Ngày 16/06, chỉ một ngày sau khi ông Chánh án TANDTC phân bua tại nghị trường quốc hội về quyết định 17/17 bác kháng nghị của VKSTC về vụ án Hồ Duy Hải, ông khẳng định: Hồ Duy Hải có đến 25 lời nhận tội! Thì Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nhóm họp xem xét khả năng kích hoạt điều 404 Bộ Luật Tố tụng Hình sự kiến, nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định bác kháng nghị của họ.
Ngoài Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thẩm quyền kích hoạt điều 404 còn có Ủy ban thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Trong số 04 đối tượng trên, quyền kích hoạt điều 404 của Ủy ban thường vụ Quốc hội được gọi là yêu cầu và 03 đối tượng còn lại thì được gọi là kiến nghị.
Khi nhận được YÊU CẦU kích hoạt điều 404, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ có thời hạn 04 tháng để mở phiên họp xem xét lại quyết định của chính mình. Trong phiên họp, thì Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số ¾.
Khi nhận được KIẾN NGHỊ kích hoạt điều 404, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ có thời hạn 30 ngày để mở phiên họp thứ nhất xem xét, thảo luận về kiến nghị đó. Trong phiên họp, Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số quá bán. Nếu nhất trí, họ sẽ có thời hạn 04 tháng để mở phiên họp thứ hai xem xét lại quyết định của chính mình. Và đương nhiên, trong phiên họp, thì Hội đồng Thẩm phán quyết định theo túc số ¾.
Khi xem xét lại quyết định của chính mình, Hội đồng Thẩm phán TANDTC có quyền:
– Giữ nguyên quyết định của chính mình, bác các yêu cầu, kiến nghị;
– Hoặc, hủy quyết định của chính mình, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, điều tra lại hoặc xét xử lại.
Qua đó cho thấy, trong trường hợp Ủy ban Tư pháp Quốc hội KIẾN NGHỊ Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định của mình về vụ án Hồ Duy Hải, thì kiến nghị đó phải trải qua đến 02 phiên họp của Hội đồng Thẩm phán. Chỉ khi nào phiên họp thứ nhất xem xét về kiến nghị đạt được túc số quá bán thẩm phán thuộc Hội đồng Thẩm phán nhất trí, thì mới có thể có phiên họp thứ hai xem xét về quyết định của Hội đồng Thẩm phán. Nhưng lần này, họ quyết định theo túc số ¾, thì rõ ràng, cánh cửa lại càng hẹp hơn.
Cao cơ hơn, thay vì kiến nghị, thì Ủy ban Tư pháp Quốc hội có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra văn bản YÊU CẦU đối với Hội đồng Thẩm phán. Khi ấy, ít nhất về thủ tục đã giảm bớt đi một cửa. Chưa kể, vị thế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn hơn hẳn vị thế của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, chắc chắn sẽ tạo sự quan tâm hơn của Hội đồng Thẩm phán khi họ xem xét vụ án.
Tuy vậy, với cánh cửa còn lại, để đạt túc số ¾ (tức 13/17) số thẩm phán cấp cao chấp thuận đảo ngược quyết định trước đây của mình, có lẽ, cần có một quyết tâm cao về chính trị… Mà quyết tâm đó, chỉ ở Ba Đình mới có thể quyết định chứ không phải ở pháp đình.
* Tham khảo các điều 404, 405, 406, 407, 408, 409 và 410 Bộ Luật Tố tụng Hình sự hiện hành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét