Ngập lụt sau mỗi cơn mưa không lạ gì với người dân các thành phố lớn. AFP
Thu sao cho hợp lý?
Cuối tháng 5 năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM trình Sở Tài chính phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông được Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam, thuộc Bộ Xây dựng tính toán. Giá dịch vụ chống ngập được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng.
Theo Sở Xây dựng, nếu phương án được duyệt sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho thành phố trong thời gian tới. Dự án này đang gây nhiều tranh cãi bởi xã hội hóa tức người dân sẽ phải đóng phí chống ngập.
Truyền thông trong nước dẫn lời KTS Ngô Viết Nam Sơn không đồng tình với việc yêu cầu người dân đóng khoản phí này vì tác nhân gây ngập cho TP.HCM không phải người dân.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), lại đồng tình với việc thu giá dịch vụ chống ngập. Trao đổi với RFA tối 3 tháng 6, ông phân tích:
“Phân tích chuyện chống ngập thì có hai vấn đề: Kỹ thuật và tài chính. Tranh cãi về vấn đề kỹ thuật thì hướng đi tương đối rõ. Còn vấn đề tài chính, tiền lấy từ đâu, thì lại không rõ ràng.
Bởi vì chuyện chống ngập hiện nay vẫn còn là bao cấp, mà bao cấp thì dẫn đến suy thoái sự phát triển và không lành mạnh về tài chính. Do vậy những nhà đầu tư tư nhân họ cũng không mặn mà tham gia, họ không thấy luồng tiền rõ ràng. Đó là điều trở ngại.
Rút kinh nghiệm từ những lãnh vực khác như y tế, giáo dục, giao thông, điện, nước…đều đã được xóa bao cấp, thu chi cân bằng. Chống ngập hiện nay là mất cân bằng thu chi nên tôi ủng hộ phương án thu phí chống ngập. Nhưng phải thu sao cho công bằng và phù hợp sức dân.”
Tiến sĩ Hồ Long Phi đặt câu hỏi, tại sao các dịch vụ công khác đã xóa bao cấp từ 20 năm rồi mà việc chống ngập nhà nước vẫn ‘ôm’ tới bây giờ?!
Ngoài việc không đồng tình việc yêu cầu dân đóng phí chống ngập với lý do lỗi không từ người dân, KTS Ngô Viết Nam Sơn còn nêu một bất hợp lý khác, đó là việc tính giá dịch vụ theo mét vuông. Theo ông, điều này là không hợp lý do mỗi nơi ngập mỗi khác, không thể áp dụng chung cho cả thành phố.
Khi trao đổi với RFA về vấn đề này, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, nêu quan điểm của mình:
“Theo tôi thì tính tiền phí chống ngập trên mét vuông là hợp lý. Đúng ra là phải tính từng vùng một. Nếu tính bình quân đổ đồng thì rất kẹt, vì có những vùng không ngập. Nhưng hầu như TP.HCM thì chỗ nào cũng ngập cho nên cách tính hiện nay là chia sẻ, giảm bớt gánh nặng cho những người dân vùng thấp, nếu không thì những vùng trũng sẽ phải đóng tiền rất cao.”
Với Tiến sĩ Hồ Long Phi, hiện những nơi ngập ít là do đã được đầu tư từ nguồn vốn vay. Những nơi chưa ngập cũng nên san sẻ trách nhiệm. Nhưng để công bằng thì những vùng cao chi phí thấp hơn, chỉ cần cống thoát nước thì sẽ thu phí ít, còn những vùng thấp phải ngăn triều, phải bơm nước phức tạp hơn thì phải thu phí nhiều hơn.
Ngân sách nhà nước không đủ
Từ năm 2001 thành phố đã có Chương trình chống ngập mùa mưa giai đoạn 2001-2005 với trên 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch thoát nước của thành phố, từ năm 2002, nhiều dự án lớn bắt đầu thi công và dự kiến năm 2005 sẽ giải quyết khoảng 70% số điểm ngập. Còn để đạt 100% thì phải đến năm 2020.
Cho đến hôm nay, tức 20 năm đã qua kể từ khi thành phố lập quy hoạch thoát nước đầu tiên, tình trạng ngập lụt không bớt, nếu không muốn nói là ngày càng nặng.
Tiến sĩ Hồ Long Phi giải thích:
“Một là mưa hồi xưa không dữ dội như bây giờ. Cách đây 20 năm, lúc lập quy hoạch thoát nước đầu tiên, mưa tầm 85mm thì khoảng 3 năm mới có một lần. Còn bây giờ mưa 100mm mỗi năm mỗi có. Có năm hai, ba lần.
Cái thứ hai là thủy triều. 20 năm trước thì triều 1,30 mét thì 5 năm mới xuất hiện một lần. Còn bây giờ, thủy triều đạt kỷ lục là 1,77 mét rồi. Thành ra cả mưa và triều đều tăng.
Cái thứ ba là đô thị hóa. Hồi xưa ngập người dân không kêu vì những chỗ ngập là những chỗ trữ nước, những chỗ không có dân ở. Bây giờ dân ở đó thì bị ngập ngay chỗ ở.”
Theo TS Hồ Long Phi, với ba yếu tố như vậy thì đầu tư cho hạ tầng thoát nước hiện nay là yếu nhất trong các cơ sở hạ tầng.
Chiều 26 tháng 9 năm 2016, lần đầu tiên người dân TP. HCM chứng kiến cảnh ngập lụt nặng toàn thành phố sau một trận mưa lớn. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ghi nhận đây là trận mưa lập kỷ lục số liệu của Đài từ ngày thành lập là năm 1976, tức 40 năm.
Kể từ trận ngập được cho là kỷ lục đó, hình ảnh “phố cũng như sông” không xa lạ gì với người dân thành phố sau mỗi trận mưa lớn. Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, không có tiền thì sẽ không giải quyết được vấn đề nên phải nghĩ ra nguồn thu. Ông nói:
“Từ trước đến nay cũng chống ngập mãi. Chi biết bao nhiêu tiền rồi nhưng ngân sách nhà nước thì có hạn. Nếu không có nguồn thu từ dân thì khó có khả năng ngân sách chịu được cho nên người ta nghĩ ra cách đó. Đã thu là đưa vào ngân sách hết để xử lý cho quỹ chống ngập.”
Dù rất khổ sở với tình trạng nước ngập triền miên sau mỗi cơn mưa lớn nhưng khi nghe đóng tiền chống ngập, người dân thành phố vẫn không đồng tình vì nhiều lý do. Cô Trần Kim Tuyết nêu ý kiến của mình:
“Bắt người dân đóng tiền chống ngập đó thì em sẽ không đóng vì nhà nước phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của nhà nước thì mấy ổng phải tự giải quyết với nhau chứ. Nước ngập ngoài đường sao lại bắt dân đóng? Dân đã đóng đủ thứ tiền rồi. Mấy ổng thu, mấy ổng ăn thì mấy ổng phải chi ra để chống ngập. Không thể bắt dân đóng vì nhà nước thu đủ thứ tiền, từ tiền cầu đường, tiền cầu cống…cái gì cũng thu.”
Cô Tuyết cho biết đóng bao nhiêu loại phí mà không khí vẫn ô nhiễm, đường vẫn kẹt xe nên cô không tin chính quyền sẽ giải quyết được nạn nước ngập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét