Nguyễn Thông
Làng Trà Phương quê tôi (ở xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) hồi bắt đầu chiến tranh phá hoại lập ra hội phụ lão trồng cây hăng lắm. Chả là bộ đội tên lửa kéo quân về chiếm bãi tha ma Mả Đò để làm trận địa, mồ mả phải dời hết vào Mả Vối. Các chú đề nghị xã trồng giúp cây cối ngụy trang cho tên lửa, vậy là đội trồng cây các cụ ra đời. Nhà tôi cạnh đường thuận chỗ đi lại, nghỉ ngơi nên các cụ thường tụ họp. Tôi quanh quẩn ra vào, lúc đun siêu nước, lúc bê điếu bát cho các cụ dùng.
Gọi là phụ lão nhưng các cụ chỉ ngoài 50. Phần lớn để râu trông oai phết. Đội trưởng là cụ Thạch xóm trong, các đội viên gồm thày tôi, cụ Thấn, cụ Mưu, cụ Thê, cụ Vình, cụ Khể, cụ Bài, cụ Bé, cụ Toán…, gần hai chục cụ. Hơn chục ụ tên lửa, các cụ trồng bạch đàn, phi lao, chuối kín đặc, xanh mướt, tên lửa được dắt phủ cành lá nằm giữa rừng cây thì bọn máy bay Mỹ chịu chết không tìm được. Ấy là tôi nghe các cụ bảo vậy, sau có nghe chú Cảnh thiếu úy sĩ quan điều khiển nói nhỏ bọn Mỹ nó có nhìn bằng mắt đâu mà che. Các cụ còn trồng cho xã một hàng dừa ven đường cặp bờ đầm chạy suốt từ ngã ba Ông Viên ra khu thành phủ cũ, hơn trăm cây dừa to cao lực lưỡng đẹp như thắng cảnh của làng. Tôi xa quê từ 1976, vài năm sau về thấy trống hơ trống hoác, chả hiểu vì sao người ta lại chặt bỏ, cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Thày tôi là một tay trồng cây thứ hạng trong làng. Có lần thày dặn anh em tôi cách trồng, một lần thôi, rồi thấm, sau cứ thế mà làm. Chọn cây thẳng thớm, to cỡ ngón tay cái, cao khoảng hơn mét là được. Điều quan trọng nhất là cây phải có rễ cái, nhất là những cây lấy gỗ. Không được trồng cây quá to bởi khi đánh ra chỗ khác sẽ phải chặt bớt rễ cái đi. Đào hố sâu làm sao để đặt rễ cái xuống thẳng đứng, đừng cong queo. Chính cái rễ ấy mới giữ được cho cây chống chọi bão gió. Trồng cây chỉ cốt cho có, không những uổng công mà còn gây tai họa, thày bảo vậy.
Làng tôi từng có những cây phải phong danh hiệu lão đại thụ mới xứng, có nhẽ tuổi từ trăm năm tới vài trăm. Khi tôi còn bé vẫn may mắn gặp đủ cả các cụ cao niên ấy. Đó là 2 cây nhãn đình (trồng trước và sau đình làng) nghe nói từ thời nhà Mạc. Cây nhãn sau to chưa từng thấy, gốc phải hai người nhớn ôm chưa khít, bóng cây tỏa rợp cả vùng rộng lớn. Rễ con của nó chạy hẳn trên mặt đất xa gốc vài mét, có những đoạn trẻ con nằm hẳn lên thoải mái. Gần đình còn có hai cây gạo cao vút, thân hoành tráng, cành xòe vài thửa ruộng, từ đằng xa tít vẫn nhìn thấy nó, nhất là vào mùa tháng ba hoa đỏ rực. Ven đầm có cặp trẩu cũng thân vài người ôm, gốc xù xì đầy gai nhọn. Đầu núi Trà, gần sát làng Lái là hai cây quéo có nhẽ cũng vài trăm năm. Các cụ lão thụ mộc ấy đã chứng kiến biết bao dâu bể, trải bao đời người, đi qua cách mạng, chiến tranh một cách an toàn. Vậy mà chỉ trong vài chục năm chế độ mới, cứ rơi rụng dần. Cụ thì bị đốn hạ lấy gỗ làm nhà hợp tác, trại chăn nuôi; cụ thì bị con người tàn phá, không chăm sóc, thờ ơ, bỏ mặc. Hình ảnh biểu tượng của làng mất dần, nay chỉ còn nhõn gốc nhãn đình trong khuôn viên trường học được thầy hiệu trưởng Trí cố chăm chút lưu giữ lại, nhưng trụi thui lủi, không cành không lá, như một thứ kỷ niệm buồn. Nhiều lúc nghĩ vẩn vơ, tại sao suốt mấy trăm năm phong kiến thực dân, các cụ cây tồn tại được, xanh tốt, vững vàng, mà sau đó chỉ cần vài mươi năm người ta đã xóa sổ không thương tiếc niềm kiêu hãnh, hình ảnh đẹp đẽ thân thương của làng.
Nhắc tới việc trồng cây, không biên vài chữ về chuyện các nhà lãnh đạo trồng cây thì quả thật thiếu sót. Lâu lâu, dịp tết hoặc đi khai trương, khánh thành, về thăm nơi này nơi nọ, các ông bà ấy được đám lâu la kính cẩn mời đóng vai long trọng viên trồng cây kỷ niệm. Ừ thì trồng cây là tốt, có ai bảo xấu đâu, chỉ có điều bao nhiêu lời cụ Hồ, bao nhiêu sự gương mẫu của cụ, họ sổ toẹt hết. Không thể hiểu nổi, làm to đến hàng tứ trụ triều đình, thượng thư, phụ mẫu, kiến thức có phải dạng i tờ đâu mà cứ nhắm mắt làm liều. Đám lâu la trao xẻng thì cầm, bảo xúc đất thì xúc, bảo tưới thì tưới, cứ diễn như con rối. Lại còn quần là áo lượt, giày da bóng lộn, cổ cồn ca vát, xẻng cuốc tua xanh tua đỏ, khi đương sự trồng có bọn sai nha xúm đông xúm đỏ chiêm ngưỡng, vỗ tay, bọn quay phim chụp ảnh nhảy như choi choi ghi lại khoảnh khắc lịch sử. Trồng xong còn dựng bia đá ghi danh cho hậu thế chiêm ngưỡng. Trông không khác gì cái sân khấu tuồng, mà diễn viên chính chẳng phải ai khác chính là các ngài vua chúa thời nay.
Giời ạ, nếu chỉ có thế thôi thì vẫn còn thể tất được, tặc lưỡi thông cảm, các ông các bà ấy sính hình thức, cũng chả chết ai, chỉ hơi ngứa mắt tí. Khổ nỗi, cứ nhìn kỹ mà xem, trăm lần như một, cây được trồng, cây nào cây ấy đều cỡ đại thụ, có cây cả vòng tay người ôm, có cây cành lá sum suê, rễ rủ lòng thòng, có cây chỉ nhác qua cũng biết niên của nó chắc còn cao hơn cả tuổi người trồng. Thế mà cứ nhắm mắt nhắm mũi đào đào bới bới, xẻng xẻng cuốc cuốc, tưới ra tưới vào, mặt vênh lên, cười cười nói nói. Họ làm gì chẳng biết những cây cổ thụ cao niên ấy được bứng từ chỗ khác vào, nó to như thế thì làm gì còn rễ cái để trụ trong mưa gió bão bùng. Cắm thứ ấy xuống không khác gì đặt chiếc bẫy gieo mầm tai họa. Trồng cây kiểu vậy, vừa ngu si dốt nát, vừa tàn ác nhẫn tâm. Điều lạ là dư luận xã hội lên tiếng nhắc nhở không ít, họ vẫn cứ nhơn nhơn, nhắm mắt làm bừa. Nếu cụ Hồ có sống lại, chắc cụ cũng phải khổ sở bởi bọn hậu sinh này. Nói không quá đáng, chính đám lãnh đạo thích trồng cây to cũng phải chịu phần trách nhiệm về cái chết của cháu học sinh “bị cây đè” trong vụ đổ cây phượng vĩ không có lấy một chút rễ cái ở sân trường Bạch Đằng, quận 3, Sài Gòn vừa rồi.
Tôi thấy con người xứ mình càng ngày càng ác với cây cối. Cứ nhìn những gốc cây trên phố mà xem. Có tí đất hơn mét vuông dưới gốc, người ta cũng bịt chặt xi măng không chừa một khe hở làm chỗ tưới cây hoặc thấm nước mưa. Không ít hộ muốn cửa nhà mình thông thoáng nên tìm cách triệt hạ cây, đốt gốc, đổ thuốc độc, a xít cho nó chết dần. Nhiều con đường mới hiện đại ngợp những bê tông nhưng thiếu hẳn hàng cây xanh mát. Lại bồi hồi nhớ, năm 1972, tháng 10, chớm đông, tôi được ông anh họ lai bằng xe đạp hơn 120 cây số từ quê ở Hải Phòng lên Hà Nội nhập học. Hai anh em rong ruổi trên con đường số 5 rợp bóng mát xà cừ, hầu như nắng không tới đầu. Con đường dài xa thăm thẳm, vừa đi vừa ngắm, trò chuyện cùng cây cối, sao mà yêu đến thế. Người Pháp đã để lại thứ tàn tích của họ thật tuyệt vời. Đường số 5 mặc dù có những đoạn bị bom cày xới phá nát nhưng đẹp như một bài thơ với hai hàng xà cừ xanh ngút tầm mắt. Dĩ nhiên đó là hình ảnh còn sót lại tới đầu thập niên 70, chứ bây giờ chỉ là dĩ vãng.
Chú thích ảnh: Xe chở tên lửa núp ẩn dưới hàng cây xà cừ hồi chiến tranh - Ảnh: Corbis
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét