Giáo sư Lê Xuân Khoa
Kính thưa quý vị khán thính giả và độc giả SBTN,
Vào ngày 3 tháng Năm, 2020 vừa qua, sau khi đài truyền hình SBTN phổ biến bài tham khảo tựa đề là “Ôn lại một số đặc điểm trong lịch sử tị nạn Việt Nam từ 1975” của giáo sư Lê Xuân Khoa, thì tác giả đã nhận được một số câu hỏi liên quan đến bài viết của ông. Tuần qua, chúng tôi đã nhận được sự hồi âm của giáo sư Lê Xuân Khoa, xin phổ biến để quý vị kính tường.
———-
Ngày 22 tháng Năm, 2020
Kính gửi Ông Nguyễn Quốc Cường,
Tôi đã nhận được các câu hỏi của ông và một số độc giả về bản tin Mạch Sống của BPSOS ngày 25/12/2019, nhan đề “Những điều ít ai biết về chương trình đã định cư 20 nghìn cựu thuyền nhân Việt Nam vào Hoa Kỳ”. Bản tin này cho biết “Nỗ lực bền bỉ của tổ chức BPSOS và một ít đồng minh . . . đã mở cánh cửa tương lai cho 20 nghìn cựu thuyền nhân trong 10 năm sau đó.” Bản tin có kèm theo một đoạn video cho thấy hình ảnh và lời phát biểu của Dân biểu Christopher Smith được BPSOS chú giải là “DB Christopher Smith đang thuật lại những nỗ lực anh dũng của BPSOS trong việc thành lập chương trình ROVR, từ năm 1998 đến 2000 đã đưa hơn 18 nghìn cựu thuyền nhân đến Hoa Kỳ sau khi họ đã bị hồi hương vào năm 1996.”
Thông tin này trái ngược với những điều tường thuật của tôi về chương trình ROVR trong bài viết về đặc điểm của lịch sử tị nạn Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4 vừa qua, vì vậy độc giả đã yêu cầu tôi giải đáp thắc mắc về sự mâu thuẫn này. Mặc dù trong mấy chục năm qua, tôi chưa bao giờ công khai phê phán việc làm của TS Nguyễn Đình Thắng, bây giờ tôi thấy cần phải đáp ứng yêu cầu của độc giả, không chỉ để làm sáng tỏ sự thật về việc ai khởi xướng và vận động thành công chương trình ROVR, mà chính vì chương trình ROVR là một sự kiện lịch sử, dù nhỏ nhưng quan trọng, đã giúp khai thông được tình trạng bế tắc của Kế hoạch Toàn diện Quốc tế (CPA), tránh được nạn cưỡng bách hồi hương và những cuộc xung đột đổ máu hay tự sát như đã xảy ra tại các trại tị nạn tạm trú giữa người tị nạn và lực lượng an ninh của chính phủ địa phương. Quan trọng hơn nữa, chương trình ROVR đã dự phần vào giải pháp thật sự công bằng, nhân đạo và lâu dài cho vấn đề tị nạn Việt Nam; đó là giải pháp chính trị của Hoa Kỳ khi ký thỏa hiệp bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995. Sự kiện lịch sử ấy cần phải được ghi chép khách quan và trung thực.
Các câu hỏi của độc giả tựu trung quy vào mấy vấn đề chính: Ai là tác giả của chương trình ROVR? TS Thắng có chống sáng kiến “khu vưc xám” của GS Khoa hay không? Nếu có, tại sao ông lại được DB Smith cám ơn về việc thành lập chương trình ROVR và định cư tị nạn Việt Nam”? Tổng số người được định cư theo diện ROVR là bao nhiêu? Tại sao có sự khác biệt giữa các con số: gần 20,000, theo DB Smith; hơn 18,000, theo TS Thắng; và 14.488, theo GS Khoa?
Tôi đã thảo xong một lá thư dài trả lời rành rẽ tất cả những vấn đề nêu trên và gửi cho mấy thân hữu thường tham khảo với nhau về những vấn đề quan tâm chung. Sau khi trao đổi ý kiến với các bạn, qua email và điện thoại, tôi quyết định hoãn đưa lá thư này ra công luận vì hai lý do chính sau đây:
- Bài viết của tôi về tị nạn nhân dịp 30/4 vừa qua được VOA và nhiều trang mạng trong và ngoài nước đưa lên vì thấy có nhiều thông tin cần thiết và đúng lúc để làm sáng tỏ chính nghĩa tị nạn Việt Nam và những đóng góp quan trọng của người tị nạn vào các chính sách và chương trình tị nạn của Hoa Kỳ và quốc tế. Nhưng, nếu tôi viết thêm một bài trong lúc này về một chương trình định cư tị nạn 25 năm về trước, dù đặc biệt như ROVR, thì bài sẽ bị lạc lõng và không được mấy ai quan tâm giữa lúc tất cả mọi người đang lo lắng bảo vệ đời sống của bản thân và gia đình trước trân đại dịch corona virus đang đe dọa toàn quốc Hoa Kỳ và thế giới.
- Mặc dù tôi không bàn luận gì về nội dung bản tin ngày 25/12/2019 của BPSOS, độc giả vẫn có thể dễ dàng nhận thấy “những điều ít ai biết” về chương trình ROVR thật ra lại là những sự kiện cụ thể lần đầu tiên được đưa ra công khai trong bài viết của tôi về tị nạn vào cuối tháng Tư năm nay. Với quan điểm độc lập phi đảng phái, với thái độ chừng mực, nghiêm túc và cách sử dụng “sức mạnh mềm” trong các cuộc vận động và đối thoại, tôi đã được các nhà làm chính sách của cả hai đảng CH và DC đón nhận như một đối tác đáng kính nể. Trong tư thế ấy, tôi không nên bận tâm đến những thủ đoạn mập mờ giành giựt công lao để xây dựng uy tín và lợi ích cá nhân.
Vì những lẽ trên, để đáp ứng yêu cầu chính đáng của môt số it độc giả đã đọc bản tin của BPSOS, thay vì viết bài đưa ra công luận, tôi sẽ viết một lá thư trả lời chung nhưng gửi riêng cho mỗi người để bảo vệ sự riêng tư cá nhân. Các câu hỏi được tóm gọn vào hai vấn đề chính: (1) Chương trình ROVR do ai thành lập và được thành lập như thế nào?; và (2) tổng số người tị nạn định cư ở Hoa Kỳ theo diện ROVR là bao nhiêu và tại sao có sự khác biệt giữa các con số của DB Smith (gần 20,000), của TS Thắng (hơn 18,000) và của GS Khoa (14,488)?
Về câu hỏi thứ nhất, tôi thấy chỉ cần nhắc quý độc giả đọc lại mấy trang tường thuật quá trình thành lập chương trình ROVR trong bài viết trước của tôi để thấy rõ tôi là người khởi xướng chương trình này và hiện diện trong từng bước khai triển và vận động kéo dài 5 năm, từ Giải pháp Khu vực xám, qua Đề án Track II, cuối cùng được cả hai chính phủ Việt, Mỹ chấp thuận và đặt tên chính thức là Chương trình ROVR. TS Nguyễn Đình Thắng và BPSOS chỉ tham gia ROVR từ 1998 và vận động cho những người nộp đơn trễ hạn. Điều đáng chú ý là TS Thắng là người kịch liệt chống Giải pháp Khu vực xám, không chỉ rút tên ra khỏi CPA Task Force mà còn viết thư khuyến cáo đồng bào trong các trại tạm trú đừng tin vào “ảo tưởng” được định cư theo giải pháp này. Đồng bào tị nạn trong các trại biết đến giải pháp khu vực xám là qua tin tức báo chí và truyền thông tiếng Việt hay ngoại ngữ nói đến đề nghị của tôi tại các buổi hôi thảo ở California, ở Philippines và nhất là ở Hội nghị Bàn tròn do Vatican tổ chức tại trụ sở LHQ, New York ngày 9 và 10 tháng Ba, 1993. Tin tức này phần lớn là do người bên ngoài gửi cho thân nhân hay bạn bè trong các trại tị nạn.
Lá thư ký tên Nguyễn Đình Thắng gửi cho “Các bạn mến” được đăng trên tờ DIỄN ĐÀN TỰ DO ở Washington, D.C., ngày 11/08/1993, dưới nhan đề Giải pháp ”Khu Vực Xám” cho thuyền nhân: thực hư ra sao? TS Thắng không nêu đích danh tôi trong thư mà chỉ nói rằng “giải pháp này do một cơ quan ở hải ngoại đưa ra, đại ý là xin quốc tế làm một chuyến tàu vét, định cư tất cả những người thuôc ‘khu vực xám’.” Ông nhắc lại định nghĩa cơ bản của tôi về khu vực xám gồm có “cựu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, cựu nhân viên sở Mỹ, tu sĩ các tôn giáo, các bộ nhân Dong Rek, Thái Lan, và một số trường hợp nhân đạo”. TS Thắng cho hay là ông đã phối kiểm với Văn phòng Tị nạn Bộ Ngoại giao và được nhân viên văn phòng này “khẳng định rằng BNG đã và sẽ không bao giờ ủng hộ giải pháp này.” Tiếp theo, ông Thắng phê bình sáng kiến khu vực xám là sai lầm và khuyến cáo đồng bào trong trại “đừng đi trên mây”, “phải hết sức đề cao cảnh giác” vì “bất kỳ một giải pháp nào nghe quá ‘ngon ăn’ thì chỉ là ảo tưởng mà thôi.” Chống “khu vưc xám” tức cơ bản của chương trình ROVR mạnh đến thế mà bây giờ TS Thắng lại nhận công thành lập chương trình ROVR và giúp định cư được hơn 18,000 cựu thuyền nhân.
Có môt sự kiện tôi muốn chia sẻ thêm là: Chỉ vài ngày sau Lễ Giáng Sinh 2019, một người bạn đã gửi cho tôi bản tin Mạch Sống ngày 25/12/2019 của BPSOS. Thay vì đính chính dụng ý đen tối của bản tin đó, tôi đã viết thư cho Dân biểu Chris Smith ngày 25/01/2020, đính chính phát biểu sai lầm của ông vì ông không được TS Thắng cung cấp thông tin chính xác về lai lịch của chương trình ROVR, nhất là việc TS Thắng giấu diếm chuyện ông ta rút khỏi CPA Task Force và viết bài chống lại giải pháp “khu vực xám” gửi vào các trại tị nạn năm 1993. Tôi còn nhắc đến lá thư tôi viết cho DB Smith ngày 22/5/1995 đề nghị ông lãnh đạo dự án Track II (lúc đó còn đang thảo luận việc hoàn chỉnh dự án với BNG và NSC) nhưng ông không nhận. Tôi hiểu rằng với tư cách một dân biểu chuyên bảo vệ nhân quyền, ông Christopher Smith ủng hộ tất cả những tổ chức binh vực các nạn nhân bị chế độ độc tài tước đọat hay đàn áp nhân quyền và dân quyền. Trên cương vị ấy, ông có những đòi hỏi tuyệt đối để khi cần giải quyết thực tế dù không hoàn toàn như ý muốn cũng có thể đạt được mức độ hợp lý. Đó là lý do ông trình dự luật HR 1561 đòi cắt 30 triệu đô-la từ ngân sách Bộ Ngoại giao để dùng vào việc tái thanh lọc những người đã bị các nước tạm dung không nhìn nhận là tị nạn. Đó là đòi hỏi tuyệt đối có thể dẵn đến một cuộc khủng hoảng mới về tị nạn vì các nước tạm dung sẽ quyết liệt hơn trong việc cưỡng bách hồi hương và đóng cửa các trại tị nạn. Cuối cùng, DB Smith đã tu chính dự thảo luật, phục hồi 30 triệu cho BNG với điều kiện số tiền này không được dùng vào việc cưỡng bách hồi hương. Kết quả này đã đánh tan không khí hồ hởi trong các trại tạm trú do tin đồn từ bên Mỹ đưa qua là quốc hội đang can thiệp cho những trường hợp bị rớt thanh lọc sẽ được chính phủ Mỹ tái xét cho định cư. Đây mới đúng là “ảo tưởng” và nó đã làm thiệt hại nhiều cho các nước liên quan, nhất là cho những gia đình bị cắt bớt tiền trợ cấp hồi hương do hồi hương trễ, dù là tình nguyện. Dù sao, tôi cũng đã chứng minh cho DB Smith thấy rõ lề lối làm việc không ngay thẳng của TS Thắng và ý đồ lợi dụng tên tuổi của Dân biểu Smith vào việc xây dựng uy tín cá nhân và quyên tiền cho tổ chức của mình.
Về câu hỏi thứ hai, con số “gần 20,000” do DB Smith đưa ra là con số phỏng định ban đầu do BPSOS cung cấp. TS Thắng đã khôn ngoan giảm xuống còn “hơn 18 nghìn” để cho có vẻ gần với sự thật hơn. Con số 14,488 mà tôi đưa ra là con số chính xác lấy từ thống kê của BNG tính đến ngày 19/01/1999. Khi BPSOS tham gia chương trình ROVR năm 1998 thì các cuôc phỏng vấn đang diễn ra mau chóng với tỉ lệ chấp thuận lên tới gần 90 phần trăm. Nên biết rằng sau khi được Mỹ ký thỏa thuận bang giao, Việt Nam hợp tác giải quyết các hồ sơ ROVR rất mau chóng vì không còn cần đến lá bài tị nạn nữa. Từ nay, quan tâm chính của họ là thu hút tiền viện trợ hay cho vay của chính phủ Mỹ và các dự án đầu tư hấp dẫn của tư bàn Hoa Kỳ. Khi ấy, BPSOS chỉ còn phải vận động cho những người nộp đơn trễ vì trước đó họ đã được TS Thắng khuyến cáo rằng chương trinh ROVR là “ảo tưởng”. Dù sao, con số hơn 18 nghìn (cứ kể là 18,500 cho dễ tính toán) được BPSOS đưa vào Hoa Kỳ từ 1998 đến 2000 là không chính xác vì trong đó đã có một số được chấp thuận trước, tính đến 19/01/1999. Như vậy, trong hai năm 1999 và 2000 , BPSOS chỉ có thể đưa vào Mỹ tối đa là 4,012 người (18,500 – 14,488 = 4012).
Ngày 30/06/2008, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và Tổng Lãnh sư quán Mỹ đã có cuộc hội thảo tổng kết các chương trình ODP và định cư nhân đạo gồm các diện đoàn tụ gia đình, con lai, H.O., ROVR, cựu nhân viên sở Mỹ hoặc có quan hệ với chính phủ Mỹ (U.11), cựu nhân viên hoặc có quan hệ với các công ty hay tổ chức tư nhân Mỹ (V.11). Tính từ năm 1989 đến 2007, có 518,016 người xuất cảnh đến Mỹ định cư, trong đó có 17,284 theo diện ROVR. Đây là con số đúng nhất khi chương trình ROVR chấm dứt năm 2007. Như vậy, con số 18,500 do BPSOS phỏng định cao hơn tổng số thật sự là 1,216 (18,500 – 17,284 = 1,216) và con số ROVR được BPSOS định cư ở Mỹ chỉ có thể là 2,796 (4012 – 1,216 = 2,796).
Đoạn cuối trong bản tin Mạch Sống ngày 25/12/2019 còn nói đến chương trình ROVR được nới rộng năm 2004 để hơn 1,800 cựu thuyền nhân ở Philippines được định cư ở Hoa Kỳ. Thật ra là sau ROVR còn có một số chương trình đặc biệt khác của Mỹ để hoàn toàn chấm dứt thảm kịch tị nạn Việt Nam trong tinh thần nhân đạo. Những chương trình này gồm có những diện Biệt kích Lôi Hổ, Biệt kích Nùng, con cái cựu tù cải tạo trên 21 tuổi nhưng còn độc thân (Tu chính án McCain) và nhóm tồn đọng ở Philippines không bị hồi hương nhưng không được cấp giấy tờ hợp pháp. Hầu hết những người còn lại ở Phi không nằm trong điều kiện ROVR nhưng được chính phủ Mỹ đặc biệt chấp thuận. Lúc này tôi đã về hưu gần 10 năm, chỉ biết chuyện luật sư Trịnh Hội đôn đáo vận động các chính phủ Úc, Na Uy, Hoa Kỳ và Canada chia nhau nhận khoảng 2,000 người với sự hỗ trợ đắc lực của bạn bè và cộng đồng người Việt ở những quốc gia này.
Tôi đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của quý vị bằng những sự kiện và con số có thể được kiểm chứng. Việc phán đoán xin dành cho tất cả quý độc giả.
Kính thư,
Lê Xuân Khoa
Tham khảo thêm :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét