Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

1850 - Nguyễn Thái Học – Cái chết của chủ nghĩa dân tộc tuyệt đối


Không phải vô nguyên cớ mà lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông Nguyễn Thái Học trở nên lưu danh thiên cổ trong lịch sử Việt Nam. Cái chết của ông chỉ là một trong những điều mà các thế hệ những người Việt yêu nước phải nghiêng mình kính trọng, bên cạnh đó, còn rất nhiều điều khác nữa vẫn ít khi được nhắc tới.
Trong lịch sử hôm nay, với sự mô tả rất dè sẻn dường như có chủ ý, phần lớn người Việt Nam chỉ biết đến các bậc tiền nhân Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng thất bại và sự hy sinh mà thôi. Các ghi chép dễ tìm thấy, chỉ gói gọn trong câu chuyện Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của mình hiên ngang ra máy chém ngày 17-6-1930. Nhưng trên thực tế, một Nguyễn Thái Học nằm trong trái tim người Việt, còn là một nhà đấu tranh cải cách ôn hòa, trước khi chọn kháng chiến vũ trang như giải pháp cuối để dành độc lập tự do cho người Việt.
Tiền thân của Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nam Đồng Thư Xã, với các hoạt động mở rộng tinh thần yêu nước, manh nha khởi nghĩa nhưng sức còn yếu, cho đến tháng 12-1927, khi Nguyễn Thái Học đứng ra tổ chức một hội nghị lớn, dựng nên Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) từ Nam Đồng Thư Xã thì sức phát triển nhanh đến bất ngờ. Dù nội quy của VNQDĐ là muốn được kết nạp vào đảng, phải có 2 đảng viên giới thiệu, và có sự theo dõi điều tra của Ủy ban Trinh Thám trong ít nhất nửa tháng, để tránh bị mật thám cài người.
Và ngay từ ngày đó, đã có những va chạm đầu tiên giữa VNQDĐ và các nhân sự tiền phong của đảng cộng sản từ Quảng Châu về, lúc đó Hồ Chí Minh có bí danh là Lý Thụy. Tuy nhiên, VNQDĐ vẫn nắm thế mạnh vì lúc đó nhân lực hùng mạnh đã trải rộng từ Bắc chí Nam, được phỏng đoán đến hàng chục ngàn người.
Từ thập niên 1940 trở đi, mâu thuẫn giữa VNQDĐ và người Cộng sản ngày càng lớn, đơn giản là do chủ trương chính trị. Tiêu chí của VNQDĐ do Nguyễn Thái Học nêu ra, là “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các nước lân cận: Ai Lao, Cao Miên”. Trong khi phía người Cộng sản do Lý Thụy lãnh đạo, thì muốn là một phần của cách mạng thế giới, đem chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam. Cụ thể là năm 1924, Lý Thụy từng tìm đến cụ Phan Bội Châu để xin chuyển tổ chức Tâm Tâm Xã của cụ sang tên mới là “Á tế á bị áp bức nhược tiểu Việt Nam Chi bộ”, trực thuộc “Liên đoàn các dân tộc bị trị”, nhưng cụ Phan Bội Châu cảm thấy không ổn nên từ chối.
Từ khi là thanh niên ở độ tuổi 20, Nguyễn Thái Học từng nghĩ đến chuyện thuyết phục người Pháp để thay đổi đất nước trong hòa bình – mà đời nay, ngôn ngữ thường dùng là “góp ý xây dựng, đưa đất nước tiến bộ.”. Năm 1925, viết bằng tiếng Pháp, Nguyễn Thái Học đã từng gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varene một kiến nghị cải cách nền công thương Việt Nam, thư đề nghị xây một trường Cao đẳng về công nghệ ở Hà Nội, và một dự án chi tiết về cải cách giúp cho dân nghèo Việt Nam. Nhưng nhiệm kỳ của Alexandre Varene rất ngắn ngủi (chưa đến 6 tháng https://bit.ly/37AfdA7) nên ông này không để tâm.
Tháng 6-1927, Nguyễn Thái Học còn gửi đơn đến thống sứ Bắc Kỳ để xin phép mở một nguyệt san với mục tiêu trí-đức-thể-dục cho người Việt, có tên là Nam Thanh nhưng cũng bị nhà cầm quyền từ chối. Thật ra lúc này Nguyễn Thái Học đã bắt đầu bị mật thám lưu ý, và coi là thành phần có khả năng tuyên truyền chống chế độ, xâm phạm lợi ích của tổ chức, công dân thuộc nhà cầm quyền.
Nói như vậy để biết, mọi người yêu nước đều bắt đầu với tinh thần ôn hòa, muốn đóng góp để xây dựng đất nước. Nhưng khi họ bị chà đạp, bị áp các điều luật mơ hồ, bỏ tù… thì nguồn năng lượng tự nhiên đó, sẽ biến từ kiên nhẫn ôn hòa sang những hình thái khác. Lịch sử cho thấy rõ như vậy.
Không phải chỉ Nguyễn Thái Học, mà những đồng chí can trường của ông cũng chưa bao giờ là người quen cầm súng hay ném bom. Hầu hết là tuổi trẻ trí thức nhưng sẳn sàng hy sinh để bảo vệ lý tưởng và chống lại cường quyền, đứng về phía nhân dân. Phó Đức Chính, người vẫn mỉm cười, bước lên cùng chịu chém đầu vào ngày 17-6, đã dũng liệt lặp lại lời của Nguyễn Thái Học “Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa tự do phải tưới bằng máu. Không thành công thì thành nhân”. (tài liệu của đảng viên VNQDĐ Hoàng Văn Đào ghi, 1970, một phần đăng trên tuần báo Tân Dân).
Còn Nguyễn Khắc Nhu khi bị Pháp vây ở Lâm Thao, đã chống trả quyết liệt. Nhưng rồi ông bị đạn trúng chân, biết mình không thoát được nên rút lựu đạn tự sát. Không may lựu đạn lại nổ yếu khiến ông chỉ bị thương nặng, ruột lòi ra đến ngoài. Lính Pháp băng lại, gánh bằng võng về đồn binh Hưng Hóa để xử tội. Khi đi ngang sông, ông nhào xuống để tự tử nhưng rồi cũng bị bắt lại.
Sử ghi lại rằng, phó công sứ tỉnh Phú Thọ là Chauvet vào đồn công an đang giam Nguyễn Khắc Nhu để thẩm vấn, hỏi rằng “Vì sao ông làm loạn?”. Ý của viên phó công sứ là đã cho cuộc sống yên ổn, sao còn thừa cơ xuống đường phạm tội gây rối trật tự công cộng hay tập trung đông người. Nguyễn Khắc Nhu đã đáp tức thì rằng “Người Việt Nam tức có bổn phận bảo vệ nước Việt Nam. Đó là lẽ phải và đạo làm người, sao lại là loạn?”.
Ngay khi dứt cuộc thẩm vấn, Nguyễn Khắc Nhu đập đầu vào tường trong đồn công an tự tử chứ không chịu nhục. Viên lính canh nhìn qua ô cửa la lên, nhưng không vào kịp. Sau đó y kể lại rằng Nguyễn Khắc Nhu phải đập đầu đến lần thứ ba mới chết.
Nguyễn Khắc Nhu có biệt hiệu là Song Khê, thi đậu đầu xứ Phủ Lạng Thương, thuộc Bắc Giang nên được người đời còn gọi là Xứ Nhu. Con trai của ông là Nguyễn Khắc Trạch, sau cũng theo cha, là đảng viên VNQDĐ, vừa đi làm ký giả vừa làm cách mạng. Năm 1945, ông Trạch cũng tử trận ở Sơn Tây, khi mâu thuẫn giữa VNQDĐ và đảng CSVN lên cao trào và xảy ra giao tranh liên tục.
Khi bị bắt, và bị giam ở Yên Bái, Nguyễn Thái Học có gửi hai lá thư cho các nghị sĩ Quốc hội Pháp và Toàn Quyền Đông Dương là Pierre Pasquier, nhưng lá thư ấy, bị trại giam chơi đòn hèn hạ giấu lại, không đến được nơi. Sau này, ký giả Louis Roubaud tìm thấy và đăng lại trên báo chí Pháp. Tờ Xưa & Nay của nhà nước hiện nay cũng có đăng lại bản tiếng Việt trên số 332 tháng 5/2009, với bản dịch có chút khác biệt (xin xem bản tiếng Pháp đi kèm theo bài). Nội dung được dịch như sau:
“Thưa các ông Nghị,Theo lẽ công bằng, quyền của mọi công dân là muốn giải phóng dân tộc. Theo nhân bản luận, bổn phận mọi cá nhân là cứu trợ đồng bào cực khổ. Tôi đã trông thấy gì? Đã 60 năm tổ quốc tôi bị đặt vào vòng nô lệ của các ông. Giòng giống tôi bị đe doạ bởi cuộc sinh tồn. Tôi có quyền, vậy thế, là bổn phận bảo vệ xứ sở đồng bào tôi.
Khởi đầu, ý nghĩ của tôi là muốn đi đến mục đích hợp tác với các ông. Những thế cờ ấy nhắc lại, cho tôi biết rõ rằng những người Pháp không muốn thành thật trong công cuộc hợp tác ấy. Và như thế tôi không thể phục vụ cho đồng bào tôi dài lâu, nếu các ông vẫn làm chủ trên xứ sở này. Năm 1927, tôi lập đảng phái quốc gia An Nam và hành động về 1/ đuổi Pháp ra khỏi lãnh thổ 2/ thành lập một chính phủ cộng hòa An Nam trên căn bản thành thật dân chủ.
Tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm về cá nhân tôi qua các biến động chính trị trên xứ sở này, kể từ ngày tôi thành lập đảng. Chỉ có tôi và chính tôi là thủ phạm, sự hành hình riêng tôi là đủ, tôi xin ân xá cho những người khác.
Điều ở đây tôi muốn nói với ông rằng, những người Pháp muốn chiếm Đông Dương yên ổn, thì từ đây trở đi, không muốn gặp một phong trào cách mạng nào, các ông phải:
1. Bỏ tất cả các phương pháp dã man vô nhân đạo
2. Cư xử với An Nam như bạn, chứ không phải là chủ ác độc.
3. Cố gắng giảm bớt sự đau khổ tinh thần và vật chất, xây dựng cho người An Nam quyền sơ đẳng cá nhân.
4. Không thể làm ngơ trước sự hối lộ của viên chức và tính xấu của họ.
5. Phải cho dân An Nam học hỏi phát triển thương mãi và kỷ nghệ của các ông
Xin các ông Nghị nhận nơi đây sự biểu tỏ tình cảm kính mến của tôi
Địch thủ của các ông, nhà cách mạng
Ký tên: Nguyễn Thái Học
(Bản dịch được ông Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, chủ nhiệm Tuần báo Tân Dân, miền Nam VNCH hiệu đính năm 1969).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét