Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

1796 - Bản tin ngày 15-6-2020

Tin Biển Đông
Vụ tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96416, bị đâm và cướp bóc ở quần đảo Hoàng Sa hôm 10/6, VnExpress đưa tin: Hội nghề cá phản đối hành động vô nhân đạo của Trung Quốc. Hội nghề cá đề nghị nhà chức trách VN phản đối kịch liệt với Trung Quốc để chấm dứt ngay việc cản trở, đâm húc tàu cá ngư dân khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, có biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc.

Thuyền trưởng Nguyễn Lộc (áo trắng) thuật lại sự việc. Ảnh: Báo NLĐ

Báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc đã vi phạm Công ước về việc ngăn chặn hành động phi pháp chống lại an toàn hàng hải (SUA). GS Carl Thayer nhận định, SUA cấm việc chiếm quyền kiểm soát một con tàu bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực, thực hiện hành vi bạo lực đối với một người trên tàu nếu hành vi ấy có khả năng gây nguy hiểm cho sự an toàn của tàu và phá hủy, làm hỏng tàu hoặc hàng hóa trên tàu theo cách gây nguy hiểm cho việc di huyển an toàn của tàu.
Hôm 14/5, Bộ Ngoại Giao Việt Nam thông tin ban đầu liên quan đến vụ việc tàu QNg 96416 TS, nói rằng, “tàu cá QNg 96416 TS bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một ca nô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm”.
Như vậy, thông tin từ Bộ Ngoại giao VN đưa ra khác với lời trình báo của ông Nguyễn Lộc, thuyền trưởng tàu QNg 96416 TS, nói rằng, tàu Trung Quốc đã truy đuổi và đè ở phía sau đuôi tàu, khiến tàu của ông bị chìm.
Cũng tin Biển Đông, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết, Trung Quốc tiếp tục đe doạ Việt Nam sẽ phải lãnh chịu hậu quả nếu đưa tranh chấp Biển Đông ra Toà án quốc tế. Nguồn tin dịch tóm lược từ bài viết của Tiến sĩ Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc gia Nam Hải, Trung Quốc: Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ làm gì?
Ông Tồn đe dọa, hậu quả mà Việt Nam có thể nhận lãnh nếu khởi kiện Trung Quốc: (1) Trung Quốc có thể công bố đường cơ sở thẳng của quần đảo Trường Sa; (2) Trung Quốc sẽ cứng rắn và áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa đối với các hành vi đánh cá trái phép của Việt Nam; (3) Trung Quốc sẽ gây khó khăn hay thậm chí ngăn chặn quá trình quân sự hóa trên các thực thể mà Việt Nam đang chiếm đóng trái phép; (4) Trung Quốc sẽ xúc tiến việc thăm dò và khai thác dầu khí xung quanh bãi Tư Chính.
VOA có bài: Người Việt phản đối Đại sứ quán Trung Quốc lên án tàu Mỹ tới Biển Đông. Bài viết cho biết, nhiều người Việt lên tiếng phản đối thông tin đăng trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, về việc tàu khu trục USS Mustin của Mỹ đi vào Hoàng Sa khi “chưa được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”. Bài viết trích dẫn lời một còm sĩ tên Pham Hieu viết: “Vùng Biển đó không phải của Trung Quốc, xin người đừng nói lời dối gian. Người Trung Quốc làm điều ngược đạo thì phải có người Mỹ trừng trị”.
Uy tín quốc hội qua vụ Hồ Duy Hải
Hôm thứ 13/6, báo Thanh Niên có bài: Đại biểu Quốc hội: Án oan sai đang bào mòn lòng tin của người dân. Dẫn lời đại biểu Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết, “chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra nhận định thì thiếu cơ sở…Hiện nay rất nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, nhà nước, đòi tam quyền phân lập nên phải hết sức cảnh giác”.
Một ngày sau, trang Facebook Báo Sạch có bài bóc mẽ ông nghị Phong: Phó Chánh án Tòa cấp cao gây ‘bão’ nghị trường: Tốt nghiệp ngành nông nghiệp. Nguồn tin này cho biết, “trong suốt quá trình thăng tiến, không thấy tiểu sử của ông Phạm Hồng Phong nhắc đến việc ông này từng tốt nghiệp Cử nhân Luật – một điều kiện bắt buộc để bổ nhiệm Thẩm phán. Theo tiểu sử chính thức của ông Phong, mục Chuyên môn để Thạc sĩ Luật, Cử quản lý Kinh tế Nông nghiệp. Có lẽ con đường thăng tiến và chuyên môn như vậy nên mối quan tâm của ông Phạm Hồng Phong – một Chánh án, là ‘thế lực thù địch chống phá’ chứ không phải là công lý?”
Báo Thanh Niên có bài: ‘Đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để công kích người góp ý mình’. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, “không nên mượn bóng ma của chúng để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử. Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, ví dụ như trong hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả”.
Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin: Tranh luận về niềm tin vào tư pháp qua vụ Hồ Duy Hải. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói: “Các anh đừng bào chữa nữa. Những vụ án vừa qua, tôi đọc cả đêm hay xem từng bản ảnh như vụ Hồ Duy Hải. Những sai lầm của tư pháp, đừng đổ cho đại biểu quốc hội (ĐBQH) làm rối, ĐBQH không làm những thứ này…”.
Giải trình trước Quốc Hội sáng 15/6, Chánh án Nguyễn Hòa Bình tiếp tục “chịu đấm ăn xôi” khi nói: ‘Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội’, theo Vnexpress. Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định, vào những thời điểm quan trọng của vụ án, “Hồ Duy Hải đều nhận tội, đặc biệt lúc nhận kết luận điều tra và cáo trạng”.
Phản hồi trước phát ngôn của ông Bình, Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Chứng minh bằng tang chứng, nhân chứng đi ông Bình! Ông không chứng minh được thì phải tuyên vô tội. Quân gia của ông (thời ông là thiếu tướng Công an) chẳng CHỨNG MINH được gì bằng các BẰNG CHỨNG (còn lời khai thì bảo nó VÁC BOM NGUYÊN TỬ chắc nó cũng phải nhận). Quốc Hội nên BÃI NHIỆM ông BÌNH!!!”
Thêm một người bị bắt vì “tội chính trị”
Mạng xã hội loan tin, một người sáng lập hai nhóm Facebook “Bàn luận Kinh tế – Chính trị” 1 và 2 là ông Huỳnh Anh Khoa, sinh năm 1982, ngụ tại quận Bình Tân, Sài Gòn, đã bị bắt chiều 13/6.
Theo Facebooker Bao Ngoc Pham, người nhận là vợ ông Khoa, đưa tin hai ngày trước rằng, khoảng 15h30 chiều 13/6, công an quận Bình Tân và công an quận 8, cùng một số người khác, không mặc sắc phục chở chồng bà về và đọc lệnh khám xét nhà vì nghi chồng bà có liên quan đến chính trị. Họ có lập biên bản, bắt bà ký vô giấy khám nhà nhưng giữ hết, rồi đưa ông Khoa đi.
Hôm nay, Facebooker Bao Ngoc Pham, có bài tường thuật chi tiết vụ việc, rằng sáng nay, bà được gọi đến trụ sở Công an quận 8 để gửi cơm và áo quần cho chồng nhưng không biết ông Khoa có nhận được đồ gửi không, có còn sống hay không, vì bà không có thông tin gì về chồng mình.
Bà cũng cho biết, công an không đưa biên bản khám xét nhà và lệnh bắt giữ nên gia đình hiện vẫn không biết ông Khoa phạm tội gì. Bà viết: “Nhờ các anh chị và các bạn đã có kinh nghiệm thăm tù, hướng dẫn cho tôi biết tôi phải làm gì để yêu cầu công an cho tôi biết lý do bắt chồng tôi và giao cho tôi 2 biên bản khám nhà thu giữ đồ vật cùng lệnh bắt chồng tôi“.

Đơn xin gặp người đang bị tạm giam/tạm giữ của gia đình ông Huỳnh Anh Khoa. Nguồn: Facebook Bao Ngoc Pham

Blogger Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, người bị bắt giữ có nick facebook là Nino Huỳnh là admin group Bàn luận Kinh tế – Chính trị 2, có 46 ngàn người theo dõi, hiện group này đã bị đóng. Ngoài ông Khoa, còn có Nguyễn Đăng Thương, là admin của group cũng bị bắt.
Tin Covid-19
Hôm qua báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bắc Kinh phong tỏa, dập ổ dịch COVID-19 mới xuất hiện, thì hôm nay báo Pháp Luật TP.HCM cho hay, chính phủ đã Đồng ý cho 331 lao động Trung Quốc vào Việt Nam.
Nguồn tin này cho biết, sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam có đề nghị hỗ trợ cho phép 331 chuyên gia, lao động tay nghề cao và nhà quản lý nước này được nhập cảnh vào Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý với đề nghị trên.
Chiều 15/6, theo Trang tin về dịch Covid-19 của Bộ Y tế, Việt Nam có 334 ca nhiễm, đã khỏi 323, hiện còn 11 ca nhiễm đang được điều trị. Tại phiên họp Quốc Hội sáng nay, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Việt Nam công bố hết dịch Covid-19.
Tranh luận lại với ông Nhân, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, cần phải hết sức thận trọng vì Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng dịch thứ hai vẫn đang “treo lơ lửng” trên đầu rất nhiều nước.
Thế giới hiện có 8.028.334 ca nhiễm, trong đó đã có 436.279 người bị virus corona giết chết, theo thống kê của trang dữ liệu Worldometers. Bốn nước có số ca nhiễm dẫn đầu là Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ. Mỹ hiện có gần 2,2 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 118 ngàn người chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét