Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

1612 - "Nhận thức ngày càng rõ ràng: Trump không phải là người đúng cho công việc"

Joseph Stiglitz (Marcus Gatzke phỏng vấn)
Nguyễn Văn Vui chuyển ngữ
Vẫn còn có hy vọng cho nước Mỹ, Joseph Stiglitz, một khôi nguyên giải Nobel cho biết. Bởi vì cuộc khủng hoảng Corona có thể khiến Donald Trump mất chức. Sau đó con đường cải cách sẽ rộng mở.
ZEIT ONLINE: Thưa Giáo sư Stiglitz, đại dịch Corona ảnh hưởng đặc biệt nặng nề lên Hoa Kỳ. Ông đã nghiên cứu nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế trên khắp thế giới, trong nhiều thập kỷ. Có bao giờ ông gặp tình trạng như thế này chưa?
Joseph Stiglitz: Cuộc khủng hoảng này ít nhất cũng tồi tệ như cuộc Đại khủng hoảng. Điều khiến nó làm nhiều người bối rối là: Chúng ta đang trải qua một cú sốc cả về cung lẫn cầu - cùng một lúc. Chuyện này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Thất nghiệp đã tăng vọt lên khoảng 40 triệu chỉ sau mấy tuần. Chúng ta không biết đại dịch sẽ phát triển ra sao. Chúng ta cũng không biết các biện pháp mà giới chính trị sẽ áp dụng là gì. Tình trạng không rõ ràng là rất lớn.
ZEIT ONLINE: Tại Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang đã dỡ bỏ các hạn chế. Họ hy vọng kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng. Điều này có thực tế không?
Joseph Stiglitz: Tôi không thể tưởng tượng rằng có một người nghiêm chỉnh nào tin tưởng nổi vào sự phục hồi nhanh chóng. Lệnh đóng cửa đã ra hồi cuối tháng 3. Lúc bấy giờ nhiều người cho rằng đó chỉ là một gián đoạn ngắn mà thôi. Những điều luật thông qua Quốc hội đều được tính sẽ mất tám hoặc có thể mười tuần - trong trường hợp xấu nhất. Mọi chương trình đều được giới hạn cho đến ngày 1/6. Bây giờ thì chúng ta đang ở trong tuần lễ trước mốc thời gian đó. Cho tới ngày đó, đại dịch chắc chắn sẽ chưa hết.
ZEIT ONLINE: Ông đánh giá như thế nào về chiến lược của chính quyền Trump cho đến nay?
Joseph Stiglitz: Nó đúng là một thảm họa. Cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy một nhà nước hoạt động đàng hoàng là quan trọng dường nào, cũng như khoa học và chuyên môn là cần thiết như thế nào cho một nền dân chủ. Tại Hoa Kỳ, vai trò của nhà nước bị làm giảm nhẹ và bêu xấu trong suốt 40 năm qua. Điều này đã hạn chế hết sức mọi khả năng chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng như hiện nay. Chính quyền Trump đã nói xấu giới khoa học và cắt giảm mạnh ngân sách cho khoa học. Chẳng hạn, từ năm 2018 ban giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia chịu trách nhiệm về lập kế hoạch và ứng phó với đại dịch đã hoàn toàn bị giải thể. Thậm chí chính phủ đương nhiệm còn đã làm tất cả những gì có thể, để hôm nay chúng ta còn ít chuẩn bị hơn trước nữa.
ZEIT ONLINE: Nhưng họ cũng đã đưa ra các chương trình giải cứu khổng lồ mà.
Joseph Stiglitz: Vâng, khoảng ba nghìn tỷ đô la đã được đưa ra. Nếu tính thêm các biện pháp của Fed (Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ), số tiền giải cứu còn cao gấp đôi. Nhưng rất tiếc là số chi tiêu khổng lồ này không đạt được mục đích của nó. Mục tiêu là làm chậm sự gia tăng thất nghiệp và tiền phải đến tay tầng lớp nghèo khó nhất. Chẳng có mục tiêu nào đã thực sự đạt được cả. Hạ viện đã sẵn sàng chi ra rất nhiều tiền, và việc này thì chúng ta phải khen họ. Tuy nhiên cuối cùng, các nhóm vận động hành lang của giới kinh doanh đã quyết định cho tiền chảy về hướng nào.
ZEIT ONLINE: Ông có thể đưa ra một ví dụ không?
Joseph Stiglitz: Một trong những khiếm khuyết lớn nhất của nền kinh tế Mỹ là hệ thống an sinh xã hội tư nhân và công. Nếu lấy các nước phát triển ra so sánh, thì Hoa Kỳ có hệ thống an sinh xã hội yếu nhất. Ví dụ, ở Mỹ luật không ràng buộc trả lương tiếp cho công nhân viên khi họ nghỉ bệnh.
Giữa đại dịch, người ta không muốn những người bị bệnh mà phải đi làm. Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ sống theo kiểu tay làm hàm nhai. Họ không có một chút dự trữ nào cả. Do đó Quốc hội đã quyết định các hãng xưởng phải trả lương tiếp cho công nhân viên của mình, nếu có ai phải nghỉ bệnh vì bị nhiễm Corona. Nhưng phe vận động hành lang của các công ty lớn đã thành công trong việc đòi miễn trừ cho tất cả các công ty có hơn 500 nhân viên trở lên. Nói cách khác, luật pháp không có hiệu lực đối với hơn một nửa số công nhân viên tại Hoa Kỳ.
ZEIT ONLINE: Ông vừa đề cập đến vấn đề thất nghiệp lan rộng. Một số chuyên gia tin rằng cuộc khủng hoảng này sẽ đẩy nhanh quá trình số hóa và tự động hóa trong kinh tế. Có bao nhiêu công việc hiện tại sẽ bị mất vĩnh viễn?
Joseph Stiglitz: Nền kinh tế Mỹ đang trải qua một sự chuyển đổi lớn. Hồi khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng vậy. Và tất nhiên, những cuộc khủng hoảng như vậy sẽ làm cho cấu trúc kinh tế thay đổi nhanh hơn. Chúng ta lấy ví dụ ngành buôn bán lẻ: ngành này rất khó cạnh tranh với các nhà bán lẻ trên mạng như Amazon. Cuộc khủng hoảng này sẽ làm mất nhiều việc làm trong những ngành như vậy, và chỉ một số ít chỗ làm sẽ quay trở lại. Hoặc là các hãng hàng không: Họ sẽ mất nhiều thời gian mới vượt qua được cuộc khủng hoảng. Nhiều công ty đã nhận ra rằng các hội nghị trực tuyến cũng có thể thay thế rất tốt các hội nghị quốc tế và tiết kiệm nhiều tiền máy bay cho nhân viên.
ZEIT ONLINE: Cách phát triển này có ý nghĩa nào đối với một quốc gia, mà sự bất bình đẳng đã lên khá cao và ý chí để tái phân phối lại khá thấp?
Joseph Stiglitz: Nếu giới chính trị không có các biện pháp cải tổ, bất bình đẳng xã hội sẽ tiếp tục gia tăng. Đó là lý do tại sao cuộc bầu cử tháng 11 đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Chính quyền Trump ra sức bảo vệ các ngành công nghiệp cũ. Các ngành công nghiệp như than đá sẽ không phải là một phần của nền kinh tế năng động trong tương lai, dựa trên tri thức. Trong khi đó, đảng Dân Chủ quan tâm nhiều hơn về bất công xã hội ở Mỹ, họ muốn chuyển đổi nền kinh tế về hướng xã hội hơn. Do đó cuộc bầu cử tháng 11 là một quyết định về đường hướng phát triển. Nếu người dân chọn con đường của Trump thì thất nghiệp và bất bình đẳng sẽ vẫn còn cao trong dài hạn. Nếu ông ta thắng cử, Hoa Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng phần còn lại của thế giới cũng sẽ gặp số phận tương tự.

"Chúng ta vẫn sống trong một nền dân chủ, cho dù nó còn nhiều thiếu sót"

ZEIT ONLINE: Ông dự đoán ra sao về những gì sắp tới?
Joseph Stiglitz: Cuộc khủng hoảng đã làm tăng đáng kể khả năng Trump sẽ thất cử. Nhiều người đã nhận ra rằng đất nước này đang cần một chính phủ đàng hoàng, rằng khoa học là rất quan trọng, và lợi ích nhóm thường là nguy hiểm cho toàn xã hội. Thêm vào đó là vấn đề nhân cách đặc biệt của Donald Trump. Trong dân chúng, nhận thức ngày càng rõ ràng rằng Trump là người không đúng cho việc cai trị đất nước trong một cuộc khủng hoảng như thế này. Một người xúi dân uống chất khử trùng để giết Coronavirus hoặc xách động dân vi phạm luật pháp ở Michigan.
ZEIT ONLINE: Ngay cả khi Trump thất cử: Ông lấy sự lạc quan ở đâu mà nói Mỹ sẽ có chuyển đổi thực sự? Ông đã từng đề cập đến sức mạnh của đồng tiền trong chính trị Hoa Kỳ. Cho đến nay sức mạnh này không hề giảm, bất kể là ai đang làm chủ tòa Nhà Trắng.
Joseph Stiglitz: Đúng vậy. Tuy nhiên, có một đa số mạnh mẽ trong đảng Dân chủ rất quan ngại sức mạnh của đồng tiền và các nhóm vận động hành lang. Thêm vào đó, trong dân chúng có khoảng hai phần ba người Mỹ muốn thay đổi - ví dụ, phải kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn, phải nâng mức lương tối thiểu lên hoặc phải xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế cho mọi người dân. Đặc biệt trong giới trẻ ý chí thay đổi này là rất lớn.
ZEIT ONLINE: Ý muốn thay đổi này có được từ đâu?
Joseph Stiglitz: Cuộc khủng hoảng hiện tại đã làm lung lay niềm tin vào thị trường Mỹ. Ví dụ, thị trường không sản xuất nổi khẩu trang hoặc thiết bị bảo hộ cần thiết. Chúng ta phải tưởng tượng đó là những giọt nước nhỏ xuống liên miên trên đá, làm xói mòn những tư tưởng phổ biến ở Hoa Kỳ. Như hồi năm 2008, thị trường không tạo ra việc làm cho người dân như đã hứa hẹn.
ZEIT ONLINE: Nhưng người thắng các cuộc bầu cử sơ bộ không phải là ông Bernie Sanders của cánh tả, mà là ông Joe Biden của phe ôn hòa.
Joseph Stiglitz: Việc Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ đã bị một số người hiểu lầm là một chiến thắng của phe cấp tiến trong đảng. Tuy nhiên, với nhiều người dân Mỹ, ưu tiên cao nhất là Trump phải ra khỏi tòa Nhà Trắng. Trump thật sự là một mối nguy - cho nền kinh tế của chúng ta, cho nền dân chủ của chúng ta, cho đất nước chúng ta. Đó là lý do tại sao đảng Dân chủ đã bỏ phiếu cho ứng cử viên có cơ may chiến thắng lớn nhất trước Trump. Tôi đã luôn luôn nhận ra điều này trong nhiều cuộc trò chuyện của tôi trên mọi miền đất nước. Một điều mà chúng ta không nên quên: Biden đã được Barack Obama chọn là để đại diện cho phe tả trong đảng. Điều này cho thấy đảng Dân Chủ đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây.
ZEIT ONLINE: Cuộc khủng hoảng đang làm cho nợ công của Hoa Kỳ tăng lên gấp bội. Một tổng thống mới liệu có còn đủ không gian để vung tay điều động chuyện lớn không?
Joseph Stiglitz: Còn đủ lắm chứ. Thuế doanh nghiệp có thể được tăng lên mà không làm cho đầu tư giảm lại. Chúng ta cũng sẽ tìm sự đóng góp nhiều hơn từ tầng lớp chóp bu các thành phần đại giàu có. Thuế thừa kế có thể ngăn nước Mỹ khỏi trở thành một chế độ tài phiệt do toàn người giàu thống trị. Và một loại thuế CO2, nếu được thiết lập tốt, cũng sẽ rất có ý nghĩa. Tất cả có thể đem lại hàng nghìn tỷ đô la cho quốc gia. Ngoài ra, lãi suất -và do đó gánh nặng lãi suất cho chính phủ- sẽ vẫn ở mức thấp trong dài hạn.
ZEIT ONLINE: Khi nghe ông nói, người ta có thể đi đến kết luận rằng cuối cùng Donald Trump cũng đã làm được một điều tốt: Chính các hành vi sai trái lâu nay của Trump đã làm cho nhiều người dân tỉnh mộng và thấy ra rằng một sự chuyển đổi triệt để của Hoa Kỳ là điều vô cùng cấp thiết.
Joseph Stiglitz: Vâng. Ít nhất đó là một chút ánh sáng ở cuối chân trời mà tôi hy vọng. Trong tháng 11 tới chúng ta sẽ xem liệu niềm hy vọng này có đúng không. Chúng ta vẫn sống trong một nền dân chủ, cho dù nó còn nhiều thiếu sót. Chỉ cần người dân đi bầu đông đủ là chúng ta có thể cải tổ hệ thống của đất nước.
Joseph E. Stiglitz là giáo sư tại Đại học Columbia. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của chính phủ Bill Clinton và Phó Chủ tịch cấp cao và nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Năm 2001 ông đoạt giải Nobel về kinh tế. Giữa tháng 2 vừa qua, cuốn sách mới của ông đã được xuất bản bằng tiếng Đức: " Der Preis des Profits: Wir müssen den Kapitalismus vor sich selbst retten!" (Cái giá của lợi nhuận: chúng ta phải cứu chủ nghĩa tư bản ra khỏi nó!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét