Không cần chờ đến sự kiện George Floyd, phân biệt đối xử với nghệ sỹ da màu luôn là cơn sóng ngầm trong làng âm nhạc thế giới và đặc biệt tại Mỹ. Tuy nhiên, nghệ sỹ vĩ đại nhất thế kỷ 20, Nat King Cole là người tiên phong phá bỏ thành trì định kiến đó.
Gia Trình nói về chất giọng quý giá của những ca khúc kinh điển như Unforgettable, Smile, Nature Boy lần đầu tiền chiếm sóng trên đài phát thanh và truyền hình Mỹ ở thập niên 50. Vẻ đẹp âm nhạc của ông Nat King Cole không có biên giới và càng không thể bó hẹp ở bởi màu da cho dù gần một thế kỷ trôi qua.
Chất giọng thiên phú và tư duy âm nhạc xuất sắc
Nat King Cole tên thật là Nathaniel Adams Coles, sinh năm 1919 tại bang Alabama, Mỹ. Tài năng âm nhạc sớm bộc lộ khi mẹ ông dạy chơi piano năm 4 tuổi. Nat King Cole bỏ học trung học năm 15 tuổi để lập ra nhóm nhạc riêng do ông làm trưởng nhóm, King Cole Trio. Mới đầu, ông chỉ chơi bass, guitar và piano và chưa hát nhiều. Nhóm King Cole Trio liên tiếp có những bản hit, đặc biệt lần đầu tiên chiếm sóng trên kênh phát thanh Mỹ năm 1946. Đây là sự kiện quan trọng khi nhóm nhạc Mỹ gốc Phi được phát trên kênh radio quốc gia. Đồng thời, sau đó Nat King Cole hát nhiều hơn và chuyển hẳn sang hát pop ballad hơn là nhạc jazz như thời kỳ đầu.
Giọng hát của Nat King Cole luôn được coi là gia tài vô giá, cho dù ông không được đào tạo cơ bản trở thành ca sỹ. Ai có thể không say mê khi giọng hát rất giản dị, mộc mạc? Nat King Cole sở hữu chất giọng baritone rất ấm, hơn thế nữa, ông có giác quan đặc biệt để kiểm soát độ ngân và độ cao chuẩn xác từng nốt. Ca sỹ Aron Neville đã thốt lên rằng giọng hát Nat King Cole có phép màu thôi miên người nghe.
Phải chăng chất giọng thiên bẩm khiến ông trở nên tên tuổi vĩ đại ? Không chỉ bởi giọng hát, Nat King Cole chứng tỏ một tư duy âm nhạc vượt trội trong cách xử lý bài. Ông chú trọng vào cảm giác thư giãn, giải trí của người nghe hơn là sự phô diễn của nghệ sỹ. Chính vì thế, màu sắc âm nhạc của Nat King Cole tạo được không gian ấm áp, nhẹ nhàng. Người nghe được thả hồn vào chất giọng mượt như nhung, nhưng không bị căng như dây đàn.
Cây đại thụ làng nhạc jazz thập niên 60-70, Frank Sinatra còn tiết lộ thể loại nhạc duy nhất ông nghe để thư giãn và xả stress là Nat King Cole. Âm nhạc của Nat không chỉ đơn thuần là ứng dụng giải trí mà còn nâng tầm lên thành một liệu pháp tâm lý bằng âm nhạc. Khán giả nghe nhạc Nat như thưởng thứ rượu quý cho đến khi say mềm như ca từ của bản nhạc kinh điển Smile (Hãy mỉm cười).
Smile tho' your heart is aching ; Smile even tho' it's breaking ; When there are clouds in the sky ; You'll get by If you smile ; Thro' your fear and sorrow ; Smile and maybe tomorrow ; You'll see the sun come shin-ing thro' for you.
Hãy mìm cười cho dù trái tim bạn đau đớn ; Hãy mỉm cười khi tim bạn tan vỡ ; Luôn có mây mù trên bầu trời ; Khi bạn đến ; Nếu bạn mỉm cười ; Đi qua được nỗi sợ hãi và u buồn ; Mỉm cười và có thể ngày mai ; Bạn sẽ thấy mặt trời chiếu sáng.
Phá bỏ khuôn khổ cho nghệ sỹ da màu
Sự vĩ đại của Nat King Cole còn thể hiện ở tầm nhìn của chất giọng thiên phú. Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Thụy Sỹ, Nat King Cole nói : “Tôi luôn tìm cách làm vừa lòng nhiều người nhất có thể vì khán giả đều có gu riêng. Khi cả hai đều thích nhau, đó là câu chuyện kinh doanh tốt đẹp”. Thực tế, Nat chứng tỏ đầu óc kinh doanh nhạy bén khi luôn muốn mở rộng tệp khán giả, vượt khỏi ranh giới địa lý và màu da. Hình ảnh ông trước công chúng bao giờ cũng lịch lãm trong áo sơ mi thắt nơ, mái tóc óng mượt, khác biệt hẳn vẻ bụi bặm, râu ria của những nhạc công da màu.
Trong thập niên 50-60, xã hội Mỹ phân hóa sâu sắc giữa người da trắng và da màu. Trong âm nhạc, chỉ có một vài phân khúc dành cho người da màu như nhạc R&B hay gospel. Cùng thời kỳ với hai ngôi sao da trắng là Elvis Presley và Bing Crosby, Nat lập kỳ tích về mặt nghệ thuật khi gặt hái thành công với nhiều bản hit khác nhau. Hơn thế nữa, ông còn thành công hơn về mặt văn hóa vì đã phá bỏ định kiến về khuôn khổ xã hội cho nghệ sỹ da màu.
Cuộc biểu diễn ngày 12 tháng 4 năm 1956 tại Birmingham, Alabama, là sự kiện đáng nhớ với ông. Bang nhóm gồm hơn 100 người đàn ông da trắng lên kế hoạch tấn công concert từ bốn ngày trước đó. Sáu người đàn ông tìm cách túm chân và quật ông ngã xuống sàn diễn. Kết quả là Nat bị chấn thương nhẹ ở lưng và hủy diễn các concert tiếp theo.
Ông đã phá vỡ nguyên tắc truyền thống của người da trắng và da màu tại thời điểm đó. Hình mẫu ban nhạc đa sắc tộc của King Cole Trio có thể coi xúc phạm với người da trắng. Hơn thế, biểu diễn cho đám đông khán giả hai màu da là sự xúc phạm khác với cộng đồng người da màu.
Một sự kiện đáng chú ý khác trong năm 1956 là Nat dẫn Chương trình The Nat King Cole Show chính thức phát trên kênh truyền hình NBC. Chương trình thu hút lượng khán giả khổng lồ với sức hút Nat King Cole nhưng đài NBC thua lỗ nặng vì không có nhà tài trợ. Rất chua xót, không nhà tài trợ thương mại nào dám bỏ tiền ra với người dẫn chương trình da màu. Chương trình hàng tuần này phải hủy bỏ sau gần một năm lên sóng. Mặc dù sự tồn tại ngắn ngủi của Nat King Cole Show nhưng ông phá bỏ điều cấm kỵ : truyền hình chỉ dành cho người da trắng.
Di sản âm nhạc của thế kỷ 20
Nat King Cole qua đời vào tháng 2 năm 1965 ở tuổi 46 do căn bệnh ung thư phổi. Mặc dù mất sớm nhưng ông để lại bộ sưu tập âm nhạc đồ sộ và triết lý âm nhạc sâu sắc. May mắn hơn chút, ông đã có cô con gái thừa hưởng gene âm nhạc của mình, nữ ca sỹ Natalie Cole (sinh năm 1950 - mất năm 2015). Natalie Cole là nghệ sỹ tài năng, không chỉ hát mà đóng phim, tập trung vào dòng nhạc chính pop và R&B.
Hai giải Grammy quan trọng nhất sự nghiệp của Natalie Cole đều gắn liền với hai tác phẩm song ca với người cha quá cố : Unforgettable (Không thể nào quên) năm 1991 và When I fall in love (Khi tôi yêu) năm 1996. Cho dù được ghi âm bốn mươi năm sau bản gốc đơn ca, bản song ca của Natalie Cole làm bừng tỉnh ký ức và không gian âm nhạc lãng mạn mà người cha đã dày công kiến tạo. Điều đó nhắn nhủ chúng ta rằng tư duy âm nhạc của Nat King Cole, ngôi sao vĩ đại nhất thế kỷ 20, là bất tử như chất giọng quý giá của ông.
*****
(Theo Guardian, MRP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét