Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

1812 - Đại hội 13: Không thể có báo cáo chính trị ‘xứng tầm’



Tại Hội nghị Trung ương 11 ngày 7/10/2019, Ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm của đại hội, là căn cứ lý luận và thực tiễn quan trọng để xây dựng các báo cáo khác. Ông cũng nhấn mạnh "Nhân dân, cán bộ kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ có một báo cáo chính trị xứng tầm". Đến nay, dự thảo báo cáo đã cơ bản hoàn thành.
Ngày 10/6/2020, Hội nghị báo cáo viên Trung ương khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội. Theo truyền thông nhà nước, tại hội nghị này ông Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo về những điểm được cho là ‘mới’ của bản dự thảo, trong đó: “xây dựng chỉnh đốn hệ thống chính trị” gắn liền với xây dựng chỉnh đốn Đảng; Mục tiêu: “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; Nhận định ‘vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn’; và quan điểm chỉ đạo: ‘vững vàng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Các nhà quan sát và dư luận cho rằng bốn nội dung trên không thể gọi là ‘xứng tầm’ và người dân kỳ vọng lớn hơn vào những cải cách thể chế chính trị. Tuy nhiên, nếu phân tích từ bản chất của chế độ sẽ không thể có báo cáo chính trị ‘xứng tầm’ tại Đại hội 13. Các lý do chính: Một là, phương thức cải cách tiệm tiến vẫn là sự lựa chọn ưu tiên phù hợp với sự lãnh đạo tập thể dựa trên đồng thuận. Hai là, sau giai đoạn ‘bất ổn thể chế’ trong nhiệm kỳ Đảng đã ‘kiểm soát được tình hình’ nhờ tăng trưởng kinh tế dựa vào thị trường và chiến dịch chống tham nhũng để ‘chỉnh đốn’ đảng; Ba là, bối cảnh quốc tế khiến Việt Nam không thể chọn ‘phe’ Mỹ hay Trung Quốc.

‘Cải cách tiệm tiến là sự lựa chọn’

Hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách là công việc của đảng, của giới lãnh đạo. Bởi vậy, về nguyên tắc, tất cả phải vì lợi ích của đảng, và cụ thể trước hết là sự tồn vong của đảng. Chế độ đảng toàn trị có cội nguồn từ mô hình Liên Xô trước đây. Đó là chế độ do một đảng duy nhất lãnh đạo, với một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa bao trùm trên nền tảng tư tưởng Mác - Lênin, sử dụng chuyên quyền, tạo ra sự sợ hãi để buộc mọi người dân trong xã hội phải trung thành tuyệt đối với hệ tư tưởng chính thống, với việc ‘kiểm soát chặt chẽ mọi khía cạnh riêng tư nhất của các thành viên trong xã hội’. Chế độ này phủ nhận các định chế chính trị mang tính đối trọng, như đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự hay trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ, mà chủ yếu dựa vào giới lãnh đạo điều hành đất nước, đặc biệt vai trò của lãnh tụ.
Các văn kiện đại hội là công cụ cai trị, phải thể hiện quan điểm của đảng cầm quyền, từ đó ban hành các chính sách trong mỗi khoảng thời gian, dài hạn, trung hạn hoặc hàng năm bao quát mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Các văn kiện này, về nguyên tắc phải nhất quán và có tổ chức, được cụ thể hoá trong các chương trình hành động của các địa phương hoặc các bộ phận cấu thành chế độ. Đặc trưng của phương thức cai trị này là loại bỏ sự bất ngờ, không đoán định. Những thay đổi ‘đột phá’ có thể là nguy cơ làm sụp đổ chế độ và chỉ được đảng cân nhắc khi nguy cơ này hiện hữu, khi chế độ ‘bị dồn vào chân tường’. ‘Cải cách và mở cửa’ ở Trung Quốc cuối những năm 1970 và ‘Đổi mới’ ở Việt Nam sau đó khoảng một thập kỷ là những minh chứng lịch sử rõ ràng.
Ngoài ra, các nhà toàn trị đúc rút bài học sụp đổ là từ nội bộ, khi giới lãnh đạo xa rời hệ tư tưởng chính thống, tạo thành các nhóm lợi ích, thậm chí là hình thành phe nhóm. Bởi vậy, cải cách tiệm tiến, từ từ, ‘sai sửa’ luôn là sự lựa chọn của giới cầm quyền. Các biện pháp cải cách thể chế có thể hướng đến giải quyết vấn đề liệu đảng cộng sản toàn trị có thể điều khiển được kinh tế thị trường mà không làm thay đổi bản chất chế độ? Cho đến nay chưa thể có lời giải về lý thuyết khi chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ là hình thức duy trì chế độ. Đồng thời, chỗ dựa thực tế cũng lung lay, khi Trung Quốc không còn là ‘hình mẫu’ để noi theo. Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực để thay đổi chế độ toàn trị bằng chế độ độc tài.
Mặc dù vậy, quá trình cải cách thể chế từ kinh tế đến chính trị luôn được đặt ra qua nhiều kỳ đại hội đảng. Ai mà đoán trước được khi nào nó sẽ kết thúc?

‘Kế thừa chính sách’

Sau giai đoạn ‘bất ổn thể chế’ chủ yếu do tăng trưởng kinh tế nóng vội dựa vào các tập đoàn nhà nước của nhiệm kỳ trước, Đảng dường như đã ‘kiểm soát được tình hình’ nhờ điều chỉnh chính sách tăng trưởng dựa vào thị trường và chiến dịch chống tham nhũng để chỉnh đốn đảng. Một chính sách mang tính thực dụng rõ nét hơn để duy trì chế độ lấy tăng trưởng kinh tế làm tính chính danh thay cho bầu cử dân chủ.
Nhiệm kỳ Đại hội 13 vẫn sẽ ‘kế thừa’ chính sách hiện nay. ‘Chính phủ kiến tạo’ là phù hợp với hiện trạng kinh tế của đất nước. Đảng vẫn nhấn mạnh sẽ tiếp tục ‘chống tham nhũng, và trong hơn 4 năm của nhiệm kỳ Đại hội 12 nhiều quan chức cấp cao bị kỷ luật, kết án tù hoặc bị loại khỏi guồng máy cai trị dưới nhiều hình thức bởi các tiêu chuẩn định tính, như nêu gương đạo đức, cá nhân chủ nghĩa, ‘tự chuyển hoá’ hay ‘tham vọng quyền lực’.
Những kết quả từ các chính sách trên bước đầu huy động được nguồn lực xã hội thông qua thị trường để tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh loại bỏ những rào cản về hành chính, thực thi công vụ và luật pháp. Tuy nhiên, hiệu ứng bất cập từ chính sách trên dần bộc lộ.
Các hiện tượng ‘trên nóng dưới lạnh’, ‘trên bảo dưới không nghe’, ‘giấu mình chờ thời’ như những căn bệnh cố hữu của hệ thống chính trị. Các giá trị xã hội đang lẫn lộn, xung đột, giữa thị trường và kế hoạch hoá, giữa chủ nghĩa cá nhân và tập thể, sự bất công và khoảng cách phân hoá giàu nghèo ngày càng nới rộng, tệ nạn xã hội và các hiện tượng tiêu cực tràn lan trong nhiều lĩnh vực của một xã hội mang tính chất ‘tư bản thân hữu’ nặng nề.
Thị trường ngày càng đòi hỏi thể chế đối trọng và trách nhiệm giải trình dân chủ khi điều kiện thiếu vắng cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực. Minh chứng rõ ràng nhất là Đảng không thể kiểm soát được tài sản quan chức như giải pháp chống tham nhũng. Để tránh sụp đổ chế độ Đảng buộc vẫn phải duy trì bộ máy đặc quyền đặc lợi. Tinh giản bộ máy là nhiệm vụ dường như ‘bất khả thi’ trong qua nhiều nhiệm kỳ.

‘Không thể chọn ‘phe’

Bối cảnh quốc tế phức tạp, bất định khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung, đang thay đổi và ‘tăng tốc’ bởi đại dịch COVID-19, có thể trở thành ‘chiến tranh lạnh 2.0’. Toàn cầu hoá đang lùi bước trước chủ nghĩa quốc gia. Trật tự mới chưa định hình khi trật tự hiện hành do Mỹ dẫn đầu bị lung lay, thách đố bởi sự ‘trỗi dậy’ hung hăng của Trung Quốc.
Các quốc gia đang lúng túng trước sự lựa chọn ‘phe’ Mỹ hay Trung trong tình thế liên kết kinh tế phức tạp bởi các chuỗi cung ứng toàn cầu và sự lệ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Hơn thế, vì cuộc chiến này mang màu sắc chính trị, và ý thức hệ hiện hữu trong mọi vấn đề quan hệ giữa hai cường quốc khi Việt Nam có hệ tư tưởng của chế độ tương đồng với Trung Quốc, lệ thuộc nặng nề về kinh tế với nước này, nhưng ủng hộ chính sách ‘tự do hàng hải’ của Mỹ để bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông. Dư luận có thể không hài lòng về chính sách ‘đu dây’, tuy nhiên, Việt Nam không thể chọn phe.
Các nhà nghiên cứu và quan sát tình hình đang chỉ ra thời cơ ‘đổi mới’, tăng trưởng kinh tế nhanh nếu nắm bắt và thay đổi để đón nhận. Tuy nhiên, thực tế có thể dự đoán rằng cơ hội rồi sẽ trôi đi như đã từng trong suốt quá trình chuyển đổi. Báo cáo chính trị như trên đây không thể là căn cứ để thay đổi đột phá thể chế. Kỳ vọng của người dân sẽ ‘hụt hẫng’ ở kỳ Đại hội 13, tuy nhiên có thể sẽ lại được ‘nuôi dưỡng’ trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
Chủ nghĩa xã hội vẫn chỉ là định hướng kể cả khi Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21, nhưng nội dung này lại được coi là ‘mới’ trong ‘Báo cáo chính trị’ trình Đại hội 13.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét