Đợt phá hủy các tượng đài gần đây ở Anh Quốc và Hoa Kỳ - từ vụ giật đổ tượng ở Bristol, Anh Quốc cuối tuần rồi, phá hủy bức tượng đồng tưởng nhớ nhà buôn nô lệ người Anh Edward Colston từ Thế kỷ 18, đến các vụ bôi bẩn tượng tuần này ở Boston, Miami và Virginia với những bức tượng tôn vinh nhà thám hiểm Christopher Columbus cũng như các lãnh đạo phe Liên minh Miền Nam Hoa Kỳ - làm dấy lên câu hỏi về mục đích tồn tại của tượng đài ở nơi công cộng.
Tại sao ban đầu ta cảm thấy thôi thúc phải tạo ra những bức tượng như vậy?
Việc bôi bẩn tượng ở Hoa Kỳ, rồi vụ người biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter ở Anh giật đổ tượng Colston khỏi bệ, lăn bức tượng qua nhiều con phố sau đó vứt xuống cảng biển - tất cả những vụ này này diễn ra sau vụ chết người cuối tháng trước ở Minneapolis, Minnesota, khi người Mỹ gốc Phi, George Floyd, tử vong do bị một nhân viên cảnh sát da trắng tì đầu gối lên cổ.
Tám phút chậm rãi dần ngạt thở của Floyd đã được một người qua đường ghi hình lại, và nó khởi đầu cho làn sóng biểu tình mạnh mẽ khắp thế giới.
Nó khiến cho việc đòi loại bỏ những tượng đài vinh danh các nhân vật nổi tiếng (và làm giàu) nhờ vào sự trấn áp người da màu và bóp nghẹt văn hóa bản địa càng trở nên cấp bách.
Trong vài năm gần đây, nhiều tượng đài ở Hoa Kỳ kỷ niệm các lãnh đạo chính trị và quân sự bị đánh bại trong phe Liên minh Miền Nam (từng chiến đấu nhằm duy trì chế độ nô lệ vào thập niên 1860) đã bị tháo dỡ hoặc di dời khỏi vị trí nơi công cộng.
Vụ giật đổ tượng Colston ở Anh Quốc là một phần trong làn sóng mới nhanh chóng giật sập tượng đang quét qua phương Tây.
Đầu tuần này, tượng Columbus không những bị chặt cụt đầu ở Boston mà còn bị người ta dùng dây hạ xuống ở cả Minneapolis, Minnesota và ở Richmond, Virginia, nơi người dân đã lôi bức tượng nhà thám hiểm Thế kỷ 15 này tới một hồ nước gần đó và nhấn chìm nó, theo cùng kiểu mà tượng Colston bị ném xuống cảng.
Người ta đã dựng tấm biển tạm ghi chữ "Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sẽ không ai muốn nhớ tới ngươi" ngay bên bờ hồ.
Lo sợ những cuộc đập phá tương tự sẽ ngày càng tăng cao, lãnh đạo nhiều phe chính trị đã nhanh chóng lên án hành vi phá hủy tượng Colston và cảnh báo hành vi gỡ bỏ các tượng đài khác.
Trong một thông điệp chung hiếm hoi, Bộ trưởng Nội vụ Anh Quốc thuộc Đảng Bảo thủ, bà Priti Patel, và lãnh đạo Đảng Lao động đối lập, Sir Keir Starmer, đồng tình cho rằng cần phải lên án các cuộc tấn công tượng đài, vào lúc hàng ngàn người tập trung ở Đại học Oxford, đòi Trường Oriel phải gỡ bức tượng đá Cecil Rhodes, một người theo chủ nghĩa Anh Quốc thượng đẳng từng làm giàu bằng cách khai thác tài nguyên và người dân Châu Phi.
Trong khi bài viết này được thực hiện, bức tượng Rhodes đang nhìn chằm chằm vào chiếc lưới bảo vệ như một con mãnh thú bị giam cầm, vẫn đang bấp bên trước sự cân bằng - mời gọi thế giới soi xét số phận nào là xứng đáng với những di vật của thời đế quốc đi cướp bóc.
Để trả lời câu hỏi đó, có lẽ ta nên xem xét nguồn gốc vì sao tượng đài tồn tại và con người liên kết chặt chẽ ra sao với chúng.
Một vật thể gần giống với con người xa xưa nhất từng được biết đến là bức tượng nhỏ tạc hình thể người phụ nữ, được tìm ra trong hang động ở Rừng Swabian ở Đức vào năm 2008, có thể đem lại vài manh mối về lý do thôi thúc con người ta tạc tượng.
Cao khoảng 6cm và tạc từ ngà của voi mamút lông dày từ 40.000 năm trước, bức tượng được đặt tên là Thần Vệ Nữ Của Hohle Fels phóng đại khá thô lỗ đường nét trên cơ thể phụ nữ, và người ta cho rằng tượng được sử dụng như vật tổ thờ cúng sự sinh sản.
Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ bức tượng mà người ta tốn hàng trăm giờ kiên nhẫn tạc nên miêu tả nội dung gì, mà chính là ở chỗ nó đã bỏ qua không miêu tả nội dung gì.
Người nghệ sĩ thời tiền sử chậm rãi tạc khúc ngà này thành hình đã đưa ra một quyết định mỹ học phi thường, đó là bỏ không tạc đầu bức tượng.
Nơi lẽ ra là cổ bức tượng lại được tạc một móc vòng tròn nhỏ, mà người ta có thể xỏ một sợi dây hay mảnh da thú qua, đã được tạc cực kỳ cẩn thận.
Đong đưa trên chiếc dây chuyền, đầu bức tượng chính là đầu của người sẽ đeo món trang sức, trong tưởng tượng sẽ là nhân tố khiến bức tượng trở nên hoàn hảo khi phối kết cùng tượng.
Nói cách khác, từ khởi đầu xa xưa nhất, tượng đài có nội dung thuộc về nhận thức không thua gì tính vật chất - nội dung bức tượng thể hiện về bản thân ta nhiều hơn là về nhân vật được tạc thành tượng.
Bản năng con người trong việc nhìn nhận một khía cạnh nào đó của bản thân trong hình ảnh người khác - là điều không thể nào đo đếm được.
Sự bức thiết đó có thể giải thích vì sao người ta cảm thấy cực kỳ khó chịu khi phải chấp nhận sự tồn tại của tượng đài tôn thờ những kẻ gây ra đau đớn trong quá khứ.
Sự tồn tại của chúng nặng nề đến ngạt thở. Cơn giận dữ mà nhiều người cảm thấy khi phải chia sẻ con đường với những bóng ma khổng lồ của sự đàn áp là cực kỳ rõ ràng và thật đến mức nhục nhã.
Để giải quyết vấn đề gai góc trong việc xử lý những tượng đài tỏa ra cảm giác mà phần lớn mọi người trong xã hội cảm thấy độc hại, nhiều quốc gia đã bắt đầu áp dụng những chiến lược khác nhau.
Ở London, Thị trưởng thành phố, ông Sadiq Khan đã công bố triệu tập cuộc họp hội đồng đặc biệt nhằm thảo luận về việc tháo dỡ (và dựng) các tượng đài trong thành phố.
Hôm thứ Tư 10/6, ở Hoa Kỳ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, vốn hy vọng ra tay trước để trấn áp những cuộc cướp phá bạo lực ở Capitol Hill, đã kêu gọi tạm thời dỡ bỏ 11 tượng đài tưởng niệm các lãnh đạo thuộc Liên Minh Miền Nam.
"Các tượng đài ở Capitol nên thể hiện những lý tưởng cao đẹp nhất của người Mỹ, thể hiện chúng ta là ai và cảm hứng khiến chúng ta là một quốc gia," gương mặt thuộc phe Dân chủ ở California nói trong một tuyên bố, giải thích quyết định của bà.
"Tượng đài tưởng niệm những người đã cổ súy cho sự tàn bạo và dã man để đạt được mục đích thuần túy phân biệt chủng tộc là sự lăng mạ đầy lố bịch đối với các lý tưởng đó. Tượng những kẻ đó là nhằm tôn vinh lòng thù hận chứ không phải là di sản. Chúng phải bị dỡ bỏ."
Liệu dỡ bỏ tượng đài đi có phải là cách chữa lành tốt nhất cho căn bệnh này?
Tất nhiên, vấn đề trong chuyện nhấn chìm quá khứ đau đớn xuống nước, đó là những thứ đau buồn sẽ có xu hướng nổi lên trở lại từ đáy sâu tăm tối.
Họa sĩ đường phố người Anh Banksy, tác giả của những tác phẩm thường xuyên đào xới vào sự hời hợt trong tâm lý thiếu lòng bao dung của xã hội và buộc ta phải đối mặt với sự khó chịu của thói đạo đức giả và sự bất bình đẳng, tuần này đã đề xuất một giải pháp thiên tài cho tình thế khó xử mà xã hội đang gặp phải.
"Ta nên làm gì với cái chân cột tượng trống rỗng giữa khu vực Bristol?", Banksy đặt câu hỏi trên Instagram của ông. "Có một ý tưởng có thể phục vụ cả hai nhóm những người tiếc nhớ Colston và những người không. Chúng ta lôi ông lên từ dưới nước, đặt ông trở lại lên bệ tượng, cột sợi dây cáp vòng quanh cổ ông và làm thêm vài tượng đồng thể hiện người biểu tình với kích cỡ thật đang kéo ông ta sụp xuống. Mọi người đều vui. Một ngày đáng nhớ."
Bức tranh vẽ kèm theo (theo đó tưởng tượng ra một cách rất thông minh việc đặt lại tượng Colston ở tư thế mãi mãi loạng choạng, sắp ngã) gợi nhắc rằng, điều khó là làm sao tìm được sự cân bằng khi phải "phục vụ" những góc nhìn đa chiều của mọi người trong xã hội vốn phải chịu đựng sức nặng của tượng đài.
Đức, nơi từ lâu đã có quyết định làm sao thể hiện được ký ức về thời kỳ Phát xít trên đường phố và và quảng trường của quốc gia này, đã quyết định rằng việc tẩy xóa quá khứ không phải là lựa chọn thích hợp.
Tuy nhiên, thay vì làm bẩn không gian cộng đồng bằng những bức tượng tưởng nhớ kẻ gây ra thương đau, thì nước này đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn thay vì tưởng nhớ sự kiên cường của nạn nhân của Hitler.
Có lẽ ta nên nghĩ về tượng đài theo cách ta nghĩ về cây cối. Khi một cái cây bị sai dáng hay bị bệnh, ta nên quyết định trồng một cây con mới, cái cây đó có thể làm sạch không gian và không khiến ta ngạt thở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét