác, đó là những người có năng lực nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét